Những người ở điểm “nóng” tiếp nhận, kiểm dịch người Việt về nước ở sân bay
Nhiều cán bộ phải ăn tại chỗ, căng mình sàng lọc, tổ chức kiểm dịch, nhập cảnh cho hàng trăm hành khách tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng căng thẳng.
Hơi thở và mồ hôi đọng thành hơi nước phủ kín kính bảo hộ của một cán bộ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM trong lúc làm việc – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Họ là những cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm kiểm dịch) và công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Những ngày qua, sân bay Tân Sơn Nhất được cho là “điểm nóng” trong việc tiếp nhận hàng trăm người Việt trên khắp nơi về Việt Nam để tránh dịch bệnh Covid-19.
Tâm sự những Việt kiều về nước tránh Covid-19 qua sân bay Tân Sơn Nhất
Ngày 19.3, có mặt tại khu kiểm dịch ở cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chúng tôi chứng kiến các cán bộ cửa khẩu và nhân viên kiểm dịch làm việc liên tục với cường độ cao, nhất là khi những chuyến bay liên tục đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đưa hàng trăm người Việt trở về nước.
Tại khu kiểm dịch, các cán bộ y tế phải thay phiên nhau túc trực 24/24. Họ phải ăn tại chỗ, làm việc, tổ chức phân luồng, đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai khai y tế với hàng trăm người.
Theo phân loại của Bộ Y tế, cán bộ, nhân viên làm việc ở khu vực cửa khẩu là một trong những nhóm phân loại có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19.
Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất thì chia làm 3 ca trực trong ngày, làm việc 24/24. Mỗi ca trực khoảng 80-100 cán bộ chiến sĩ. Trong đó, lực lượng kiểm soát khoảng 80 – 90 cán bộ, chiến sĩ; lực lượng tham mưu thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp các thủ tục, phân luồng/phân tuyến (được tăng cường, bổ sung trong đợt dịch Covid-19) 10-12 cán bộ. Lực lượng hậu cần sẽ xử phạt hành chính, chăm sóc chế độ ăn uống cho cán bộ, chiến sĩ, vì thời điểm này, toàn bộ cán bộ Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phải ăn tại cơ quan 100% để đảm bảo công việc. Lực lượng xác minh, xử lý những trường hợp khai báo gian dối, né hoặc trốn cách ly tập trung.
Tính đến chiều 20.3, có 38 cán bộ Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phải cách ly tập trung do tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19. Trong đó có 2 trường hợp đã hoàn thành xong 14 ngày cách ly và trở về.
Tại khu kiểm dịch khu vực ở cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, cán bộ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM đang căng mình hướng dẫn hành khách làm thủ tục khai báo y tế phòng chống dịch Covid-19 – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Những hành khách chưa cập nhật cách khai báo y tế sẽ được các cán bộ trung tâm kiểm dịch tận tình hướng dẫn khai báo để hoàn thành các thủ tục nhập cảnh – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Các cán bộ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM hỗ trợ nhau trong việc giải quyết các khâu kiểm dịch đối với hành khách nhập cảnh vào Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 19.3 – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Sau khi xuống sân bay, hành khách sẽ khai báo y tế, sau đó sẽ được hướng dẫn đến quầy Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất để được cán bộ tại đây kiểm tra hộ chiếu và phân luồng. Trường hợp nào không thuộc cách ly tập trung sẽ được hướng dẫn qua luồng độc lập để nhập cảnh. Những trường hợp nào phải cách ly tập trung theo quy định sẽ được hướng dẫn qua khu riêng để làm thủ tục nhập cảnh và được cán bộ y tế hướng dẫn thủ tục đi cách ly tập trung phòng chống Covid-19 – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Cán bộ kiểm dịch y tế chăm chú theo dõi máy đo thân nhiệt từ xa với tất cả hành khách để phát hiện ca nghi ngờ mắc Covid-19 – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả và tránh gây tình trạng hỗn loạn tại khâu thủ tục, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã lên phương án dự phòng rất kỹ, chuẩn bị sẵn lực lượng nhân sự phòng khi có lượng khách trở về đông đột biến. Trong ảnh: Một cán bộ công an cửa khẩu (ngoài cùng bên phải) trong trang phục bảo hộ túc trực hướng dẫn hành khách làm các thủ tục nhập cảnh – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Con từ Mỹ về tránh dịch, cha mang quần áo đến khu cách ly tiếp sức
Hiện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM có 80 người, trong đó có 60 người làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất, chia làm 3 ca. Các cán bộ y tế trực 24/24 để làm nhiệm kiểm dịch Covid-19, hoàn thành các thủ tục y tế để hành khách nhập cảnh vào Việt Nam – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Cán bộ trung tâm kiểm dịch y tế luôn túc trực để đo thân nhiệt, hướng dẫn hành khách khai tờ khai y tế điện tử, tổ chức phân luồng để cách ly – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Mỗi ca (8 tiếng) với số lượng 20 người đảm trách việc phân luồng, đo thân nhiệt, thực hiện tờ khai khai y tế với hàng trăm người. “Lượng hành khách nhiều lúc xếp hàng dài. Một vài người la lối, rồi xé cả tờ giấy… Nhưng trong mọi tình huống, anh em đều phải điềm tĩnh, xử lý nhẹ nhàng, ôn hòa”, anh Mai Xuân Phán, Trưởng khoa xử lý y tế (Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM), chia sẻ – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Một cán bộ công an cửa khẩu ở khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Ông Lê Hồng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tại TP.HCM, khẳng định nếu xảy ra tình huống có hành khách quá khích tại sân bay không chịu cách ly, cán bộ chiến sĩ sẽ bình tĩnh, ưu tiên phương án tìm mọi cách giải thích cho các hành khách hiểu. Theo ông Thái, lực lượng thực hiện nhiệm vụ đã xây dựng nhiều phương án cho mỗi tình huống xảy ra tại sân bay
Sau khi tiếp xúc với hàng trăm hành khách từ nhiều nước về sân bay Tân Sơn Nhất, cán bộ trung tâm kiểm dịch phải khử khuẩn để phòng dịch bệnh Covid-19 lây nhiễm. Theo phân loại của bộ Y tế, cán bộ, nhân viên làm việc ở khu vực cửa khẩu là một trong những nhóm phân loại có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. – Ảnh: Ngọc Dương
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm, lượng người Việt về nước nhiều, có xảy ra tình trạng ùn ứ, nhiều hành khách dễ mất bình tĩnh, bức xúc. “Có một số ít chống đối không chịu cách ly tập trung, tuy vậy những cán bộ ở đây luôn cố gắng giữ thái độ điềm tĩnh để thuyết phục hành khách tuân thủ cách ly. May mắn đến hiện tại, chưa có tình huống nào đáng tiếc xảy ra”, ông Tâm cho biết – Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Cán bộ y tế và Công an cửa khẩu Tây Sơn Nhất theo dõi thông tin các chuyến bay để sẵn sàng tác chiến trong đợt dịch Covid-19 – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Hành khách trên chuyến bay EK392 của Hãng hàng không Emirates từ Dubai (UAE). Đây là chuyến bay có nhiều hành khách từ châu Âu và Mỹ quá cảnh và khi về Việt Nam bị cách ly bắt buộc. Các hành khách đang khai báo y tế để chuẩn bị nhập cảnh vào Việt Nam – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế kiểm tra số đo thân nhiệt của từng hành khách. – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Sau đó các hành khách sẽ được Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phân luồng. Đối với các hành khách đi từ các nước vùng dịch phải cách ly bắt buộc, sẽ được hướng dẫn đi thẳng vào luồng làm thủ tục nhập cảnh riêng – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Đối với các hành khách không đi từ các vùng dịch Covid-19, không bị cách ly bắt buộc được Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất hướng dẫn qua một lối riêng và quầy thủ tục nhập cảnh riêng – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Để phòng chống dịch Covid-19, bàn kiểm soát được lắp đặt thêm kính chắn xung quanh, thay vì trước đây chỉ có tấm kính phía trước. Các hành khách phải xuất trình tờ khai y tế cho an ninh xuất nhập khẩu khi làm thủ tục nhập cảnh. – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Hành khách từ chuyến bay VN780 từ Melbourne (Úc) đang làm thủ tục nhập cảnh. Các hộ chiếu đều được kiểm tra kỹ càng từng con dấu và nhân viên an ninh đồng thời sẽ hỏi địa chỉ lưu trú tại Việt Nam của các hành khách – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Nhằm phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, hành khách đi từ các nước ASEAN do quy định cách ly bắt buộc cũng phải vào một quầy riêng làm thủ tục nhập cảnh. – Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Ngăn chặn các ca nghi nhiễm dịch COVID-19 từ sân bay, tâm dịch
Ngày 29/2, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 987/BYT-DP đến UBND các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Iran và Italy. Địa điểm áp dụng tại tất cả các cửa khẩu, từ 0 giờ ngày 29/2.
Bộ Y tế lưu ý các đơn vị bố trí phiên dịch tiếng Iran và Italy làm việc tại cửa khẩu để hỗ trợ việc khai báo y tế và sàng lọc tờ khai y tế. Kiểm dịch viên y tế chỉ dẫn hành khách đến bộ phận kiểm dịch y tế để khai tờ khai y tế khi làm thủ tục nhập cảnh đối với hành khách đến từ hoặc đi qua Iran và Italy.
Tại đây, kiểm dịch viên y tế và cán bộ phiên dịch có trách nhiệm hướng dẫn hành khách khai báo y tế và đóng dấu xác nhận theo quy định. Khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh COVID-19, kiểm dịch viên y tế áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế theo quy định.
Cán bộ của Trung tâm Kiểm dịch quốc tế Khánh Hòa kiểm tra, giám sát khách du lịch ở sân bay Quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN.
Các Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có hoạt động kiểm dịch y tế cần tổ chức in, cấp phát tờ khai y tế bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng cho hành khách thực hiện khai báo y tế; cung cấp miễn phí tờ khai báo y tế tại các cửa khẩu; triển khai khu vực dành cho khai báo y tế tại khu vực cửa khẩu đến (bố trí biển chỉ dẫn, bàn, ghế, bút, tờ khai, người hướng dẫn...); trang bị con dấu liền mực cho kiểm dịch viên y tế để xác nhận vào tờ khai y tế (con dấu nhảy được ngày, tháng, năm; có dòng chữ ĐÃ KIỂM TRA). Bên cạnh đó, cần thông báo cho các bên liên quan tại cửa khẩu để phối hợp trong quá trình triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh.
Ở diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã xác nhận với Đại sứ quán Viêt Nam tại Hàn Quốc một trường hợp người Việt Nam tại thành phố Daegu, một trong hai tâm dịch COVID-19 ở Hàn Quốc bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), KCDC đã gửi thông tin bệnh nhân này đến Bộ Y tế Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các cơ quan và địa phương liên quan của Hàn Quốc đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi và tích cực điều trị cho công dân Việt Nam bị nhiễm bệnh.
Thực tế này cho thấy, việc thắt chặt kiểm tra từ xa với các trường hợp nghi nhiễm dịch COVID-19 từ các nước tâm dịch về Việt Nam là cực kỳ cấp thiết trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, từ tâm dịch xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) mặc dù, các trường hợp dương tính đã được điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng đến nay, các y bác sĩ ở đây vẫn tiếp tục kiểm soát, phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện nhiễm COVID-19, theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh cho hơn 10.000 dân trong vùng cách ly và triển khai các biện pháp dự phòng, sàng lọc, phân loại người bệnh, tham gia tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch COVID - 19, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm.
Hàn Quốc đến ngày 29/2 có thêm 594 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số lên 2.931 ca nhiễm. Chính phủ Hàn Quốc nhận định thời điểm cuối tuần này và cuối tuần sau là bước ngoặt quan trọng trong công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Còn theo phóng viên TTXVN tại Italy, tính đến 29/2, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng lên 821 người và ghi nhận 21 trường hợp tử vong, 46 ca được chữa khỏi.
Theo Vân Sơn/Báo Tin tức
Sau 14 ngày tàu Diamond Princess cập Cảng Chân Mây: Tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ đoàn khách không có các triệu chứng nhiễm nCoV Chiều 11/2, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn số 252/BC-SYT báo cáo tàu du lịch Diamond Princess từ Hồng Kông (Trung Quốc) nhập cảnh tại Cảng Chân Mây ngày 27/1 không lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) trên địa bàn tỉnh. Du thuyền Diamond Princess neo tại Yokohama, Nhật Bản,...