Những ông trùm buôn người ở Đông Nam Á (*): Bần cùng sinh đạo tặc
Trên có ông trùm, dưới có “cò” và “lái đò” buôn người. Họ vốn là ngư dân nghèo khổ, đánh bắt cá không đủ ăn. Từ ngày nở rộ các đường dây buôn người, họ quyết định “đổi đời” dẫu biết rằng phạm pháp.
Đảo Shah Porir Dwip giống một cảng đánh cá nhỏ hơn là nơi tạm trú của hàng ngàn di dân người Rohingya bị xua đuổi và người Bangladesh chạy trốn sự nghèo khó. Cảnh vật nơi đây hết sức hữu tình với những đọt dừa đong đưa theo gió biển, soi bóng xuống làn nước trong xanh, với những bãi cát dài miên man và trắng phau.
Tàu chở di dân bất hợp pháp người Rohingya và Bangladesh bị phát hiện trôi tự do trên biển. (Ảnh: COCONUTS BANGKOK)
Từ đảo Shah Porir Dwip, nằm ở huyện Cox’s Bazar thuộc phân khu Chittagong của Bangladesh, người ta có thể đi bộ vào đất liền khi thủy triều xuống. Có vẻ an bình là vậy nhưng mới đây, một biến cố lớn đã xảy ra. Lực lượng an ninh Bangladesh đột kích lên đảo, vây bắt các ngư dân tình nghi là “cò” và “lái đò” của những đường dây buôn người, đưa người trái phép vượt biển sang Malaysia và Indonesia.
Mờ mắt vì tiền
Kabir Hossain, sĩ quan cảnh sát địa phương, giải thích: “Tất cả đều là thuyền viên tàu đánh cá hoặc ngư dân. Đánh cá khó sống nên khi thấy buôn người kiếm được nhiều tiền, họ bỏ nghề và trở thành kẻ môi giới hoặc lái đò. Trên 60% cư dân sống trên đảo Shah Porir Dwip gián tiếp hoặc trực tiếp hoạt động buôn người”.
Cuộc đột kích do Tiểu đoàn RAB, lực lượng ưu tú nhất của cảnh sát, đảm trách. Khoảng 100 kẻ tình nghi bị bắt giữ. Ba “bố già” trên đảo bị bắn chết trong một cuộc đọ súng ác liệt. Trong đó, Dholu Hossain, 45 tuổi, là tên đầu sỏ lợi hại nhất. Một mình hắn đã thực hiện trót lọt phi vụ đưa khoảng 1.000 người Rohingya và Bangladesh đến Malaysia, Indonesia. Dân đảo đồn rằng hắn làm nổi chuyện lớn nhờ được một vị thẩm phán “chống lưng”. Cảnh sát đang điều tra vụ này.
Hòn đảo từng có 12.000 dân sinh sống giờ đây vắng như chùa Bà Đanh. Một đơn vị RAB túc trực tại đây 24/24 giờ.
Nạn buôn người từng tạo ra sự phồn thịnh trên đảo. Hầu hết nhà cửa ở đây được xây kiên cố bằng gạch, nhiều tầng lầu, khác xa những căn nhà xập xệ trên đất liền. Bangladesh là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Ngư dân cũng thuộc hạng nghèo nhất thế giới, tàu thuyền và ngư cụ lạc hậu. Cho nên, dễ đoán ra sự giàu có bất thường của dân trên đảo là từ việc làm ăn phi pháp chứ không thể từ nghề đánh cá.
Video đang HOT
Phất nhanh
Nạn nhân những đường dây buôn người không chỉ là người Rohingya. Ngày càng có nhiều người Bangladesh muốn đến Malaysia, một đất nước Hồi giáo giàu có ở Đông Nam Á. Dĩ nhiên, một chuyến đi như thế tốn rất nhiều tiền. Một chỗ trên tàu gỗ đi đến đất hứa Malaysia có giá từ 1.000 USD đến 3.000 USD. Chuyện vay nợ là tất yếu. Đầu tư lớn nhưng đi lọt hay không là chuyện hên xui. Những chuyến vượt biển như vậy ngày càng rủi ro.
Hầu hết cư dân trên đảo, nhất là người già, rất kiệm lời. Nhiều nhà báo phương Tây than phiền khó bắt chuyện với họ. Vài ngư dân trẻ tuổi dạn miệng tiết lộ: “Chúng tôi nghe nói những người vượt biển được chở trên ghe nhỏ đưa lên tàu lớn đậu ngoài khơi”. Tất cả đều rất cảnh giác trước người lạ. Họ không muốn gặp rắc rối với cảnh sát, đặc biệt là RAB.
Một viên chức Liên Hiệp Quốc công tác ở huyện Cox’s Bazar, một trong những nơi có bãi biển dài nhất thế giới (120 km), cho biết nạn buôn người phát triển mạnh từ năm 2001. Lúc đó, người Rohingya ở Myanmar bắt đầu di cư sang Thái Lan và Malaysia. Họ ra đi vì cuộc sống ở Myanmar quá bấp bênh. Năm năm sau, đến lượt người Bangladesh cũng ra đi với lý do khác: Hy vọng thoát nghèo. Theo viên chức giấu tên vì lý do an ninh này, buôn người là một dạng tội phạm cực kỳ mang lại lợi nhuận “khủng”.
Mujibur Rahman, điều tra viên cảnh sát Bangladesh, kể lại: Một “cò” phụ nữ bị bắt gần đây khai đã kiếm được 3,1 triệu taka (khoảng 868 triệu đồng) chỉ trong 6 tháng. Đây là tài sản khổng lồ bởi theo Ngân hàng Thế giới, 3/4 người Bangladesh thu nhập mỗi ngày chưa tới 2 USD.
Chính quyền Bangladesh rất muốn dẹp nạn buôn người nhưng lực bất tòng tâm. Một viên chức Liên Hiệp Quốc nhận định: “Ngoài khơi Cox’s Bazar có khoảng 9.000 tàu thuyền, hầu hết đều hoạt động không phép”. Dễ hiểu tại sao chính quyền mất quyền kiểm soát, còn các ông trùm có thừa phương tiện để vận hành cỗ máy hái ra tiền. Dưới tay chúng có hàng ngàn “cò” và “lái đò” hoạt động rất hiệu quả.
Chuyện của Salim Mohammed Salim, 30 tuổi, là người Rohingya sinh sống ở Myanmar. Một tay “cò” cũng là người đồng hương, biết Salim có anh trai đang ở Malaysia bèn dụ dỗ: “Chỉ cần anh trai chịu chi 4.000 ringgit (23,13 triệu đồng), anh sẽ được đưa đến Malaysia, không cần trả tiền trước”. Sau khi bàn bạc với anh trai, Salim đồng ý. Salim được đưa đến miền Nam Thái Lan, tạm trú trong một lán trại bí mật. Sau đó, bọn buôn người đưa anh lên một chiếc tàu gỗ vượt biển đến Malaysia. Salim hoàn toàn không biết chính quyền Bangkok đang mở chiến dịch truy quét bọn buôn người. Bị truy nã gắt gao, bọn buôn người bí mật phá hỏng máy tàu trong đêm. Chiếc tàu gỗ trôi dạt vô định trên biển nhiều ngày liền. Lương thực cạn dần, nước uống cũng không còn. Ngày 15-5, chiếc tàu chở trên 200 người “mua vé” đến Malaysia – đa số là người Rohingya, số ít là người Bangladesh – được Cảnh sát biển Thái Lan phát hiện cách đảo Koh Lipe của Thái Lan vài chục cây số. Sau khi được tiếp tế lương thực và nước uống, máy sửa xong, chiếc tàu tiếp tục cuộc hành trình vô định trên biển. Lúc đó, Thái Lan và các nước trong khu vực chưa có chính sách giữ tàu và di dân bất hợp pháp đưa vào đất liền để xử lý. Trường hợp của Salim, theo Freeland Foundation, một tổ chức chống buôn người phi chính phủ, là còn may. Bọn buôn người thường kiếm tiền ngay lúc đưa khách vào các lán trại trên đất Thái. Thân nhân của khách bị đòi tiền chuộc trung bình 2.000 USD/người. Ai không đáp ứng yêu cầu bị chúng bán cho chủ tàu đánh cá lậu Thái Lan hoặc các cơ sở công nông nghiệp nhỏ ở Malaysia. Tại các nơi này, khách buộc phải lao động như nô lệ.
Theo Nguyễn Cao
Người Lao động
Những ông trùm buôn người ở Đông Nam Á (*): "Đại ca" Tong
Một nhân vật có biệt danh "Đại ca" Tong, kẻ bị tình nghi là ông trùm đường dây buôn người Rohingya, đã tự nộp mình cho cảnh sát Thái Lan hôm 18-5 nhưng tuyên bố chỉ khai sự thật trước tòa.
Bộ Ngoại giao Mỹ từng lưu ý chính phủ Thái Lan: Một số nhân vật trong quân đội và chính quyền địa phương dính líu đến các đường dây buôn người và đưa người trái phép xuyên quốc gia. Đối tượng chủ yếu của những đường dây này là người Rohingya và Bangladesh.
Thảm họa nhân đạo
Bangkok trước đây phủ nhận mọi cáo buộc của các tổ chức nhân quyền và các nhà quan sát quốc tế cho rằng nhiều viên chức Thái Lan, kể cả quân đội và cảnh sát, đã nhắm mắt làm ngơ trước tệ nạn buôn người trên đất mình. Thậm chí, một số người còn đứng ra bảo kê hoặc trực tiếp điều hành các đường dây tội phạm. Họ đã gây ra bao thảm cảnh trên đất Thái Lan và trên biển đối với người Rohingya và Bangladesh.
"Đại ca" Tong (áo trắng). (Nguồn: CHIANGRAITIMES)
Thế nhưng, mọi sự đã thay đổi theo chiều hướng tích cực từ đầu tháng 5 vừa qua. Cả chục mồ cạn chôn vùi vội vã thi thể dân nhập cư lậu người Rohingya và Bangladesh đã được phát hiện. Trước đó, chính quyền địa phương cũng thông báo phát hiện nhiều trại giam bí mật trong rừng và trên các đảo hẻo lánh, tất cả đều ở miền Nam Thái Lan, giáp ranh với Malaysia.
Trước tình hình nêu trên, chính phủ Thái Lan đã mở chiến dịch chống buôn người và đưa người trái phép xuyên biên giới. Đối tượng bị điều tra bao gồm cả quân đội, cảnh sát, cơ quan nhà nước lẫn ngoài xã hội.
"Bứt dây động rừng", các tổ chức buôn người "chém vè", lặn sâu. Chúng tháo chạy khỏi các trại giam bí mật khiến hàng trăm tù nhân người Rohingya và Bangladesh lâm vào cảnh đói khát. Trên biển thì xảy ra thảm họa nhân đạo: Hơn 2.000 "thuyền nhân" bị bỏ rơi trong vùng lãnh hải Malaysia và Indonesia trên những con tàu gỗ đã cạn nhiên liệu, thực phẩm.
Đến nay, hơn 80 trát lệnh bắt giữ đã được phê chuẩn. Trong số này có Pajjuban Angchotephan, một doanh nhân và chính khách tên tuổi với biệt danh là Ko (đại ca) Tong. Nhân vật thứ hai là trung tướng Manus Kongpan. Cả hai đều chọn cách tự thú để đối phó với pháp luật. "Đại ca" Tong tự thú ngày 18-5 sau một tuần biết mình đang bị truy nã qua báo chí, còn trung tướng Manus tự thú ngày 3-6. Cả 2 trường hợp đều được truyền thông trong nước và quốc tế quan tâm đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, các ông trùm đường dây buôn người và đưa người trái phép xuyên biên giới của Thái Lan lộ mặt, đương đầu với pháp luật.
Trung tướng Prawut Thavornsiri, người phát ngôn Cảnh sát Thái Lan, cho biết Ko Tong chính thức nộp mình ở Bangkok sáng 18-5. Ko Tong được chở từ tỉnh Satun, quê hương y, đến sân bay Don Mueang từ sáng sớm. Tại đây, theo thông lệ, y xuất hiện trong một cuộc họp báo ngắn của cảnh sát. Nhân dịp này, trước ống kính truyền hình, tướng Somyot Poompanmoung, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Thái Lan, bác bỏ tin đồn cảnh sát đã bí mật thương lượng với Ko Tong trước khi y đầu thú.
Trước đó, Ko Tong tung tin đã liên hệ với trung tướng Chakthip Chaijinda, phó chỉ huy trưởng cảnh sát, để dàn xếp cuộc tự thú. "Đại ca" yêu cầu được đóng tiền tại ngoại nhưng bất thành; đồng thời, cũng có tin nhiều viên chức cảnh sát cao cấp đề nghị hợp sức với chính quyền Malaysia truy bắt Ko Tong sau khi có tin đồn y bỏ xứ Satun chạy qua nước này ẩn náu tại khu nghỉ dưỡng Langkawi nổi tiếng. Cảnh sát Thái cho biết đã nhận được trát lệnh bắt giữ Thassanee, vợ của Ko Tong và trung úy cảnh sát Narathorn Samphan dính líu đến đường dây buôn người.
Truyền thông Thái Lan, dẫn nguồn tin giấu tên, cho biết Ko Tong phủ nhận mọi cáo buộc và chỉ chịu khai sự thật trước tòa án. Nếu xét thấy có tội, Ko Tong có thể bị kết án từ 4-15 năm tù và bị phạt 1 triệu baht (643,65 triệu đồng).
Chính khách có máu mặt
Tỉnh Satun ở miền Nam Thái Lan, nổi tiếng là trạm trung chuyển của bọn buôn người qua Malaysia và Indonesia theo đường bộ lẫn đường biển. Ko Tong là một chính khách được nhiều người biết tiếng. Theo ông Dejrat Simsiri, Tỉnh trưởng Satun, Ko Tong từng lãnh đạo một đảng chính trị, có nhiều mối quan hệ với chính quyền địa phương và một số nhà lãnh đạo trong chính phủ. Nhờ vậy mà "đại ca" trốn tránh pháp luật được lâu như vậy.
Theo ông Samsiri, Ko Tong từng được bầu vào cơ quan chính quyền tỉnh và giữ chức chủ tịch cách đây 10 năm nhưng sau đó thất cử nên không làm nữa. Trong thời gian tại chức, y quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương huyện Padang Besar, nơi gần đây phát hiện các mồ chôn di dân Rohingya và Bangladesh. Ko Tong có nhiều đất đai ở Rat Yai, một hòn đảo nhỏ gần Malaysia. Người dân Satun cho rằng đảo này là "căn cứ địa" của Ko Tong. "Bất cứ tàu thuyền nào đi gần đảo đều bị những người lạ mặt đi tàu cao tốc xua đuổi" - một người giấu tên cho biết.
Thiếu tướng Paveen Pongsirin, phó tư lệnh vùng, cho hay Ko Tong dùng đảo Yat Rai để điều hành đường dây buôn người ở Satun. Cảnh sát vẫn đang tiếp tục điều tra chuyên án này với nhiều chứng cứ chống lại Ko Tong. 18 người liên quan đến vụ này đã bị bắt. Tướng Paveen xác nhận Ko Tong là một người rất giàu. Cảnh sát đã tịch thu tài sản của y trị giá hàng chục triệu baht.
Vua một cõi Buôn người và đưa người trái phép xuyên biên giới ở Đông Nam Á có lợi nhuận rất lớn. Chuyên gia Matthew Smith ở công ty tư vấn Fortify Rights cho biết: "Hầu hết các tay buôn người ở Myanmar và Malaysia khẳng định rằng các ông trùm Thái làm vua một cõi". Riêng năm 2012, ngành kinh doanh tội ác này ước tính đạt 250 triệu USD. Số tiền này khiến nhiều người Thái trở nên giàu có, tiền mặt dồi dào dùng để bôi trơn những nơi cần thiết. Đóng góp vào doanh thu "khủng" nêu trên là những người Rohingya ở bang Rakhine - Myanmar. Những người không quốc tịch, không có tổ quốc này đưa tiền cho bọn buôn người để lên thuyền xuôi về phía Nam với hy vọng tìm một nơi ở mới thân thiện hơn. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết trong 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 3-2015), khoảng 25.000 người Rohingya và Bangladesh nghèo khổ đã vượt biển qua vịnh Bengal. Trong đó, vài ngàn di dân đã bị bọn buôn người bỏ rơi trên biển sau khi chính quyền Thái Lan mở chiến dịch trấn áp các tổ chức buôn người.
(Kỳ tới: Bần cùng sinh đạo tặc)
Theo Nguyễn Cao
Người Lao động
Những ông trùm buôn người ở Đông Nam Á Cuộc khủng hoảng nhân đạo với nhiều mồ chôn tập thể và những chiếc tàu chở hàng ngàn người Rohingya, Bangladesh bị thả trôi vô định trên biển Đông Nam Á bắt đầu được làm sáng tỏ khi các ông trùm buôn người bị bắt giữ. Ngày 4-6, trung tướng Manus Kongpan - 58 tuổi, cố vấn cao cấp quân đội Thái Lan...