Những nước có thể nối gót Anh rời bỏ EU
Châu Âu đang chứng kiến sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu có thể nhiều quốc gia theo chân Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Một người Anh mang theo cờ EU sau cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: CNN
Trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6, đa số người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Giới phân tích lo lắng lựa chọn của Anh có thể khiến các nước khác theo chân, do người dân các nước thành viên của khối đang tồn tại sự hoài nghi hay thậm chí là nỗi giận dữ với EU.
Thủ tướng cánh tả Italy Matteo Renzi đang đối mặt với thách thức từ đảng dân túy kinh tế Phong trào 5 sao (M5S). Beppe Grillo, lãnh đạo của đảng này, đã kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng rời EU. “Thực tế rằng một quốc gia như Anh tổ chức trưng cầu báo hiệu sự thất bại của EU”, ông nói.
M5S giành được 19 trong số 20 ghế thị trưởng cuối tuần qua, bao gồm cả ở Rome và Turin, một “cú chọc lớn” vào Thủ tướng Matteo Renzi.
Đối với nhiều quốc gia châu Âu, tinh thần chống EU bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng di cư. Thụy Điển, một quốc gia có dưới 10 triệu dân, đã tiếp nhận số người tị nạn tính trên đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Trong khi đó, đảng dân tộc chủ nghĩa Dân chủ Thụy Điển có quan điểm chống nhập cư bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trong chính trường nước này. Đảng này hiện là đảng lớn thứ ba trong nước.
Đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Người Phần Lan Đích thực cũng nổi lên như một lực lượng chính trị quyền lực, giành được gần 20% số phiếu trong cuộc bầu cử năm ngoái.
Đảng Nhân dân Đan Mạch giành được 21% số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, tăng 50% trong 8 năm qua. Quan trọng hơn, họ đã liên kết với đảng Tự do của nước này, khiến phe đối lập chiếm nhiều ghế trong chính phủ, từ đó thúc đẩy chương trình nghị sự chống nhập cư, dẫn đến một số các quy định nhập cư khắc nghiệt nhất ở châu Âu. Các nhà lập pháp Đan Mạch thậm chí thông qua một đạo luật yêu cầu người xin tị nạn phải giao nộp tài sản có giá trị để giúp chi trả các chi phí tái định cư.
Đức
Thủ tướng Đức Angela Merkel là người theo đuổi chính sách hoan nghênh người tị nạn và nước này đã đón hơn một triệu người nhập cư. Hiện giờ, 64% người Đức nói rằng bà Merkel không nên tái tranh cử vào năm tới. Tuy nhiên, bà Merkel và đảng cầm quyền của bà vẫn được tin là nhiều khả năng chiến thắng.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, đảng cánh hữu Alternative fr Deutschland (AfD) có tư tưởng chống EU đã nổi lên và thu hút nhiều sự ủng hộ, do lập trường mạnh mẽ chống lại Hồi giáo. Họ đưa ra một bản kiến nghị trong nền tảng chính sách của đảng, nói rằng tôn giáo này không phù hợp với hiến pháp Đức. AfD từng không đạt đủ 5% số phiếu để vào quốc hội năm 2013, nhưng họ hiện giành được 10-12%. Nếu họ có thể giữ con số này cho đến cuộc tổng tuyển cử năm tới, AfD sẽ trở thành đảng cánh hữu đầu tiên giành ghế trong quốc hội Đức kể từ Thế chiến II.
Video đang HOT
Pháp
Pháp sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2017. Đảng cực hữu Mặt trận Tổ quốc, có tư tưởng chống EU, đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại nước này. Tuy giới chuyên gia cho rằng lãnh đạo đảng, Marine Le Pen, ít khả năng trở thành tổng thống nhưng ảnh hưởng của bà với chính trị Pháp rõ ràng đang tăng lên.
Đó là mối lo ngại với Brussels, vì bà Le Pen tự gọi mình là “Quý bà Frexit” và đã hứa với nhân dân Pháp rằng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU nếu lên nắm quyền. Tại thời điểm này, 55% công dân Pháp nói rằng họ muốn có một cuộc trưng cầu, 41% nói rằng họ sẽ bỏ phiếu “ra đi”.
Hà Lan
Ngay sau khi người dân Anh chọn rời EU, Geert Wilders, lãnh đạo đảng cánh hữu PVV tại Hà Lan, có tư tưởng chống EU, đã ca ngợi quyết định này.
“Hoan hô người Anh!”, ông Wilders viết trên Twitter. “Bây giờ đến lượt chúng tôi. Đã đến lúc tổ chức một cuộc trưng cầu ở Hà Lan!”.
Đầu năm sau, Hà Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử. “Một phiếu bầu cho PVV sẽ là một phiếu bầu cho việc tổ chức trưng cầu dân ý về EU ở Hà Lan”, ông Wilders nói.
Time cho rằng sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu tại châu Âu là lý do vì sao cuộc trưng cầu dân ý ở Anh mới chỉ là “mở màn cho câu chuyện về tinh thần giận dữ chống EU và làn sóng yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU” ở khắp châu Âu.
Phương Vũ
Theo VNE
Nỗi hối hận của những người Anh chọn chia tay EU
Trước hiện thực phũ phàng ập đến, rất nhiều người Anh bày tỏ nỗi hối tiếc vì đã bỏ lá phiếu ủng hộ phương án nước này rời khỏi Liên minh châu Âu.
Nhiều người Anh sững sờ trước kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi EU. Ảnh: AFP
"Quyền tự do đi lại đã bị bố mẹ, ông bà, chú bác tước đoạt từ chúng tôi, như một cú đòn giáng vào thế hệ vốn đã chìm đắm trong nợ nần của những người đi trước", đó là bình luận của một người Anh dưới bài viết của tờ Financial Times về việc Anh tổ chức trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bình luận này đã được chia sẻ hàng nghìn lần trên mạng xã hội.
"Thế hệ trẻ chúng tôi đã mất quyền sinh sống và làm việc tại 27 quốc gia khác. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được hết hậu quả của những cơ hội, tình bằng hữu, quan hệ hôn nhân bị đánh mất và những trải nghiệm chúng tôi sẽ bị khước từ", người này viết tiếp.
Đó cũng là tâm trạng chung của rất nhiều người dân nước Anh vào sáng hôm qua, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố, với 52% người dân ủng hộ phương án rời khỏi EU (Brexit). Dòng hashtag "Chúng ta đã làm gì thế này" trở nên phổ biến trên mạng xã hội ở Anh, hé lộ những nỗi tức giận, hối tiếc và buồn bã mà nhiều người trẻ ở Anh cảm nhận về kết quả này.
Ngay cả những cử tri đã bỏ phiếu cho phương án Brexit cũng bày tỏ nỗi hối tiếc vì đã lựa chọn để Anh rời khỏi EU. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy hơn 17,4 triệu người Anh ủng hộ Brexit, trong khi 16,1 triệu người muốn ở lại cùng EU.
Trả lời phỏng vấn tờ BBC, một cử tri tên là Adam đến từ Manchester, bày tỏ sự choáng váng trước kết quả bỏ phiếu, dù anh cũng là người ủng hộ Brexit. "Tôi không nghĩ nó sẽ diễn ra như thế này. Tôi cứ nghĩ rằng lá phiếu của mình sẽ không ảnh hưởng nhiều, vì cho rằng chúng tôi chắc chắn sẽ ở lại với EU".
"Nói thật lòng, việc Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức đã khiến tôi bị sốc. Tôi nghĩ rằng thời kỳ bất định mà chúng tôi sẽ phải trải qua trong vài tháng tới khiến tôi cảm thấy lo lắng", Adam thú nhận.
Nhiều cử tri khác cũng bày tỏ sự hối tiếc về quyết định ủng hộ Brexit của mình trên Twitter. "Vì tin vào những lời dối trá đó, tôi đã bỏ phiếu rời EU, và giờ đây tôi hối tiếc về quyết định đó hơn bất cứ thứ gì khác. Tôi cảm thấy như lá phiếu của mình đã bị tước đoạt", một người viết.
"Tôi cũng đang cảm thấy hối tiếc vì lá phiếu của mình, tôi chẳng có lý do gì để đưa ra lựa chọn như vậy cả", một người khác viết. Có người thì chỉ đơn giản là đăng lên dòng chữ "Tôi đang thực sự thấy hối tiếc vì lá phiếu của mình".
London là một trong những vùng ít ỏi ở Anh có tỷ lệ người lựa chọn phương án ở lại với EU áp đảo, khi chỉ có 5 trên tổng số 33 khu vực bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã khiến người dân London rất thất vọng, và họ đang kêu gọi thành phố giành quyền độc lập để vẫn có thể được ở lại với EU. Đơn kiến nghị này kêu gọi Thị trưởng Sadiq Khan tuyên bố rằng London là một thành phố độc lập, và đã thu hút được hơn 26.000 chữ ký chỉ trong vài giờ đầu tiên.
Cũng như người dân London, rất nhiều người Anh khác sau khi bỏ phiếu, về nhà ngủ vào tối 23/6 với niềm tin rằng nước này chắc chắn sẽ vẫn ở lại với EU, như kết quả rất nhiều cuộc dự đoán trước đó. Thế nhưng khi họ tỉnh dậy vào sáng hôm sau, hiện thực làm họ ngỡ ngàng.
"Khi tỉnh dậy sáng nay, hiện thực phũ phàng đã giáng đòn mạnh vào tôi. Nếu có cơ hội được bầu lại, tôi chắc chắn sẽ chọn ở lại với EU", một cử tri tên là Mandy bày tỏ nỗi hối tiếc, dù anh là người bỏ phiếu ủng hộ Brexit..
"Tôi cảm thấy quay cuồng, thật sự sốc", Hannah Lucas, một cô gái 28 tuổi ở London, nói với phóng viên WSJ. "Sốc" cũng là từ được nữ y tá 29 tuổi Rafi Sahin dùng để mô tả phản ứng của mình với kết quả bỏ phiếu, dù cô cũng là người ủng hộ Brexit.
"Đây là ngày tồi tệ nhất đời tôi. Tệ hơn cả khi tuyển xứ Wales bị Anh đánh bại trong trận bóng mới đây", anh Hywyn Pritchard, người gốc xứ Wales đang sống ở thành phố Manchester, cho hay.
Một phụ nữ Anh bị sốc sau khi đa số người Anh ủng hộ Brexit. Ảnh: Reuters
Những người phản đối Brexit từng cảnh báo rằng nền kinh tế Anh sẽ càng suy thoái trầm trọng hơn vì những bất ổn tài chính nếu nước này lựa chọn phương án rời khỏi EU. Thế nhưng những lời cảnh báo đó không lay chuyển nổi nhiều cử tri Anh, chẳng hạn như người đàn ông 54 tuổi Simon Doyle.
"Tôi như đang ở trên mây. Sẽ có tình trạng bất ổn, nhưng thế thì đã sao? Tương lai chúng tôi giờ đang nằm trong tay chúng tôi", người môi giới chứng khoán này nói.
Cụ bà 93 tuổi Colette Cowing ở Upminster, London, cho rằng cụ đã nhìn thấy "tương lai rạng ngời" khi Anh gia nhập EU, nhưng rồi trở nên vỡ mộng trước thực tế mà cụ gọi là "quá nhiều quan liêu".
Thực tế phũ phàng
Chỉ vài giờ sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, đồng bảng Anh bắt đầu lao dốc. Các thị trường tài chính trở nên hỗn loạn, và nhiều người dân Anh sững sờ với tuyên bố từ chức của Thủ tướng Cameron, người đã đặt cược cả sinh mệnh chính trị của mình vào cuộc bỏ phiếu.
"Tôi không nghĩ rằng sẽ còn nguồn vốn nào chảy vào Anh trong vài tháng tới nữa", Rich Pleeth, tổng giám đốc của hãng cung cấp ứng dụng tìm bạn Sup ở London, nhận định. "Kết quả này có thể thổi bay nỗ lực gọi vốn của tôi, và nó cũng có thể là dấu chấm hết cho rất nhiều công ty khởi nghiệp của Anh khác".
Nhiều người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Anh cũng cảm thấy bất an trước thực tế mới. "Đó thực sự là một thảm họa. Tôi cảm thấy như bị ai đó tát vào mặt. Tôi có cảm giác mình không được chào đón ở đây", anh Jerome Meillet, một người nhập cư Pháp làm việc ở Anh, nói. "Luôn có thứ gì đó tiêu cực trong cách nghĩ của người Anh, họ chỉ nghĩ cho riêng mình".
Trước nguy cơ đánh mất những quyền lợi đi lại và làm việc trong Liên minh châu Âu, nhiều công dân Anh bắt đầu cuống cuồng tìm cách bảo lưu quyền công dân EU của mình, theo CNN. Dữ liệu tìm kiếm của Google cho thấy lượng từ khóa "xin hộ chiếu Ireland" tăng đột biến trong cộng đồng sử dụng mạng của Anh.
Cuộc trưng cầu dân ý mở đầu cho quá trình Anh rời khỏi EU, kéo dài trong hai năm. Đồ họa: BBC
Nếu Anh rời khỏi EU, những người cầm hộ chiếu nước này sẽ không còn được hưởng quyền tự do đi lại trong khối như trước đây. Trong khi đó, những người Anh có hộ chiếu Ireland vẫn được hưởng đặc quyền này. Trước số lượng đơn xin cấp hộ chiếu tăng vọt, Phòng Hộ chiếu Ireland ở Dublin hôm qua đã hết sạch mẫu đơn và phải ban hành văn bản hướng dẫn cho những người tìm kiếm thông tin.
"Tôi là một công dân của EU, tôi ủng hộ Anh ở lại EU vì hòa bình, an ninh, đoàn kết, thống nhất, quyền lợi, tự do đi lại và thịnh vượng", Leon Ward, một thanh niên ở xứ Wales có bố là người Ireland, nói. "Anh đã quyết định đi đường riêng, nhưng tôi vẫn muốn là công dân EU vì tất cả những lợi ích nó mang lại".
Scott Edgar, người sinh ra và lớn lên ở Bắc Ireland nhưng có hộ chiếu Anh, cho biết anh vừa mới làm đơn xin cấp hộ chiếu ở Belfast cho mình cùng mẹ và em trai để đảm bảo rằng anh có thể tiếp tục tự do đi lại và làm việc ở nước ngoài.
Trong khi đó, những anh chàng độc thân có hộ chiếu Ireland đang sinh sống ở Anh lại coi đây như một cơ hội quý giá để kiếm tiền. "Hỡi các quý cô ở Anh, anh chàng độc thân có hộ chiếu Ireland này đã sẵn sàng để kết hôn giả. Khuyến mãi thêm quyền tự do đi lại", anh chàng Dave Molloy viết trên Twitter.
Trí Dũng
Theo VNE
Vì sao Anh không thể ngay lập tức rời EU Theo hiệp ước của EU, Anh sẽ mất ít nhất hai năm để sắp xếp cuộc "chia tay lịch sử" khỏi liên minh, còn gọi là Brexit. Một người Anh cầm cờ EU sau cuộc trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, người dân Anh đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên,...