Những phận đời bên sông Trường Giang
Giữa cái nắng bỏng da, rát thịt của một trưa tháng 7, những người phụ nữ xã Tam Hải (H.Núi Thành, Quảng Nam ) vẫn miệt mài lật từng thớ bùn đất để tìm nghêu.
Những phận đời lầm lũi miệt mài cào nghêu để mưu sinh – Ảnh: Mạnh Cường
Đến Tam Hải, ấn tượng ban đầu đập vào mắt chúng tôi là cảnh người dân thôn Bình Trung bất chấp nắng nóng vẫn miệt mài mưu sinh bằng nghề cào nghêu. Nhiều người dân địa phương cho biết, trước đây xã đảo Tam Hải sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Nhưng mấy năm trở lại đây nghề biển thất thu, bão gió liên miên nên cuộc sống người dân thêm bộn bề khó khăn.
Bà Lê Thị Hạnh (62 tuổi) trải lòng: “Chồng con đi biển bữa được bữa không nên những phụ nữ như chúng tôi không ai bảo ai cứ thế ra sông Trường Giang làm nghề cào nghêu kiếm sống. 8 năm nay ngày nào cũng thế, nắng cũng như mưa cũng phải đi làm, vất vả lắm”.
Lau vội những giọt mồ hôi thấm lẫn với nước biển, bà Lê Thị Hiền (60 tuổi, em gái bà Hạnh) tiếp lời: “Chúng tôi thường nói vui nghề này là nghề không thấy mặt trời vì mấy khi có thể đứng thẳng người mà thấy. Làm cái nghề này phụ thuộc vào con nước nên khi nước lên là phải ở nhà. Ai thuê cái gì thì làm cái đó, miễn sao có tiền để sống là làm”. Bà Hạnh cho biết, cũng như bà, nhiều người phụ nữ khác bắt đầu công việc hàng ngày từ 6 giờ sáng. Từ nhà ra đến bờ sông, họ đi dọc đầm phá để tìm nghêu. Trên nền đất đầy những con ốc găm và mảnh sành sứ theo nước sông cuốn vào, chỉ với đôi chân trần nhưng họ vẫn bước đi như không có chuyện gì.
“Công việc này khổ lắm vào mùa hè phải bán mồ hôi lẫn nước mắt để có được bát cơm. Có những đêm triều rút sớm chúng tôi lại thắp đèn để làm”, bà Lê Thị Mận (49 tuổi) chia sẻ. Bà Mận nói thêm, mỗi ngày bà kiếm được khoảng 3 – 4kg bán cho thương lái với mức giá 50.000 đồng/kg. Làm việc cả buổi sáng, bữa cơm trưa là thời điểm duy nhất mà 50 con người này có thể nghỉ ngơi để lấy lại sức sau 5 giờ đồng hồ quần quật. Đây cũng là khoảng thời gian họ tụ lại kể cho nhau nghe những thành quả của buổi sáng và truyền tai nhau về những phận đời gắn liền với con nghêu. Họ thường ăn ngay trên đầm, mỗi người lại mang cho mình một chiếc hộp nhựa riêng để đựng thức ăn. Bữa ăn của họ cũng chẳng có gì ngoài con cá, nhúm rau và một ít canh.
Nuốt miếng cơm khô cứng nghẹn nơi cổ họng, bà Hiền nói: “Vất vả đến mấy thì chúng tôi cũng cố gắng bám lấy nghề này thôi chú ạ. Bởi nơi mảnh đất khát cháy này còn nghề gì khác cho chúng tôi làm”. Ở đầm ngập mặn thôn Bình Trung còn có những người ở cái tuổi lý ra họ phải quay quần bên con cháu phải nuôi vẫn phải còng lưng ra để kiếm đồng bạc nuôi lấy mình. Bà Nguyễn Thị Bốn (70 tuổi) có lẽ là người đặc biệt nhất trong số 50 con người đang “ăn dầm, ở dề” tại vùng đầm này. Hằng ngày, bà Bốn vẫn đều đặn cùng chồng đến đầm để cào nghêu. Buổi sáng chồng làm thì bà lại theo chuyến đò qua sông lên TP.Tam Kỳ để bán vé số. Ngày nào chồng bà mệt thì bà lại thay chồng ra đầm. Cứ thế, 2 vợ chồng thay phiên nhau bám sông mưu sinh.
Video đang HOT
“Lấy nhau mấy chục năm nay nhưng vợ chồng tôi không có con. Giờ già sức yếu, nhưng không ai chăm sóc, phụng dưỡng nên 2 chúng tôi phải gắn với nghề này để có đồng ra đồng vào”, ông Bảy (72 tuổi, chồng bà Bốn) tâm sự.
13 giờ, cái nắng phả xuống mặt nghe rát rạt cũng là khi bữa cơm của những người cào nghêu trên sông Trường Giang kết thúc. Họ lại tranh thủ trở lại công việc khi cơn thủy triều kéo đến theo bóng chiều. Nhìn hình ảnh những người dân quá nhỏ bé lút cút với những chiếc áo rách vai, chiếc nón sờn cũ, đôi tất mang quá đầu gối, chúng tôi cứ liên tưởng đến những con ong miệt mài chăm chỉ tìm mật trên cánh đồng hoa. Chiều, bóng của họ kéo dài trên cát, tiếng sóng thủy triều vỗ mạnh vào bờ. Cuộc đời của họ cũng lênh đênh như những con sóng thủy triều không biết khi nào ngừng nghỉ…
Mạnh Cường
Theo Thanhnien
Trẻ em vớt sản vật biển dưới nắng
Tranh thủ thời gian nghỉ hè, nhiều em ở xã Thạch Bằng (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đội nắng ra biển vớt sản vật, đỡ đần cha mẹ.
Mấy ngày nay, trời tiếp tục nắng nóng, có ngày nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 40 độ C nhưng từ sáng sớm, nhiều trẻ em (khoảng 7-11 tuổi) ở xã Thạch Bằng vẫn tranh thủ thời gian nghỉ hè mang vợt ra biển vớt ngao, sò lông, sò huyết.
Do thời điểm này đang là mùa hè, nên sản vật khá hiếm. Các em chia thành từng tốp khoảng 2-3 người, dầm mình trong nước để vớt ngao, sò lông.
Dụng cụ để vớt sò, ngao vẫn là những chiếc vợt tự chế, cán tre dài khoảng 2m, đầu bọc lưới xung quanh chiếc vành xe đạp hoặc vòng thép uốn lại, đường kính 50-60 cm.
Nguyễn Tài Phú (11 tuổi, thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng) cho biết, trong những ngày nắng, bố mẹ thường tranh thủ đi gánh nước biển lên bán cho các nhà hàng để nuôi hải sản. Bản thân em tranh thủ ra biển vợt sò về làm thực phẩm cho gia đình, nếu được nhiều thì bán lấy tiền đỡ đần gia đình.
Khi vớt ngao, sò lông, sò huyết cần phải giữ chặt vợt, sau đó đứng trước đầu ngọn sóng để vớt. Đối với các em học sinh nhỏ tuổi, việc vớt sò khá vất vả, bởi tay còn yếu, đôi khi vẫn bị sóng lớn đánh lệch vợt.
"Thông thường em đứng ở những nơi ít sóng, bởi ra ngoài xa sóng đánh mạnh sẽ nguy hiểm. Khi đứng gần bờ thì lượng sò vớt sẽ được ít hơn", Trần Hải (8 tuổi, thôn Phú Nghĩa, xã Thạch Bằng) nói.
Để kiếm được nhiều sò hơn, một số em bơi giỏi thường lội ra chỗ nước sâu, cầm vợt lặn xuống nước, mỗi lần khoảng 30 giây để vớt sò.
Trong vòng một buổi sáng, các em có thể vớt được mỗi người hơn 1 kg sò lông và ngao.
"So với người lớn thì chả ăn thua, nhưng chúng em vẫn rất vui vì thành quả tự bản thân làm ra. Bố mẹ nói khi vớt sò về sẽ đem bán dành tiền sắm sách vở cho năm học mới", cậu bé Sơn (học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thạch Bằng) chia sẻ.
Sò lông hoặc ngao được bán với giá khoảng 15.000 đồng mỗi cân. Khi làm sạch, lấy ruột bán có thể được khoảng 40.000-50.000/kg. Các nhà hàng thường thu mua về để nấu súp, cháo, hoặc nướng sa tế, xào sả...
Ông Phan Đình Cương, Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng thông tin, nghề vớt ngao, sò của người dân có từ nhiều năm nay, tuy nhiên so với các xã khác trong huyện thì vẫn còn ở mức thấp. "Về việc trẻ em mưu sinh vớt sò ở biển, chính quyền cũng đã có khuyến cáo đến gia đình, nhà trường nên chú trọng tới việc chăm sóc con cái, khuyên bảo các em nếu ra biển nên ở gần bờ, tránh việc bơi ra xa nguy hiểm", ông Cương nói.
Đức Hùng
Theo VNE
Mót sắt mưu sinh tại siêu dự án Formosa Hàng trăm người dân thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau khi nhường đất cho dự án Formosa, không có ruộng đất canh tác, không có việc làm, đành chấp nhận quay trở lại khu vực dự án này, mót sắt mưu sinh bất chấp nguy hiểm. Dong thuyền ra biển, lặn xuống độ sâu hàng chục mét để...