Những nhóm cực đoan bị tố ‘giật dây’ bạo loạn Mỹ
Khi nhiều thành phố Mỹ chìm trong biểu tình bạo lực và cướp phá, nhiều cáo buộc về các nhóm cực hữu hay cực tả đứng sau giật dây đang được lan truyền.
Nhiều lãnh đạo chính trị, trong đó có Tổng thống Donald Trump, cáo buộc một số nhóm cực đoan khác nhau đã biến các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối vụ cảnh sát ghì chết người da màu George Floyd thành bạo loạn.
“Chúng tôi có lý do để tin những nhân tố xấu tiếp tục thâm nhập vào các cuộc biểu tình chính đáng về cái chết của George Floyd, đó là lý do chúng tôi gia hạn lệnh giới nghiêm thêm một ngày”, Thống đốc bang Minnesota Tim Walz viết trên Twitter ngày 31/5. Trước đó, ông ám chỉ những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hoặc “những kẻ xúi giục ngoại bang” đã kích động bất ổn.
Người biểu tình cướp phá một cửa hàng đồ thể thao ở New York ngày 1/6. Ảnh: Reuters.
Tại thành phố New York, một quan chức cảnh sát cấp cao cho biết những người theo chủ nghĩa vô chính phủ đã lên kế hoạch gây hỗn loạn từ trước khi các cuộc biểu tình bắt đầu. Họ sử dụng phương thức liên lạc mã hóa để quyên tiền bảo lãnh và tuyển mộ nhân viên y tế để đề phòng trường hợp bị bắt hay bị thương.
Khi biểu tình diễn ra, họ phân phát xăng, đá, chai lọ, đồng thời phái người đi trinh sát để tìm những khu vực vắng bóng cảnh sát. “Họ đã chuẩn bị sẵn sàng và chỉ đạo những người ủng hộ phá hoại có chọn lọc, chỉ cướp phá các khu vực giàu có hoặc các cửa hàng cao cấp của doanh nghiệp lớn”, John Miller, người phụ trách chống khủng bố và tình báo của Sở Cảnh sát New York, cho biết và nói thêm nhiều người tham gia bạo loạn không phải là cư dân New York.
Tuy nhiên, những người cáo buộc các nhóm cực đoan đứng sau giật dây bạo loạn không đưa ra được nhiều bằng chứng. Một số quan chức thừa nhận thiếu thông tin chắc chắn. “Không ai biết rõ ràng”, Keith Ellison, tổng chưởng lý bang Minnesota, nói. “Tuy nhiên có nhiều video cho thấy những người phá cửa sổ trông rất khả nghi. Cũng có rất nhiều ảnh cho thấy những chiếc xe có không biển số. Hành vi rất đáng ngờ”.
Cả phe cực hữu và cực tả đều bị cáo buộc làm bùng lên bạo loạn. Chính quyền Trump cho rằng phong trào Antifa (chống phát xít) cực tả là bên kích động. “Mỹ sẽ xác định Antifa là tổ chức khủng bố”, Trump viết trên Twitter ngày 31/5, mặc dù không rõ ông có thể sử dụng cơ sở pháp lý nào để thực hiện.
Thực tế, Antifa không phải là một tổ chức, họ không có lãnh đạo, cấu trúc phân quyền hay vai trò thành viên rõ ràng. Đây là một phong trào được định nghĩa mơ hồ gồm những người có chiến thuật và mục tiêu phản kháng chung. Thành viên Antifa thường mặc trang phục màu đen, phản đối phân biệt chủng tộc, các giá trị cực hữu cùng những gì họ cho là chủ nghĩa phát xít. Họ quan niệm rằng bạo lực đôi khi được coi là tự vệ.
Ngay cả khi Antifa là một tổ chức thực sự, luật chỉ cho phép chính phủ liên bang coi các nhóm nước ngoài là khủng bố và áp đặt lệnh trừng phạt. Mỹ hiện chưa có luật về khủng bố trong nước, mặc dù nhiều người đã đề xuất. Khi FBI điều tra các tổ chức tân phát xít như Base và Atomwaffen Division, họ đã coi những nhóm này như tổ chức tội phạm.
Tuy nhiên, sau khi Trump đăng tweet, Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr cho biết FBI sẽ phối hợp với cảnh sát bang và địa phương để xác định những người biểu tình bạo lực. Ông gọi những người này là phần tử khủng bố trong nước.
Những người thuộc phong trào Antifa thường chống đối lực lượng hành pháp và có xu hướng hành động quyết liệt trên đường phố, Jonathan Greenblatt, giám đốc điều hành của Liên đoàn Chống phỉ báng, nói. Vì vậy, những cuộc biểu tình phản đối cái chết của Floyd cung cấp cho họ cơ hội thực hiện những hành vi này, ngay cả khi mục tiêu của họ không giống với những người biểu tình ban đầu. Tuy nhiên, Greenblatt cảnh báo không thể quy tất cả vụ phá hoại cho một phe nào.
“Đúng là các chiến thuật Antifa thường sử dụng đã xuất hiện nhiều lần trong các cuộc biểu tình phản đối cái chết của Floyd, nhưng không rõ bao nhiêu cá nhân có hành vi bạo lực hoặc phá hủy tài sản liên quan đến Antifa, hay họ chỉ đơn giản bất bình với hành động của cảnh sát”, ông nói.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng hay phe cực hữu đứng sau tình trạng bạo lực.
“Chúng tôi biết rằng có những người kích động từ cả phe cực hữu lẫn phe cực tả, cả trên mạng lẫn tại các cuộc tuần hành”, Brian Levin, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thù ghét và Chủ nghĩa cực Đoan tại Đại học bang California, San Bernardino, nói.
Những người cực hữu đăng một loạt bài trên mạng xã hội trong những ngày gần đây, nhấn mạnh tình trạng bất ổn hiện nay là dấu hiệu cho thấy hệ thống đa chủng tộc, đa văn hóa của Mỹ sắp sụp đổ và họ đã chờ đợi điều đó từ lâu. Thành viên của các nhóm thù ghét hoặc các tổ chức cực hữu đã tự quay phim họ cầm súng hoặc vẫy các biểu tượng cực đoan tại các cuộc biểu tình ở ít nhất 20 thành phố.
Mặc dù theo chủ nghĩa cực hữu, những người này có điểm chung với cộng đồng người da màu đi biểu tình: họ muốn phản đối cảnh sát. Quan điểm này xuất phát từ thời những năm 1990, khi các nhóm da trắng thượng đẳng đụng độ nhiều lần với lực lượng hành pháp ở Ruby Ridge hay Idaho.
Nhưng rốt cuộc, mục tiêu của họ không phải là đòi bình đẳng cho người da màu. Họ tin rằng cuộc chiến chủng tộc sẽ dẫn đến kết cục là thành lập được cộng đồng chỉ có người da trắng tại ít nhất một phần của Mỹ.
Tuy nhiên, Howard Graves, nhà phân tích tại trung tâm SPLC, chuyên theo dõi các nhóm cực đoan chống chính phủ, cho biết ông không thấy có dấu hiệu rõ ràng các nhóm da trắng thượng đẳng đi đốt phá và cướp bóc.
Mike Griffin, nhà hoạt động lâu năm ở Minneapolis, cho biết các cuộc biểu tình trong thành phố đã thu hút những người mà ông chưa từng thấy trước đây, như thanh niên da trắng ăn mặc chỉnh tề với những đôi giày đắt tiền, mang theo búa và hùa nhau đi đốt phá các tòa nhà.
“Tôi hiểu về những cuộc biểu tình, tôi đã tham gia các cuộc biểu tình trong 20 năm qua”, ông nói. “Nhưng lần này, những người vốn không thường tham gia các cuộc biểu tình đang gây ra các hành vi phá hoại trên đường phố”.
Các chuyên gia cho rằng nếu đây là sự thật thì tình trạng bạo loạn có thể là hành động bột phát quá khích của các cá nhân chứ không phải do tổ chức đứng sau giật dây. Các đặc vụ liên bang năm nay đã triệt phá Base và Atomwaffen, hai trong số những nhóm cực hữu bạo lực nhất.
“Chia sẻ những truyện cười phân biệt chủng tộc trên mạng và tổ chức một nhóm mang vũ khí gây rối ở nhiều bang là hai việc hoàn toàn khác nhau”, Megan Squire, giáo sư tại Đại học Elon ở Bắc Carolina, nói. “Họ không có mạng lưới mạnh mẽ trong thế giới thực, nơi mọi người phải thực sự tin tưởng lẫn nhau”, bà nói.
4 cảnh sát bị bắn trong cuộc biểu tình bạo lực ở Mỹ
Bốn cảnh sát ở thành phố St Louis, bang Missouri, đã bị bắn hôm 1/6 trong cuộc biểu tình bạo lực phản đối vụ việc của George Floyd.
Người biểu tình đốt cháy một trung tâm thương mại ở Los Angeles, cướp phá các cửa hàng ở thành phố New York và đụng độ với cảnh sát ở St Louis - bang Missouri. Tại đây, bốn sĩ quan được đưa đến bệnh viện, tuy nhiên vết thương không quá nghiêm trọng, theo Reuters.
"Các sĩ quan vẫn đang bị bắn ở trung tâm thành phố và chúng tôi sẽ chia sẻ thêm thông tin nếu có", cảnh sát thành phố St Louis viết trên Twitter.
Cảnh sát New York cố gắng trấn áp người biểu tình hôm 2/6. Ảnh: Reuters.
Trước đó vài giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể triển khai quân đội để tránh tình trạng biểu tình bạo lực lan rộng.
"Các thị trưởng và thống đốc phải triển khai mạnh mẽ lực lượng hành pháp cho tới khi tình trạng bạo lực được dập tắt. Nếu bất kỳ thành phố hay tiểu bang nào từ chối đưa ra động thái cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ triển khai quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho khu vực đó", ông Trump nói hôm 1/6.
Sau bài phát biểu, tổng thống Mỹ đi tới nhà thờ St. John gần đó, chụp ảnh cùng con gái Ivanka và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr. Những người biểu tình ôn hòa ngay bên ngoài cổng Nhà Trắng đã bị giải tán bằng hơi cay, lựu đạn choáng và đạn cao su để ông Trump có thể đến thăm nhà thờ.
Cùng ngày 1/6, lực lượng cảnh sát ở thành phố Buffalo cũng bị người biểu tình tấn công. Video được một người ở gần hiện trường đăng tải cho thấy khoảng 21h30 tối 1/6, một xe SUV đã lao vào nhóm các sĩ quan cảnh sát tại cuộc biểu tình phản đối vụ việc của George Floyd. Cú đâm khiến một người bị cán dưới bánh xe. Ít nhất hai người bị thương được đưa tới bệnh viện.
Cảnh sát bắn hơi cay giải tán biểu tình trước chuyến thăm của TT Trump
Lực lượng an ninh dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình trước khi ông Trump đi từ Nhà Trắng tới nhà thờ St. John.
Biểu tình Mỹ lan tới Anh Đám đông tập trung ở London biểu tình sau cái chết ở người da màu George Floyd ở bang Minnestota, Mỹ, buộc cảnh sát bắt 23 người. Bất chấp các lệnh cấm tụ tập đông người nhằm ngăn Covid-19 lây lan, những người biểu tình tập trung tại quảng trường Trafalgar ở trung tâm London, Anh, từ 8h sáng 31/5, thể hiện sự...