Những nụ hôn gió
Bất cứ khi nào anh cảm thấy chán nản muốn buông xuôi, anh lại mở những nụ hôn tưởng tượng ấy ra và hồi tưởng lại tình yêu của đứa con đã đặt đầy ắp bên trong.
Chúng ta thường học được nhiều điều từ con trẻ. Cách đây không lâu, một anh bạn của tôi đã phạt đứa con gái 3 tuổi của mình vì dám phí phạm cả một cuộn giấy gói quà màu vàng.
Tiền bạc eo hẹp, anh càng giận dữ hơn khi thấy con gái mình dùng cuộn giấy đó để trang hoàng cho một chiếc hộp. Tuy nhiên cô gái bé nhỏ lại mang món quà tặng ấy đến cho bố mình vào sáng hôm sau và nói: “Đây là quà cho bố, bố ơi”. Anh bạn tôi vô cùng lúng túng vì phản ứng thô lỗ của mình hôm qua, thế nhưng một lần nữa anh lại điên tiết vì nhận ra bên trong hộp trống rỗng.
Anh quát con: “Con không biết rằng khi cho người ta một món quà , người ta sẽ nghĩ rằng bên trong ắt phải có cái gì chứ?” Cô con gái bé nhỏ ngước nhìn bố nước mắt tràn ướt mi và nói: “Ồ, Bố ơi, đâu phải nó trống rỗng bên trong, con đã thổi đầy những cái hôn vào bên trong chiếc hộp. Tất cả dành cho Bố đấy, Bố ạ!”
Video đang HOT
Người cha thắt cả tim. Anh ôm cô con gái bé nhỏ vào lòng và xin con tha thứ. Bạn tôi kể rằng anh đã giữ chiếc hộp màu vàng ấy bên đầu giường suốt nhiều năm. Bất cứ khi nào anh cảm thấy chán nản muốn buông xuôi, anh lại mở những nụ hôn tưởng tượng ấy ra và hồi tưởng lại tình yêu của đứa con đã đặt đầy ắp bên trong.
Trong cuộc sống đời thường, những người làm cha làm mẹ như chúng ta thường nhận được những chiếc hộp màu vàng đong đầy tình yêu những chiếc hôn của con cái. Những ai sống với tình cảm chân thật cũng sẽ luôn nhận được những tình yêu bất biến. Bởi vì không tình yêu nào lớn lao cho bằng việc sống và hy sinh cho người thân yêu.
Theo Guu
Con trai cũng cần phải biết khóc
Cha đỡ tôi lên âu yếm: "Không sao đâu, con trai. Đôi khi con cũng cần phải khóc, như thế cũng không sao cả"
Cha tôi là một người lái xe giao bánh mì. Ngày bé, mỗi khi đi chơi, tôi thường nắm lấy ngón tay út của ông. Có lần, tôi bị vấp ngã và òa khóc. Cha đỡ tôi lên âu yếm: "Không sao đâu, con trai. Đôi khi con cũng cần phải khóc, như thế cũng không sao cả". Tôi không bao giờ quên câu nói đó.
Cha con tôi cùng mê bóng đá. Dù được coi là một đứa trẻ khá lỳ lợm, tôi vẫn khóc khi đội bóng mà tôi ưa thích tuột mất chức vô địch. Lúc ấy, cha tôi vỗ vai tôi và bảo: "Không sao đâu con, đôi khi con trai cũng cần phải khóc, như thế cũng không sao cả". Chẳng hiểu sao, khi nghe cha nói thế, tôi lại nín khóc.
Rồi tôi thi vào một trường trung học xa nhà và ở ký túc xá. Có những buổi sáng mùa đông sớm tinh mơ, lạnh buốt, cha tôi ghé qua ký túc xá trên chiếc xe lớn chở bánh mì nóng đến giao cho các cửa hàng, đưa cho tôi mấy cái bánh mì nóng rực, không quên phần cho mấy đứa bạn ở cùng phòng tôi, rồi lại vội vã đi giao hàng cho kịp giờ.
Năm học lớp 12, đội tuyển bóng đá trường tôi được vào trận chung kết giải bóng đá trung học toàn quốc. Cha tôi gọi điện và nói rằng ông rất buồn vì vẫn phải giao bánh mì ở xa, nếu tới nơi tôi thi đấu, ông phải lái xe 3 tiếng đồng hồ. Nhưng ông hứa sẽ nghe tường thuật qua đài.
Hôm ấy, tôi được thay vào sân khi trận bóng đã đi đến nửa hiệp hai. Khi chạy vào sân, theo thói quen, tôi nhìn quanh một vòng. Và ở gần chỗ gửi xe, tôi nhìn thấy chiếc xe của cha. Cha đã dậy sớm, đi giao hết bánh mì, rồi lái xe 3 tiếng đồng hồ để tới đây, mong muốn được xem ít nhất là phần cuối của trận đấu có tôi. Đeo chiếc huy chương vàng, chạy lại gần cha, mắt tôi đỏ lên. Không chỉ xúc động vì chức vô địch mà còn vì ông đã tới. Ông lại vỗ vai tôi: "Không sao đâu con, đôi khi con trai cũng cần phải khóc, như thế cũng không sao cả".
Nhiều năm sau, vào một buổi sáng sớm, khoảng 5 giờ sáng, tôi có điện thoại. Có người báo là cha tôi vừa mất trong một tai nạn giao thông. Cha lái xe đi giao bánh mì từ lúc tờ mờ sáng, trời lại có mưa nên không nhìn rõ một đàn gia súc húc đổ hàng rào và chạy ra quốc lộ. Tôi đã òa lên khóc như một đứa trẻ. Lần này, không có ai nói với tôi rằng con trai khóc cũng không sao cả.
Cha ra đi để lại trong tôi một vùng trống rỗng. Nhưng rồi nó được lấp đầy một cách kỳ lạ vào một buổi chiều khi cậu con trai nhỏ của tôi sụt sịt chạy lại: "Bố, con bị loại khỏi đội bóng của lớp rồi". Tôi nhấc bổng cậu con trai lên, hứa sẽ dạy cho con chơi bóng để bất kỳ đội bóng nào cũng mơ ước có cậu, rồi bỗng tôi thấy mình nói: "Không sao đâu con trai. Đôi khi con cũng cần phải khóc, như thế không sao cả". Sau câu nói ấy của tôi, nước mắt cậu nhóc ngừng rơi, nhường chỗ cho một nụ cười.
Cha tôi vẫn sống trong lòng chúng tôi một cách tuyệt vời như thế đấy.
Theo Guu
Bố Nếu tuần đó con về! Nếu buổi chiều hôm đó con gọi cho bố! Thì có lẽ chuyện đã không thế. Con cố gắng giống bố nhưng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nữa cả. Nếu tuần đó con về! Nếu buổi chiều hôm đó con gọi cho bố! Thì có lẽ chuyện đã không thế. Con cố gắng giống bố nhưng...