Những người ‘phản tỉnh’ ở Trung Quốc
Tại Trung Quốc, bất chấp những thông tin tuyên truyền sai lệch trên báo chí, vẫn có những tiếng nói của các học giả nhằm phản tỉnh giới nghiên cứu và người dân nước này.
Cuộc đối thoại đi tìm lẽ phải
Ngày 14/6/2012, tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc của TQ, GS Thịnh Hồng, giám đốc Viện, đã cùng một số học giả khác như GS Thượng Hội Bằng, giám đốc Học viện quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh; Cát Hải Đình, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Xúc tiến hữu nghị quốc tế Trung Quốc; giáo sư Hà Quang Hộ, Viện triết học Nhân dân Trung Quốc; giáo sư Trương Thiên Phàm, chủ tịch Hội đồng học thuật Viện nghiên cứu Thiên Tắc đã tổ chức một cuộc hội thảo về biển Đông và chủ quyền của các quốc gia.
Học giả Lý Lệnh Hoa được mời tham gia hội thảo để “cùng được nghe và nói sự thật”. Xin được đăng tải một phần cuộc đối thoại đã đưa lên mạng Sina.com như sau.
Học giả Lý Lệnh Hoa
Lý Lệnh Hoa : Với tư cách là học giả đã nghiên cứu nhiều năm vấn đề vạch ranh giới biển quốc tế, hôm nay tôi rất vui mừng được cùng mọi người bàn bạc vấn đề Nam Hải (tức Biển Đông chú thích 1 lần cho tất cả các khái niệm Nam Hải dùng trong bài – TG). Tôi có mang tới đây để mọi người xem một số thành quả nghiên cứu mới nhất của giới học thuật về vấn đề Nam Hải, gồm các sách và tạp chí như Nghiên cứu vấn đề Luật biển quốc tế , Nghiên cứu luật cơ bản biển Trung Quốc, Một số trường hợp thực hiện luật quốc tế của Trung Quốc, Tập bài nghiên cứu quốc sách biển, Địa – chính trị và tranh chấp ở Nam Hải, Chuyên luận vấn đề Nam Hải, v.v…
Hiện nay nhiều học giả trong nước (Trung Quốc – TG) vẫn khẳng định Đường 9 đoạn mà Việt Nam gọi là Đường chữ U, hay Đường lưỡi bò, tức đường biên giới biển Đông theo yêu sách của Trung Quốc, được vẽ trên bản đồ bằng một đường có 9 đoạn đứt khúc. Nhưng từ xưa đến nay đường biên giới trên bộ hay trên biển của toàn thế giới chưa bao giờ có một đường nào là đường đứt đoạn, đây là”hư tuyến”, tức đường nét đứt, đường chấm chấm, không liền nét.
Tháng trước, khi giảng bài cho các nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu biển và biên giới Trung Quốc thuộc Đại học Vũ Hán, tôi có nói rằng căn cứ pháp luật đích thực phải là “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” năm 1982 ( tiếng Anh là United Nations Convention on the Law of the Sea; 1982). Hơn nữa nước ta (Trung Quốc) là quốc gia đã ký và phê chuẩn Công ước này.
Đường 9 đoạn chiếm tới hơn 80% diện tích vùng nước Nam Hải. Đường cơ bản (cơ tuyến) của quần đảo Tây Sa, Việt Nam gọi là Hoàng Sa, cấu tạo bởi 28 điểm gốc, được các chuyên gia Cục Hải dương và một số đơn vị khác (của Trung Quốc – TG) cùng nhau vẽ nên trước năm 1995. Nó gồm có nhiều bãi đá nhỏ, với diện tích vùng nước rộng tới khoảng hơn 12.000 dặm biển vuông. Sau khi được công bố, nó đã bị các chính phủ Việt Nam và Philippinnes phản đối và phê phán. Việc xác định 28 điểm gốc này vốn đã có rất nhiều chỗ không chuẩn xác, cũng không đạt yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật. Hiện nay (Trung Quốc) vẫn cứ muốn làm kiểu hoạch định mập mờ như thế ở quần đảo Nam Sa, Việt Nam gọi là Trường Sa.
Các quốc gia đương sự phải thống nhất về lý luận vạch biên giới biển và về phương pháp kỹ thuật, lấy cơ sở là các nguyên tắc quốc tế thông dụng hiện nay về cấu hình và độ dài bờ biển cũng như nguyên tắc tỷ lệ…
Giáo sư Thịnh Hồng (Chỉ lên bản đồ và hỏi): Đường màu lam có phải là đường ranh giới đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước không ?
Học giả Lý Lệnh Hoa: Đúng vậy, đường màu lam trên bản đồ là vùng đặc quyền kinh tế vẽ theo Luật Biển. Đảo Hoàng Nham ở đây. Theo mục 3, điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, Trung Quốc chúng ta chỉ có thể có vùng biển lãnh hải 12 hải lý. Thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippinnes ở đây. Cho nên dù tàu cá hay tàu chiến của chúng ta khi đến Hoàng Nham đều tất nhiên đi vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của người ta. Đã ký kết vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển thì bất cứ quốc gia nào cũng phải chịu sự ràng buộc của công ước đó. Tất cả đều phải xử lý theo tinh thần của Công ước.
GS Thịnh Hồng: Căn cứ của Đường 9 đoạn mà chúng ta vạch ra là gì?
Học giả Lý Lệnh Hoa: Chẳng có căn cứ gì! Nó chỉ là tuyên bố đơn phương năm 1947 của chính phủ Dân quốc.
Video đang HOT
GS Thịnh Hồng:Quan điểm của các nước liên quan như thế nào ?
Học giả Lý Lệnh Hoa:Thời đại đang tiến lên, khi hoạch định ranh giới biển, chúng ta cần phải tiến hành theo tinh thần Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và quy tắc quốc tế, chứ không thể nói căn cứ theo cái gọi là nhân tố lịch sử, nước giàu nước nghèo, nước lớn nước nhỏ, người đông hay người ít một cách hồ đồ được… Những yếu tố đó đều không phải là căn cứ để hoạch định biên giới.
Tôi cho rằng nếu căn cứ vào Luật biển mà làm thì nhân dân các nước ven bờ Nam Hải và nhân dân Trung Quốc đều có vùng biển 200 hải lý rộng rãi, việc phát triển nghề cá và khai thác tài nguyên đáy biển đều có đủ không gian. Sau này khi kinh tế các nước láng giềng phát triển thì chúng ta cũng được hưởng lợi. Để đứng trên góc độ toàn nhân loại mà xem xét vấn đề thì chúng ta cần có quan điểm toàn cục, cần tiến lên cùng thời đại.
Theo các học giả ài Loan như Tống Yến Huy, Du Khoan Tứ, vùng nước bên trong “đường lưỡi bò” đều không thể áp dụng quy chế nào theo thông lệ quốc tế vì nó không đủ các yếu tố để có thể chứng minh một cách hợp pháp dưới các quy định của luật pháp quốc tế.
Đường lưỡi bò sai trái của Trung Quốc
Phê phán lời sai trái, ủng hộ người dám nói thật
Với niềm tin “nói thật để nhân dân hiểu mà không làm sai”, học giả Lý Lệnh Hoa đã nhiều lần lên tiếng. Xem truyền hình, biết tin Trung Quốc lại xâm phạm lãnh hải của láng giềng, các tướng và học giả “diều hâu” lên dọa nạt, đòi “dạy cho bài học”, học giả họ Lý thấy xấu hổ. Ông thẳng thừng phê phán kịch liệt: “Đến nay trong nước vẫn còn những phát ngôn vô trách nhiệm và không lý trí như thế, rất có hại cho việc giải quyết rốt ráo vấn đề Nam Hải. Những phát ngôn kiểu đó không phải là yêu nước mà là hại nước”.
Ông khuyên họ: “Mấy năm gần đây một số học giả trong ngoài ngành quân đội Trung Quốc đưa ra đủ kiểu kiến giải về vấn đề Đông Hải và Nam Hải. Những chủ trương đó có đủ loại, năm cha ba mẹ, phần lớn đều phi thực tế. Việc tuỳ tiện đưa ra các chủ trương, giống như ôm gai đi cứu hoả, chỉ làm cho công tác phân định biên giới biển của nước ta càng phức tạp và khó khăn thêm”.
Và “Những Trương Triệu Trung, Đới Húc… trong khi thuyết giảng, khi giải thích về việc xác định điểm cơ bản và đường cơ bản, nguyên tắc phân định biên giới biển, hay khi nói về địa vị pháp lý của Đường 9 đoạn đều có những chỗ không thoả đáng, phát ngôn mà không chịu học hỏi nghiêm túc”.
Thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam, gây sóng gió ở biển Đông, đã có một luồng dư luận phê phán tại TQ khi GS Hồ Ba thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Bắc Kinh lên truyền hình bảo vệ hoạt động của giàn khoan.
Đáng chú ý là bài viết của tác giả Lý Tiểu Tinh lan truyền trên mạng xã hội nhanh chóng gây tiếng vang trong nhiều giới ở Trung Quốc. Lý Tiểu Tinh đã bác bỏ quan điểm của GS Hồ Ba cho rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 không phủ nhận yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc. Tác giả Lý Tiểu Tinh khẳng định, Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ chính thức đưa ra chủ trương đường 9 đoạn, cũng chưa từng có khái niệm đường 9 đoạn trong luật pháp Trung Quốc.
Tác giả khẳng định: Chúng ta cứ nói rằng, ngay từ đời Tống, Nguyên đã xác định sơ bộ về biên giới trên biển; đến đời Minh, Thanh xác định rõ ràng phạm vi hoạt động trên Biển Đông. Điều này hoàn toàn xuyên tạc lịch sử. Mọi người đều biết, Trung Quốc là quốc gia lục địa, từ thời xưa, ý thức về biển đã rất mơ hồ. Khái niệm lãnh hải phải đợi đến khi hoả pháo ra đời mới có, đầu tiên chỉ xác định là 3 hải lý, vì đây là cự ly bắn xa nhất của hoả pháo khi đó. Vì thế làm gì có chuyện tiền nhân Trung Quốc có ý thức đưa vùng biển có diện tích hơn 2 triệu km vuông làm vùng biên giới trên biển.
Tác giả đặt ra câu hỏi, tại sao trong “Tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc” năm 1958 lại chỉ đưa vùng biển thuộc vịnh Bột Hải và vùng eo biển Hải Nam là thuộc Trung Quốc, còn các vùng biển giữa các quần đảo trên Biển Đông là biển quốc tế?
Xét mối quan hệ với Việt Nam và các nước liên quan đến biển Đông, tác giả Lý Tiểu Tinh đặt vấn đề: “Các nước liên quan biển Đông lẽ nào lại không coi trọng lợi ích quốc gia của họ? Kinh tế biển của Việt Nam chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chả lẽ họ không coi trọng biển bằng Trung Quốc? Trong vấn đề này, nếu các nước chỉ coi trọng lợi ích riêng mình, không tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, không quan tâm đến lợi ích của các nước xung quanh, không tìm hiểu cảm nhận và khả năng tiếp nhận của nước khác, vấn đề sẽ khó được tháo gỡ và ngày càng phức tạp hơn, thậm chí dẫn đến xung đột”.
Bài viết này của tác giả Lý Tiểu Tinh được đông đảo cư dân mạng Trung Quốc quan tâm, hoan nghênh. Nhiều ý kiến từ sững sờ đến đồng tình vì từ trước đến nay họ chưa được nghe “lời nói thật”.
Học giả Lý Lệnh Hoa đánh giá bài viết rất hay, rất thực tế, lập luận rất khoa học và rất đáng để nhân dân Trung Quốc đọc và nghiền ngẫm. Ông cho rằng : “Mình chỉ biết mình, bất kể lợi ích của người khác là tai họa khó tránh khỏi”.
(Còn nữa)
Theo Vietbao
Thủ tướng: Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng tàu khỏi Việt Nam
Trong buổi tiếp xúc với ông Dương Khiết Trì, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đãyêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Sáng 18/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng có cuộc tiếp xúc với ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc.Thủ tướng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: Reuters.
Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Hành động này còn đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực; gây bất bình trong nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan cùng tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai bên cần kiểm soát tình hình, không để xảy ra xung đột, duy trì các cuộc tiếp xúc, đàm phán để giải quyết bất đồng hiện nay. Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam còn giải thích rõ về tình hình an ninh với các doanh nghiệp và công dân Trung Quốc. Thủ tướng khẳng định những sự việc xảy ra trong thời gian qua là ngoài mong muốn và đã kiên quyết ngăn chặn, ổn định tình hình, xử lý nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Lỗ 5.000 lít dầu không bằng... cứu tàu bạn
Theo An ninh Thủ đô, sáng 18/6, tàu cá số hiệu QNg 90479 TS của ông Võ Văn Lựu, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã đưa 11 thuyền viên trên tàu cá QNg 95814 TS của ông Võ Nhị, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu bị chìm tại Hoàng Sa về đến cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu an toàn.
Thuyền trưởng Võ Nhị và tàu cá QNg 90479 TS của ông Võ Văn Lựu
Ông Võ Nhị cho biết, sau hơn 20 ngày đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa được trên 7 tấn hải sản, trong lúc chuẩn bị quay vào đất liền thì ngày 14/6, do ảnh hưởng bão số 1 thời tiết xấu, tàu QNg 95814 TS chạy vào khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa tránh gió bất ngờ bị sóng đánh vỡ tàu và chìm ngay sau đó. "Đang tranh thủ chạy vào đảo tránh bão thì phát hiện mạn tàu bị vỡ, nước tràn nhanh khắp khoang tàu.
Chúng tôi chỉ kịp lấy các can nước làm phao để anh em bám vào rồi mọi người nhảy khỏi tàu", thuyền trưởng Võ Nhị kể. May tàu bị chìm ban ngày chứ nếu ban đêm thì nguy hiểm tính mạng cho 11 thuyền viên trên tàu. "Ban ngày còn kịp thời gọi icom báo khẩn cho các tàu. Nếu ban đêm bất ngờ tàu bị vỡ, trong lúc anh em đang ngủ thì không thể xử lý kịp", thuyền trưởng Võ Nhị nói.
Trước khi tàu bị chìm, thuyền trưởng Võ Nhị đã kịp dùng icom cầu cứu các tàu cá trên khu vực Hoàng Sa. Lúc này, tình cờ thuyền trưởng Võ Văn Lựu, chủ tàu QNg 90479 TS mở máy icom nên nghe tiếng. Ông Lựu cho biết: "Tàu cá QNg 90479 TS vừa ra Hoàng Sa được vài ngày. Qua máy icom biết được tàu anh Võ Nhị bị chìm, tôi đã tập trung các thuyền viên trên tàu thông báo tình hình. Các anh em cùng thống nhất dừng phiên đánh bắt hải sản để đến ứng cứu. Khi đó chúng tôi mới đánh bắt được vài kilogram, nếu bỏ dở phiên biển thì lỗ 5000 lít dầu cùng nhiều phí tổn khác. Nhưng cứu người là trên hết vì thế chúng tôi khẩn trương đến cứu tàu anh Nhị".
Khi tàu ông Lựu đến, nhiều ngư dân tàu chìm đã trong tình trạng đuối sức sau nhiều tiếng đồng hồ bám víu một phần mũi tàu còn nổi. Ông Lựu cùng anh em nhanh chóng đưa 11 ngư dân bị nạn lên tàu chăm sóc sức khỏe và tính phương án cứu tàu chìm. Sau nhiều giờ đồng hồ tìm cách cứu con tàu nhưng không thành, các ngư dân đành thay nhau lặn xuống đáy biển tháo thiết bị máy móc và ngư cụ đưa lên. "Tiếc nhất là 7 tấn hải sản công sức đánh bắt gần 20 ngày trời. Nếu tàu không bị chìm, thì phiên biển này tàu chúng tôi trúng đậm", thuyền trưởng Võ Nhị chua xót.
Ông Võ Nhị cho biết con tàu bị chìm thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Tàu cá của ông Võ Văn Lựu cũng bị lỗ trên 100 triệu đồng khi ngừng việc đánh bắt hải sản để cứu 11 ngư dân trên tàu chìm đưa vào bờ.
Trung Quốc bất ngờ đưa giàn khoan thứ hai đến Hoàng Sa
Trên trang web Cục Hải sự Trung Quốc vừa thông báo, nước này bắt đầu di chuyển giàn khoan Nam Hải 9 (Nan Hai Jiu Hao) trên khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ ngày 18 đến 20/6.
Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Nam Hải 9 di chuyển từ tọa độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 18 đến 20/6.
Giàn khoan Nam Hải 9 có chiều dài tổng thể là 600 m, di chuyển với tốc độ 4 hải lý/giờ.
Giàn khoan dầu Nam Hải 9 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.
Giàn khoan này là loại nửa chìm nửa nổi, thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Theo trang Phượng Hoàng, giàn khoan được cho là di chuyển khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hiện chưa rõ giàn khoan này có hạ đặt đặt trên biển Đông hay không và nếu có thì hạ đặt trong bao lâu.
Theo_VTC
Học giả Trung Quốc can đảm nói thẳng về biển Đông Để giúp dư luận và nhân dân Trung Quốc hiểu rõ sự thật, học giả Lý Lệnh Hoa đã công bố nhiều bằng chứng, chứng cứ về nguồn gốc các biển đảo trên biển Đông và đường lưỡi bò sai trái, nguy hiểm. Nhà nước Trung Quốc ngày càng mở rộng hành động độc chiếm biển Đông, xâm phạm chủ quyền Việt Nam....