Những ông trùm giấu mặt
Bài viết trước đã đề cập tới chi tiết Lê Văn Chiến được trả công 30 triệu đồng/chuyến tàu chạy từ Quy Nhơn đi Khâm Châu, Trung Quốc. Vậy ai đã chi tiền cho Chiến, ai mới là chủ nhân đích thực những lô hàng vi phạm pháp luật Việt Nam?
Khai thác, chế biến titan tại Bình Định (ảnh minh họa). Ảnh: X.N
Điều hành xuyên quốc gia
Video đang HOT
Tại cơ quan điều tra, Lê Văn Chiến khai: Do quan hệ rộng và biết tiếng Trung Quốc, Chiến được Dương Tân Phong (Yang Xin Feng), Trần Tông Hoa (Chen Zong Hua), Lư Gia Tường (Lu Jia Xiang), Trương Tiền Vũ (Zhang Xiang Yu), Phùng Bo (Fengchun Bo), Trác Phi Hà (Zhuo Feihe) nhờ thực hiện thủ tục mua bán, vận chuyển titan nội địa để hợp thức hóa các chuyến hàng xuất lậu sang Khâm Châu. Chuyến hàng bị bắt, theo bản cung của Chiến là của Trần Tông Hoa.
Ông này mua hàng không hóa đơn từ Cty TNHH CôVi và đã “ bỏ của chạy lấy người” ngay khi vụ việc bị vỡ lở. Những người Trung Quốc đã cung cấp số điện thoại di động, phương thức liên lạc, nhận dạng cho Chiến, để Chiến, qua Hùng, trao cho thuyền trưởng tàu hàng khi tàu cập cảng Khâm Châu. Cách thức cũng có khi thay đổi chút ít mà không cần trao số máy Trung Quốc cho người của Cty vận tải. Nghĩa là khách hàng sẽ chủ động ra đón, người trên tàu thông báo về Việt Nam. Kết hợp phối kiểm, nếu thấy trùng khớp, hàng sẽ được bàn giao.
Theo thông tin do Cục Quản lý xuất – nhập cảnh (Bộ Công an) cung cấp, từ đầu năm 2010, 6 đối tượng Trung Quốc có tên trên đã liên tục ra vào Việt Nam. Việc chuyển tiền trực tiếp luôn được giữ bí mật, thường là bằng VND và không hề có giấy biên nhận hoặc bất cứ tài liệu gì khác có khả năng lưu lại dấu vết.
Đồng tiền khuynh đảo
Kiểm tra tài khoản của Lê Văn Chiến, cơ quan điều tra xác định, từ ngày 7.1 đến 18.6.2010, các chủ hàng Trung Quốc gồm Lư Gia Tường, Trương Tiền Vũ, Phùng Bo hoặc đại diện của họ ở Móng Cái là Phạm Thu Hương, Phùng Thị Thanh đã 11 lần chuyển cho Chiến số tiền hơn 7,9 tỉ đồng. Trong đó, riêng Trương Tiền Vũ chuyển 2 lần với số tiền hơn 1,67 tỉ đồng. Ở một tài khoản khác, từ 1.7 đến 17.9.2010, Chiến đã 9 lần được chuyển tiền, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian là Lưu Bích Nga, Dương Thị Thu Oanh, Lê Thị Thanh với tổng số tiền hơn 3,28 tỉ đồng…
Cơ quan điều tra cũng đã lấy lời khai một số người chuyển tiền vào tài khoản của Chiến như Phạm Thu Hương, Lưu Bích Nga, Dương Thị Thu Oanh, Lê Thị Thanh. Tất cả đều thừa nhận đã chuyển tiền theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, Lê Văn Chiến là ai và tiền đó để làm gì thì họ nói không hề hay biết.
Ngày 7.9.2012, Viện KSND Tối cao đã truy tố Lê Văn Chiến, Nguyễn Đức Hùng ra trước TAND tỉnh Bình Định về tội “buôn lậu” theo điểm a, khoản 4, Điều 153 Bộ luật Hình sự. Cáo trạng cũng xác định giá trị 19.824 tấn quặng titan đã đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của Chiến và Đức là 13 tỉ 679 triệu đồng. Tiếc rằng những chủ nhân của các lô hàng này đã có thời gian để “ cao chạy xa bay”.
Theo laodong
Buôn lậu titan ở Bình Định: "Máu" tài nguyên đã chảy ra sao?
Ngày 30.10, TAND tỉnh Bình Định sẽ xét xử sơ thẩm Lê Văn Chiến - nguyên cán bộ Cục Hải quan Bình Định - và đồng phạm về tội buôn lậu.
Suốt nhiều năm qua, ở duyên hải miền Trung, nạn thẩm lậu titan tồn tại như một thách thức nhức nhối mà cơ quan chức năng hiếm khi bóc trần. Với vụ Lê Văn Chiến, những hoạt cảnh quay cuồng đằng sau bức màn tăm tối, lần đầu tiên được phơi bày...
Đào đãi titan tự phát ở Bình Định. Ảnh: X.N
Ngày 10.9.2010, tại cảng Quy Nhơn, tổ công tác của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) phát hiện tàu Phú Hưng 03 thuộc Cty TNHH thương mại dịch vụ vận tải biển Phú Hải Hưng chở 2.918 tấn quặng titan thô - mặt hàng cấm xuất khẩu. Lô hàng thực hiện theo hợp đồng ký với Cty TNHH MTV Hà Hải An. Ngày 12.5.2011, Cơ quan CSĐT (C46) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Chiến, Nguyễn Đức Hùng về tội buôn lậu.
Pháp nhân "đánh quả"
Từ đầu năm đến tháng 10.2010, từ Quy Nhơn, 80 chuyến tàu rời 2 cảng Quy Nhơn, Thị Nại, mang theo 215 ngàn tấn quặng titan. Trong số đó, riêng Lê Văn Chiến thực hiện 29 chuyến với số lượng titan thô lên tới 75.422 tấn. Cho đến khi bị bắt giữ, đã có 28 chuyến ra đi trót lọt dưới sự lèo lái của Chiến. Để đối phó, qua mặt cơ quan chức năng, Chiến đứng ra thuê pháp nhân ký kết hợp đồng, làm thủ tục mua bán, vận chuyển và cử Nguyễn Đức Hùng bắt tay với các Cty gồm: Cty TNHH MTV Hà Hải An (TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) Cty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Đồng Tâm (TP.Móng Cái, Quảng Ninh) Cty TNHH TMDVVTB Phú Hải Hưng (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) Cty CP VTB 18 (Thái Bình) Cty TNHH MTV Hưng Thành (Quảng Ninh) Cty TNHH vận tải Thành Cường, Cty CP thương mại Phát Đạt (cùng ở Thanh Hà, Hải Dương).
Trong số tên tuổi trên, Hà Hải An, Đồng Tâm (viết tắt) là 2 doanh nghiệp cho thuê pháp nhân thu gom, mua bán, ký hợp đồng vận chuyển với nhóm còn lại là những chủ tàu. Cứ mỗi chữ ký hoàn tất thủ tục, Đồng Tâm, Hà Hải An được Lê Văn Chiến chi trả 8.000 đồng/tấn. Cước vận tải được Chiến đặt cho Hùng ở mức 120.000 - 150.000 đồng/tấn song con số ghi trong hợp đồng là 60.000 - 80.000 đồng/tấn. Hùng là người ký xác nhận vào các bản khai kèm hợp đồng vận chuyển để lấy từ Chiến 3 - 5 triệu đồng/chuyến tàu. Lê Văn Chiến được trả công 30 triệu đồng/chuyến. Trước khi bị khởi tố, Chiến đã tự nguyện giao nộp 870 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Kết quả xác minh của Interpol Việt Nam, Viện KSND Tối cao chỉ truy tố hành vi buôn lậu của Lê Văn Chiến, Nguyễn Đức Hùng ở 8 chuyến tàu và 19.824 tấn quặng. Titan hầu hết được mua từ những đơn vị "mọc mũi sủi tăm" trên thị trường "cát đen" Bình Định như Cty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội, Cty TNHH CôVi, Cty TNHH Tấn Phát...
"Vé" nội địa, "chạy suốt" Khâm Châu
Trở lại với chuyến tàu bị C49 bắt giữ. 2.918 tấn quặng trên tàu được cung ứng bởi Cty TNHH CôVi. Hợp đồng vận chuyển ghi hành trình của lô hàng là Quy Nhơn - Quảng Ninh đây là chuyến hàng chở quặng đi Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây. Ngày 26.8.2010, tàu Hương Điền 36 của Cty CP VTB 18 chở 3.080 tấn quặng rời Quy Nhơn. Trước đó 6 ngày, hợp đồng vận chuyển do Giám đốc Cty Hà Hải An Vũ Văn Đoàn ký với đại diện Cty CP VTB 18 ghi nơi đến là cảng Quảng Ninh. Thủ tục vận chuyển nội địa chỉ là "tấm bùa phòng thân".
Thay cho việc dừng lại ở Quảng Ninh, ngày 27.8, nó đã nhập cảnh Trung Quốc. Kết quả xác minh của Interpol Việt Nam ở Khâm Châu cho thấy, trong thủ tục giao dịch với cảng vụ, tàu Hương Điền 36 đã khai báo lộ trình khởi phát từ Quy Nhơn, Việt Nam trọng lượng hàng vẫn còn nguyên 3.080 tấn! Tương tự, tàu Hưng Thành 43 (Cty TNHH MTV Hưng Thành) chở 3 chuyến tổng cộng 9.000 tấn rời Quy Nhơn các ngày 8.4, 22.5, 7.7.2010 tàu Thành Cường (Cty TNHH VTB Thành Cường) chở 2 chuyến 3.944 tấn, rời Quy Nhơn vào các ngày 7.1, 18.4.2010...
(Còn tiếp)
Theo laodong
Cuộc truy bắt giám đốc điều hành trang web đánh bạc xuyên quốc gia Khi trang web đánh bạc trực tuyến từ Campuchia bị Cảnh sát Trung Quốc đánh sập, ông trùm cờ bạc Yang Wu đã cùng 2 người quản lý trốn chạy sang Việt Nam. Cả ba tội phạm người Trung Quốc đã bị các trinh sát "tóm gáy" tại một nhà nghỉ ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Sinh năm 1972 nhưng ông trùm...