Những ông bà bị biến thành ôsin chăm cháu
Dắt 3 cháu lít nhít về quê ăn giỗ, nghe hỏi “ sao bà gầy thế”, bà Thanh cười méo xẹo: “chạy theo cho lũ tiểu yêu này béo sao nổi”.
Ảnh minh hoạ
Phải về đám giỗ ở quê cách 60 km, vợ chồng bà Thanh, hơn 60 tuổi ở Vĩnh Phúc định phân công chỉ một người đi, người còn lại ở nhà trông cháu nhưng không ai muốn một mình phụ trách lũ trẻ nên cuối cùng đành dẫn cả các cháu về.
“Ngày thường đã mệt, dịp hè thì càng khổ. Hai ông bà còn hơn có con mọn, không lúc nào được ngơi chân ngơi tay”, bà Thanh phân bua.
Bà Thanh cho biết, vợ chồng bà đang ở chung với con trai út. Các con bận rộn nên việc chăm sóc và đưa đón hai cháu, một 2 tuổi, một 5 tuổi, đều do ông bà đảm nhiệm. Dịp hè, con trai cả đang sống ở Hà Nội cũng gửi cậu nhóc 6 tuổi về cho ông bà trông.
Lịch hằng ngày là sáng bà đi chợ, về cho các cháu ăn, sau đó ông dẫn 2 đứa lớn đi bơi, bà ở nhà chăm em bé nhất, đợi ông về trông hộ là chuẩn bị đồ ăn trưa. Trưa ăn uống xong lại lùa bọn trẻ đi ngủ. Khâu mệt nhất là suốt ngày ông bà phải quan tòa phân xử cháu đánh, cãi nhau.
Video đang HOT
“Trông cháu mấy năm nay mà sức khỏe đuối luôn, lưng đau, tay đau… Từ năm ngoái ông ấy nghỉ hưu, ở nhà hỗ trợ còn đỡ, chứ trước đây mình tôi phải lo hết”, bà Thanh kể. Bà nói rằng, vì muốn các con yên tâm làm ăn nên không than vãn gì nhưng thực sự cảm thấy quá mệt mỏi. “Nhiều khi cảm cúm mệt không muốn đụng tay đụng chân nhưng không dám bảo con dâu nghỉ ở nhà trông con, lại cố. Giờ thằng bé 2 tuổi còn đỡ, lúc trước cứ suốt ngày bế trên tay, rồi cho ăn, cho uống… Tối chỉ mong được ngồi xem TV yên tĩnh nhưng nhiều lúc cũng không được vì bố mẹ chúng nó hôm thì đi có việc, lúc bận làm thêm máy tính…”, bà Thanh nói.
Được con gái tặng cho hai voucher đi biển nghỉ dưỡng nhưng vợ chồng ông Quyết (Ninh Bình) dù thích cũng đành từ chối vì con trai và con dâu không thu xếp tự trông con được một tuần.
“Vợ chồng chúng nó đều ở Hà Nội, kinh tế còn khó khăn nên cứ sinh xong là để con ở nhà ông bà chăm cho. Cháu lớn 4 tuổi giờ bố mẹ đã đón ra thủ đô cho đi học, đứa nhỏ gần 2 tuổi thì vẫn chúng tôi lo”, ông Quyết kể.
Năm ngoái, khi sửa lại nhà, có lúc ông phải một bên xách gạch trộn vữa, một tay ôm cháu để bà lo cơm nước. Năm nay, cũng mệt mỏi và muốn được nghỉ ngơi một thời gian, thì anh con trai đưa cả 2 đứa về cho ông bà chăm. Ông bà định nhận vé du lịch của con gái cho nhưng anh con trai đã rào trước: “Ông bà cứ đi chơi cho thoải mái, đưa luôn con lớn theo cùng cho vui”.
“Đi du lịch mà dẫn theo đứa bé thì khổ hơn ở nhà nên chúng tôi quyết định không đi nữa”, vợ ông Quyết bày tỏ.
Có hai con, một bé 6 tuổi, một bé 2 tuổi nhưng vợ chồng chị Xuân (Tây Hồ, Hà Nội) lúc nào cũng thảnh thơi và khởi xướng mọi cuộc đi chơi riêng với đám bạn. “Ăn, ngủ, vệ sinh… tất cả do ông nội. Bà nội thì lo nội trợ, nấu nướng, đi chợ hằng ngày… Hai vợ chồng mình chỉ cần kiếm tiền, cuộc sống như đôi son rỗi”, chị Xuân khoe. Khi một số bạn bè góp ý rằng như vậy giống như “bóc lột” ông bà thì chị vặc lại “Đó là niềm vui và tình yêu thương vô điều kiện của ông bà chứ ai bắt đâu. Giờ mình dọn ra riêng xem, ông bà chả lăn ra ốm vì buồn và nhớ cháu”.
Nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết, vì nhiều lý do, hiện nay không ít cặp vợ chồng giao phó con hoàn toàn cho ông bà chăm. Có nhiều người trẻ vì thích hưởng thụ, không muốn vướng bận nên “khoán” mọi việc nuôi con cho bố mẹ mình. Có người còn biện hộ: “Chúng tôi đã muốn đẻ đâu. Ông bà cứ giục sinh thì giờ cho ông bà nuôi. Ông bà vui vẻ làm như vậy mà”.
Một số trường hợp con cái lên thành phố làm ăn, cuộc sống khó khăn, phải thuê nhà, không có tiền để thuê người giúp việc nên đành để con ở lại với ông bà. Đây cũng là một lựa chọn hợp lý nhưng chỉ nên coi là cách giải quyết tình thế và trong một thời gian ngắn bởi việc chăm cháu hoàn toàn rất cực nhọc và là một gánh nặng với người già.
Thực tế, thế hệ ông bà đã cả đời vất vả mưu sinh và chăm lo cho con cái mình. Đến tuổi già, ông bà cần được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Không những thế, phần lớn các ông bà thường chăm và dạy trẻ theo kinh nghiệm của thế hệ mình, nhiều điều không còn phù hợp với hiện tại. Đặc biệt, trẻ không được ở với bố mẹ lúc nhỏ là một thiệt thòi lớn và sẽ ít gắn bó với bố mẹ hơn.
Một bác sĩ tâm lý nhi cho biết, nếu phải xa mẹ quá nhiều, trẻ dưới 3 tuổi có thể có các rối loạn về tâm lý, thậm chí còn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Biểu hiện của bệnh này có nhiều nét tương tự với tự kỷ như trẻ khó ngủ, hay khóc, không nhìn mẹ, phớt lờ nỗ lực giao tiếp của mẹ… Tình trạng bệnh có thể bám theo bé cho đến tuổi trưởng thành.
Theo bà Trần Hồng Hà, không chỉ có ý nghĩa với trẻ, việc trực tiếp nuôi con cũng giúp chính bố mẹ trưởng thành và hoàn thiện bản thân hơn. Câu nói “sinh con mới biết lòng cha mẹ” là vậy. Khi thức khuya dậy sớm chăm bẵm con, vất vả lo lắng khi con ốm đau, người cha mẹ mới hiểu thấu tấm lòng đấng sinh thành ra mình và biết nỗ lực hơn trong cuộc sống. Sinh con rồi phó thác con cho ông bà nuôi chứng tỏ người đó chưa trưởng thành, thậm chí còn thể hiện sự ích kỷ khi dồn hết vất vả cho người khác vì lợi ích của bản thân.
Theo nhà tâm lý, nếu ở chung, các cặp vợ chồng có thể nhờ ông bà hỗ trợ chăm trẻ nhưng trách nhiệm chính vẫn là bố mẹ. Một số trường hợp có thể ở riêng, sáng mang gửi ông bà, tối bố mẹ đón về hoặc sáng bố mẹ đưa con đến trường gửi, chiều nhờ ông bà đón sớm. Như vậy, người lớn tuổi có khoảng thời gian riêng được nghỉ ngơi, trong khi vẫn hỗ trợ được con cái và gần gũi cháu.
Theo VNE
Nhiều ông bà giận dỗi khi không được chăm cháu
Muốn cho con đi gửi thì ông bà nội bảo để đấy tao trông được hết, cố tình đi gửi về là ông bà mặt nặng mày nhẹ, thậm chí không khiến ai khác trông.
Tôi đọc được bài viết: "Bắt ông bà ngày ngày chăm cháu là không hợp lý" và các bình luận của độc giả. Tôi cũng là con dâu, cũng có con nhỏ và con cũng được ông bà trông nom khi tôi đi làm nhưng không phải vì thế mà tôi viết bài này. Trong bài viết chị Hà chỉ nhìn thấy vấn đề là có một số bà mẹ trẻ không có trách nhiệm với con cái mình đẻ ra, vì bản thân họ sống vô trách nhiệm và đánh giá toàn bộ sự việc theo chiều xấu, nhưng vẫn còn rất nhiều nguyên nhân khác. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông bà già không đủ sức khỏe lao động để kiếm tiền, sống ở nông thôn, bố mẹ của đứa trẻ là trụ cột chính trong gia đình; nếu bố mẹ ở nhà chăm con thì kinh tế ai sẽ là người lo, cho nên dĩ nhiên ông bà trông cháu giúp rồi.
Có những bạn bảo không đủ điều kiện kinh tế thì triệt sản đi, tôi nói thật Việt Nam chỉ là nước đang phát triển thôi, vẫn nghèo lắm, vậy nghèo thì đi triệt sản hết à? Nghèo đâu phải cái tội, vấn đề nằm ở nhận thức. Nói đến nông thôn, kể cả gia đình nào khá giả đi nữa ông bà vẫn muốn trông cháu, vì không tin tưởng người khác chăm cháu sẽ tốt hơn mình. Mặt khác ở nông thôn đa số các ông bà khi về già không có thú vui gì khác ngoài chơi với các cháu nên tự nhiên ông bà lại nghĩ trông cháu là thú vui và cứ ôm vào người. Thành ra bố mẹ chúng muốn gửi người khác trông thì ông bà lại tự ái, bảo chúng nó có tí tiền oai, thuê người trông cơ, tao còn lù lù ở đây mà lại thuê người trông, tao là đồ thừa à.
Nhiều gia đình như nhà tôi chẳng hạn, muốn cho con đi gửi thì ông bà nội bảo để đấy tao trông được hết, cố tình đi gửi về là ông bà mặt nặng mày nhẹ, thậm chí còn không khiến ai khác trông cháu cho nữa. Đi ra đường người ta thấy ông bà bế cháu hỏi: Bố mẹ nó đâu mà để ông bà trông thế này? Đương nhiên câu trả lời là chúng nó đi làm hết, vứt con ở nhà cho chúng tôi. Đấy, tự nhiên người ngoài nghe câu đó sẽ đánh giá vợ chồng tôi đang bóc lột sức lao động của ông bà.
Có những gia đình lại như thế này: Ông bà luôn cho rằng con trai con dâu đều trẻ con, chưa biết lo lắng gì khi có con. Ông bà nghĩ thân chúng nó còn không lo xong thì biết lo gì cho con. Vậy là từ việc nhỏ nhất cho đến to, liên quan đến chăm cháu ông bà đều nhắc nhở, nhắc hết cái này đến cái khác, rồi bảo thôi để tao làm cho nhanh. Cứ như vậy dần dần bố mẹ của đứa trẻ sinh ra suy nghĩ mình chẳng làm thì khắc có ông bà làm hộ. Rồi thói ỷ lại nhen nhóm và cứ thế thôi. Trách nhiệm của bố mẹ với con cái được ông bà tự nguyện gánh bớt dần, sau đó chẳng còn ranh giới nào nữa. Vô tình chính ông bà đã tạo ra sợi dây buộc mình.
Lẽ ra ông bà chỉ nhắc nhở rồi để bố mẹ chúng tự làm, sai thì sửa, không biết bảo lần sau sẽ biết, rõ ràng việc chăm con phải là của bố mẹ, như thế đã khác. Còn các chị ở thành thị thì khác rồi, ông bà già có nhiều thú vui để giải trí, bố mẹ làm ra tiền, có nhiều sự lựa chọn gửi con, tự mình ở nhà trông con hay thuê ôsin, dĩ nhiên các chị sẽ không nghĩ tới việc gửi con cho ông bà. Cuộc sống cũng có lúc này lúc khác, lúc ốm đau bệnh tật, nên việc ông bà chia sẻ việc chăm cháu những lúc ấy còn gì tuyệt vời hơn nữa.
Tôi viết bài này không phải để biện minh cho những người có thói dựa dẫm, ỷ lại vào ông bà của một số người trẻ mà quên đi trách nhiệm của bản thân mình. Nhưng việc ông bà chăm cháu không phải hoàn toàn là không hợp lý, hợp lý hay không còn phải tùy vào hoàn cảnh như thế nào nữa. Dĩ nhiên trách nhiệm của bố mẹ nuôi con vẫn phải là chính, ông bà chỉ một phần phụ thôi. Mọi người nhìn nhận cái gì thì nên có cái nhìn đa chiều để mọi thứ được khách quan hơn, đừng như "thầy bói xem voi" mà phán bừa.
Theo VNE
Tôi từ osin lên làm mợ chủ nhưng cuộc đời càng ngày tăm tối hơn Trước kia chỉ làm giúp việc nhà cửa, giờ kết hôn rồi phải kiêm luôn việc giường chiếu của chồng. Tôi đã bước vào địa ngục trần gian này 10 năm rồi. 10 năm là con số quá đủ cho sự chịu đựng và lòng bao dung của tôi. Từ ngày mai tôi sẽ sống vì tôi, sống vì con tôi. Tôi sẽ...