Những nguy cơ Mỹ đối mặt sau khi không kích căn cứ quân sự Syria
Mỹ đứng trước rủi ro sa lầy vào nội chiến ở Syria và nguy cơ máy bay nước này bị tấn công trả đũa, khiến đồng minh chống IS hoang mang và bỏ cuộc chơi.
Từ trái sang, Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Syria Assad và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: theglobeandmail
Sau khi chính phủ Syria bị cáo buộc tấn công hóa học vào ngày 4/4 làm thiệt mạng ít nhất 86 người dân ở tỉnh Idlib, Lầu Năm Góc đã phản ứng mạnh mẽ bằng màn không kích tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Sayrat của Syria vào ngày 6/4.
Đối với Tổng thống Donald Trump, việc lựa chọn mục tiêu và nã các tên lửa hành trình để trừng phạt chính quyền Syria là một quyết định dứt khoát, theo Washington Post. Vấn đề là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
“Các vấn đề cơ bản vẫn không thay đổi”, Phil Gordon, cựu quan chức cấp cao ở Nhà Trắng dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, người từng tham gia nhiều cuộc thảo luận về phương án trừng phạt ông Assad, nhận định.
“Liệu bạn có thể phát động một loạt đòn tấn công quân sự để làm suy giảm năng lực vũ khí hóa học của Syria và nếu bạn làm như vậy, họ sẽ làm gì để trả đũa?”, Gordon đặt câu hỏi.
Nguy cơ gây thương vong cho binh sĩ Nga
Quân đội Mỹ từng chuẩn bị các phương án tấn công chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ năm 2013, khi Assad bị cáo buộc giết hơn 1.000 người dân trong một vụ tấn công chất độc thần kinh.
Sự khác biệt lớn nhất giữa thời điểm 2013 khi Tổng thống Obama đe dọa không kích chống lại ông Assad và thời điểm hiện nay là rủi ro mở rộng cuộc xung đột ở Syria giờ lớn hơn rất nhiều.
Kế hoạch tấn công của Mỹ nhằm trừng phạt Assad vào năm 2013 chủ yếu là nhằm vào năng lực vũ khí hóa học của Syria, các cựu quan chức Mỹ cho biết.
Video đang HOT
Một chiến dịch không kích trực tiếp nhằm vào các kho vũ khí hóa học của Syria là quá rủi ro cho dân thường vì có thể dẫn đến hậu quả khí độc lan rộng, cây bút Greg Jaffe của Washington Post, nhận định.
Thay vì thế, các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã lên một danh sách các mục tiêu bao gồm các đơn vị vũ khí hóa học, máy bay và pháo binh mà ông Assad có thể sử dụng để phát tán khí độc.
“Ý đồ của phương án này là không kích các đơn vị vũ khí hóa học khác nhau của Syria”, một cựu quan chức Mỹ giấu tên, cho biết.
“Chúng tôi đã bố trí các đơn vị tình báo thẩm định sức công phá của chiến dịch không kích và nếu nhận thấy không đạt được hiệu quả mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu này”, quan chức này nói.
Khác biệt lớn nhất mà Trump và các tư lệnh quân đội của ông đối mặt hiện nay là sự hiện diện của binh sĩ Nga trên chiến trường Syria và các hệ thống phòng không mà Nga đang bố trí tại Syria có khả năng bắn hạ máy bay Mỹ. Hiện nay, binh sĩ Nga cắm chốt chung với binh sĩ chính phủ Syria, do vậy, bất kỳ cuộc không kích nào nhằm vào một mục tiêu quân sự Syria đều có thể gây thương vong cho binh sĩ Nga.
Tướng thủy quân lục chiến Mỹ về hưu John Allen, người điều phối chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria dưới thời chính quyền Obama, cho rằng các cuộc tấn công quân sự đáng lẽ có thể tạo ra tác động mang tính quyết định đến cuộc chiến ở Syria nếu được phát động vào năm 2013. Ông mô tả quyết định không tấn công Syria của Obama là quá “tai hại”.
“Tình hình hiện nay khó khăn hơn nhiều. Mỹ phải tự hỏi chính mình rằng: chúng ta muốn giận giữ đến mức nào về vấn đề này? Liệu chúng ta đã đủ bị chọc giận đến mức chúng ta sẵn sàng hành động dù có khả năng gây thương vong cho người Nga?”, ông nói.
Nguy cơ máy bay Mỹ bị bắn hạ
Mối lo ngại lớn khác là các hệ thống phòng không của Nga và Syria. Chúng vốn không nhắm đến các máy bay Mỹ vì lực lượng Mỹ chủ yếu tập trung tiêu diệt IS, kẻ thù chung của Mỹ và chính quyền Syria.
“Máy bay của Mỹ và các nước nằm trong liên minh chống IS đã bay vòng quanh và xuyên qua hệ thống phòng không của họ trong hai năm qua. Nếu anh phát động tấn công vào chính quyền Syria, nước này sẽ có cớ để bắn các máy bay của lực lượng liên minh bằng hệ thống phòng không”, Andrew Exum, cựu quan chức quốc phòng cấp cao thời chính quyền Obama, nói.
Ít nhất, một động thái như vậy của Syria hoặc Nga có thể gây hoảng sợ cho các đối tác trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu và khiến họ rút khỏi cuộc chiến, Exum cảnh báo.
Nếu máy bay Mỹ bị bắn rơi hoặc bị buộc phải tấn công đáp trả nhằm vào radar của Syria hoặc Nga, Mỹ có thể bị sa lầy vào cuộc nội chiến rối rắm ở Syria. Một kết cục như vậy không chỉ đặt tính mạng của binh sĩ Mỹ vào tình thế rủi ro hơn mà còn gây thêm khó khăn cho cuộc chiến chống IS của Mỹ, mà Trump xem là ưu tiên chính sách ngoại giao hàng đầu của ông.
Trump có thể giảm nhẹ một số rủi ro này bằng cách bảo đảm với người Nga rằng các cuộc không kích chỉ nhằm trừng phạt Assad vì sử dụng vũ khí hóa học, chứ không nhằm làm nghiêng cán cân trong cuộc nội chiến ở Syria.
Theo một số nhà phân tích, cuộc không kích có thể sẽ tăng thêm lợi thế cho Mỹ để dàn xếp một thỏa hiệp với Nga giúp chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.
“Thông điệp chính trị từ một vụ không kích là thể hiện họ đang sử dụng cách tiếp cận hoàn toàn khác với chính quyền tiền nhiệm”, Andrew Tabler, chuyên gia nghiên cứu về Syria ở Viện Washington về Chính sách Cận Đông nhận xét. Một cuộc tấn công như vậy có thể khiến Syria lo lắng và Mỹ có thể tận dụng điều này để gia tăng lợi thế.
“Tạo ra sự hoang mang và thể hiện mình là bên khó đoán có lẽ mang đến cho bạn nhiều thứ hơn những gì chính quyền Obama định làm nhưng rồi không làm gì cả”, Tabler nói.
Dù ghi nhận những rủi ro của một chiến dịch không kích cũng như lo ngại về bản tính thất thường của Trump, các cựu quan chức chính quyền Obama vẫn hối thúc hành động.
“Assad đã thử thách Obama. Giờ đây, ông ấy đang đặt ra phép thử sớm đối với Trump”, Gordon nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Đội tàu chiến Mỹ dội tên lửa Tomahawk vào căn cứ quân sự Syria
Hai khu trục hạm vừa phóng tên lửa hành trình vào căn cứ của quân đội Syria thuộc một trong những lớp tàu hiện đại nhất của Mỹ, trang bị nhiều hệ thống vũ khí uy lực.
Hai tàu khu trục USS Ross và USS Porter của hải quân Mỹ tại Địa Trung Hải ngày 7/4 phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào một số mục tiêu ở căn cứ không quân Shayrat của quân đội chính phủ Syria, để thực hiện đòn trừng phạt sau khi Damascus bị tố sử dụng vũ khí hóa học tấn công phe nổi dậy khiến nhiều dân thường thiệt mạng, theo NBC News.
Là những tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke, USS Ross và USS Porter đều dài 154 m, rộng 20 m và có lượng giãn nước tối đa khoảng 8.886 tấn, được trang bị 4 động cơ tuabin khí GE LM2500-30, cho phép tàu di chuyển với tốc độ tối đa 56 km/h và tầm hoạt động khoảng 8.100 km. Thủy thủ đoàn trên tàu gồm 33 sĩ quan chỉ huy và 248 thủy thủ.
Các chiến hạm này thuộc lớp tàu có tính năng mạnh và cân bằng nhất cả về phòng thủ lẫn tấn công của hải quân Mỹ. Để tự vệ, các tàu này được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, cho phép phát hiện và tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc.
Tàu khu trục USS Ross của hải quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Lá chắn tên lửa Aegis trên USS Ross và USS Porter đều đã được nâng cấp bằng tên lửa đánh chặn SM-2 và SM-3 có tầm bắn hơn 170 km, có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lên tới 24 km.
Về vũ khí tấn công, hai tàu chiến này đều sở hữu hai bệ phóng thẳng đứng Mark 41, cho phép mang theo 90 tên lửa các loại như BGM-109 Tomahawk, RIM-156 SM-2, RUM-139 VL-ASROC. Ngoài ra, tàu còn có hai dàn phóng Mark 141 với 8 tên lửa chống hạm Harpoon.
Tên lửa hành trình Tomahawk được coi là vũ khí tấn công chủ đạo của các tàu chiến này, nhờ khả năng cơ động cao, độ chính xác lớn, tầm bắn xa.
USS Ross và USS Porter còn được trang bị một pháo Mark 45 5/54 cỡ nòng 127 mm, hai pháo tự động 25 mm, hai tổ hợp phòng không tầm gần Phalanx và 4 súng máy cỡ nòng 12,7 mm.
Để chống tàu ngầm, hai tàu được lắp đặt hai dàn phóng ngư lôi Mark 32, mỗi dàn gồm ba ống phóng.
Quá trình chiến đấu và kiểm soát thiệt hại trên hai tàu khu trục này được điều khiển bởi mạng lưới dữ liệu phức tạp, bảo đảm khả năng sống sót cao trong chiến tranh.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Thủ tướng Medvedev: Mỹ chỉ cách một bước là xung đột quân sự với Nga Thủ tướng Dmitry Medvedev hôm qua cáo buộc các cuộc tấn công Syria của Mỹ là phi pháp và "chỉ cách một bước là xung đột quân sự với Nga". Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RT Trong thông điệp trên Facebook, ông Medvedev cho rằng cuộc không kích "huỷ hoại hoàn toàn quan hệ" giữa hai cường quốc. Ông cáo buộc hành...