Những pha “lội ngược dòng” của ngành nông nghiệp năm 2016
Sáng nay (26/12), Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triền khai kế hoạch 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị…
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2016, toàn ngành NN&PTNT đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực; tình hình sản xuất, kinh doanh được duy trì và có những “bứt phá ngoạn mục”; qua đó, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân và phát triển đất nước.
Ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được là: Tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.
Trong bối cảnh khó khăn dồn dập, liên tục xảy ra, Bộ NN&PTNT đã đề ra các giải pháp sát đúng và quyết liệt triển khai thực hiện, nên tăng trưởng ngành được phục hồi sau 6 tháng cuối năm.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: Trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định được sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng và sự điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của cả ngành nên đã phục hồi được tăng trưởng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Con số tăng trưởng GDP Ngành đạt 1,2% thể hiện sự cố gắng rất lớn của các địa phương, bà con nông dân, đường lối chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua, 70% ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung cho nông nghiệp là chính. Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn cũng chủ yếu về nông nghiệp; Chính phủ thì hầu như kỳ họp nào cũng dành một thời gian thích đáng cho nông nghiệp nên chúng ta đã giành được một kết quả trong một hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt như vậy”.
Theo báo cáo, để có thể lấy lại đà tăng trưởng ngành trong 6 tháng cuối năm, phải nhắc vai trò chỉ đạo, điều hành sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ngành cùng sự đồng hành vào cuộc của các địa phương. Như cơn bão số 1 (đầu tháng 8/2016) đã khiến 229.000ha, chiếm 45% diện tích lúa khu vực đồng bằng sông Hồng vừa cấy xong bị ngập lụt. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người vừa mới nhậm chức “tư lệnh” ngành NN&PTNT đã trực tiếp xuống bàn với 4 tỉnh trọng điểm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này gây ra. Cuối cùng, chúng ta đã có được vụ mùa bội thu với năng suất đạt từ 60-62 tạ/ha.
Nhờ chỉ đạo quyết liệt, trong năm 2016, mặt hàng rau quả đánh dấu sự phát triển mạnh vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã “vượt qua mặt hàng gạo”, cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Tương tự, mặt hàng tôm nước lợ đã phục hồi và gia tăng mạnh mẽ sau khi Bộ ban hành kế hoạch hành động cụ thể cho 6 tháng cuối năm.
Video đang HOT
“Với kế hoạch hành động quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã trực tiếp chỉ đạo các hội nghị cùng với các địa phương về quản lý giống, nuôi và tiêu thụ, nên 6 tháng cuối năm sản lượng tôm đạt vượt 650.000 tấn. Đây là một mốc lịch sử đối với tôm. Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000 ha… Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD” – ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)…; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015.
Đánh giá về tiềm năng phát triển chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Năm nay, nước ta đã xuất khẩu được gần 600.000 tấn lợn hơi sang Trung Quốc với giá trị hơn 1 tỷ USD, nhưng việc xuất khẩu này vẫn chưa bền vững do chúng ta chủ yếu xuất qua con đường tiểu ngạch. Nếu làm tốt, thị trường xuất khẩu chính ngạch mở ra thì chăn nuôi hoàn toàn có thể cung cấp được 2 triệu tấn thịt lợn sang thị trường này”.
Tựu chung lại, chính định hướng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản kịp thời với giá cả hợp lý, có lợi cho nông dân, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng ở mức “kỷ lục”, cả năm ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%… và chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai không có Tết.
Tại Hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà ngành nông nghiệp đã đạt được. Nông nghiệp, nông thôn nước ta trong những năm qua, đặc biệt là năm 2016 vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng chung GDP của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần tiếp tục khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trước mắt, huy động mọi nguồn lực lo Tết cho người dân khu vực vừa chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, không được để người dân nào không có Tết.
“Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng, không chỉ tập trung vào sản lượng; tiếp tục tổ chức sản xuất, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nông nghiệp, các công ty lâm nghiệp tổ chức sao cho có hiệu quả; Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế biến sâu; Tiếp tục khai thác mạnh mẽ quốc tế hơn; Cần tập trung phát triển theo hướng nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia, vùng miền, tránh đầu tư dàn trải” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Thủ tướng lưu ý ngành nông nghiệp 7 vấn đề
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giải trình và nêu giải pháp tập trung khắc phục 7 vấn đề.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới nhận nhiệm vụ trong thời gian chưa lâu, nhưng đã năng động, trách nhiệm, lăn lộn với công việc, đi sâu, đi sát cơ sở giải quyết nhiều điểm nóng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 21.11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra Bộ NN&PTNT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Dẫn đầu đoàn kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ NN&PTNT có phạm vi quản lý rất rộng, số nhiệm vụ được giao rất lớn. Tính từ đầu năm tới ngày 10.11, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 503 nhiệm vụ cho Bộ.
Tới nay, Bộ đã hoàn thành 352 nhiệm vụ, đạt 70%, trong đó đúng hạn 288 nhiệm vụ, quá hạn 64 nhiệm vụ, còn 128 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó số nhiệm vụ quá hạn là 14.
Mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường mới nhận nhiệm vụ trong thời gian chưa lâu, nhưng đã năng động, trách nhiệm, lăn lộn với công việc, đi sâu, đi sát cơ sở giải quyết nhiều điểm nóng, đặc biệt là nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu. Nếu trong hai quý đầu năm, nông nghiệp còn tăng trưởng âm, thì tới quý III, tính chung 9 tháng, nông nghiệp đã tăng trưởng dương trở lại. Đây là nỗ lực tạo đột phá của ngành.
"Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là một trong những bộ trưởng hết sức quyết liệt, trách nhiệm với công việc được giao, với dân. Như qua phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội và tại các phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp tích cực, thể hiện quyết tâm cao của toàn ngành", Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến đánh giá của Thủ tướng.
Tuy nhiên, qua Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT giải trình, làm rõ, tập trung khắc phục 7 vấn đề.
Thứ nhất là nhiệm vụ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp. Đây là nhiệm vụ lớn, đặc biệt hiện đang có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp hai vấn đề. "Một là muốn làm nhưng không có đất, muốn làm lớn nhưng không có đất lớn, vậy vấn đề tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa thế nào?", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. Khó khăn thứ hai là tiếp cận tín dụng cũng vướng mắc, hiện lãi suất vay trung, dài hạn khoảng 9-11%, với doanh nghiệp nông nghiệp vẫn là khó. Nhiều nơi vẫn đánh giá rủi ro trong nông nghiệp rất lớn.
Cùng với đó, cần quan tâm tới thị trường. Việc xuất khẩu nông sản hiện chỉ tập trung vào một số mặt hàng chủ lực như gạo, thủy sản, cà phê, cao su... trong khi lại nhập khẩu ngô lên tới 3 tỷ USD. Điều này liên quan tới quy trình sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Vấn đề thứ hai, Thủ tướng gợi ý làm sao cần nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đây là việc trong thời gian qua đã làm tốt, nhưng cần nỗ lực hơn, Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhắc nhở. Trong năm 2016, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai như hạn mặn, bão lụt...
Vấn đề thứ ba, trong những năm qua, Bộ đã quyết liệt xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển động mạnh mẽ trong huy động nguồn lực, trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, hiện việc xây dựng nông thôn mới đang có dấu hiệu chững lại. Mặt khác, nhiều địa phương có xu thế chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ít quan tâm tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân, dẫn tới nhiều nơi nợ đọng xây dựng cơ bản. Cùng với đó, các tiêu chí nông thôn mới có phần chưa phù hợp ở thực tiễn nhiều nơi.
"Như một làng đã có ngôi đình mà vẫn bắt buộc phải xây nhà văn hóa. Hoặc đã có trường học với các phòng rộng 60 m2, nhưng chuẩn là 70 m2, thì bắt buộc phải 70 m2 mới đạt chuẩn. Bộ cần phối hợp, phải hết sức quan tâm sửa đổi các tiêu chí chưa phù hợp", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Liên quan tới thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, VPCP đã có thông báo ý kiến Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Bộ quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc.
Vấn đề thứ tư là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề liên ngành, nhưng liên quan nhiều tới ngành nông nghiệp, xuất phát điểm là sản phẩm của ngành. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc tới hàng loạt vụ việc được người dân rất quan tâm như 3.000 lít mỡ thối, vụ phù phép lợn chết thành lợn mán, các vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng trăm người nhập viện... Vừa qua, Bộ cũng đã có văn bản trả lời rất sớm, đồng ý với đề xuất của TPHCM về việc thành lập cơ quan mới thực hiện chức năng về bảo đảm an toàn thực phẩm, thay thế chức năng của các sở.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vấn đề thứ năm, Thủ tướng gợi ý cần tăng cường quản lý về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Người dân rất băn khăn về chất cấm trong chăn nuôi, phân bón giả, kém chất lượng. Đặc biệt, với những vụ việc như việc cấp khống 800 giấy phép kiểm nghiệm thức ăn thủy sản, Thủ tướng yêu cầu Bộ hết sức nghiêm túc, làm rõ, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm, không được xử lý mang tính chất nội bộ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, về việc Bộ NN&PTNT đề xuất một đầu mối quản lý phân bón, VPCP đã có báo cáo Thủ tướng, kiến nghị giao Bộ NN&PTNT. Bởi sản phẩm phân bón gắn liền với sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề thứ sáu là công tác bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển rừng nghèo kiệt sang phát triển các dự án khác; đồng thời làm rõ các vụ phá rừng ở Kon Tum, Quảng Nam...
Vấn đề thứ bảy, Thủ tướng nhắc nhở về cơ chế hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản, đặc biệt tập trung hỗ trợ người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, có giải pháp xử lý lượng hải sản tồn đọng rất lớn lên tới hàng nghìn tấn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, các vấn đề đã tồn tại trong một thời gian dài, Bộ đã có cố gắng khắc phục, nhưng Thủ tướng Chính phủ và người dân mong muốn nỗ lực nhiều hơn, có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Theo Hà Chính (Chinhphu.vn)
Trồng dưa lê thơm, cải thiện cuộc sống Hội Nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa vừa triển khai xây dựng mô hình "Trồng dưa lê thơm cao cấp" giúp nhiều hộ nông dân xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thu nhập cao Tham gia mô hình có 20 hộ với tổng diện tích 15.000m2. Các hộ tham gia được Trung tâm Chuyển giao công...