Những người viết nên kỳ tích đưa nông sản xuất ngoại
Dù còn rất nhiều khó khăn, bất lợi trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nhưng trong hàng chục năm qua, đặc biệt trong khoảng 10 năm trở lại đây, nông dân đã góp phần viết nên những kỳ tích và đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản.
Từ câu chuyện vải thiều sang Nhật
Vụ vải năm 2020, lần đầu tiên ông Vi Văn Cao (ở xóm Bắc 2, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) được hưởng niềm vui chưa từng có: Những quả vải chín đỏ ở lưng chừng đồi của gia đình ông được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, một thị trường vô cùng khó tính.
“Để đưa được vải thiều sang Nhật Bản, ngay từ đầu năm 2020, nông dân chúng tôi đã được tập huấn rất kỹ lưỡng về quy trình canh tác an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Chúng tôi phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo khuyến cáo của Nhật Bản, sản phẩm trước khi thu hoạch phải trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, chỉ cần một tiêu chí không đạt là loại ngay” – ông Cao cho biết.
Và sự nỗ lực của những nông dân như ông Cao đã được đền đáp, sau nhiều trở ngại do tác động của dịch Covid-19, những trái vải thiều đầu tiên của đất Lục Ngạn đã được xử lý, đưa lên máy bay sang Nhật Bản.
Ông Vi Văn Cao chuẩn bị cho vụ vải mới sau thành công đưa vải thiều sang Nhật Bản. Ảnh: A.T
“Phải chăm lo để doanh nghiệp từ nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp dân tộc ngày càng lớn mạnh, từ đó liên kết với bà con nông dân hình thành các tổ chức sản xuất với chuỗi khép kín, tiến tới tổ chức một nền nông nghiệp hiện đại, thắng lợi trong hội nhập quốc tế”.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường
“Năm nay, 3ha vải nhà tôi thu được trên dưới 20 tấn quả, ngay từ đầu vụ chúng tôi đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Hoàn Cầu. Đến kỳ thu hoạch, doanh nghiệp đến thu mua tận nơi với giá bình quân 30.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường ở thời điểm đó. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi 500 triệu đồng” – ông Cao nói thêm.
Thực tế, với những nông dân như ông Cao, việc đưa được trái vải thiều sang Nhật Bản giống như một kỳ tích.
Bởi trong 30 năm gắn bó với nghề trồng vải trên đất Lục Ngạn, ông Cao trải qua không ít thăng trầm, có những năm vải được mùa nhưng bị thương lái ép giá, ông Cao không khỏi xót xa nhưng cũng đành phải chấp nhận.
“Chỉ có con đường liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn, mới giúp nông sản chinh phục được nhiều thị trường, nông dân cũng yên tâm sản xuất” – ông Cao đúc rút.
Ông Cao chỉ là 1 trong số rất nhiều nông dân Lục Ngạn có vải thiều được xuất khẩu sang Nhật Bản trong vụ thu hoạch 2020.
Theo đó, vụ vải năm 2020, các doanh nghiệp đã thu mua để xuất khẩu quả vải tươi của nông dân Lục Ngạn với số lượng trên 60 tấn, với giá thu mua ổn định 30.000 – 35.000 đồng/kg (giá cao hơn thị trường khoảng 5.000 đồng/kg).
100% các lô hàng xuất khẩu đều đảm bảo về dư lượng thuốc BVTV, đối tượng kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Giá vải thiều Bắc Giang được bán tại các siêu thị tại Nhật Bản khoảng 100.000 đồng/hộp loại 200 gram, tương ứng 1kg vải thiều có giá trên 500.000 đồng.
Để đạt được kết quả này, theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV bố trí kinh phí tổ chức 7 lớp tập huấn cho toàn bộ nông dân tham gia triển khai vùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; cấp phát tài liệu, quy trình hướng kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, sổ sách ghi chép nhật ký sản xuất; danh mục thuốc BVTV khuyến cáo sử dụng cho vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cho nông dân.
Video đang HOT
Cùng với đó, lấy 26 mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV trên mẫu quả vải thiều trước khi thu hoạch để xuất khẩu; lắp đặt 4 biển chỉ dẫn vùng vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại 4 xã của huyện Lục Ngạn; chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV ở các vùng sản xuất vải trọng điểm…
“Chưa bao giờ vải thiều Lục Ngạn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, ngành chức năng đến thế. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường lên chỉ đạo công tác sản xuất trong bối cảnh ứng phó với Covid-19 khi vải còn mới đậu quả, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên cắt băng đưa chuyến hàng vải thiều đầu tiên đi tiêu thụ ở thị trường miền Nam; các cán bộ Cục Bảo vệ thực vật đã nỗ lực phối hợp với chuyên gia Nhật Bản xử lý để đưa được vải thiều đến thị trường khó tính nhất” – ông Tùng nhấn mạnh.
Chinh phục những đỉnh cao mới
Lô hàng chanh leo do nông dân Gia Lai sản xuất đã được xuất khẩu sang châu Âu giữa tháng 9/2020. Ảnh: Lan Lan
Thực tế, vải thiều chỉ là một trong số rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, hàng loạt mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như gạo, tôm, cà phê đã được xuất khẩu sang châu Âu với những ưu đãi chưa từng có về mặt thuế quan nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) mang lại.
Nhìn toàn cảnh từ đầu năm 2020, trong bối cảnhdịch Covid-19, nông nghiệp một lần nữa thể hiện vai trò trụ đỡ, nông dân lại đóng góp một phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo Bộ NNPTNT, 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Để góp phần đưa lại thành quả này, điều đáng ghi nhận là trình độ canh tác của nông dân ngày càng được nâng cao, bà con đã có ý thức trong việc thúc đẩy liên kết để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.
Là nông dân có mô hình kinh tế vườn – rừng với 120ha, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, song tại buổi đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ngày 28/9, ông Phạm Lê Mạnh ở xã Ea Riêng (M’drăk, Đăk Lăk) vẫn trăn trở về vấn đề đầu ra nông sản.
Theo ông Mạnh, Tây Nguyên có tới 2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp với một loạt nông sản chủ lực, nhưng lại có rất ít nhà máy chế biến. Tại Đăk Lăk, nông dân cũng đang chuyển đổi cơ cấu, phát triển mạnh diện tích cây ăn quả (bơ, sầu riêng), nhưng vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ, chế biến.
Ông Mạnh kiến nghị Chính phủ có giải pháp để xây dựng, mở rộng nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng, biến Tây Nguyên thành khu vực công nghiệp chế biến nông sản lớn của cả khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu từ Bộ NNPTNT, hàng năm Việt Nam sản xuất 50 triệu tấn lương thực; sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,8 triệu tấn, 8 triệu tấn cá tôm, rau quả, trái cây cũng hàng chục triệu tấn…
Năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp được cho là đang đạt đỉnh, có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước và còn dư thừa để phục vụ xuất khẩu, thu về trên 40 tỷ USD mỗi năm. Thế nhưng, phần lớn sản phẩm nông lâm sản xuất khẩu tươi hoặc sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp.
Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng 5-7%/năm và có một số ngành chế biến hiện đại, song nhìn chung năng lực chế biến chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ, công suất chế biến, đặc biệt là dịp mùa vụ, cao điểm thu hoạch. Khâu chế biến vẫn là khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản ở nước ta.
Trước những ý kiến của nông dân về chế biến nông sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Nhà nước sẽ tạo mọi cơ chế, chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản. Khi đó, Trung ương sẽ hỗ trợ về vốn và địa phương sẽ hỗ trợ mặt bằng. Nhưng quan trọng, muốn phát triển được chế biến thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch.
“Phát triển nông nghiệp chế biến là hướng đi đúng giúp nâng cao giá trị nông nghiệp của Việt Nam” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Hành trình tạo ra 6.600 triệu phú và 6.000 tỷ đồng ở thủ phủ vải thiều Lục Ngạn
Nếu tính số hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên nhờ trồng vải thiều thì huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có khoảng 6.600 hộ.
Hành trình vươn xa của quả vải thiều đất Lục Ngạn đến nhiều thị trường cũng là hành trình thay đổi tư duy sản xuất của nông dân để những trái vải thêm nhiều hương sắc.
Trải qua nhiều thăng trầm, những nông dân Lục Ngạn vẫn tin, không có loại cây nào hợp với đất này như vải thiều.
Chính vì vậy, dù có lúc cam, bưởi có phần lấn át vải thiều nhưng họ vẫn chung thủy với loại cây đã có mặt trên Lục Ngạn từ nhiều năm trước, nỗ lực đổi mới phương thức sản xuất để trái vải đi xa hơn.
Niềm tin vào trái vải
Sơ chế đóng gói vải thiều xuất khẩu ở một cơ sở tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn. Ảnh: Trọng Đạt - TTX
Ông Trần Văn Lân (thôn Lâm, xã Nam Dương, Lục Ngạn) chăm sóc vải thiều. Ảnh: N.C
Hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng vải, ông Trần Văn Lân (ở thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn) không nghĩ có ngày trái vải đỏ mọng từ vườn của ông sẽ đến được với Nhật Bản, một thị trường khó tính mà nông sản nào cũng muốn được đặt chân vào.
Còn nhớ hơn 20 năm trước, khi ông Lân đặt chân lên quả đồi xóm Núi, nơi đây chỉ toàn cỏ tranh, sim, mua mọc um tùm. Vậy mà cùng sức người, những cây vải cứ thế vươn mình, chiến thắng cây dại, phủ xanh những quả đồi.
Hiện, gia đình ông Lân có khoảng 650 cây vải thiều đang trong giai đoạn thu hoạch, sản lượng khoảng 35 - 40 tấn/năm.
Khi được hỏi: "Có những lúc cây cam, bưởi lấn át vải thiều trên đất Lục Ngạn nhờ thu nhập rất lớn, ông có ý định chặt bớt diện tích vải để chuyển sang trồng cây có múi không" - ông Lân quả quyết trả lời: "Không, tôi khẳng định ở đất Lục Ngạn này không cây gì phù hợp bằng vải thiều".
Ông Lân cho biết, trong suốt nhiều năm trồng vải thiều, chưa bao giờ ông gặp phải cảnh giá rớt thê thảm phải đổ bỏ. Tùy năm được mùa hay mất mùa, giá cả có biến động, nhưng dù thế nào, vải vẫn giúp nhiều nông dân Lục Ngạn có cuộc sống ấm no.
"Như vụ năm nay, tôi cầm chắc sản lượng 35 - 40 tấn, đã có doanh nghiệp vào tận vườn đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ với giá 30.000 đồng/kg nhưng tôi còn đang xem xét" - ông Lân khoe.
Theo thống kê của UBND huyện Lục Ngạn, trong số 6.600 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên từ trồng vải, có 3.753 hộ thu nhập từ 100 đến dưới 200 triệu đồng; 1.676 hộ thu từ 200 đến dưới 300 triệu đồng; 375 hộ thu từ 300 đến dưới 400 triệu đồng; 101 hộ thu từ 400 đến dưới 500 triệu đồng; 81 hộ đạt từ 500 triệu đồng trở lên.
Anh Hoàng Ngọc Thanh (ở thôn Lâm, xã Nam Dương) - trưởng nhóm quản lý mã số vùng trồng vải xuất khẩu sang Nhật Bản cho biết, nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo nên nhiều năm qua vải Nam Dương luôn được thương lái Trung Quốc đến tận vườn đặt mua.
"Chúng tôi không gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ" - anh Thanh khẳng định.
Được biết, gia đình anh Thanh có 1,5ha vải thiều đang được canh tác theo quy trình GlobalGAP, là vùng trồng được Nhật Bản đồng ý cho phép xuất khẩu sang Nhật.
Ông Thân Văn Thi - cán bộ khuyến nông xã Nam Dương cho biết, toàn xã hiện có 470ha vải thiều, trong đó có 70ha vải chín sớm và 15ha được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật.
Mong đường sang Nhật thuận lợi
Được biết, vụ vải thiều năm 2020 là năm đầu tiên gia đình ông Lân tham gia trồng vải theo quy trình GlobalGAP để đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe giúp trái vải có thể sang được thị trường Nhật Bản. Áp dụng một quy trình canh tác hoàn toàn khác, ông Lân không khỏi bỡ ngỡ.
"So với canh tác theo phương pháp cũ, trồng vải theo quy trình GlobalGAP nhọc công hơn nhiều, việc sản xuất phải được ghi chép nhật ký đầy đủ, vườn luôn được dọn rác, cành lá cẩn thận, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định, chỉ được phép sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật do phía Nhật Bản khuyến cáo sử dụng" - ông Lân cho biết.
Dù đã có nhiều năm trồng vải nhưng khi áp dụng phương pháp canh tác mới có lúc ông Lân cảm thấy sốt ruột. Ấy là khi đám bọ xít khiến mẫu mã trái vải có thể bị ảnh hưởng, sử dụng thuốc theo khuyến cáo của chuyên gia Nhật Bản và cán bộ bảo vệ thực vật nhưng hiệu quả chưa thấy ngay tức thì.
"Có lúc tôi đã định mua loại thuốc bảo vệ thực vật vẫn dùng như mọi năm để phun trừ nhưng đã cam kết với chính quyền xã, với Cục Bảo vệ thực vật là tuân thủ nghiêm túc quy trình nên tôi lại kiên nhẫn đợi. Giờ thì vườn vải đã sắp được hái trái ngọt rồi" - ông Lân khoe.
Vặt một trái vải u hồng chín sớm trong vườn, đưa lên miệng ăn ngon lành, ông Lân cười vui: "Vải vườn nhà tôi đảm bảo an toàn, không lo tồn dư thuốc trừ sâu vì theo quy định, chúng tôi phải dừng việc phun thuốc đảm bảo đủ thời gian cách ly và chỉ được sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục".
Thời điểm này, khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia nhưng ông Lân vẫn tin trái vải từ vườn nhà vẫn có thể vi vu đến nhiều vùng đất.
"Chỉ mong trái vải sang Nhật Bản thuận lợi là tôi hạnh phúc lắm rồi" - lão nông cả đời gắn bó với cây vải bày tỏ.
Trong khi đó, anh Hoàng Ngọc Thanh cũng không tỏ ra lo lắng trước thông tin dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến việc đưa lô vải đầu tiên sang Nhật Bản.
"Mã số vùng trồng của thôn Lâm có 12 hộ tham gia với diện tích trồng vải 15ha. Trồng vải theo quy trình GlobalGAP chúng tôi phải tuân thủ theo đúng quy trình Phòng NNPTNT huyện khuyến cáo, vườn phải được dọn sạch đẹp, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại đã được khuyến cáo.
Chúng tôi cũng không lo việc bà con nông dân tự ý sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục vì trước khi thu hoạch trái vải đều được kiểm tra kỹ, nếu phát hiện còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị loại ngay lập tức" - anh Thanh cho biết.
Lên kịch bản tiêu thụ vải thiều
Hiện, mọi công tác chuẩn bị đưa vải thiều sang Nhật Bản vẫn được tiến hành bình thường, trong điều kiện bị tác động bởi dịch Covid-19 -anh Thanh nói, cũng không quá lo lắng bởi với chất lượng trái vải thiều như thế này, lại canh tác theo quy trình nghiêm ngặt thì ngay cả thương nhân Trung Quốc cũng thích mê, sẵn sàng mua với giá cao.
"Kể cả khi vải được mùa, nhiều người than khó tiêu thụ thì nhóm chúng tôi vẫn không quá lo lắng vì đầu ra, thương nhân Trung Quốc họ luôn ưu tiên chọn những trái vải có mẫu mã đẹp, độ đồng đều cao nên những vườn vải như của chúng tôi luôn trong tầm ngắm, họ thường đến tận vườn đặt mua" - anh Thanh khoe.
Cũng theo anh Thanh, hiện huyện Lục Ngạn đã chuẩn bị đủ các kịch bản để tiêu thụ hết sản lượng vải thiều cho dân.
Theo đó, huyện đã có kế hoạch đón hơn 200 thương nhân Trung Quốc sang cách ly đủ 14 ngày để phòng tránh Covid-19 sau đó cùng các doanh nhân trong nước thu mua vải thiều.
Ông Thân Văn Thi cho rằng, dù sản lượng vải thiều xuất khẩu sang Mỹ, EU... còn khiêm tốn, chủ yếu vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng việc có thêm nhiều thị trường khó tính chấp nhận trái vải thiều đã giúp nâng cao giá trị trái vải.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Thị trường EU là tín chỉ chứng minh giá trị nông sản Việt Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, việc thúc đẩy xuất khẩu các nông sản chủ lực sang thị trường châu Âu (EU) không chỉ góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản mà EU còn là tín chỉ chứng minh giá trị nông sản Việt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, thị trường...