Những người quanh năm “đi viện”
Do bận việc, con cháu của những bệnh nhân cao tuổi không có điều kiện thời gian chăm sóc . “Dịch vụ chăm sóc người bệnh” tại các bệnh viện trong TP. HCM đã làm thay những người thân bệnh nhân, như chăm sóc người bệnh, cho người bệnh ăn, tắm rửa và vệ sinh hàng ngày.
Cần người làm nghề chăm sóc bệnh nhân là một nhu cầu lớn. Ảnh minh họa
Video đang HOT
Người già chăm ông lão
Bà Nguyễn Thị Mẫu 60 tuổi, quê ở huyện Mỏ Cày – Bến Tre chậm rãi kể cho tôi nghe về những đoạn trường của nghề chăm sóc người bệnh trong khuôn viên bệnh viện Thống Nhất – TP.HCM như một sự chia sẻ về nghề. “Nghề này đòi hỏi phải chịu khó, lại phải hiểu tâm lý người già. Người già đã khó tính rồi nhưng nay bệnh tật lại khó tính gấp mười. Mình phải chăm sóc sao cho họ ăn, họ ngủ, rồi rửa ráy, tắm giặt cho họ nữa”.
Dù cũng đã bước vào tuổi lão nhưng vì cuộc mưu sinh, bà Mẫu vẫn phải rời vùng quê sông nước lên Sài Gòn làm ăn thuê. Bà Mẫu kể: “Mới năm ngoái, dì chăm sóc một ông cụ 82 tuổi, nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Thống Nhất, cụ lớn tuổi lại bị tai biến mạch máu não, con cái là công chức nhà nước cả. Các cô chú ấy đều bận việc nhà nước, nên gọi dì chăm sóc ông cụ. Mình phải thường xuyên trực tại giường người bệnh chú ạ”. Bà Mẫu giãi bày: “Mà chú biết không, khi vào đây dì cũng đã được các y bác sĩ tập huấn và chăm sóc các bệnh nhân lớn tuổi”.
Làm nghề chăm sóc người bệnh, những người như bà Mẫu được các y bác sĩ của bệnh viện hướng dẫn một số động tác cơ bản như massage, sơ cấp cứu và họ phải có đăng ký tạm vắng, tạm trú ở một địa phương, để thân nhân người bệnh yên tâm và điều đặc biệt quan trọng là những người chăm sóc bệnh nhân phải hiểu tâm lý của người bệnh cũng như cách sống để động viện người bệnh nhanh chóng hồi phục.
Chú Tư Lành năm này cũng đã 55 tuổi cùng vợ và 2 người con dâu và con gái cũng làm nghề này. “Làm nghề này cực một chút nhưng có thu nhập chú ạ”. Chú Tư Lành cho chúng tôi biết, chăm sóc một người bệnh nặng, gia chủ trả công 10 triệu đồng/tháng . “Mà tôi chỉ lấy giá theo công sức mình bỏ ra thôi”, chú Tư tâm sự.
Phải có nhân thân tốt
Hiện nhu cầu cần người chăm bệnh nhân lớn tuổi ở những thành phố như Hà Nội và TP.HCM là rất lớn. Một bác sĩ ở bệnh viện Thống Nhất – TP.HCM cho biết những bệnh nhân nằm viện chủ yếu là người cao tuổi, ngoài sự chăm sóc và thăm khám của y, bác sĩ, nếu người nhà có nhu cầu chăm sóc các cụ 24/24 thì họ sẽ thỏa thuận với những người chăm sóc bệnh nhân. Những người chăm sóc bệnh nhân này, được bệnh viện giao cho đội bảo vệ kiểm tra về chứng minh thư, về tạm vắng, tạm trú để đề phòng kẻ gian trà trộn vào bệnh viện làm điều khuất tất. Những người chăm sóc người bệnh, họ đều có nhân thân tốt và làm việc có trách nhiệm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, trú trên đường Nơ Trang Long – P13 – Quận Bình Thạnh. TP.HCM có mẹ nằm ở khoa Cấp cứu bệnh viện Nhân dân Gia Định tâm sự: “Nếu không có những người giúp việc và chăm sóc người bệnh thì chị không biết phải làm sao”. Làm kế toán ở một công ty về xuất nhập khẩu, chị Tuyết phải đánh vật với những số liệu cuối năm của công ty. Nên khi biết, mẹ bị đau dạ dày cấp, chị cuống lên, trong khi chồng đi công tác xa. Nhưng khi vào bệnh viện, qua một người quen, chị gặp bác Văn Thị Phúc, quê ở Nha Trang, làm nghề chăm sóc người bệnh đã lâu tại bệnh viện này. Khi mẹ chị Tuyết hết bệnh thì bác Phúc và mẹ chị Tuyết đã trở thành bạn già với nhau. Tâm sự với chúng tôi, chị Tuyết bảo. “Những lúc rảnh rỗi, bác Phúc hay đến nhà chị chơi với mẹ chị. Họ như hai người bạn già tri kỷ ấy”.
Anh Nguyễn Văn Đức – Đội trưởng đội bảo vệ của Bệnh Viện Nhân dân Gia Định cho biết: Những người chăm sóc bệnh nhân, khi vào bệnh viện chúng tôi đều kiểm tra Chứng minh Nhân dân cũng như giấy tạm vắng tạm trú. Họ là những người ở quê lên làm nghề chăm sóc người bệnh, là những người thật thà, chất phác, nhưng chúng tôi không loại trừ, một số người có những hành động không tốt, trà trộn vào trộm cắp tài sản của bệnh nhân. Những người có hành vi như thế chúng tôi theo dõi và báo cho công an phường để có biện pháp ngăn chặn.
Theo ANTD
Nghỉ Tết Dương lịch trong... bệnh viện
Dịp Tết Dương lịch năm nay có số ngày nghỉ khá dài nên nhiều người dân, gia đình đã rời khỏi thành phố đi nghỉ Tết. Thế nhưng với các bác sĩ làm việc tại các BV ngoại khoa trên địa bàn Hà Nội, 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch lại là 4 ngày vất vả hơn rất nhiều.
Tai nạn thường gia tăng trong những ngày nghỉ lễ
Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch. Có mặt tại BV này ngày 1-1, chúng tôi gặp bác sĩ Tuấn, khoa Ngoại - BV đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc) vừa đi cùng xe cứu thương vận chuyển một bệnh nhân bị tai nạn nghiêm trọng đã được cấp cứu ban đầu tại BV Phúc Yên nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch. Bác sĩ Tuấn cho biết, vào đêm trước đêm Noel (24-12) và trong 3 ngày nghỉ vừa qua, số bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào cấp cứu tại BV tăng cao, bình quân đêm nào cũng có khoảng 3-4 ca.
Đa phần số ca tai nạn giao thông trong 4 ngày nghỉ Tết dương lịch là những ca chấn thương nghiêm trọng từ các tỉnh lân cận chuyển về. Thống kê từ khoa Cấp cứu - BV Việt Đức cho thấy, riêng trong 2 ngày, 29 và 30-12, Khoa đã tiếp nhận gần 120 ca do tai nạn giao thông, trong đó khoảng 30% số ca bị chấn thương sọ não.
Theo các bác sĩ, lý do là vào dịp nghỉ Tết, trên các quốc lộ, tỉnh lộ, người dân và học sinh, sinh viên từ các thành phố lớn dồn về tăng đột biến. Đặc biệt, không ít người điều khiển ô tô, xe máy uống rượu bia (do nghỉ Tết nên nhiều nam giới hay tụ tập bạn bè, liên hoan...), không đội mũ bảo hiểm... khiến cho số ca bị nặng tăng lên. Không chỉ những người này gặp tai nạn mà họ còn làm cho nhiều người khác bị liên lụy, gây tai nạn cho không ít người khác.
Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh - điều dưỡng trưởng khoa Tim mạch lồng ngực - BV Việt Đức, trực cấp cứu tại khoa Cấp cứu đúng đêm 1-1 cho biết, việc gia tăng số ca tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Tết Dương lịch là điều mà BV đã tiên lượng trước, vì hầu như vào dịp nghỉ lễ dài ngày nào cũng xảy ra tình trạng này. Do đó, BV cũng đã tăng cường bố trí, phân công các y bác sĩ trực cấp cứu để đảm bảo tiếp nhận và điều trị kịp thời cho tất cả các bệnh nhân.
Điểm hết sức đáng cảnh báo là trong dịp nghỉ lễ này, tuy số ca bị tai nạn giao thông không tăng hơn đáng kể so với ngày thường song số ca bị tai nạn do đâm chém nhau, đánh nhau lại khá nhiều. Vào khoảng 23h đêm ngày 31-12, khoa Cấp cứu tiếp nhận cùng lúc 3 thanh niên ở Vĩnh Phúc chuyển vào cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch. Cả 3 người này đều là nạn nhân trong một vụ đâm chém nhau do mâu thuẫn, xô xát không đáng có. Khoảng 2 tiếng sau, tiếp tục có thêm những nạn nhân mới vào cấp cứu do đánh nhau, có nạn nhân vẫn còn hơi rượu nồng nặc...
Ngược với tình cảnh nhức nhối ở khoa Cấp cứu - BV Việt Đức, tại BV Phụ sản Trung ương, đêm 1-1 lại chứng kiến những giọt nước mắt đầy sung sướng, hạnh phúc của các ông bố, bà mẹ trẻ khi được đón đứa con chào đời đúng thời khắc chuyển giao. Đứa trẻ được sinh đúng lúc 0h đêm 1-1 là Bùi Huy Toàn, nặng 3,6 kg, con sản phụ Bùi Thị Lương, chào đời bằng phương pháp mổ đẻ.
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Phê, Phó Trưởng khoa Phụ ngoại, mỗi năm BV Phụ sản Trung ương đón hơn 20.000 cháu bé ra đời. Ngay trong giờ đầu tiên của đêm giao thừa, BV đã chào đón hai bé (một trai, một gái) chào đời, cả 2 đều rất khỏe mạnh. Đó là niềm vui của các gia đình, cũng là một niềm vui nho nhỏ của y bác sĩ BV này.
Theo ANTD
Giao lưu "Ký ức Hà Nội 12 ngày đêm" Chương trình có sự góp mặt của các khách mời: Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Đỗ Doãn Đại Đại tá - nhà báo Nguyễn Xuân Mai cùng đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Hội Khoa học...