Những nữ diễn viên chi cả chục tỷ để sản xuất phim
Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân và Hồng Ánh đều từng đầu tư cả chục tỷ đồng vào các dự án phim điện ảnh.
Ngô Thanh Vân
Năm 2014, Ngô Thanh Vân lần đầu thử sức với vai trò nhà sản xuất với phim Ngày nảy ngày nay. Bộ phim tiêu tốn của nữ diễn viên khoảng 12 tỷ đồng. Người đẹp chia sẻ lý do rẽ sang con đường trở thành nhà sản xuất phim: “Khán giả có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh nghiêm túc của tôi trong nhiều năm qua, vì thế, tôi luôn tự hỏi, mình nên làm gì tiếp theo để không lặp lại vai diễn cũ. Tôi rất kỹ tĩnh trong việc chọn lựa kịch bản nên cứ trung bình 2 năm, tôi mới tìm được một kịch bản ưng ý. Rồi tôi nghĩ, mình ở trong nghề quá lâu, đã có khả năng tự sản xuất phim cho chính mình. Vì thế, tôi quyết liệt thực hiện dự án đầu tay”.
Sau Ngày nảy ngày nay, Ngô Thanh Vân đầu tư sản xuất Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Đây cũng là bộ phim đầu tay của cô trong vai trò đạo diễn. Trước khi ra mắt, phim được kỳ vọng là bom tấn của màn ảnh Việt với kinh phí đầu tư lên tới 20 tỷ đồng và khai thác các yếu tố giả tưởng trong truyện cổ tích Tấm Cám vốn đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Phim có sự tham gia của các diễn viên Ngô Thanh Vân, Hạ Vi, Ninh Dương Lan Ngọc, NSƯT Thành Lộc, Ngọc Trai, các thành viên của nhóm 365… Sau hơn một tháng công chiếu, Tấm Cám: Chuyện chưa kể thu về hơn 60 tỷ đồng tiền doanh thu và gần 1 triệu lượt xem.
Ngô Thanh Vân hiện đầu tư sản xuất cho phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn. Phim khai thác chủ đề Sài Gòn xưa và tôn vinh chiếc áo dài truyền thống Việt Nam. ‘Đả nữ’ cho biết, cô quyết tâm theo đuổi con đường quảng bá những giá trị văn hoá nghệ thuật bằng những kịch bản gốc và cốt truyện từ Việt Nam.
Trương Ngọc Ánh
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất, Trương Ngọc Ánh gặt hái nhiều thành công trong vai trò nhà sản xuất với các phim Hương Ga và Truy sát. Sau khi ra mắt vào năm 2014, Hương Ga tạo nên cơn sốt tại các cụm rạp và đạt doanh thu vượt qua kỳ vọng của nhà phát hành. Trương Ngọc Ánh đã bỏ ra 9 tỷ đồng, góp 1/2 kinh phí cùng với đạo diễn Cường Ngô để thực hiện bộ phim này. Bộ phim cũng ghi dấu sự trở lại sau 8 năm vắng bóng của Trương Ngọc Ánh trong vai trò diễn viên.
Sau thành công của Hương Ga, Trương Ngọc Ánh tiếp tục đầu tư vào phim hành động Truy sát. Số tiền đầu tư cho Truy sát lên tới 800 nghìn USD (khoảng 17 tỷ đồng). Phim có sự tham gia của các diễn viên Vĩnh Thụy, Hiếu Nguyễn, Cường Seven, Hồng Quế… Với phim này, Trương Ngọc Ánh cũng kiêm luôn vai nữ chính với những màn đua xe ngạt thở và đấu võ kịch tính. Tuy nhiên, Truy sát bị nhiều người đánh giá không qua nổi cái bóng của Hương Ga về kịch bản cũng như diễn xuất của dàn diễn viên.
Dù Truy sát không có được thành công như mong đợi, Trương Ngọc Ánh vẫn kiên trì con đường của một nhà sản xuất khi tiếp tục đầu tư vào dự án Sắc đẹp ngàn cân do Minh Hằng làm diễn viên chính. Trương Ngọc Ánh cho biết Sắc đẹp ngàn cân được chuyển thể từ kịch bản của Hàn Quốc nhưng vẫn có những chi tiết, tình huống mới để phù hợp với văn hóa và tính cách người Việt. Bộ phim dự kiến ra mắt vào tháng 8 năm nay.
Hồng Ánh
Khởi đầu con đường trở thành nhà sản xuất phim, Hồng Ánh thành lập công ty với 8 nhân viên. Bộ phim Đường đua là dự án đầu tiên mà công ty của Hồng Ánh đầu tư với số tiền 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, phim bị thất bại về doanh thu phòng vé. Sau thất bại của Đường đua, Hồng Ánh quyết định đầu tư vào các dự án nhỏ, vừa sức mình.
Phát hành phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là một trong những dự án thành công nhất của công ty do Hồng Ánh làm chủ. Bộ phim gây tiếng vang lớn khi miêu tả chi tiết, sinh động cuộc sống rong ruổi khắp nơi theo đoàn hội chợ lô tô của những người đồng tính, chuyển giới.
Năm 2017, Hồng Ánh tiếp tục gặt hái thành công khi bộ phim Đảo của dân ngụ cư do cô thực hiện đoạt được nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim ASEAN: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc, Đạo diễn hình ảnh (DOP) xuất sắc. Chia sẻ về dự án trị giá 12 tỷ đồng này, Hồng Ánh cho biết hơn 10 năm trước, cô từng đọc được kịch bản của Đảo của dân ngụ cư (dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến) và cảm thấy rất thích. Thời điểm đó, nữ diễn viên đã ấp ủ mong muốn thực hiện bộ phim này trong vai trò nhà sản xuất và đóng một vai. Tuy vậy, phải đến cách đây khoảng hai năm, Hồng Ánh mới có đủ điều kiện thuận lợi, tìm được một êkíp hợp tác cùng chị mạnh dạn bắt tay vào dự án.
Theo Ngôi Sao
Video đang HOT
'Đảo của dân ngụ cư': Những nàng thơ bị nhốt của Hồng Ánh
Chu, cô gái liệt, con ông chủ bị nhốt chặt trên căn phòng gỗ trên gác mái. Hai gã trai to xác, khỏe mạnh là Miên và Phước thay nhau làm tình với cô mỗi đêm.
Clip hậu trường phim Đảo của dân ngụ cư Bộ phim được Hồng Ánh ấp ủ thực hiện trong 10 năm.
Trước khi nói về Đảo của dân ngụ cư, có lẽ phải nói về nữ đạo diễn của nó trước đã. Vì bộ phim đầu tay của Hồng Ánh có một sự chuyển tiếp, một "mối nối" chặt chẽ với các vai diễn nổi bật nhất trong sự nghiệp của nữ diễn viên này trong hơn một thập kỷ trước.
Những người đàn bà, những "nàng thơ" của Hồng Ánh đều có một điểm chung: "bị nhốt".
Tình dục là sự cứu rỗi nhưng không thể giải thoát
Trong quá trình tuyển chọn cho dự án "100 bộ phim Việt Nam", tôi phát hiện ra là những bộ phim có Hồng Ánh diễn xuất khá nhiều, và có lẽ cô là nữ diễn viên có phim xuất hiện nhiều nhất trong dự án này. Hồng Ánh cũng là một trong 10 "nàng thơ" của điện ảnh Việt mà tôi thực hiện cho phần phụ lục của cuốn sách.
Điều khác biệt giữa Hồng Ánh và các "nàng thơ" khác của điện ảnh Việt Nam, trước và sau cô, thể hiện rất rõ qua những vai diễn mà cô đóng. Các nhân vật của Hồng Ánh, trong một vệt phim kéo dài từ Đời cát (1999) đến Tâm hồn mẹ (2011), hầu hết được đạo diễn bởi cặp vợ chồng Nguyễn Thanh Vân - Phạm Nhuệ Giang, biên kịch Nguyễn Quang Lập hay sau này có thêm đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
Họ đều là những người đàn bà của những năm cuối cùng thời hậu chiến mà tàn dư chiến tranh vẫn còn ảnh hưởng đến họ, hoặc những năm đầu đổi mới với rất nhiều xáo trộn hệ tư tưởng và các giá trị xã hội, mà bản thân những người đàn bà vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng của một thời biến động đó.
Hồng Ánh chỉ đạo diễn xuất trong Đảo của dân ngụ cư. Ảnh: ĐPCC.
Những người đàn bà của Hồng Ánh trong hai thập niên này, hầu hết đều bị mắc kẹt trong sự lưỡng nan của tình thế làm người, làm đàn bà. Họ là những nàng thơ bị đày đọa, bị nhốt kín của cái thời cũ chưa qua, mới chưa tới.
Tâm của Đời cát phải rơi vào tình thế "kiếp chồng chung" với bà vợ cả bên kia giới tuyến sau khi chiến tranh kết thúc. Nữ quân sĩ Quỳ của Người đàn bà mộng du phải vật vờ với chứng mộng du hậu chiến, nơi những xác chết của những người đàn ông trong chiến tranh vẫn không ngừng ám ảnh cô.
Cô giáo Giao của Thung lũng hoang vắng (2001) bị mắc kẹt giữa bổn phận và cái khát khao bản năng nhục cảm của một người phụ nữ xuân thì. Hạnh của Trăng nơi đáy giếng (2008) mắc vào cái bẫy "Lộng giả thành chân" do chính mình tạo ra, rồi cuối cùng tự nhốt kín cuộc đời mình với một cái hình nhân trong căn nhà gỗ đóng kín.
Những người đàn bà của Hồng Ánh đặc biệt phù hợp với không gian và thời gian mà họ bị mắc kẹt vào. Sự nghiệt ngã khô cằn của vùng gió Lào cát trắng trong Đời cát, Trái tim bé bỏng; cái thung lũng miền núi xa xôi hẻo lánh trong Thung lũng hoang vắng; vùng đất lễ giáo nặng nề thủ tục và gia phong của Huế trong Trăng nơi đáy giếng hay những năm tháng hậu chiến với nhiều hội chứng chấn thương tâm lý của Người đàn bà mộng du.
Vậy những người đàn bà đó tự giải thoát bằng cách nào, hay họ chấp nhận bị "nhốt" trong cái lồng của quá khứ và cả hiện tại mà họ không thể vượt thoát?
Câu trả lời: Tình dục là sự cứu rỗi. Với những cái bản năng bị kềm tỏa, bị nhốt chặt của những người đàn bà đó thì giải phóng tình dục, giải phóng những ẩn ức là một trong những lối thoát của họ.
Các bộ phim của Hồng Ánh hầu hết đều có những cảnh làm tình khá bạo liệt. Cô cũng không ngần ngại phơi da thịt trước ống kính của máy quay, từ Đời cát đến Thung lũng hoang vắng, từ Người đàn bà mộng du đến Tâm hồn mẹ.
Đây có lẽ cũng là phần khác biệt lớn nhất giữa "nàng thơ" Hồng Ánh của thập niên 90, những năm đầu 2000 so với những nàng thơ của chiến trận và hậu chiến như Trà Giang, Như Quỳnh hay Lê Vân trước đó.
Và điều đặc biệt, cho dù các nhân vật của Hồng Ánh đều giữ vai trò trung tâm trong hầu hết các bộ phim cô đóng, cho dù họ tìm đến tình dục để giải phóng, ta vẫn thấy rõ những người đàn bà đó phải oằn mình trước những lễ nghĩa hay sức ép từ muôn đời của một xã hội bảo thủ, độc đoán và nam trị.
Hai vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp của Hồng Ánh: Tâm của Đời cát và Hạnh của Trăng nơi đấy giếng đều coi chồng như những vị thánh sống và phục tùng tuyệt đối...
Đảo của dân ngụ cư: Ngột ngạt, tăm tối
Đảo của dân ngụ cư đáng lẽ ra là một bộ phim tiếp tục cái mạch những người đàn bà bị nhốt của Hồng Ánh trong những năm đầu 2000, sau thành công của Đời cát và Thung lũng hoang vắng.
Bộ tứ Vân - Giang - Lập - Ánh đã dự định khởi quay bộ phim này trong cái mạch sáng tạo đầy bức bối của thời điểm đó và có thể tạo thành một "bộ ba" mang được không khí ngột ngạt của xã hội Việt Nam thời điểm đó.
Đáng tiếc, những ẩn dụ mơ hồ từ chất liệu truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến khiến kịch bản này của Nguyễn Quang Lập bị gác lại ở cửa kiểm duyệt rất nhiều năm.
Hơn 10 năm sau, có lẽ vẫn còn ám ảnh bởi chất liệu của kịch bản, ám ảnh bởi nhân vật "nàng thơ bị nhốt" mà có lẽ đã bị vận vào người, Hồng Ánh quyết tâm thực hiện bộ phim này với tư cách đạo diễn, thay vì là đóng vai nhân vật chị Chu như dự định ban đầu.
Đảo của dân ngụ cư của Đỗ Phước Tiến là một trong những truyện ngắn nổi bật đầu thập niên 90, tạo dựng rất thành công cái không khí đặc quánh của một cộng đồng thu nhỏ đầy ngột ngạt, bế tắc, nhiều ẩn ức, lắm tăm tối.
Như lời tự sự của nhân vật dẫn chuyện (trong phim là Phước) khi nói về cái tình thế của bọn họ ở thời điểm đó, không gian đó: "Chẳng phải chị hay tôi, hay bất cứ một người nào khác, chúng mình như những chiếc máy cày chỉ làm mỗi một việc là lê lết mỏi mòn qua cánh đồng thời gian, và khát vọng hiện hữu có hơn gì một cái móc sắt han rỉ? Ngồi một chỗ như chị hay suốt đời di động như tôi thì có gì khác nhau. Bao giờ còn chưa quên vị trí xuất phát của mình, thì tôi với chị vẫn chưa bước nổi một bước, dù chỉ một bước, trong cuộc đời".
Khát vọng hiện hữu có hơn gì một cái móc sắt han rỉ? Đó cũng là cái cảm giác mà tối qua tôi ngồi thưởng thức và... chịu trận gần 100 phút của bộ phim này.
Phim có nhiều cảnh làm tình táo bạo.
Kịch bản của Nguyễn Quang Lập và đạo diễn của Hồng Ánh gần như trung thành với truyện ngắn và cái không khí thời đại mà Đỗ Phước Tiến tạo ra, nhưng tôi nghĩ giá như sau một khoảng thời gian dài như vậy để ủ mình, Hồng Ánh có thể phá cái khung của truyện gốc, phá cái góc nhìn của đàn ông để mang vào đó những dấu ấn của chính mình, một người đàn bà làm phim, thì có lẽ bộ phim đã đạt một hiệu quả cao hơn về mặt thẩm mỹ và những giá trị tư tưởng của nó.
Tôi nghĩ giá như có một hòn đảo thật sự, một không gian bị cô lập như ta thường hình dung về bối cảnh này, và như nhan đề của bộ phim, để rồi những hành xử của nhân vật, cách bọn họ đối xử với nhau phần nào lý giải được bởi cái không gian tách rời khỏi xã hội và cộng đồng chung quanh đó.
Không có một hòn đảo nào hiện hữu trong phim, "đảo" trong lý giải của Hồng Ánh có lẽ là cái "ốc đảo" của mỗi nhân vật, những kẻ tự nhốt mình hoặc bị nhốt vào đó, tự "biệt lập" với những kẻ còn lại. Đó cũng có thể là một cách hiểu, một cách lý giải, cho dù tôi không mấy thỏa mãn với cái "không gian" ốc đảo bên trong này.
Sáu nhân vật của bộ phim, không ai quá chính, không ai quá phụ. Một cái cộng đồng tứ chiếng và trôi dạt cùng tụ về đây. Bọn họ sống trong một căn nhà cổ, nhìn nhau với những đôi mắt thăm dò và đầy cảnh giác.
Một ông chủ người Hoa (Hoàng Phúc) lạnh lùng và đôi khi hơi nguy hiểm không đáng, một bà vợ nhẫn nhục và phục tùng quá mức (Ngọc Hiệp), hai gã trai làm thuê, một Miên (Nhan Phúc Vinh), một Phước (Phạm Hồng Phước) làm việc quần quật như trâu, hừng hực sức sống, một ông đầu bếp gốc Ấn sùng đạo và cuối cùng là Chu (Ngọc Thanh Tâm), cô gái liệt con ông chủ bị nhốt chặt trên căn phòng gỗ gác mái với hai chiếc cửa sổ trời.
Hãy thoát khỏi những hòn đảo và những nàng thơ bị nhốt
Phim được kể lại qua góc nhìn của Phước, một gã trai trôi dạt và dừng lại ở ngôi nhà cổ này một khoảng thời gian, chứng kiến những biến cố và thảm kịch để rồi cuối cùng nó thay đổi cuộc đời của anh ta mãi mãi, và "không bao giờ còn cảm thấy hạnh phúc nữa".
Cái tâm thế của nhân vật dẫn chuyện trong truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến có lẽ là cái tâm thế chủ đạo của những nhân vật văn chương phim ảnh những năm đầu 90, mà như anh viết, họ như "những chiếc máy cày chỉ làm mỗi việc là lê lết mòn mỏi qua cánh đồng thời gian".
Sự bế tắc cùng quẫn biến họ thành những kẻ mang tâm lý nhược tiểu, thụ động, phục tùng mà không một dấu hiệu phản kháng nào. Trong cả truyện và phim, ta thấy Miên và Phước, hai gã trai to xác, khỏe mạnh, cho dù thay nhau lên căn phòng gác mái để hì hụi làm tình với Chu mỗi đêm, nhưng không một ai trong số họ có ý định giải thoát, hoặc ít nhất một lần đưa Chu ra khỏi căn phòng bị nhốt kín đó như khao khát của cô.
Nhan Phúc Vinh vào vai gã trai làm thuê. Ảnh: ĐPCC.
Nhân vật Xiếm Hoa (Ngọc Hiệp), cũng một người đàn bà "bị nhốt", theo một cách khác - não trạng - người hầu hạ và phục tùng chồng trong sự sợ hãi và bị đối xử thô bạo.
Chu, cô con gái bị nhốt suốt cả cuộc đời mình vì đôi chân bị liệt, tìm niềm vui bên những con vật vô tri, tìm giải thoát khỏi sự bế tắc và bất lực của mình bằng tình dục, như cách Phước nhìn ra được khát vọng của cô.
Đỗ Phước Tiến viết trong truyện: "Lúc vùi đầu vào bộ ngực mềm ấm của chị, tôi cay đắng nhận ra rằng vang sâu trong cái sinh vật dị dạng đang rệu rã kia là những cơn bùng nổ liên tục của khát vọng làm người, của những đam mê hết sức chân thành, trong trắng. Linh hồn của mỗi người, nếu quả có nó, thật ra không ăn nhập gì với các xác phàm mà nó ẩn náu cả".
Cái không khí tù túng ngột ngạt của căn nhà cổ, nỗi sợ hãi và nghi kỵ bao trùm, khiến tất cả các nhân vật trong bộ phim không có một ai được giải thoát về mặt tâm hồn.
Bọn họ như sống trong vũng lầy của sự sợ hãi và đánh mất khả năng phản kháng; như hình ảnh những chú dê trước khi bị làm thịt bị Xiêm treo lon sắt vào đuôi và đuổi đánh trong đêm khiến chúng sợ hãi đến mức toát mồ hôi và theo đó mà bay hết mùi hôi khó chịu. Đây có lẽ là một chi tiết đặc sắc được thể hiện rất tốt trong phim.
Nhân vật trong phim là những người đàn bà "bị nhốt", chỉ biết phục tùng.
Đảo của dân ngụ cư có khá nhiều điểm sáng của một bộ phim đầu tay và của một đạo diễn nữ. Như đã nói, cho dù Hồng Ánh chưa thực sự vượt thoát được cái khung "nam trị" trong văn chương điện ảnh Việt bị đè nặng quá lâu, ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp nữ tính của cô qua chất thơ của những khung hình, qua không khí đậm mùi nhục cảm với những màn làm tình bạo liệt, như cách cô từng đóng trong các bộ phim trước đây.
Đó cũng là lý do mà tôi dẫn từ đầu, bộ phim này là cái mối nối dài những nhân vật "nàng thơ" bị nhốt của Hồng Ánh trong hơn một thập kỷ trước. Có lẽ ngoài Hồng Ánh, không ai dám mạo hiểm với dòng phim này ở thời điểm hiện tại. Đó vừa là một sự dũng cảm, vừa là một sự "bảo thủ" của Hồng Ánh.
Nhưng với bộ phim này, tôi tin chắc Hồng Ánh sẽ còn tiếp tục với nghiệp đạo diễn. Chỉ mong cô sẽ vượt thoát khỏi được những hòn đảo và những nàng thơ bị nhốt.
Theo Zing
Đạo diễn 'Em chưa 18' từng nuôi mộng trở thành diễn viên Lê Thanh Sơn gây tiếng vang với "Em chưa 18" tiết lộ ngày xưa anh từng có ý định thi vào khoa diễn viên nhưng vì chiều cao khiêm tốn nên học ngành đạo diễn. Nhà sản xuất tổ chức họp báo giới thiệu chương trình Gương mặt điện ảnh tại TP.HCM vào chiều 25/5. Đây là cuộc thi tìm kiếm diễn viên...