Những ông chủ Trung Quốc đi bán hàng rong
Với hàng chục nghìn bộ quần áo tồn kho, Huang Weijie hiểu rằng ông phải làm gì đó nếu muốn vượt qua cú trượt dài của nền kinh tế hậu Covid-19.
Cuối cùng, Huang, chủ một nhà máy may mặc, quyết định chất quần áo lên ôtô, lái xe xuống phố và bán rong. Hóa ra, rất nhiều chủ cơ sở sản xuất nhỏ ở Trung Quốc cũng có chung ý tưởng với Huang.
Suốt nhiều năm, các quầy hàng ven đường, những quán hàng rong luôn bị coi là biểu hiện của sự rối loạn và lạc hậu trong mắt chính quyền Trung Quốc. Thành quản, lực lượng quản lý trật tự đô thị, được giao nhiệm vụ dẹp hàng quán bán rong trên đường phố. Cách làm có phần thô bạo, quyết liệt của thành quản đôi khi dẫn tới những cuộc tranh cãi gay gắt giữa người bán rong và nhà chức trách.
Huang Weijie trên một khu phố tập trung nhiều sạp hàng ở Quảng Đông. Ảnh: SCMP.
Nhưng tháng trước, dưới ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 với nền kinh tế, chính quyền Trung Quốc dường như đã thay đổi quan điểm. Thủ tướng Lý Khắc Cường ca ngợi thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, vì đã tạo ra được 100.000 việc làm nhờ cho phép mở cửa 36.000 quầy hàng trên đường phố.
Tuy nhiên, những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến vẫn tỏ ra nghi ngại với mô hình kinh tế đó. Chính quyền các địa phương này cho rằng “nền kinh tế hàng rong” không phù hợp với kế hoạch phát triển của họ. Một số nơi còn tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát hoạt động bán hàng rong.
Dù vậy, lời động viên từ Thủ tướng Lý đã tiếp động lực cho Huang, 44 tuổi, chủ một nhà máy dệt may đang chật vật tồn tại ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc.
Trước đây, những hàng rong ven đường chủ yếu là công cụ kiếm kế sinh nhai của những người có thu nhập thấp hay thất nghiệp. Nhưng khi Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho cả doanh thu trong và ngoài nước, khiến hàng chục triệu lao động rơi vào cảnh bấp bênh, ngay cả những chủ xưởng như Huang cũng phải xuống đường để tồn tại.
“Tôi từng nghĩ đến việc đóng cửa nhà máy, nhưng sự ủng hộ của Thủ tướng Lý Khắc Cường với ‘kinh tế hàng rong’ đã truyền cảm hứng cho tôi”, Huang chia sẻ.
Khác với những người bán hàng rong bình thường chỉ đủ khả năng dựng một quầy hàng nhỏ ven đường, Huang lái một chiếc Toyota màu trắng với một tấm bạt trong cốp và chất đầy quần áo đủ màu trong xe.
Huang trả tiền thuê quầy hàng ở nhiều khu dân cư khác nhau tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông. Sau khoảng một tuần, ông chuyển đến Phật Sơn, rồi cứ thế lần lượt đi tới các thành phố khác trong vùng như Đông Quan hay Trung Sơn.
Nhưng Huang thừa nhận rằng rất khó để mở quầy hàng bán rong tại những trung tâm thương mại ở các thành phố lớn của Quảng Đông như Quảng Châu, Đông Quan và Thâm Quyến. Các khu bán hàng rong chủ yếu mọc lên ở những thị trấn, thành phố nhỏ, xung quanh các nhà máy, khu công nghiệp.
Huang đã điều hành nhà máy dệt may của mình hơn 10 năm. Hoạt động kinh doanh từng rất thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhưng nhà máy rơi vào trì trệ kể từ khi Covid-19 bùng phát.
“Tôi còn tới hàng chục nghìn bộ quần áo tồn kho từ cuối năm ngoái”, Huang cho hay.
Video đang HOT
Ông ban đầu tìm cách đẩy hàng cho các chợ bán buôn và cửa hàng bán lẻ, nhưng không thành công bởi nơi nào cũng đều gặp khó khăn. Sau lời động viên từ Thủ tướng Lý, Huang bắt đầu thử xem thị trường đường phố có thể giúp ông giải quyết chỗ hàng tồn và trở thành một kênh mang đến dòng tiền ổn định, cho phép nhà máy tiếp tục hoạt động ở mức tối thiểu, ít nhất là trong nửa cuối năm nay hay không.
Những hoàn cảnh như của Huang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Hàng loạt cơ sở sản xuất nhỏ ở mọi ngành nghề đang phải chịu cú sốc nặng nề do tác động của Covid-19. Họ hiện đối mặt với tình trạng thiếu vốn trầm trọng để có thể tiếp tục hoạt động, trong khi số lượng hàng tồn kho tăng lên không ngừng.
“Mọi người đều kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi nhưng với tình hình dịch bệnh như hiện nay, khi số ca nhiễm nCoV vẫn tăng mạnh trên toàn cầu, chúng tôi biết đó chỉ là ước mơ”, Huang nói. “Chúng tôi không thể trả các khoản thanh toán để tiếp tục vận hành nhà máy bởi chúng tôi đã cạn tiền rồi”.
Liang Lu, người điều hành một hiệp hội nhà sản xuất ở Đông Quan, liệt kê một danh sách dài những cơ sở phải đóng cửa vì dịch bệnh.
“Tuần trước, chủ một nhà máy đến nhờ chúng tôi bán giúp 4 triệu đôi tất tồn kho. Tuần này, một xưởng giày dép tìm đến với hàng chục nghìn sản phẩm ế trị giá tới 16 triệu tệ (2,29 triệu USD)”, Liang kể. “Nhiều sản phẩm phục vụ xuất khẩu nay chỉ biết nằm im trong kho”.
Ngày 15/7, nhà máy giày dép Lida ở Quảng Châu thông báo sẽ đóng cửa, khiến 1.200 công nhân thất nghiệp. Công ty cho biết hoạt động xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Trong thư gửi nhân viên, ban lãnh đạo công ty cho biết đã tìm mọi cách để tăng đơn hàng và giữ dòng tiền nhưng không thành công. Cuối cùng, công ty phải đóng cửa.
Theo Huang, những chợ bán buôn ở Quảng Châu ngày càng có ít doanh nghiệp hoạt động. Đây từng là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc, liên tục xuất đơn hàng đến mọi ngõ ngách của đất nước và trên toàn thế giới.
“Doanh số tại những chợ bán buôn quần áo đang giảm sút và ngày càng có ít khách nước ngoài”, Huang cho biết.
Trước dịch, Quảng Đông thu hút khoảng 40 triệu người nhập cư từ khắp nơi trên đất nước tới làm việc. Hồi tháng 5, Huang từng thử thuê gian hàng tại phố đi bộ mua sắm Thượng Hạ Cửu sầm uất nhất Quảng Châu, với giá 3.500 tệ/tháng (500 USD) để bán hàng tồn kho. Huang tin đây sẽ là mảnh đất màu mỡ giúp anh cứu vãn tình hình kinh doanh, nhưng mọi thứ không diễn ra như kế hoạch.
“Cả tháng trời, tôi bán chưa được 4.000 tệ (hơn 570 USD) tại cửa hàng ở Thượng Hạ Cửu”, Huang nói. “Sức mua của người nhập cư ở Quảng Đông giảm so với trước đây rất nhiều và không ít người đã bỏ đi vì nhà máy đóng cửa”.
Các cửa hàng ở Thượng Hạ Cửu thi nhau giảm giá trong nỗ lực tuyệt vọng để bán hết hàng tồn, theo lời Huang. Nhưng ngay cả vậy, doanh số vẫn rất thấp.
Tháng trước, Huang thuê một căn hộ với giá 350 tệ (50 USD) ở khu dân cư Tiểu Lãm, thành phố Trung Sơn. Từ đây, anh đi tìm các khu bán hàng rong trong bán kính 20 km.
“Tôi lần mò và vẽ bản đồ các khu bán hàng rong gần căn hộ của mình, nơi tập trung đông lao động nhập cư làm việc, sinh sống”, anh kể. “Hầu hết các sạp hàng chỉ rộng khoảng 6 m2, có giá thuê 400-600 tệ/tháng (57-86 USD). Ở một số nơi, tôi kiếm được 500 tệ (71 USD) một đêm, nơi thì 200 tệ (gần 29 USD). Tôi định mở khoảng 20 cửa hàng như vậy và thuê thêm người bán”.
Nhưng triển vọng kinh tế ảm đạm ảnh hưởng khá lớn tới tâm lý của Huang. “Ban đêm tại những khu công nghiệp, nơi công nhân vài năm trước vẫn tấp nập làm tăng ca, giờ đây thật tĩnh mịch”, anh chia sẻ.
Tình hình kinh doanh của các nhà sản xuất nhỏ thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn nữa trước khi khởi sắc trở lại.
Simon Zhao, chuyên gia từ Đại học Quốc tế Chu Hải, dự đoán các nhà máy Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đóng cửa do nhu cầu cả trong và ngoài nước vẫn yếu trong những tháng sắp tới. “Điều này sẽ tiếp diễn cho đến khi năng lực sản xuất của những người tham gia thị trường cân bằng với nhu cầu thị trường”, Zhao nói.
Trung Quốc hé lộ các điều khoản luật an ninh Hong Kong
Một số điều khoản luật an ninh Hong Kong được truyền thông Trung Quốc công bố hôm nay, trong đó có thành lập ủy ban an ninh ở đặc khu.
Cả chính quyền trung ương và đặc khu sẽ cùng thành lập các cơ quan mới ở Hong Kong nhằm giám sát việc thực thi luật an ninh, theo thông tin về dự thảo luật được Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc công bố trên Xinhua hôm nay. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh hé lộ các điều khoản chính thức của dự luật an ninh Hong Kong sắp được thông qua.
Dự luật có 66 điều và 6 chương, gồm các nguyên tắc chung, nghĩa vụ và tổ chức của Hong Kong trong đảm bảo an ninh quốc gia, các hành vi phạm tội và mức phạt, quyền tư pháp với các vụ án an ninh quốc gia, áp dụng luật và các quy trình, các tổ chức của chính quyền trung ương ở Hong Kong để bảo vệ an ninh quốc gia, và các điều khoản bổ sung.
Theo dự luật, cơ quan được Trung Quốc đại lục thành lập có tên là Văn phòng Ủy viên An ninh Quốc gia Trung Quốc đại lục tại Đặc khu Hành chính Hong Kong, chịu trách nhiệm phân tích tình hình an ninh quốc gia ở Hong Kong và đưa ra khuyến nghị về các chiến lược và chính sách quan trọng.
Văn phòng này sẽ "theo dõi, giám sát, hợp tác và hỗ trợ" chính quyền đặc khu trong bảo vệ an ninh quốc gia, thu thập và phân tích thông tin tình báo liên quan đến an ninh quốc gia và xử lý các vụ án liên quan theo luật an ninh.
Cơ quan này và các "cơ quan nhà nước có liên quan" của đại lục cũng sẽ thực thi quyền tư pháp với một số vụ đe dọa an ninh quốc gia.
Trong khi đó, chính quyền Hong Kong sẽ thành lập một "ủy ban bảo vệ an ninh quốc gia" do trưởng đặc khu đứng đầu, với ít nhất 10 ủy viên, trong đó có cảnh sát trưởng và quan chức đứng đầu ngành hải quan.
Ủy ban an ninh này sẽ có một ủy viên là cố vấn chính quyền trung ương, trong khi trưởng đặc khu Hong Kong có quyền chỉ định các thẩm phán từ bộ máy tư pháp hiện nay để chủ trì các phiên tòa.
Dự thảo luật cũng yêu cầu chính quyền Hong Kong hoàn thiện điều luật an ninh đặc khu càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, quyền diễn giải điều luật này sẽ thuộc về Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc và Bắc Kinh bảo lưu quyền phủ quyết trong "một số vụ hiếm hoi nhất định".
Luật an ninh do Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc thông qua một khi được thi hành sẽ có hiệu lực cao hơn bất cứ điều luật nào của Hong Kong mâu thuẫn với nó.
Thông tin được Xinhua công bố vài giờ sau khi Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc kết thúc phiên họp ba ngày về các dự thảo luật mới, trong đó có luật an ninh Hong Kong. Tuy nhiên, toàn văn dự thảo luật an ninh chưa được công bố.
Theo kế hoạch của Bắc Kinh, luật an ninh do Ủy ban Thường vụ quốc hội xây dựng sẽ cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài hoặc bên ngoài để đe dọa an ninh quốc gia. Chính quyền Hong Kong phải thành lập các cơ quan mới để bảo vệ an ninh quốc gia và cho phép các cơ quan an ninh đại lục hoạt động ở thành phố "khi cần thiết".
Các biện pháp trừng phạt trong luật an ninh Hong Kong vẫn được giữ kín, sau khi quốc hội Trung Quốc phê chuẩn nghị quyết xây dựng luật hôm 28/5. Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc hôm 18/6 bắt đầu thảo luận về dự luật, sau khi thông báo một số điều khoản bổ sung.
Hiện chưa rõ luật an ninh Hong Kong sẽ có hiệu lực từ khi nào, nhưng Ip Kwok-him, đại biểu Hong Kong tại quốc hội Trung Quốc, cho rằng một phiên họp đặc biệt sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 để thảo luận thêm và thông qua đạo luật.
Đạo luật sẽ định hình tương lai của Hong Kong, làm dấy lên câu hỏi về quyền tự chủ của đặc khu hành chính cũng như vị thế toàn cầu tương lai của nó.
Cảnh sát chống bạo động đối đầu với người biểu tình Hong Kong, ngày 27/5. Ảnh: Reuters.
Luật an ninh Hong Kong làm bùng phát nhiều cuộc biểu tình phản đối và khiến Mỹ tuyên bố tước tình trạng thương mại đặc biệt của đặc khu, vốn giúp nơi này trở thành trung tâm tài chính quan trọng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây.
Các chính trị gia đối lập ở Hong Kong cho rằng luật an ninh do Bắc Kinh đề xuất đặt dấu chấm hết cho nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" mà đặc khu được hưởng từ năm 1997. Trước khi Hong Kong được Anh trao trả, Trung Quốc đồng ý đảm bảo cấu trúc chính trị và nền kinh tế của thành phố trong ít nhất 50 năm.
Bắc Kinh quyết tâm áp luật an ninh Hong Kong, bất chấp các ngoại trưởng G7 hôm 17/6 cảnh báo đạo luật "sẽ gây nguy hiểm tới hệ thống cho phép Hong Kong phát triển và thành công trong nhiều năm tới".
"Trung Quốc kiên quyết thúc đẩy luật an ninh quốc gia tại Hong Kong", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo hôm 18/6, đồng thời yêu cầu chính phủ các nước "ngừng can thiệp vào vấn đề Hong Kong và vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn nút biểu quyết luật an ninh Hong Kong trong phiên cuối kỳ họp quốc hội ở Bắc Kinh, ngày 28/5. Ảnh: Reuters.
Nhiều người lo ngại việc áp dụng luật an ninh Hong Kong có thể làm tình hình xấu đi trong bối cảnh đặc khu phải đối phó với suy thoái kinh tế lớn nhất vì biểu tình và lệnh phong tỏa ngăn đại dịch, khiến nhiều người phải ở nhà, còn ngành du lịch của thành phố gần như tê liệt.
Tình trạng thất nghiệp tại Hong Kong lên mức cao nhất trong 15 năm qua, các nhà đầu tư đang chuyển tiền ra khỏi Hong Kong, trong khi người nước ngoài và dân địa phương đang xem xét rời đặc khu.
Tuy nhiên, Trưởng đặc khu Carrie Lam tán thành luật an ninh Hong Kong dù chưa biết nội dung cụ thể của nó. Theo một cuộc khảo sát của Chương trình Ý kiến Công chúng Hong Kong ngày 29/5, phần lớn người được hỏi phản đối dự luật an ninh này.
Các chi tiết trong dự thảo luật an ninh Hong Kong mới được công bố khiến một số chính trị gia tại đặc khu lo ngại và hoài nghi. "Đáng lo ngại nhất là dự luật thiếu chi tiết và rất mơ hồ khi đề cập đến các hành động phạm tội cụ thể", chính trị gia thuộc phe dân chủ Alvin Yeung nói.
"Về cơ bản, trưởng đặc khu sẽ được trao quyền chọn thẩm phán xét xử các vụ án về an ninh quốc gia, song chi tiết về cách thức lựa chọn này thế nào", Yeung đặt câu hỏi.
Steven Leung, giám đốc kinh doanh của công ty tài chính UOB-Kay Hian tại Hong Kong, cho rằng các chi tiết vừa được công bố của dự luật "không gây ngạc nhiên lớn" cho giới kinh doanh ở đặc khu.
"Chúng tôi chưa thấy dòng vốn khổng lồ chảy ra ngoài. Hong Kong sẽ vẫn là một trung tâm tài chính toàn cầu và điều này sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Điều tốt là sự mơ hồ về dự luật giờ đây đã biến mất", Leung nói.
Trung Quốc tuyên bố đáp trả mọi hành động của Mỹ Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện mọi biện pháp đối phó nếu Mỹ can thiệp vấn đề nội bộ cũng như đáp trả luật an ninh Hong Kong. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này đã giao thiệp chính thức với Mỹ, Anh,...