Những nguy cơ dẫn đến chiến tranh Iran
Viễn cảnh Iran và các nước đối thủ phương Tây rơi vào cuộc đối đầu quân sự mà cả hai đều không muốn, có vẻ càng ngày càng khó tránh khỏi, đặc biệt sau vụ tấn công của nhóm người biểu tình quá khích Iran vào sứ quán Anh vừa qua.
Bài phân tích dưới đây của tạp chí Time chỉ ra những nguy cơ có thể đẫn đến một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và các nước phương Tây.
Nếu chiến tranh nổ ra giữa Iran và phương Tây, mỗi bên sẽ có rất nhiều bằng chứng trong tay để đổ lỗi là phía bên kia đã kích động cuộc chiến. Diễn biến mới đây nhất xảy ra trong tuần qua là một nhóm người biểu tình đã tấn công sứ quán Anh nhằm phản đối lệnh trừng phạt mà Anh nhắm vào nền kinh tế Iran. Không giống cuộc tấn công vào sứ quán Mỹ 32 năm trước tại Tehran, lần này không có bắt cóc con tin và cảnh sát Iran cuối cùng đã đẩy lui được những người biểu tình.
Người biểu tình đập phá sứ quán Anh tại Tehran. Ảnh: AFP
Bộ Ngoại giao Iran, sau đó lên án hành động này là “hành vi không thể chấp nhận của một số nhỏ những người biểu tình.” Động thái này của cơ quan đại diện chính phủ Iran ít nhất đã được lãnh đạo tối cao Ayatullah Ali Khamenei “bật đèn xanh”. Trong khi đó, một số thành viên khác trong chính quyền lại lớn tiếng ủng hộ những người biểu tình.
Anh đã đáp trả lại bằng cách rút tất cả nhân viên sứ quán của mình ở Iran về nước và yêu cầu trục xuất tất cả quan chức ngoại giao của Iran ở London. Đức, Pháp và Hà Lan đã cho triệu hồi các đại sứ của các nước này tại Iran để tham vấn. Còn Na Uy đóng cửa sứ quán của họ ở Iran, sau đó mở lại.
Cuộc xung đột ngoại giao này là tín hiệu về một cuộc chiến lớn hơn mang tính chiến lược đối với chương trình hạt nhân của Iran. Các nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhóm họp hôm thứ năm để bàn về lệnh trừng phạt mới nhằm đập tan thách thức của Iran trước những yêu cầu của phương Tây trong vấn đề này. Pháp và Anh đã công khai kêu gọi hành động nhằm ngăn cản việc xuất khẩu dầu của Iran và hoạt động của ngân hàng trung ương Iran. Động thái này được cho là đang tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế Iran buộc các nhà lãnh đạo Tehran phải xuống nước. Các biện pháp trừng phạt tương tự cũng có thể được Quốc hội Mỹ thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả hai đảng.
Video đang HOT
Nhưng giống như việc Mỹ và Israel trong nhiều năm qua luôn đe dọa sẽ có các hành động quân sự chống lại Iran, mà chưa bao giờ thực sự xảy ra, lệnh trừng phạt mới nhất cũng có thể chỉ là một lần đe dọa nữa nhắm vào Iran.
Rốt cuộc thì, giảm lượng cung khoảng 2,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ việc cấm Iran xuất khẩu sẽ đẩy giá dầu trên thị trường thế giới lên cao và khiến cho nền kinh tế toàn cầu, vốn đang có nhiều vấn đề, rơi vào suy thoái. Nếu Iran coi lệnh phong tỏa ngân hàng trung ương được áp đặt giống như một hành động khơi mào cho một cuộc chiến tranh, quốc gia này có thể trả đũa bằng cách dùng đến lực lượng quân đội để đóng cửa eo biển Hormuz, nơi có đến 40% sản lượng dầu của vùng Vịnh Ba Tư được vận chuyển qua trước khi bán ra thị trường thế giới.
Ở phương Tây, những lập luận nhằm một cuộc chiến quân sự rõ ràng là mạnh mẽ hơn. Các bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ trước đây và hiện nay đều cảnh báo rằng không nên áp dụng giải pháp quân sự cho thế bế tắc với Iran. Bởi vì các cuộc không kích, nếu hiệu quả nhất, cũng chỉ đơn thuần có thể làm chậm tiến bộ của Iran từ 1 đến 3 năm nhưng có thể làm tăng khả năng nước này sẽ tăng cường trang bị vũ khí hạt nhân. Kể cả các nhà xây dựng chiến lược quân sự của Israel như cựu giám đốc cơ quan tình báo Meir Dagan cũng cảnh báo rằng sẽ là một hành động chiến lược thiếu khôn ngoan nếu làm bùng nổ một cuộc chiến tranh tốn kém trong khu vực, mà chính Israel cũng khó tránh bị cuốn vào.
Nhưng những lập luận đầy tính logic này có vẻ không ngăn cản được những phần tử ủng hộ việc chia rẽ hai bên. Những phần tử này ở cả phía Iran và phương Tây. Đó là những người, vì mục đích chính trị của họ, cố tình tạo ra những cảm giác về một cuộc khủng hoảng. Những người này tin rằng họ có thể kiểm soát được những căng thẳng chính trị giữa hai bên, và có đủ khả năng ngăn cản một cuộc đối đầu quân sự, nhưng lại khiến những người khác không cùng quan điểm với mình phải nhượng bộ. Rõ ràng, khó có một giải pháp hoàn hảo trong cuộc chơi này, đặc biệt trong bối cảnh hầu như không có đối thoại giữa hai bên.
Tháng 12 năm trước, Đô đốc liên quân Mỹ Mike Mullen, người sắp kết thúc nhiệm kỳ của mình đã cảnh báo rằng “Chúng ta không có kênh đối thoại trực tiếp nào với Iran kể từ năm 1979. Và tôi nghĩ rằng điều đó gây ra nhiều tính toán sai lầm. Tính toán sai lầm có thể dẫn đến sự cường điệu hóa và hiểu nhầm về đối phương.” Ông còn lưu ý rằng ở vào thời điểm đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Mỹ vẫn duy trì kênh đối thoại với Nga và điều đó giúp cho họ tránh được một cuộc đối đầu thảm khốc. “Chúng ta không có đối thoại với Iran, vì thế hai bên không hiểu nhau. Nếu có chuyện gì xảy ra, chắc chắn chúng ta không nắm được các thông tin chính xác, vì thế sẽ có những tính toán sai lầm. Điều này hết sức nguy hiểm cho cả khu vực này.”
Và, tất nhiên, ngay cả khi các cuộc thảo luận đang trở nên sôi nổi ở phương Tây về tăng cường phong tỏa kinh tế và các hành động quân sự trực tiếp thì một cuộc chiến ngầm chống lại Iran đã được tiến hành và gia tăng rõ rệt qua các vụ đánh bom vào các cơ sở quân sự của Iran, thủ tiêu các nhà khoa học và chiến tranh trực tuyến. Những người tìm kiếm hành động quân sự của phương Tây mong rằng họ có thể tuyên bố Tehran đã khơi dậy sự thù địch. Mặc dù các lãnh đạo Iran đã rất kiềm chế trong việc đáp trả lại các cuộc tấn công bí mật, sự giận dữ đang nhanh chóng tăng lên trong các nhân vật cốt lõi của chế độ Iran. Hành động tấn công vào sứ quán Anh có thể là một động thái trả đũa có tính tượng trưng được nhà lãnh đạo tối cao Khamenei bật đèn xanh nhằm xả bớt cơn giận dữ đối với sự gia tăng các chiến dịch tấn công nhằm vào nước này.
Ngoài ra, cuộc biểu tình có vẻ như là hành động của các phe đối lập với chính quyền Mahmoud Ahmadinejad thực hiện, với mục đích nhằm làm mất mặt ông này trước vòng đàm phán về hạt nhân tiếp theo với các thế lực phương Tây, đồng thời tăng uy tín cho phe đối lập trước cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào mùa xuân tới.
Chiến dịch nhằm làm xấu đi mối quan hệ ngoại giao với Anh do chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani, một đối thủ nặng ký của Ahmadinejai, dẫn đầu. Trong khi Larijani ủng hộ cuộc tấn công vào đại sứ quán, Bộ Ngoại giao Iran lên án các hành động tấn công đó và cảnh sát trưởng, cũng là đồng minh của Ahmadinejad thề sẽ quyết tâm đưa các phần tử này ra xét xử.
“Các đối thủ của ông Ahmadinejad hy vọng có thể loại bỏ được ông ấy bằng hành động gây ra các cuộc khủng hoảng ngoại giao mà không nhận ra cái giá phải trả cho những hành động đó đắt đến mức nào, bởi trong lúc này Iran đang chịu một áp lực lớn từ cộng đồng quốc tế,” một nhà phân tích chính trị ở Tehran nói với tờ Thời báo Tài chính.
Trong khi một số phe phái ở Iran có lợi ích từ việc thêm dầu vào lửa trong cuộc khủng hoảng giữa Tehran với phương Tây, nhiều nước phương Tây cũng đang hành động tương tự. Họ tin rằng chỉ đe dọa phong tỏa kinh tế hay chiến tranh mới có thể buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân.
Báo cáo gần đây nhất của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế công bố đầu tháng trước đã không gây được sự phấn khích trong giới chức phương Tây trong vai trò thay đổi tình hình, bởi lẽ lần đầu tiên báo cáo cho rằng Iran đã có các hoạt động nghiên cứu xây dựng các đầu đạn hạt nhân dù chủ yếu diễn ra từ năm 1998 đến năm 2003. Nhưng báo cáo gần như không có gì mới, không đưa ra được bằng chứng về việc hiện nay Iran đang triển khai vũ khí hạt nhân, và không dành được sự ủng hộ của phần lớn các nước khác ngoài khối đồng minh phương Tây, những nước vốn luôn hoài nghi về các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm cô lập Iran.
Những lập luận mà Mỹ và các đồng minh đưa ra rằng chương trình hạt nhân của Iran đe dọa tới an ninh toàn cầu tương tự như việc phỏng đoán Iraq có thể làm gì một khi nước này tiếp cận được các phương tiện kỹ thuật để sản xuất vũ khí hạt nhân hơn là việc hiện nay nước này có đang sản xuất hạt nhân hay không.
Không có lệnh trừng phạt mới nào của LHQ từ sau khi báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế được công bố. Đó cũng là lý do Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang ra sức tìm kiếm những biện pháp trừng phạt đơn phương mới và hy vọng dùng sức mạnh kinh tế, đặc biệt là với biện pháp trừng phạt ngân hàng, buộc các bên thứ ba phải miễn cưỡng tuân thủ.
Trong khi đó, Israel đe dọa tấn công quân sự vào Iran nếu Tel Aviv tin rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt của các nước phương Tây không ngăn cản được quyết tâm của Iran. Hiện còn không ít nghi ngờ về việc liệu Israel hành động một mình hay không cũng như hành động này của Israel sẽ hiệu quả đến mức nào. Nếu so với những cuộc chiến trong khu vực do Mỹ và NATO dẫn đầu thời gian qua, năng lực quân sự của một mình Israel kém xa.
Thế giới đang theo dõi một cuộc chơi chính trị: Các cường quốc phương Tây đang tăng cường vị thế của mình, đe dọa chiến tranh kinh tế và thậm chí là hành động quân sự để buộc Iran nhượng bộ. Về phía Iran, họ tin rằng họ có thể chống đỡ bất kể những gì phương Tây và Israel nhắm vào nước này, đồng thời cũng có thể tiến hành một vài cuộc tấn công có tính cảnh báo và tượng trưng. Để tránh một cuộc leo thang xung đột có thể dẫn đến chiến tranh, cả hai bên sẽ phải tìm ra lối thoát mà không bị bẽ mặt hoặc làm mất mặt đối phương. Điều này cần các thủ thuật ngoại giao, một thứ hiện không tồn tại trong mối quan hệ giữa phương Tây và Iran.
Theo VNExpress
Quan chức Iran khăn gói rời Anh
Các nhà ngoại giao Iran ở London thu xếp đồ đạc và bay về nước đúng hạn chót mà Anh yêu cầu, sau vụ sứ quán nước này ở Tehran bị đập phá.
Một thanh niên mang chiếc vali lớn ra khỏi đại sứ quán Iran ở trung tâm thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP
Các nhân viên thuộc hãng hàng không Iran Air tại London cho hay các nhà ngoại giao Trung Đông bay chuyến 4h chiều giờ địa phương hôm qua tại sân bay quốc tế Heathrow. Quốc kỳ Iran vẫn tung bay bên ngoài sứ quán tại London trước hạn chót các quan chức phải rời đi chiều nay. AFP cho hay một chiếc xe tải nhỏ được nhìn thấy đỗ bên ngoài tòa nhà và một cảnh sát Anh canh gác ở cổng sứ quán.
Ngoại trưởng Anh William Hague hôm 30/11 tuyên bố cho các quan chức Iran 48 giờ để đóng cửa sứ quán và rời khỏi Anh. Tuyên bố của ông Hague được đưa ra một ngày sau khi sứ quán Anh tại Tehran bị một đám đông biểu tình tràn vào đập phá và đốt quốc kỳ nhằm phản đối Anh áp biện pháp trừng phạt kinh tế lên Iran. Anh cũng đã cho sơ tán các nhà ngoại giao nước này khỏi Iran và đóng cửa sứ quán ở Tehran.
Các nước trong Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án gay gắt vụ bạo loạn trên và cho triệu hồi các đại sứ về nước để tham vấn. Trong cuộc họp tại Bỉ hôm qua, EU đã nhất trí mở rộng các biện pháp trừng phạt với gần 200 cá nhân, tổ chức của Iran, đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục "đánh" vào ngành tài chính và dầu mỏ nước này.
Sau động thái trên từ phương Tây, hôm nay, người dân Iran tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình mới bên ngoài các tòa nhà công vụ Anh nhằm bày tỏ sự phản đối với Anh và EU.
Tuy nhiên các cuộc biểu tình ở Iran vẫn tiếp tục. Theo hãng thông tấn quốc gia IRNA, sau buổi cầu nguyện thứ sáu ở đại học Tehran, các tín đồ đã kéo đến quảng trường Enqelab, hô vang những khẩu hiệu lên án chính sách thù địch của Anh đối với nước cộng hòa Hồi giáo và kết thúc buổi biểu tình bằng cách đốt quốc kỳ Anh và Israel.
Quan hệ giữa Iran với Israel và phương Tây trở nên căng thẳng gần đây sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo cho thấy đất nước Hồi giáo đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Iran khẳng định nước này không có tham vọng đó và quyết tâm theo đuổi con đường phát triển hạt nhân nhằm mục đích dân sự.
Theo VNExpress
Nga, Mỹ, LHQ lên án mạnh mẽ vụ tấn công sứ quán Anh tại Tehran Tổng thống Mỹ Obama đã lên án kịch liệt chính phủ Iran và cho biết đã "vô cùng sốc" trước vụ xông vào sứ quán Anh của người biểu tình ở Tehran. Trong khi đó Nga cũng cho biết vụ việc là "không thể chấp nhận được và đáng bị lên án" Cảnh sát đuổi theo người biểu tình khi họ tiến vào...