Những người sống sót diệu kỳ trong thảm kịch đắm tàu Titanic
Vụ đắm siêu du thuyền hạng sang Titanic vào ngày 15/4/1912 cho đến nay vẫn được coi là một trong những tai nạn hàng hải bi thảm nhất mọi thời đại.
Titanic, con tàu từng được coi là “không thể chìm” vào thời điểm đó, đã đâm vào một tảng băng trôi ở Đại Tây Dương trong chuyến đi đầu tiên và chìm xuống đáy biển, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.
Hình mô phỏng những phút cuối cùng của tàu Titanic ở Đại Tây Dương. Ảnh: Wikipedia
Dù số nạn nhân tử vong trong thảm kịch là rất lớn, nhưng các nguồn thống kê chính thức cũng cho thấy khoảng 710 người đã tìm được cách thoát khỏi du thuyền và được các tàu khác cứu sống.
Dưới đây là một số trường hợp đã sống sót diệu kỳ trong vụ đắm tàu huyền thoại, theo thống kê của trang History:
Margaret ‘Molly’ Brown
Margaret Brown, còn được biết đến với biệt danh ‘Molly Brown không thể chìm’, là nhà hoạt động xã hội và nhà từ thiện người Mỹ. Bà đã được ghi danh vào lịch sử như một trong những phụ nữ đầu tiên tranh cử vào một chức vụ chính trị ở Mỹ, nhiều năm trước khi phụ nữ giành được quyền bầu cử tại đất nước này.
Margaret ‘Molly’ Brown. Ảnh: Wikimedia Commons
Khi đang đi du lịch ở châu Âu năm 1912, bà Brown nhận được tin cháu trai bị ốm và nhanh chóng đặt vé trên chuyến tàu biển sớm nhất có thể lúc đó – tàu Titanic để trở về New York. Bà lên tàu tại Cherbourg, Pháp.
Khi thảm họa xảy ra, phụ nữ và trẻ em được ưu tiên lên xuồng cứu sinh trước, nhưng bà Brown đã chọn ở lại trên tàu Titanic và hỗ trợ những người khác rời đi. Chỉ đến khi một thủy thủ đoàn ép bà lên xuồng cứu sinh số 6, bà mới miễn cưỡng rời khỏi con tàu.
Lúc trên xuồng cứu sinh, bà Brown đã có cuộc đối đầu nảy lửa với sĩ quan chỉ huy Robert Hichens. Bà Brown đã khẩn cầu ông Hichens cho xuồng quay lại và giải cứu bất kỳ người sống sót nào dưới biển, thậm chí đe dọa sẽ đẩy ông xuống nước nếu ông từ chối.
Một xuồng cứu sinh đưa những người sống sót rời khỏi tàu Titanic. Ảnh: All That’s Interesting
Mặc dù không rõ liệu nhà hoạt động Mỹ có thành công trong việc đưa xuồng cứu sinh quay trở lại hay không, nhưng bà đã thuyết phục ông Hichens cho phép những người phụ nữ trên xuồng được cầm chèo. Điều này giúp họ được giữ ấm giữa làn nước lạnh giá.
Sau thảm kịch, bà Brown cống hiến hết mình cho hoạt động xã hội, trở thành nhân vật nổi bật ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ và quyền của người lao động tại xứ sở cờ hoa. Nhân vật lấy nguyên mẫu từ bà Brown đã được xây dựng thành bất tử trong bộ phim Titanic lừng danh năm 1997 của đạo diễn James Cameron. Thực tế, bà Brown qua đời ở New York vì bệnh u não vào ngày 26/10/1932, lúc 65 tuổi.
Charles Joughin là trưởng nhóm thợ làm bánh, giàu kinh nghiệm và từng phục vụ trên tàu Olympic trước khi làm việc trên du thuyền Titanic. Trong chuyến đi định mệnh, ông phụ trách một nhóm 13 thợ làm bánh và là một trong những thành viên thủy thủ đoàn được trả lương cao nhất, với thu nhập hàng tháng tương đương 12 Bảng Anh.
Video đang HOT
Ông Charles Joughin. Ảnh: Alchetron
Joughin sau đó kể rằng, ông đã hết ca làm việc khi tai nạn xảy ra, nhưng vẫn gửi cho những người thợ trong nhóm của mình 50 ổ bánh mì để phân phát cho các xuồng cứu sinh trước khi trở về phòng để uống rượu. Ông quay trở lại boong tàu một lần nữa để đến chỗ xuồng cứu sinh được chỉ định dành cho mình ở mạn trái tàu. Tại đây, ông hỗ trợ đưa các phụ nữ và trẻ em lên xuồng, rồi quay trở lại phòng của mình để uống thêm một ly rượu mạnh, trước khi quay trở lại boong tàu.
Khi thấy tất cả các xuồng cứu sinh khác đã khởi hành, ông tìm mọi cách đến mạn phải của boong tàu, cố bám vào lan can bên ngoài. Khi con tàu lao xuống vùng nước băng giá, ông cố gắng trồi lên trên mặt nước và cuối cùng được xuồng cứu sinh B vớt vào lúc rạng sáng hôm sau.
Điều phi thường là Joughin không hề bị thương sau hàng tiếng ngâm mình trong nước lạnh. Rượu được tin đã góp phần giúp ông sống sót, vì thứ đồ uống này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và có khả năng cung cấp một số chất chống lại tình trạng hạ thân nhiệt.
Bất chấp trải nghiệm đau thương, Joughin vẫn tiếp tục làm việc trên tàu biển thêm vài năm nữa trước khi nghỉ hưu. Ông qua đời vào ngày 9/12/1956, hưởng thọ 78 tuổi.
Violet Jessop, một nữ tiếp viên người Ireland gốc Argentina, có mối liên hệ đặc biệt với các thảm họa hàng hải. Cô từng phục vụ trên tàu Olympic khi nó va chạm với tàu Hawke vào năm 1911. Cô miễn cưỡng gia nhập đội ngũ nhân viên của tàu Titanic vào năm 1912, lúc 24 tuổi sau khi được bạn bè thuyết phục rằng đó sẽ là một trải nghiệm độc đáo.
Violet Jessop. Ảnh: Wikimedia Commons
Ngay sau khi tàu Titanic va vào tảng băng trôi ở Đại Tây Dương, Jessop đã hỗ trợ việc sơ tán hành khách bằng cách đưa phụ nữ và trẻ em lên xuồng cứu hộ. Cô cũng được giao nhiệm vụ chăm sóc một em bé. Cô lên xuồng cứu sinh số 16 và được tàu Carpathia cứu vào sáng hôm sau.
Vài năm sau, khi đang là y tá của Hội Chữ thập đỏ Anh, cô được điều động làm việc trên tàu bệnh viện Britannic, con tàu chị em của cả Titanic và Olympic. Vào ngày 21/11/1916, tàu Britannic đâm trúng một quả thủy lôi và bắt đầu chìm. Khoảng 1.000 người đã được cứu, trong đó có Jessop, nhưng sự cố vẫn cướp đi sinh mạng của 30 nạn nhân.
Jessop qua đời vì bệnh suy tim vào năm 1971, hưởng thọ 83 tuổi.
Archibald Gracie IV
Đại tá Archibald Gracie IV là một cây bút, sử gia người Mỹ, lên tàu Titanic với tư cách là hành khách khoang hạng nhất. Khi con tàu chìm dần ở vùng nước băng giá, ông Gracie đã hỗ trợ các hành khách đang tuyệt vọng khác lên xuồng cứu sinh. Cuối cùng, ông đã nhảy lên một trong những chiếc xuồng cứu sinh lúc nó hạ xuống và bám vào xuồng bị lật ở Đại Tây Dương lạnh giá. Ông may mắn đã được tàu Carpathia cứu sống.
Ông Archibald Gracie IV. Ảnh: Wikimedia Commons
Gracie đã nỗ lực hết mình để điều tra các sự kiện xung quanh vụ chìm tàu, ghi lại tỉ mỉ lời kể của những nạn nhân sống sót, giúp cung cấp những hiểu biết vô giá về thảm họa.
Tuy nhiên, bản thân ông đã không chống chọi được với các vết thương và chấn thương sau sự cố kinh hoàng. Ông qua đời chỉ 8 tháng sau đó, vào ngày 4/12/1912.
Eva Hart
Eva Hart, người Anh, mới 7 tuổi khi cùng cha mẹ đi trên con tàu Titanic ở khoang hạng hai. Cha của bà – Benjamin đã tìm cách đưa vợ con lên xuồng cứu sinh số 14 và họ được tàu Carpathia cứu vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, ông Benjamin đã không sống sót qua thảm kịch.
Ảnh chụp Eva Hart cùng cha mẹ trước chuyến đi định mệnh trên tàu Titanic. Ảnh: Public Domain
Trong suốt phần đời còn lại của mình, Hart luôn bị những cơn ác mộng ám ảnh. Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông sau này, bà kể bản thân không thể nào quên “những tiếng la hét thất thanh khủng khiếp” của những người trên tàu Titanic vào ngày xảy ra thảm họa.
Về sau, Hart trở thành một trong những người tích cực vận động Chính phủ Anh ban hành những quy định chặt chẽ hơn về an toàn hàng hải và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trên tàu biển. Bà cũng thường xuyên chỉ trích White Star Line, công ty vận tải sở hữu tàu Titanic vì đã không cung cấp đủ xuồng cứu sinh cho chuyến đi định mệnh.
Bà Hart cáo buộc những người trục vớt con tàu đắm là “những kẻ săn kho báu, kền kền, cướp biển và kẻ trộm mộ”. Bà qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 14/2/1996, chỉ 2 tuần trước khi bước sang tuổi 91.
Chuyện của người sống sót cuối cùng trên Titanic: Thong dong uống rượu giải trí khi tàu chìm, tự thoát thân cực ngầu bằng cách như phim hành động
Nhờ lòng can đảm và bình tĩnh đến kinh ngạc, thợ làm bánh trưởng của tàu Titanic đã sống sót sau gần 3 giờ chìm trong Bắc Đại Tây Dương lạnh giá.
Charles Joughin được cho là người cuối cùng trên tàu Titanic khi nó chìm xuống vùng nước lạnh giá ở Bắc Đại Tây Dương vào ngày 15 tháng 4 năm 1912. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, người thợ làm bánh trưởng của con tàu đã sống sót hàng giờ trong nhiệt độ âm độ cho đến khi ông tìm thấy một chiếc xuồng cứu sinh. Điều gì đã khiến người thợ làm bánh giữ được bình tĩnh như vậy và sống sót qua một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử?
Thảm họa ập đến
Sinh ra ở Birkenhead, Anh vào năm 1878, Charles Joughin đã sớm mê đắm tiếng gọi của đại dương. Theo bước chân của hai người anh trai của mình, những người đã gia nhập Hải quân Hoàng gia, Joughin bắt đầu làm việc trên tàu từ năm 11 tuổi.
Sự nghiệp hàng hải cuối cùng đã đưa Joughin đến một vị trí trên RMS Titanic, con tàu lớn và sang trọng nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20. Ông làm việc với vị trí thợ làm bánh trưởng khi con tàu huyền thoại đâm phải một tảng băng trôi vào tối ngày 14 tháng 4 năm 1912.
Charles Joughin
Tỉnh dậy sau vụ va chạm mạnh sau khi tàu rung lắc, Joughlin nhìn thấy cảnh các nhân viên của tàu đang hoảng loạn, lộn xộn và không ai có thể lãnh đạo. Thay vì hoảng sợ, ông lập tức nhận ra chuyện gì đã xảy ra và bắt đầu kiểm soát tình hình.
Việc đầu tiên ông làm khi biết mình đang đối mặt với Tử thần là yêu cầu những người thợ làm bánh dưới trướng của mình mang hơn 50 ổ bánh mì lên trên boong để đảm bảo mọi người trên thuyền cứu sinh sẽ có thức ăn cho đến khi họ được cứu.
Khi nước lạnh tràn vào tàu và hầu hết mọi người đều ở trong trạng thái hoảng sợ, Charles Joughin bình tĩnh trở về phòng và uống một ngụm rượu. Sau khi củng cố tinh thần, ông tìm đường đến chiếc xuồng cứu sinh đã được chỉ định trước của mình. Nhưng thay vì bước vào trong, ông đã giúp một nhóm đàn ông đưa phụ nữ và trẻ em lên thuyền. Đến thời điểm này, con tàu chìm gần như không còn chiếc xuồng cứu sinh nào.
Sau khi từ bỏ "quyền sống sót" của mình, người thợ làm bánh quay trở lại phòng một lần nữa, dường như không hề bối rối trước cảnh nước tràn vào khắp cabin. Rồi ông lại trở lên trên và bắt đầu ném những chiếc ghế xếp xuống biển, hy vọng rằng những người không may mắn không lên được xuồng cứu sinh sẽ có thể bám vào chúng và sống sót.
Khoảnh khắc khi Titanic chìm xuống biển
Sau lần cuối cùng quay trở lại boong để uống một cốc nước, Joughin cho biết mình nghe thấy "tiếng va chạm như thể có thứ gì đó bị vênh ". Đó thực ra là âm thanh của con tàu Titanic bị gãy làm đôi do áp suất cực lớn.
Mặc dù khoảnh khắc này quá kinh hoàng với tất cả những người ở lại trên tàu, Joughin sau đó đã kể đối với ông ấy, nó "không phải cú sốc lớn hay gì cả".
Joughin ngay lập tức đi đến đuôi tàu và bám vào lan can. Trong những giây phút cuối cùng khi con tàu chìm xuống, ông thắt chặt dây cứu sinh, lấy một số vật dụng từ trong túi ra và bình tĩnh đứng tự hỏi phải làm gì tiếp theo.
Vào khoảng 2 giờ 20 sáng, nửa còn lại của Titanic đã bị dựng thẳng đứng và lao xuống vực sâu, với Joughin là một trong số người đang bị mắc kẹt lại trên tàu.
Sống sót trong vùng nước lạnh giá
Đối với đại đa số mọi người, việc xuống nước ở nhiệt độ -2°C sẽ gây ra sốc lạnh ngay lập tức. Như Charles Lightoller, sĩ quan thứ hai của Titanic, nhớ lại: "Khi chạm xuống mặt nước, tôi có cảm giác giống như có hàng ngàn con dao đang đâm vào cơ thể".
Trên thực tế, cú sốc tức thì này và sự hoảng loạn kéo theo sau đó đủ để khiến nhiều người chết đuối trong vòng vài phút, hoặc cơ thể mất quá nhiều nhiệt khiến họ không thể tồn tại được lâu.
Nhưng đây không phải là trường hợp của Joughin. Người thợ làm bánh can đảm đã mạnh mẽ lao xuống nước với phong thái điềm tĩnh đặc trưng của mình. Joughin tiếp tục nổi trong hai tiếng rưỡi trong bóng tối lạnh cóng. Cuối cùng, khi những tia nắng đầu tiên xuất hiện, ông phát hiện ra một chiếc xuồng cứu sinh bị lật và tiến về phía nó.
Thật không may, chiếc thuyền có khoảng 25 người đứng trên đó và không có chỗ cho Joughin. Tuy nhiên, một lúc sau, anh phát hiện ra một chiếc xuồng cứu sinh khác còn chỗ và cuối cùng đã được kéo lên khỏi mặt nước lạnh giá.
Không lâu sau, những người sống sót trên tàu Titanic đã được cứu bởi một con tàu khác là RMS Carpathia. Ngoài bàn chân sưng tấy, người thợ làm bánh không có dấu hiệu bị thương sau thời gian dài ở dưới nước.
Những người sống sót sau xác tàu Titanic chuẩn bị lên tàu RMS Carpathia
Cuộc sống của Charles Joughin sau Titanic
Đối với nhiều người, sống sót sau một vụ đắm tàu kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hơn một nghìn người là nỗi ám ảnh cả đời. Hầu hết họ đều không dám "bén mảng" lên tàu thuyền bao giờ nữa. Nhưng Charles Joughin thì khác. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, ông đã gia nhập Hải quân và quay trở lại ngay với công việc nướng bánh trên biển cả.
Sau cả đời phiêu lưu trên đại dương xanh, ông qua đời vào năm 1956 ở tuổi 78. Nhân vật của ông sau đó được đưa vào trong bộ phim năm 1958 A Night to Remember và bộ phim bom tấn Titanic năm 1997.
Charles Joughin xuất hiện trong phim Titanic
Cho đến ngày nay, người ta vẫn không biết chính xác làm thế nào mà Joughin đã sống sót. Nhưng lời giải thích hợp lý nhất rất đơn giản: tâm thái dũng cảm, không hoảng sợ và đưa ra những quyết định thông minh như tránh xa mặt nước cho đến thời điểm cuối cùng có thể là chìa khóa giúp ông sống sót.
7 sự thật về con tàu Titanic, có những điều khó tin đến nỗi chưa ai từng nghĩ đến Dù thảm kịch Titanic đã xảy ra được 111 năm nhưng những bí ẩn xung quanh nó vẫn khiến nhiều người tò mò. Là một trong những con tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử, Titanic dù đã đắm rất lâu dưới đáy biển vẫn luôn là một đề tài được nhiều người quan tâm. Bên cạnh thảm họa chìm tàu Titanic cùng...