Những nhà vô địch Olympic túng quẫn, phải bán huy chương sống qua ngày
Vì nhiều lý do, những nhà vô địch Olympic có thể phải bán đi những tấm huy chương danh giá của mình.
“Tôi sẽ không bao giờ bán đi những chiếc huy chương của mình”, Kelly Sotherton, từng giành 2 huy chương đồng 7 môn phối hợp và chạy tiếp sức 4×400m ở 2 kỳ Olympic, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNN. Những tấm huy chương Thế vận hội là vô giá về mặt tinh thần, ít nhất là với các vận động viên.
Ở Olympic Tokyo 2020, huy chương vàng thực ra là bạc nguyên chất mạ vàng, nặng khoảng hơn 500g. Nếu nung chảy rồi đem bán, mỗi chiếc có giá trị khoảng 800 USD. Rõ ràng là không có nhà vô địch Thế vận hội nào muốn đổi những tấm huy chương của mình lấy số tiền như vậy.
Nhưng chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra, dưới tác động của hoàn cảnh và với một mức giá cao hơn gấp nhiều lần.
Mỗi tấm HCV ở Olympic Tokyo 2020 có giá trị vật liệu khoảng 800 USD.
Những tấm HCV cứu đói
Greg Louganis giành cú đúp huy chương vàng ở 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp, Los Angeles 1984 và Seoul 1988. Ông được mệnh danh là vận động viên nhảy cầu xuất sắc nhất mọi thời đại.
Thế nhưng, Louganis phải sống trong cảnh túng thiếu sau khi kết thúc sự nghiệp. Tình hình tệ đến mức vào năm 2012, ông phải bán đi từng tấm huy chương của mình.
Video đang HOT
“Ông ấy muốn 100.000 USD cho mỗi chiếc. Tôi nói với ông ấy rằng khó mà bán được với giá đó. Nhưng bây giờ thì chuyện đó hoàn toàn khả thi”, Ingrid ONeil, chủ một công ty bán đấu giá ở California kể lại. Louganis sau đó quyết định bán nhà và giữ lại những chiếc huy chương danh giá.
Ở những môn thể thao phổ biến như bóng đá hay bóng rổ, các vận động viên có thể kiếm bộn tiền khi còn thi đấu và đủ để họ sống dư dả trong những năm tháng sau khi giải nghệ. Tuy nhiên, VĐV của đa số các môn thể thao khác không có điều kiện như vậy. Trong một số trường hợp, những tấm huy chương Thế vận hội có thể là tài sản cuối cùng cứu vớt họ trong cảnh túng thiếu.
“Vấn đề là họ không có thu nhập ổn định và đã dành quá nhiều thời gian cho thể thao đến mức không thể tránh khỏi cảnh khó khăn khi sự nghiệp kết thúc”, New York Post dẫn lời Robert Raiola, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính thể thao.
VĐV Louganis từng rao bán huy chương vàng Olympic vì hoàn cảnh túng thiếu.
Mark Wells, thành viên của đội tuyển khúc côn cầu Mỹ vô địch Thế vận hội 1980, lại là một câu chuyện kiểu khác. Dù sự nghiệp thể thao không phất lên được sau chiến tích đó, ông vẫn giàu có khi mở một nhà hàng ở Michigan. Nhưng một tai nạn trong lúc dỡ hàng đã thay đổi tất cả.
Wells trải qua một ca phẫu thuật kéo dài 11 tiếng mà vẫn không được chữa khỏi hoàn toàn, phải nằm liệt giường sau đó. Dần rơi vào cảnh khánh kiệt, ông bán tấm huy chương vàng cho một nhà sưu tập để đổi lấy 40.000 USD.
“Thật đau khổ khi phải bán chiếc huy chương đó, nhưng tôi sắp mất đi căn nhà. Tôi phải bán nó để phẫu thuật và được sống. Tôi không có lựa chọn nào khác”, Wells kể lại trong một cuộc phỏng vấn năm 2010.
HCV Olympic giá bao nhiêu?
Có một vài trường hợp VĐV đem bán huy chương Olympic vì những lý do lạ lùng. Công ty đấu giá của Ingrid ONeil từng nhận rao bán chiếc huy chương bạc của một VĐV môn bơi vì anh này “quá thất vọng đến mức không muốn nhìn thấy nó” sau khi không thể giành được vị trí cao nhất.
Đa số những tấm huy chương được đem bán đấu giá vì mục đích từ thiện, sau khi chủ nhân của chúng qua đời. Cũng có một vài trường hợp các VĐV ủng hộ kỷ vật Olympic của mình cho các chương trình từ thiện, ví dụ như trường hợp của nhà vô địch Olympic Sydney 2000 Anthony Ervin. Ông gây quỹ được 17.000 USD để trợ giúp các nạn nhân trong thảm họa sóng thần ở Ấn Độ vào năm 2004.
Mới đây, một tấm huy chương vàng của Olympic Athens 1896 vừa được mua với giá 180.000 USD (khoảng hơn 4 tỷ đồng) trong một chương trình đấu giá. Nhà tổ chức của sự kiện này cũng từng bán 2 tấm huy chương vàng khác của 2 VĐV người Cuba, khoảng hơn 70.000 USD mỗi chiếc.
Kỷ lục đấu giá huy chương Olympic là 1,46 triệu USD, bán vào năm 2013. Đó là tấm huy chương mà vận động viên da màu người Mỹ Jesse Owen giành được ở Olympic Berlin 1936, một chiến thắng được coi là cú đánh thẳng vào thể diện của Adolf Hitler ngay trên đất Đức.
Hành trình cổ tích của cô gái gốc Lào vô địch Olympic
VĐV 18 tuổi Sunisa Lee giành HC vàng toàn năng nữ Olympic Tokyo tối 29/7 là người dân tộc Hmong, có bố mẹ đều là người Lào tị nạn tại Mỹ.
Người đẹp tuổi teen đạt tổng điểm 57,433, giành HC vàng sau 4 phần thi nhảy chống, xà lệch, cầu thăng bằng và biểu diễn tự do. Số điểm của Sunisa Lee chỉ hơn đối thủ người Brazil giành HC bạc là Andrade Rebeca chưa đầy 0,2 điểm. VĐV của đoàn Ủy ban Olympic Nga Melnikova Angelina giành HC đồng. VĐV 18 tuổi là người dân tộc Hmong đầu tiên đại diện cho tuyển xứ sở cờ hoa ở Olympic.
Sunisa hạnh phúc khoe HC vàng Olympic toàn năng nữ. Ảnh: AFP.
Sunisa lớn lên ở Saint Paul, Minnesota, Mỹ, nơi có khoảng 80.000 người Hmong sinh sống. Bố mẹ cô - Houa John Lee và Yeev Thoj - đều sinh ra ở Lào và thuộc dân tộc thiểu số Hmong. Vì ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam những năm đầu 1970, gia đình của bố mẹ Sunisa Lee cũng như bao gia đình người Hmong khác ở Lào tìm cách chạy khỏi đất nước. Bắt đầu từ trại tị nạn ở Thái Lan, gia đình anh Houa John Lee nhập cư vào Mỹ năm 1979 khi anh 8 tuổi còn chị Yeev Thoj tới xứ sở cờ hoa năm 1987 khi 12 tuổi.
Bố mẹ nhà vô địch Olympic gặp nhau khi trưởng thành, theo ESPN . Anh John không phải là bố ruột của Sunisa. John là ông bố đơn thân có hai đứa con là Jonah và Shyenne trước khi gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với chị Yeev Thoj người cũng có cô con gái riêng Sunisa hai tuổi. Tuy nhiên cô gái 18 tuổi và bố dượng lại rất gắn bó và Sunisa quyết định đổi sang họ Lee của John. Ngoài con riêng của mỗi người, bố mẹ của VĐV 18 tuổi còn sinh thêm ba con chung.
Khi còn nhỏ, Sunisa mê mẩn thể dục dụng cụ sau khi xem video qua YouTube và cố gắng bắt chước, học theo. Cô bé gốc Lào rất hiếu động, nhào lộn rồi ngã liên tục trong nhà, dùng thanh kim loại phơi quần áo trong vườn làm nơi "tập luyện". Năm Sunisa 6 tuổi, bố mẹ đăng ký cho cô học thể dục dụng cụ tại trung tâm thể dục Midwest ở Little Canada và Sunisa vẫn tập cho tới ngày nay.
Khi Sunisa lớn hơn một chút, bố dượng làm cho cô một cây cầu thăng bằng từ gỗ để con gái có thể tập tại nhà vì không đủ tiền mua thiết bị tập thực sự. Bố John là nguồn động viên lớn của cô gái tuổi teen. Năm Sunisa 12 tuổi, hai bố con đánh cược với nhau rằng nếu cô giành chiến thắng trong một cuộc thi, bố sẽ mua cho một chiếc iPhone. Số tiền mua điện thoại không hề nhỏ với John nhưng khi Sunisa chiến thắng, anh bán cả xe để mua cho con như đã hứa.
Sunisa (đứng sau ngoài cùng bên phải) bên bố mẹ và các chị em gái. Lúc này bố cô vừa gặp tai nạn, phải ngồi xe lăn. Ảnh: Twitter.
Tháng 8/2019, gia đình nhỏ của Sunisa gặp biến cố khi anh John bị ngã từ trên thang xuống trong lúc cắt tỉa cây nhà hàng xóm. Anh bị gẫy xương sườn, gẫy cổ tay và tệ nhất là bị tổn thương tủy sống. Dù bị thương phải nằm viện điều trị dài ngày, bố vẫn động viên Sunisa tham gia thi đấu ở giải vô địch quốc gia. Cô gái 16 tuổi khi ấy đã gạt bi kịch gia đình sang một bên, xếp thứ hai ở nội dung toàn năng nữ sau đàn chị nổi tiếng Simone Biles và giành HC vàng ở nội dung xà lệch. Hai năm sau tai nạn, bố Sunisa vẫn phải ngồi xe lăn. "Trước khi bị thương, tôi là người khỏe mạnh, năng động, hay sửa chữa mọi thứ trong nhà. Giờ đây tôi không thể làm gì cả, thật khó khăn. Nhưng mỗi khi tôi bực tức với bản thân, tôi nhìn Sunisa và nghĩ về những gì con bé đã trải qua để đạt được ngày hôm nay, tôi lại được truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh", anh John thổ lộ.
2021 là năm bận rộn với nhà vô địch tuổi teen. Trước khi tới Olympic, Sunisa từng về nhất ở nội dung xà lệch tại một loạt giải như Winter Cup, American Classic và vô địch thể dục dụng cụ quốc gia. Cô gái 18 tuổi cũng vừa tốt nghiệp trung học trường South Saint Paul và môn học yêu thích nhất của cô là khoa học. Mùa thu này, Sunisa sẽ là sinh viên Đại học Auburn ở Alabama.
Bên cạnh những niềm phấn khích khi giành chiến thắng, nữ VĐV tuổi teen còn trải qua những giai đoạn khó khăn. Khi Olympic bị dời lại một năm, Sunisar bị trầm cảm, thậm chí đã nghĩ tới việc bỏ thể dục dụng cụ. Sau đó, cô còn bị gẫy chân, đau lưng và mất đi người cô, người chú thân yêu vì Covid-19. Nhưng vượt lên tất cả, Sunisa đã ghi tên mình vào lịch sử Olympic, sánh ngang các đàn chị danh tiếng từng mang về HC vàng toàn năng cho đoàn Mỹ tại ở các kỳ Olympic trước như Mary Lou Retton, Carly Patterson, Nastia Liukin, Gabby Douglas và Simone Biles.
Nhà vô địch tuổi teen (giữa) bên hai đối thủ đoạt HC bạc và đồng sau nội dung toàn năng nữ tối 29/7. Ảnh: EPA.
Vì sao Naomi Osaka được chọn là người thắp đài lửa Olympic Tokyo? Ở Olympic 2020, Naomi Osaka nhận vinh dự mang ngọn lửa thiêng lên đài cao và thắp sáng ngọn đuốc của Thế vận hội. Sinh năm 1997 tại Osaka, cô có mẹ người Nhật, bố người Haiti. Osaka được coi là biểu tượng cho khát vọng học hỏi, hội nhập với thế giới rồi vươn lên đỉnh cao của thể thao Nhật Bản....