Những nhân vật khỉ nổi tiếng trên màn bạc
Khỉ là loài sinh vật xuất hiện rất nhiều trong phim ảnh. Chúng hay gắn liền với hình ảnh vui tươi, lém lỉnh, nhưng có những lúc lại trầm tĩnh, uyên bác, và đầy quyền lực.
King Kong trong King Kong (1933), (2005) và Kong: Skull Island (2017): King Kong là con khỉ đột khổng lồ sinh sống tại đảo Đầu lâu. Kể từ lần đầu ra mắt năm 1933, sinh vật trở thành một trong những quái thú ấn tượng nhất trên màn ảnh. Với sức mạnh phi thường, King Kong có thể hạ gục ba con khủng long cùng lúc, hoặc gây náo loạn cả New York. Tuy nhiên, điều khiến khán giả yêu mến King Kong là tính “người”, khi nó luôn mang trong mình tình cảm dành cho mỹ nhân Ann Darrow. Ở Kong: Skull Island có nhiều cảnh quay tại Việt Nam mới ra mắt hồi tháng 3, tuyến truyện bị lược bỏ, và phim là bàn đạp để Kong đối đầu với Godzilla vào năm 2020.
Abu trong Aladdin (1992): Chú khỉ tinh nghịch và trung thành là bạn thân chí cốt của Aladdin. Abu nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thông minh, hài hước, luôn khéo léo giúp đỡ chủ nhân trong những cuộc chạy trốn lính canh hoặc lừa đảo để kiếm sống. Sau khi gặp gỡ thần đèn, Aladdin biến thành hoàng tử, còn Abu hóa thành chú voi luôn đi theo chủ. Dù mang hình dạng khỉ hay voi, chú luôn giữ sở thích ăn chuối.
Rafiki trong The Lion King (1994): Trong tác phẩm hoạt hình Vua sư tử, Rafiki gây ấn tượng khó phai bởi đây là chú khỉ đầu chó lớn tuổi, uyên bác. Thường sống ẩn dật và thích ngồi thiền, nhưng nhân vật thi thoảng lại hài hước tới kỳ quặc. Ông chính là tham mưu cho vua sư tử Mufasa khi Scar lộ rõ âm mưu tiếm ngôi. Ngay cả khi Mufasa bị hại, Rafiki vẫn nhất mực đi theo chính nghĩa, quyết tâm phò tá Simba – con trai của nhà vua quá cố.
Ape trong George of the Jungle (1997): Bộ phim hài George of the Jungle của Brendan Fraser xoay quanh một chàng trai sống ở thế giới rừng rậm với sức mạnh phi thường. Anh cùng bạn bè muông thú luôn tìm cách để ngăn chặn những kẻ muốn tàn phá rừng. Chú khỉ Ape là bạn đồng hành thân thiết của George. Nhân vật thông minh, uyên bác và điềm tĩnh, nhưng cũng rất hài hước, lém lỉnh và mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Video đang HOT
Terk trong Tarzan (1999): Bộ phim hoạt hình nổi tiếng đến từ Walt Disney kể về chuyến phiêu lưu của Tarzan – chàng “hoàng tử rừng xanh” sống trong rừng sâu từ nhỏ cùng loài khỉ đột. Phim khắc họa hình ảnh loài khỉ sống tự do, ấm áp, giàu tình cảm và đầy tốt bụng. Trong đó, gây ấn tượng nhất là nhân vật Terk – người chị và là bạn thân nhất của Tarzan. Cô luôn bên cạnh để bảo vệ, chỉ dẫn cho Tarzan trong mọi tình huống.
Master Monkey trong loạt Kung Fu Panda (2008-2016): Ngoài gấu Po, loạt phim hoạt hình Kung Fu Panda còn gây ấn tượng với khán giả bởi nhóm Ngũ đại hào kiệt, trong đó có Khỉ sư huynh (Master Monkey) do Thành Long lồng tiếng. Đúng với tính cách của loài khỉ, Master Monkey là người thân thiện nhất, lúc nào cũng lém lỉnh và tràn đầy tình cảm. Chú dựa trên tốc độ và kỹ năng nhào lộn để tham gia chiến đấu cùng Po và đồng đội.
Dexter trong loạt Night at the Museum (2006-2014): Nhờ sức mạnh từ bài vị của vua Ahkmenrah mà cứ mỗi đêm, tất cả hiện vật tại bảo tàng lịch sử tự nhiên đều có được sự sống, và chú khỉ Dexter cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, Dexter rất tinh nghịch và luôn bày trò để chọc phá anh chàng bảo vệ ca đêm Larry (Ben Stiller). Nhưng dần dà, cậu bộc lộ mình là chú khỉ tình cảm, rất đáng tin cậy khi luôn hoàn thành nhiệm vụ được nhân vật chính giao cho.
Capuchin trong The Hangover Part II (2011): Crystal là cô khỉ sắm vai Dexter trong Night at the Museum, và có thêm một lần tỏa sáng nhờ phần hai của loạt phim hài The Hangover. Khỉ Capuchin xuất hiện với phong cách hầm hố và chiếc áo jean bụi đời. Nó thể hiện đủ loại thói xấu khi rất láu cá, phì phò hút thuốc, tham gia buôn bán thuốc phiện… Điểm tốt cả Capuchin là gương mặt dễ thương và luôn dịu dàng với trẻ con.
Caesar trong loạt Planet of the Apes (2011-2017): Từ chỗ là một chú khỉ bình thường trong đàn linh trưởng được nuôi để thử nghiệm thuốc chữa trị bệnh Alzheimer, Caesar dần sở hữu trí tuệ vượt trội, và cầm đầu cuộc nổi dậy chống lại con người. Ở Caesar có sự tinh ranh, quyết đoán, và tư duy chiến thuật xuất sắc. Song, chú thực tế chỉ mong muốn đồng loại có cuộc sống bình yên, song song với con người đang đứng bên bờ diệt vong. Sâu thẳm trong tim, Caesar luôn mang lòng biết ơn dành cho tiến sĩ William Rodman (James Franco) – người từng trực tiếp nuôi nấng mình.
Tôn Ngộ Không trong các tác phẩm chuyển thể: Là nhân vật biểu tượng tại Trung Quốc và châu Á, Mỹ hầu vương được các nhà làm phim khắp nơi trên thế giới đưa lên màn bạc. Trong đó, nổi tiếng nhất đối với khán giả Việt Nam là phiên bản truyền hình năm 1986 do Lục Tiểu Linh Đồng đóng. Mới nhất, mùa hè 2017, Bành Vu Yến hóa thân thành Tôn Ngộ Không thời niên thiếu trong Ngộ Không ngoại truyện, với câu chuyện mang đậm tính ngôn tình, hoàn toàn sáng tạo so với nguyên tác văn học cùa Ngô Thừa Ân.
Theo Zing
Những tình tiết khán giả có thể bỏ qua trong 'Đại chiến hành tinh khỉ'
"War for the Planet of the Apes" khép lại bộ ba tái khởi động thương hiệu "Hành tinh khỉ", đồng thời chứa đựng một số chi tiết kết nối tới các tác phẩm trong thế kỷ XX.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước nội dung bộ phim Hành tinh khỉ (1968) và Đại chiến hành tinh khỉ (2017)
Nova: Trong tập Planet of the Apes đầu tiên năm 1968, Nova (Linda Harrison) là cô gái loài người xinh đẹp nhưng bị câm, được chọn làm đối tượng phối giống với phi hành gia Taylor (Charlton Heston) mới lạc xuống Hành tinh Khỉ. Các bộ phim hồi thập niên 1960-1970 chưa bao giờ giải thích lý do con người trở nên như vậy. Nhưng War for the Planet of the Apes đã tiết lộ rằng đó là vì biến thể của virus cúm khỉ (Simian Flu), và một trong những nạn nhân của nó là cô bé Nova (Amiah Miller). Đạo diễn Matt Reeves khẳng định: "Nhân vật đã cho thấy tại sao con người trong bộ phim Planet of the Apes đầu tiên bị câm".
Con búp bê: Con búp bê vải gây họa ở cuối phim của Nova là một chi tiết nữa gợi nhắc tới Planet of the Apes. Song, ở tập phim năm 1968, đó là một con búp bê biết nói, được tìm thấy ở khu vực khảo cổ thuộc Khu vực Cấm (Forbidden Zone). Nó tiết lộ cho Taylor biết rằng con người trên Hành tinh Khỉ không phải sinh ra đã ngu ngốc, trước khi anh khám phá ra kết cục bi kịch dành cho chính bản thân. Theo đạo diễn Matt Reeves, chi tiết con búp bê là món quà đặc biệt mà ông muốn dành tặng các fan của thương hiệu.
Alpha/Omega: Trong phần hai, Beneath the Planet of the Apes (1970), khán giả được gặp một nhóm người đột biến tôn sùng quả bom nguyên tử có tên Alpha-Omega. Ở War of the Planet of the Apes, đội quân của Đại tá McCullough (Woody Harrelson) tự gọi mình là Alpha/Omega, đồng thời áp dấu biểu tượng giống như trên quả bom lên cơ thể mình.
Ape-pocalypse Now: Trong một cảnh ngắn dưới lòng đất, khán giả thoáng trông thấy dòng chữ "Ape-pocalypse Now" sơn trên tường. Đó là cụm từ nhại từ tựa đề bộ phim chiến tranh kinh điển Apocalypse Now (1979) của đạo diễn Francis Ford Coppola. Chưa kể, nhân vật Đại tá McCullough trong phim có cách cạo đầu rất giống với Đại tá Kurtz do Marlon Brando thể hiện ở tác phẩm điện ảnh năm xưa.
Donkey: "Lừa" là từ mà con người dùng để gọi các chú khỉ thông minh phản bội đồng loại, quay sang phục vụ mình. Từ tiếng Anh trong phiên bản gốc của bộ phim là "Donkey", được lấy cảm hứng từ trò chơi điện tử nổi tiếng Donkey Kong của hãng Nintendo. Có lẽ do vấn đề bản quyền mà hãng Fox đã không thể sử dụng toàn bộ cụm từ đó.
Cornelius: Con trai út của khỉ Caesar (Andy Serkis) mang tên Cornelius, tức được đặt theo tên khỉ mẹ là Cornelia (Judy Greer). Nhưng Cornelius còn là tên của chú khỉ nhân vật chính ở các tập phim Planet of the Apes đầu tiên và do Roddy McDowall thể hiện. Sau này, con trai của Cornelius xuất hiện trong Conquest of the Planet of the Apes (1970) và Battle for the Planet of the Apes (1973). Cũng do Roddy McDowall khắc họa, nhân vật đó có tên là Caesar. Cornelius hẳn muốn con trai lớn lên cũng uy dũng như người cha huyền thoại của mình.
Cảnh cưỡi ngựa ở bãi biển: Trong những phút cuối cùng của bộ phim năm 1968, Taylor và Nova cưỡi ngựa qua một bãi biển dài, trước khi phát hiện thấy tàn tích của tượng Nữ thần Tự do, và nhận ra rằng Hành tinh Khỉ thực chất chính là Trái đất sau khi trải qua chiến tranh hạt nhân. Đó là cảnh hai nhân vật đi từ phải sang trái màn hình. Còn ở War for the Planet of the Apes, nhóm nhân vật khỉ cùng Nova cũng đi qua một bãi biển dài, nhưng là từ trái sang phải màn ảnh. Có lẽ đích đến ở cuối phim của họ chính là thuở sơ khai của Thành phố Khỉ (Ape City) trong tập phim Planet of the Apes đầu tiên.
Theo Zing
Người Nhện bị Khỉ đánh bại trong cuộc chiến phòng vé tuần qua Từ vị trí quán quân của tuần trước, nay Người Nhện phải hứng chịu sự soán ngôi đến từ lính mới là "Đại chiến hành tinh khỉ". Phòng vé tuần qua chứng kiến sự chuyển ngôi mãnh liệt giữa War for the Planet of the Apes của 20th Century Fox và Spider-Man: Homecoming của Marvel. Phần phim thứ 3 và cũng là cuối...