Những ông chủ ‘chê’ tiền ngân hàng
Sử dụng nguồn tự có, tận dụng dòng tiền của đối tác và huy động qua thị trường chứng khoán là cách để các doanh nghiệp này xoay sở vốn kinh doanh mà không cần tới gõ cửa ngân hàng.
Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh thành lập cách đây 11 năm, với mặt hàng kinh doanh ban đầu là máy tính, rồi sau chuyển sang điện máy. Ngay từ những ngày đầu, ông Trần Xuân Kiên – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty kiên định với chủ trương không vay vốn ngân hàng.
“Nếu nói tiềm lực tài chính của mình mạnh, không cần vay thì không đúng lắm. Bản chất của kinh doanh bán lẻ đa phần là sử dụng vốn do các nhà cung cấp cho nợ thôi. Nên nếu hoạt động có hiệu quả, thì không phải sử dụng vốn vay”, ông chủ chuỗi 4 siêu thị điện máy tại Hà Nội lý giải.
Nhiều doanh nghiệp vẫn kinh doanh tốt dù không vay vốn ngân hàng. Ảnh: Hoàng Hà
Thông thường, các siêu thị được nhà cung cấp cho nợ thanh toán trong vòng 30 đến 40 ngày. Trong khi vòng quay hàng tồn kho mất 20 đến 25 ngày, nếu đơn vị nào quản trị tốt có thể quay vòng nhanh trong 15 ngày. Trong thời gian còn lại 15 ngày, số tiền chưa phải thanh toán cho đối tác lại trở thành tiền dư của doanh nghiệp.
“Mình có thể dùng số tiền dư này để thanh toán ngay với lô hàng sau. Và khi thanh toán ngay thì mình có lợi thế là được chiết khấu giảm giá”, ông Kiên chia sẻ bí quyết.
Kết quả kinh doanh 2012 không bằng năm trước đó, nhưng Trần Anh vẫn lãi sau thuế trên 30 tỷ đồng. Năm 2013, Trần Anh dự kiến giữ nguyên chỉ tiêu kinh doanh và sẽ mở thêm 8 siêu thị nữa, nâng tổng số siêu thị tại Hà Nội lên con số 12. Chia sẻ về cách thức tích lũy và huy động vốn từ trước tới nay của Trần Anh, ông Kiên cho biết, cơ bản liên quan tới “quản trị dòng tiền và quản trị hàng tồn kho”.
Video đang HOT
“Tôi là dân kinh tế ra, nên rất hiểu ý nghĩa của dòng tiền và quản lý hàng tồn kho, tôi quan tâm tới điều này ngay từ lúc mà công ty còn nhỏ. Nó giống như một guồng máy, khi mà hoạt động tốt, có thể mình cũng vẫn có chừng ấy tiền thôi, nhưng do mình cải thiện vòng quay, nên mình lại có vốn gấp đôi thị trường”, ông Kiên nói.
Cũng không vay vốn ngân hàng từ khi thành lập, Công ty cổ phần Thế kỷ 21 (mã CK: C21) từ khi lên sàn có lợi nhuận “khá ổn định”, với lãi sau thuế năm 2012 đạt gần 70 tỷ đồng, còn năm 2011 là 73 tỷ đồng. Thế kỷ 21 là một công ty địa ốc lâu năm, ra đời vào năm 1993, là một trong những công ty đầu tiên có cao ốc.
Đề cập về cách quản lý để mang lại lợi nhuận và chia cổ tức đều đều 20% mỗi năm cho cổ đông, ông Huỳnh Sơn Phước – Tổng giám đốc Thế kỷ 21 cho biết công ty chủ trương đi vào lĩnh vực mình am hiểu nhất và đứng trên 2 chân là bất động sản – du lịch, không sa đà vào các kênh khác.
Cũng theo ông Phước, do là công ty đại chúng, huy động vốn chủ yếu qua sàn chứng khoán bằng cách phát hành cổ phiếu, nên Thế kỷ 21 đặt rất nặng vấn đề kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro.
“Mình chỉ phát triển ở mức nhỏ và trung bình. Không vay vốn thì thì khó phát triển kinh doanh lớn, nhưng khi có đổ vỡ hay tăng giảm lãi suất cũng không bị thiệt hại nhiều. Trong trường hợp kinh tế bây giờ, mới thấy anh thận trọng là tốt”, ông Phước nói.
Công ty cổ phần du lịch dịch vụ Hội An (mã CK: HOT) tự tin là công ty kinh doanh “chưa bao giờ thua lỗ từ khi thành lập”. Tổng giám đốc Lê Tiến Dũng cho biết hiện vốn cho hoạt động kinh doanh vẫn tốt nên công ty chưa có nhu cầu vay ngân hàng. Năm 2012, HOT đạt lợi nhuận sau thuế 33 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2011 và đã trả cổ tức đợt 2/2012 cho cổ đông là hơn 17% bằng tiền mặt.
Nói về kinh nghiệm kinh doanh, ông Dũng cho hay, yếu tố luôn đặt lên hàng đầu là “buôn có bạn bán có phường” nghĩa là phải chọn địa điểm hợp lý, không quá xa trung tâm, đồng thời, làm vừa lòng khách thông qua việc cung cấp dịch vụ tốt. Thêm vào đó, công ty đã định hướng được sản phẩm đúng đắn, khách sạn 4 sao của công ty sát với điểm đến du lịch Hội An nên đó cũng là lợi thế giúp công ty có được lợi nhuận tốt. Ngoài ra, công ty còn tận dụng được lợi thế kinh doanh trực tuyến, cụ thể, cho khách hàng đặt phòng qua mạng. Do vậy, lượng khách hàng cũng tăng lên trong năm 2012, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách.
Ông Dũng cho biết thêm, mảng khách sạn, nhà hàng đem về lợi nhuận nhiều nhất cho công ty trong năm qua. Ông đánh giá, để đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng khách sản nguồn vốn bỏ ra khá lớn nhưng dễ thu hồi vốn và lợi nhuận mà lĩnh vực này mang lại cao.
Theo ông Phan Văn Thiện – Phó giám đốc Công ty cổ phần Bibica (mã CK: BBC), từ khi cổ phần hóa vào năm 1998 đến nay, công ty chủ yếu kinh doanh dựa vào vốn tự có. Chỉ khi vào mùa vụ cao điểm (Tết Nguyên Đán), lượng hàng cung ứng ra thị trường tăng cao, Bibica mới phải vay thêm ngân hàng với số lượng “không đáng kể” khoảng dưới 10 tỷ để dự phòng trong sản xuất.
Năm 2013, Bibica cho biết, dù có khó khăn nhưng sẽ hạn chế việc vay ngân hàng để giảm bớt chi phí về tài chính. Công ty sẽ đẩy mạnh giải quyết yếu tố đầu ra bằng cách tăng đầu tư hệ thống phân phối, đồng thời, tăng xuất khẩu lên 30% so với 2012.
Mặt khác, theo ông Thiện, Bibica sẽ cố gắng cân đối nguồn nguyên liệu dữ trữ bằng cách tranh thủ thu mua nguyên liệu ở mức giá thấp để dự trữ. Chẳng hạn như đường, bột mỳ, trong năm thường có những thời điểm giá rất rẻ, Bibica sẽ tranh thủ mua vào để dự trữ, tránh mùa cao điểm vì lúc đó mua vào giá sẽ cao, chi phí sản xuất sẽ tăng mạnh khiến giá thành sản phẩm mất ổn định và sẽ khó cạnh tranh.
Theo VNE
'Đánh thuế lãi tiết kiệm của người dân là vô lý'
Nhiều chuyên gia nhận định, đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm không những chẳng cứu được bất động sản mà vốn ngân hàng tín dụng cho nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cuối tuần trước, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) đề xuất với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc đánh thuế thu nhập với các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên. Lý do được HOREA đưa ra là chủ trương này sẽ thúc đẩy dòng vốn từ ngân hàng chảy vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, ngay lập tức đề xuất này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ giới chuyên gia cũng như người dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp này đi ngược lại những chủ trương vốn có và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia phản đối đề xuất đánh thuế với thu nhập tiền gửi tiết kiệm. Ảnh: Hoàng Hà.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, đề xuất này "không ổn chút nào" bởi nếu thực hiện vô tình sẽ co hẹp đáng kể lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng. "Khi đó, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn bởi đa phần những người không biết kinh doanh mới đem tiền tích lũy được đi gửi tiết kiệm ngân hàng và không thể khuyến khích nhóm này tự đem vốn ra kinh doanh, sản xuất được", ông Kiêm cho biết.
Đồng tình với ông Kiêm, tiến sĩ Alan Phan - nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Hong Kong - tin rằng đề xuất này không thể được thông qua. "Việc này sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến thu nhập và vốn của ngân hàng, vi phạm nhiều luật và ảnh hưởng đến người dân", ông Alan Phan bình luận.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - thì lo ngại: "Hiện nay chúng ta đang khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để phân bổ lượng vốn hợp lý cho nền kinh tế mà lại đánh thuế thì không hợp lý một chút nào".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai tin rằng, không phải cứ đánh thuế lãi tiết kiệm thì dòng tiền sẽ đổ vào bất động sản mà rất có thể, nó lại đổ vào những kênh khác như vàng, đôla... "Người dân thích đầu tư vào đâu, đó là việc do thị trường tự quyết định và không có chuyện vì bị đánh thuế mà người dân sẽ đưa dòng tiền đó vào bất động sản. Vấn đề là liệu bất động sản hiện nay đã đủ sức hút chưa", ông Lai đặt câu hỏi. Theo ông, việc đưa dòng vốn vào bất động sản không giống như làm nông nghiệp, rạch một con kênh đúng theo hướng vào nhà và đắp hai bên bờ là nước sẽ tự chảy về mà kênh huy động vốn này là sự lựa chọn toàn quyền của người dân.
Ông Lê Xuân Nghĩa, người từng là Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, phân tích: "Với những người có lượng tiền gửi nhiều (trên 500 triệu) thì khi thấy bất động sản sinh lời tốt hơn tiết kiệm thì người ta cũng mua và không cần đến chủ trương này. Nên cách làm này không giải quyết được vấn đề trong thời điểm hiện nay". Theo ông Nghĩa, để tháo gỡ được sự đóng băng của bất động sản, ngoài những biện pháp Chính phủ đã nêu thì nên mở cửa cho người nước ngoài mua nhà có giá trị lớn. "Có thể ra quy định người nước ngoài được mua bất động sản có giá trị lớn, chẳng hạn như trên 3-4 tỷ đồng, như Singapore và các nước đã làm thì tồn kho sẽ giảm đáng kể", ông Nghĩa nói.
Một trong những điểm vô lý của đề xuất này được giới chuyên gia nêu là quyền lợi của người dân bị đe dọa. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nếu đánh thuế với thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm sẽ đẩy người dân vào tình trạng thuế chồng thuế. "Người dân phải chịu một lần thuế thu nhập cá nhân rồi nay lại đóng thêm thuế thu nhập từ đồng tiền tích lũy thì rất vô lý", ông Kiêm thẳng thắn bày tỏ.
Theo VNE
Rót nhầm xăng, một ôtô bốc cháy Bằng những nỗ lực tuyệt vời, Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội) phối hợp với bảo vệ Siêu thị điện máy Trần Anh và nhiều người dân ở khu vực đường Láng đã cứu chữa kịp thời đám cháy bốc ra từ khu vực bơm xăng vào chiếc ôtô ở cây xăng 1174 đường Láng. Vụ cháy xảy ra...