Những phát ngôn ấn tượng của ông Lý Quang Diệu
Sau 3 thập kỷ giữ vai trò Thủ tướng Cộng hòa Singapore, ông Lý Quang Diệu đã đưa quốc gia Đông Nam Á này từ một thuộc địa kém phát triển, nghèo tài nguyên thiên nhiên trở thành “con hổ châu Á”.
Ông Lý Quang Diệu bắt tay Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007 – Ảnh: Reuters
Sau khi từ nhiệm vào năm 1990, ông Lý Quang Diệu lui về giữ chức Bộ trưởng cấp cao dưới thời Thủ tướng Ngô Tác Đống (từ năm 1990 đến 2004), và tiếp tục làm Bộ trưởng cố vấn cho con trai Lý Hiển Long từ năm 2004 đến nay.
Tuy còn tồn tại nhiều nhận xét và ý kiến trái chiều, nhưng trong hơn 60 năm làm chính trị của mình, nhìn chung ông Lý Quang Diệu được đánh giá là một nhà chiến lược đại tài, nổi tiếng với những phát ngôn cá tính và thẳng thắn về cách điều hành đất nước và các mối quan hệ quốc tế.
Ông Lý Quang Diệu và vợ, bà Kha Ngọc Chi – Ảnh chụp màn hình trang vulcanpost.com
1. Ngày 16.9.1959, ông Lý Quang Diệu phát biểu trước Hiệp hội phóng viên quốc tế tại Singapore: “Tôi không có gì để giúp các bạn giật tít ngày hôm nay. Thật ra, tôi nghĩ rằng chìa khóa của nghệ thuật làm chính trị, một phần nằm ở cách để không trở thành tiêu đề cho nền báo chí thế giới”.
2. Phát biểu trong bữa tiệc trưa do Học viện Quản lý Australia tổ chức tại thành phố Sydney ngày 22.3.1965, ông Lý Quang Diệu cho rằng: “Để làm người dân hạnh phúc, bạn phải thực hiện 1 trong 2 việc sau: hoặc cung cấp những thứ có thể thỏa mãn họ, chẳng hạn như thực phẩm ngon hơn, quần áo đẹp hơn, nhà cửa khang trang hơn; hoặc, nếu bạn không thể làm như vậy, cho họ thấy viễn cảnh về những điều tốt đẹp sắp diễn ra”.
Buổi phát hành sách của ông Lý Quang Diệu vào tháng 8.2013 – Ảnh: Reuters
3. Ngày 30.9.1965, trong bài phát biểu tại nhà hát Victoria, thủ tướng Singapore nhắc nhở công chức nhà nước: “Tỏ ra lịch sự không lấy đi của anh thứ gì hết. Nếu câu trả lời là “không”, hãy lịch sự đáp lại tôi và giải thích. Nói cho tôi lý do tại sao lại là “không”. Đừng biến “không” thành “có”. Đừng tự khiến mình trở thành một gã hề. Câu trả lời phải được giữ nguyên là “không” nếu nó được lý giải xác đáng, nhưng hãy trả lời một cách lịch sự”.
4. Phát biểu trong buổi tuần hành nhân ngày Quốc khánh Singapore năm 1988, khi được hỏi về sự chuyển giao quyền lực cho ông Ngô Tác Đống vào năm 1990, Thủ tướng Lý Quang Diệu mạnh mẽ: “Ngay cả khi tôi đang nằm trên giường bệnh, thậm chí nếu họ đang đưa tối xuống mồ và tôi thấy có điều gì đó không đúng diễn ra, tôi sẽ bật dậy ngay lập tức”.
5. “Ngày nay, nghị sĩ không thể chỉ giỏi nói, mà còn phải giỏi thực hiện. Một vùng đất dơ dáy, hỗn loạn, nơi rác rưởi không được dọn dẹp thường xuyên và hợp lý khiến cư dân ở đó nhận thức ra rằng nếu không được bảo dưỡng tốt, giá trị bất động sản do bản thân sở hữu sẽ giảm thê thảm” (trích phát biểu của ông Lý Quang Diệu vào năm 1992, được xuất bản trong cuốnThe Wit & Wisdom of Lee Kuan Yew).
Video đang HOT
Ông Lý Quang Diệu ngày 20.3.2013 – Ảnh: Reuters
6. “Thật đáng kinh ngạc khi hầu hết nhà lãnh đạo làm việc cho các chính phủ phương Tây đương thời không cần thông qua một trường lớp đào tạo hay bằng cấp đặc biệt nào. Nhiều người được bầu chỉ vì họ phát biểu tốt và “ăn ảnh” trên truyền hình. Kết quả dành cho cử tri thì lại không mấy tốt đẹp” (trích phát biểu của ông Lý Quang Diệu vào năm 1996, được xuất bản trong cuốn The Wit & Wisdom of Lee Kuan Yew).
7. “Tôi không coi việc bỏ phiếu là một phương thức lãnh đạo. Nó thể hiện sự yếu kém trong suy nghĩ, thiếu khả năng đưa ra các quyết định độc lập mặc kệ những ý kiến trái chiều. Truyền thông hướng người dân như thế nào, anh theo thế ấy. Nếu anh không thể, hoặc không muốn, buộc người dân ủng hộ anh, thậm chí bằng cách đe dọa họ, anh không phải là một nhà lãnh đạo” (trích hồi ký Con đường thành công của ông Lý Quang Diệu).
Hữu Đạt
Theo Thanhnien
Ông Lý Quang Diệu từ trần
'Cha đẻ' của nước Cộng hòa Singapore, Lý Quang Diệu, vừa 'qua đời nhẹ nhàng' lúc 3 giờ 18 phút sáng nay 23.3 tại Bệnh viện Đa khoa nước này (SGH), hưởng thọ 91 tuổi.
Ảnh chụp cựu Thu tương Singapore Lý Quang Diệu hồi tháng 3.2013 - Anh: AFP
Văn phòng Thủ tướng (PMO) "với niềm đau buồn sâu sắc" loan đi chính thức lúc 4 giờ 11 sáng nay, 23.3, kết thúc một tháng hồi hộp, lo âu, hy vọng rồi thất vọng, sau khi PMO ngày 21.2 cho hay ông Lý đã nhập viện SGH từ hôm 5.2.2015 trong tình trạng bệnh phổi nghiêm trọng, phải nằm trong phòng cấp cứu và thở bằng máy.
Ngày 25.2, tin đồn ông Lý qua đời lan khắp cả nước khiến sáng 26.2 PMO có thông cáo cho biết ông vẫn còn đó, trong trạng thái thở bằng máy và dùng kháng sinh và thuốc an thần. Chiều 27.2, tin đồn ông qua đời lại xuất hiện và sáng 28.2 thì có thông cáo PMO nói rằng tình hình của ông "có cải thiện", khiến nhiều người hy vọng.
"Về việc bố trí để công chúng viếng thăm và tang lễ sẽ được thông báo sau", thông cáo về sự qua đời của ông Lý cho hay.
Người dân Singapore mà Thanh Niên tiếp xúc đều có ý mong ông Lý sống qua lễ Quốc khánh kỉ niệm 50 năm lập quốc vào ngày 9.8 tới. Ngày đó cách đây nửa thế kỷ, ống kính máy ảnh đã ghi được hình ảnhh ông Lý Quang Diệu rớt mắt nước tuyên bố tách Singapore ra khỏi liên bang Malaysia, bắt đầu cuộc hành trình độc lập của một đảo quốc nhỏ bé.
Ông Lý đã làm thủ tướng Singapore từ năm 1959 đến năm 1990 và được đánh giá là người có công lớn nhất trong việc đưa hòn đảo diện tích tự nhiên chưa đầy 600 cây số vuông ở Đông Nam Á "từ Thế giới thứ ba lên Thế giới thứ nhất".
Nhưng một số người trong bộ máy nhà thạo tin đã dự báo với Thanh Niên rằng tình trạng của ông Lý khó kéo dài được, chỉ có thể tính bằng ngày.
Quả vậy, đến chiều 17.3, PMO cho hay tình trạng của ông Lý "xấu đi", và ngày 18.3 thì "tồi tệ thêm" so với hôm trước. Những cập nhật đó đẩy Singapore vào không khí ngột ngạt.
Một số phóng viên từ các quốc gia lân cận đã đổ về Singapore, túc trực tại bệnh viện SGH chờ đợi giây phút người được gọi là cha đẻ của Singapore, một bộ óc lỗi lạc của khu vực và thế giới, về cõi vĩnh hằng ở tuổi 91.
Căng thẳng hơn, đúng 18 giờ ngày 18.3 (giờ địa phương), Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai cả của ông Lý, bất ngờ thay ảnh đại diện tươi cười trên Facebook cá nhân bằng bức ảnh trầm tư, ánh mắt như ngân ngấn lệ.
Hàng trăm người Singapore hiểu chuyện đã nhanh chóng vào Facebook ông Lý nói lời chia buồn và động viên. "Không ai tránh được chuyện sinh tử... Chuyến đi này là một phần của cuộc sống. Điều quan trọng hơn chính là người đó đã sống một cuộc đời đáng giá. Cả dân tộc sẽ ghi nhớ", facebooker có tên Amy Lee viết.
Hơn 5 vạn facebookers đã đánh dấu "thích" và hơn 700 người đăng tải lại bức ảnh này.
Khoảng 10 giờ đêm 18.3, trên mạng xuất hiện một thông cáo giả mạo PMO loan tin ông Lý đã qua đời. Nhiều đài truyền hình lớn như CNN của Mỹ, CCTV của Trung Quốc đã lập tức phát đi thông tin này, nhưng sau đó đã rút lại và xin lỗi.
PMO đã báo cảnh sát. Và trong vòng 24 giờ, thủ phạm, một học sinh 16 tuổi, đã bị tóm. Cậu này cho biết đã chỉnh sửa bản thông cáo ngày 2.10.2010 của PMO về sự qua đời của phu nhân ông Lý, bà Kha Ngọc Chi.
Tính toán thời điểm
Một nguồn thạo tin chính phủ nói với Thanh Niên rằng thời điểm ông Lý "ra đi" được tính toán rất cẩn thận; trong khi một nguồn khác cho biết Thủ tướng Lý Hiển Long muốn kết thúc sớm sự chịu đựng của cha mình, trong khi cô con gái là bác sĩ muốn giữ cha lâu hơn.
Trong vài năm qua, ông Lý đã nhiều lần nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng do viêm phổi, theo sau là tin đồn ông qua đời.
Thông tin về việc ông Lý nằm viện lần cuối chỉ được tiết lộ vào chiều tối ngày 21.2 (nhằm ngày mồng 3 Tết Ất Mùi, tức sau 2 ngày nghỉ Tết chính thức của Singapore kết thúc) bằng một thông cáo của PMO.
"Ông Lý Quang Diệu đã vào Bệnh viện Đa khoa Singapore hôm 5.2.2015 vì bệnh phổi nghiêm trọng... PMO sẽ cập nhật cho công chúng bất kì diễn biến quan trọng nào về sức khỏe của ông ấy", bản thông cáo ngày 21.2 viết.
Liền sau đó, trên Facebook cá nhân, đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai cả của ông Lý Quang Diệu, chia sẻ tiếp thông tin này một cách rất xúc động kèm bức ảnh vợ chồng ông và cậu con trai bị bạch tạng chụp cùng ông Lý cha vào dịp Tết năm 2013.
Tiết lộ lần đầu về tình trạng sức khỏe của cha mình trên Facebook của thủ tướng Lý Hiển Long - Ảnh chụp trang Facebook Lee Hsien Loong
"Tôi đã vào bệnh viện thăm bố sáng nay. Tôi đã không thể thăm ông vào ngày đầu tiên của Năm Mới, theo lời khuyên của các bác sĩ (của ông lẫn của tôi). Vậy nên hôm nay tôi đã chúc ông Năm Mới và sớm bình phục. Đây là lần đầu tiên trong một thời gian dài chúng tôi không thể dự bữa tiệc đoàn viên gia đình nhân dịp năm mới. Bức ảnh này được chụp vào dịp Tết 2013, năm con rắn", ông Lý Hiển Long viết.
Trước đó, hôm 15.2, ông Lý Hiển Long cũng nhập viện SGH và trải qua cuộc phẫu thuật mổ khối u ung thư tuyến tiền liệt vào ngày 16.2. Ông nhanh chóng hồi phục và trở về nhà trước khi năm Ất Mùi kịp đến.
Chiều 20.3, sau khi PMO tiếp tục loan báo về diễn biến xấu trong tình trạng sức khỏe của cha, Thủ tướng Lý Hiển Long lại đưa lên Facebook một bức ảnh cha ông bế ông lúc chưa đầy 2 tuổi, với mẹ ông đứng bên cạnh. "Cảm ơn tất cả những lời chúc và cầu nguyện mà các bạn dành cho bố tôi. Tôi thật sự xúc động. Tôi đang xem lại những bức ảnh cũ trong bộ sưu tập ảnh của gia đình. Có quá nhiều kỷ niệm hạnh phúc qua thời gian", ông Lý Hiển Long viết.
Hơn 130.000 người đã "thích" và gần 6.000 người đăng lại bức ảnh này.
Cầu nguyện
Hàng ngàn bức thiệp, lời chúc từ công chúng đã được gửi đến bệnh viện, Văn phòng Thủ tướng và nhà riêng của ông Lý, hay được viết trên các mảnh giấy nhỏ tại hàng chục sự kiện mừng năm mới và đánh dấu 50 lập quốc (1965) diễn ra khắp đảo quốc, cầu chúc ông qua khỏi cơn bạo bệnh.
Những bức thiệp cầu chúc ông Lý Quang Diệu sớm bình phục được xếp trưng bày trong phòng làm việc của ông với mong muốn ông sẽ trở lại nơi này sau khi bình phục - Ảnh do Thủ tướng Lý Hiển Long chụp
"Tôi chỉ muốn nói đến sự bình phục của ông Lý thôi. Tôi cầu mong điều đó. Ông ấy mà ra đi vào lúc này thì SG50 (đại lễ mừng Singapore 50 tuổi - PV) sẽ ảm đạm và chẳng còn ý nghĩa gì nữa", một tài xế taxi với tấm bảng mang dòng chữ "không muốn nói chuyện chính trị với hành khách " nói với phóng viên.
Từ hôm 20.3, bệnh viện SGH và một số nơi khác đã lập ra những khu vực riêng để người dân đến đặt hoa, quà và thiệp chúc phúc cho ông Lý.
Tối 20.3, công dân Malaysia mang quy chế thường trú nhân tại Singapore, kỹ sư tin học Chandrasekaran Sundaraju 48 tuổi, đã cùng vợ đến SGH cầu nguyện cho ông Lý.
"Tôi sống ở Singapore đã 20 năm và biết ông Lý đã 40 năm qua, tôi ngưỡng mộ ông ấy. Những gì ông đã làm cho Singapore sẽ còn mãi. Đặc biệt, những nguyên tắc, trật tự xã hội và tinh thần chuộng người tài mà ông ấy định hình sẽ giúp Singapore tiếp tục đi lên", ông Chandrasekaran nói với Thanh Niên.
Cựu nhà báo Chin Kah Chong 83 tuổi với "60 năm quen biết ông Lý" thì nói khi được tin ông Lý qua đời: "Dù gây nhiều tranh cãi, dù có nhiều người yêu và cũng lắm kẻ ghét, ông Lý đã làm được rất nhiều việc để Singapore có được như hôm nay mà ai cũng phải công nhận".
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Chủ tịch Vietnam Airlines hưởng lương 33 triệu đồng/tháng Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines sẽ nhận lương 33 triệu đồng/tháng, Tổng Giám đốc là 32 triệu đồng/tháng. Mức lương này đã được thông qua tại Đại hội Cổ đông lần thứ nhất diễn ra hôm nay (12/3). Vietnam Airlines sẽ chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP) từ ngày 1/4 tới đây. Với sự tham gia của...