Những nữ sứ giả hòa bình mặc áo blouse
Những đôi tay thường ngày chỉ quen cầm kim tiêm, băng gạc bỗng chốc phải nhấc khẩu súng trường, bắn đạn thật.
Những đôi vai gầy thường ngày chỉ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, tất tả chạy giữa các khoa phòng, giờ phải trang bị thêm những kỹ năng đào hầm, tránh đạn…Ở họ đều toát lên tinh thần quyết tâm vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Nữ quân y trong giờ luyện tập. Ảnh: Nguyễn Trung Trực
Tự hào về mẹ
Buổi sáng ngày đầu tháng 10, bầu trời TPHCM dường như đẹp hơn mọi ngày, dưới ánh nắng nhè nhẹ diễn ra lễ xuất quân để tiễn 63 thành viên Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang Nam Sudan (châu Phi) thực hiện nhiệm vụ cao cả và đầy tự hào của quốc gia giao phó, đó là gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc trong vòng 1 năm. Nhiệm vụ của tất cả các thành viên đoàn là chăm sóc sức khỏe cho phái bộ Liên Hợp Quốc theo sự điều động. Trong số những tình nguyện viên, có 10 tình nguyện viên là nữ.
Họ vốn là những nữ bác sĩ, điều dưỡng, y tá, kỹ thuật viên thuộc các đơn vị Quân khu 7, Quân đoàn 4, Bệnh viện Quân y 175 hội tụ dưới một mái nhà- Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1. Có người đã lập gia đình, có người chưa. Có người vừa tròn 25 xuân xanh, tình yêu vừa chớm, cũng có người đã ngoài 40. Thế nhưng điểm chung ở những con người ấy chính là sự hi sinh, lăn xả, dấn thân, như cách mọi người vẫn thường nói: “Khi Tổ quốc cần, phải biết sống xa nhau”.
Vai vác ba lô, đầu đội mũ nồi xanh, mười cô gái như mười bông hoa thiên thanh trong nắng sớm nơi góc sân bay. “Có mặt tại buổi lễ hôm nay là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với tôi. Sau hơn 4 năm được đào tạo, huấn luyện chúng tôi đã sẵn sàng lên đường, tất cả vì Tổ quốc và gia đình”, thiếu úy Sa Minh Ngọc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Video đang HOT
Với sự chăm chỉ, chịu khó, chuyên môn tốt và đầy trách nhiệm, thiếu úy Phạm Thị Thuỳ, điều dưỡng trưởng được lựa chọn vào lực lượng Bệnh viện Dã chiến. Chia sẻ về hành trình đầy khó khăn phía trước, cô gái nhỏ tuổi nhất trong số 10 “bông hoa” với nụ cười tươi và đôi mắt sáng tự tin chia sẻ: “Tất cả mọi thứ chúng tôi đã sẵn sàng. Có một chút gì đấy hồi hộp nhưng cũng rất tự hào. Khi sang một môi trường mới, xa gia đình, xa bạn bè, chúng tôi là những người trẻ nên sẽ không tránh khỏi những lúc nhớ nhà. Nhưng tôi tin sẽ vượt qua khó khăn gian khổ, đoàn kết để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Đối với “chị cả”- thiếu tá chuyên nghiệp Bùi Thị Xoa (43 tuổi, thuộc đơn vị Bệnh viện Quân y 7B) xác định đi vì nhiệm vụ cao cả, quyết tâm là vậy.Nhưng khi chuẩn bị hành trang lên đường, chị mới giật mình nhớ về người con trai đang tuổi dậy thì, sợ rằng không có mẹ bên cạnh sẽ không tránh khỏi tủi thân.”Khi cháu nói tự hào về tôi, tôi yên tâm lắm. Nhiệm vụ lần này không chỉ là vinh dự bản thân, niềm tự hào của gia đình, mà có ý nghĩa rất lớn với mối quan hệ tốt của nước bạn và Việt Nam”, chị Xoa chia sẻ.
Để sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại Nam Sudan, những y bác sĩ phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài mà không hề có sự phân biệt nam nữ. Cũng như các đồng nghiệp nam, các nữ quân nhân phải rèn luyện thể lực, đẩy xe, mỗi ngày phải phơi mình hàng tiếng đồng hồ dưới cái nắng chói chang để luyện tập theo giáo án.
Để làm quen với những tình huống bất ngờ có thể xảy đến khi ở đất nước cách Việt Nam gần nửa vòng trái đất, tất cả bác sĩ, điều dưỡng đều được huấn luyện và tập bắn súng bằng đạn thật. Những tình huống cấp cứu khẩn cấp, nhiều tình huống giả định đã được đặt ra như bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, cấp cứu hàng loạt vết thương do nổ mìn, đạn lạc… các chị đều phải vượt qua.
Ngày lên đường, những phụ nữ Việt Nam- sứ giả hòa bình sẽ sánh vai với bè bạn năm châu thực hiện nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc. Ngoài nhiệm vụ chung, “những bóng hồng” còn là đại diện góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới, nhất là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Họ sẽ viết tiếp những trang sử vàng đầy kiêu hãnh về hình tượng người phụ nữ Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên lực lượng Bệnh viện Dã chiến tại Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc. Trong đó, lực lượng nữ gồm 10 đồng chí chiếm tỷ lệ lên đến hơn 17%, đây là con số rất đáng khích lệ góp phần ủng hộ các chính sách về bình đẳng giới trên thế giới. Mỗi cán bộ y tế, chiến sĩ tham gia gìn giữ hòa bình trong đợt này đều là mỗi sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa và còn là sứ giả sức mạnh quân sự Việt Nam trên đất bạn châu Phi. Mỗi một chiến sĩ không chỉ giỏi nghề, thông thuộc luật pháp quốc tế, am hiểu về chính trị mà còn giỏi ngoại ngữ, luôn luôn tự học, tự rèn luyện trong mọi hoàn cảnh, lan tỏa hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trên đất nước bạn”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh.
Cán bộ, y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Dã chiến được trang bị các kỹ năng, chuyên môn, cơ bản bảo đảm tiếp nhận khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; có khả năng hồi sức cấp cứu, thực hiện 3-4 ca phẫu thuật gây mê/ngày; nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân/tuần; thực hiện 10 ca chụp X-quang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chẩn đoán cơ bản 20 ca trong một ngày…
YẾN NHI
Theo TPO
Bóng hồng Việt làm sứ giả hòa bình
Sau một thời giàn dài chuẩn bị, vượt qua những bài huấn luyện khắc nghiệt của một sĩ quan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, lần đầu tiên Việt Nam có một nữ sĩ quan được cử đi làm nhiệm vụ cao cả này. Đó là thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga - Trợ lý tham mưu kế hoạch thuộc trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Nghiệp chọn người
Sinh ra trong một gia đình truyền thống quân ngũ, từ năm 2004, chị Hằng Nga chính thức nhập ngũ trải qua quá trình rèn luyện phấn đấu trong quân đội. Tới năm 2012, chị Nga đã được chuyển ngạch sĩ quan. Chị Nga chia sẻ, trước đây chị chưa từng tham gia công tác đối ngoại quốc phòng. Tại Trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam, công việc chủ yếu của chị liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, với nhiệm vụ được giao là phụ trách website và mạng LAN của trung tâm. Quá trình công tác, chỉ huy đơn vị nhận thấy ở Nga có nhiều tố chất của một người làm đối ngoại nên đã tạo điều kiện để chị tham gia các khóa đào tạo về ngoại ngữ và chuyên môn GGHB.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao quyết định cho thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga tại Bộ Quốc phòng. Ảnh: G.T
"Tình hình địa bàn tại phái bộ Nam Sudan hiện nay tuy còn nhiều phức tạp, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Liên Hợp Quốc và nước chủ nhà, an ninh cơ bản ổn định. Thiếu tá Hằng Nga làm việc tại Sở chỉ huy Phái bộ, được bảo vệ và đảm bảo an ninh tuyệt đối an toàn". Đại tá Hoàng Kim Phụng
Với khả năng học hỏi, nắm bắt nhanh cùng sự nỗ lực bền bỉ được rèn luyện bởi bản lĩnh người lính ngoại giao, trong vòng một năm, Hằng Nga đã trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần có của một "sứ giả mũ nồi xanh made in Việt Nam" theo những quy chuẩn mà Liên Hợp Quốc đã đặt ra.
Quyết tâm vượt thử thách
Với nhiệm kỳ một năm thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHB Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan, trong vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự, công việc của Hằng Nga là trực điện thoại, tiếp nhận thông tin, yêu cầu khẩn cấp, viết báo cáo chính xác trong thời gian nhanh nhất để gửi về Sở chỉ huy phái bộ. Bên cạnh đó, chị đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu của phái bộ, không kể thời gian ngày hay đêm. Tính ra, Hằng Nga sẽ phải đảm trách trung bình 12-15 đầu việc tại phái bộ Nam Sudan. Theo chị, đây là vinh dự rất lớn, cũng là nhiệm vụ nặng nề kể cả với những quân nhân là nam giới.
"Trước khi nhận nhiệm vụ, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã truyền đạt cho tôi nhiều kiến thức để có thể hòa nhập với môi trường đa quốc gia tại phái bộ. Mặc dù đây là vị trí hoàn toàn mới dành cho Việt Nam và cũng là lần đầu tiên có nữ quân nhân tham gia làm nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan, nhưng may mắn là đợt này còn có hai nữ quân nhân người Pakistan cùng tham gia với tôi. Tuy sẽ có những khác biệt về văn hóa, phong tục, nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ" - chị Hằng Nga nói.
Trong vài trò sứ giả hòa bình của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên Hợp Quốc, thiếu tá Hằng Nga sẽ giới thiệu với bạn bè các nước và người dân Nam Sudan những biểu tượng đã in sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt và nhiều nơi trên thế giới như hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tà áo dài Việt Nam, cùng những món quà đặc trưng như ô mai, những chiếc áo in cờ Tổ quốc, những con chuồn chuồn tre...
Sáng 30.10, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì lễ trao quyết định của Chủ tịch nước cho nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên đi làm nhiệm vụ GGHB Liên Hợp Quốc.
Phát biểu giao nhiệm vụ cho thiếu tá Hằng Nga, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu: Cần chủ động, nỗ lực cao nhất, phối hợp tốt với các đồng nghiệp để nhanh chóng bắt nhịp với công việc và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm các quy định của Liên Hợp Quốc và phái bộ để đảm bảo an toàn và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác tham mưu, nghiên cứu, nắm chắc địa bàn, đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn để đề xuất kiến nghị về nước đối với việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam cũng như các vị trí cá nhân khác và đại đội công binh trong tương lai...
Theo đại tá Hoàng Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm GGHB Việt Nam, lãnh đạo Liên Hợp Quốc mong muốn đến năm 2020 tăng tỷ lệ nữ tham gia lực lượng GGHB Liên Hợp Quốc lên 15%. Trung tâm đã có lớp bồi dưỡng kiến thức cho các nữ quân nhân tham gia lực lượng GGHB. Đầu năm 2018, Việt Nam sẽ cử một Bệnh viện dã chiến cấp 2 với biên chế 70 người tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc, trong đó có các nữ sĩ quan.
Theo Danviet
Cận cảnh chuyến bay vận tải quân sự đưa lực lượng Việt Nam đi gìn giữ hòa bình Chiếc máy bay vận tải quân sự lớn nhất của Australia đưa lực lượng quân y Việt Nam cùng hàng hóa lên đường sang Nam Sudan vào sáng 2/10. Đây là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam chính thức tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các quân nhân gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại...