Những người Nhật chết hàng ngàn lần để kiếm sống
“Các vai diễn của tôi hầu như luôn kết thúc bằng cái chết. Mẹ tôi thường không xem những chương trình mà tôi tham gia. Bà ấy ghét chúng vì tôi thường bị giết”.
Với nụ cười ấm áp và thái độ có vẻ dè dặt, diễn viên Hirotaka Tsukagoshi không giống với hình tượng một nhân vật phản diện trong phim. Tuy nhiên khi nhập vai, hạ giọng xuống và nhướn mày lên, Hirotaka Tsukagoshi trở thành một nhân vật lính Nhật phản diện chuyên cưỡng bức, giết chóc và cướp phá trong gần 30 bộ phim Trung Quốc và các chương trình truyền hình.
Người đàn ông 36 tuổi này là một trong hàng chục diễn viên Nhật Bản đang phải kiếm sống bằng cách “chết” hàng ngàn lần trong các bộ phim Trung Quốc với hình tượng là “những ác quỷ Nhật Bản”, những kẻ xâm chiếm Trung Quốc trong Thế chiến thứ II.
Tsukagoshi tại một phim trường ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 9/2011.
Video đang HOT
Tsukagoshi bắt đầu sự nghiệp vào năm 2005, trong vai diễn đầu tiên là một trung úy bị quân đội Nhật Bản hành quyết. Anh nói: “Tôi phải diễn ở ngoài trời tuyết khi chỉ mặc một chiếc quần lót và bị thiêu cháy cho tới chết. Đó là lần đầu tiên khi tôi thật sự thấy mình giống như một diễn viên”.
Tsukagoshi đã có một bước ngoặt lớn khi đoàn làm phim quay cảnh ở nông thôn. Cùng diễn với anh là một người phụ nữ lớn tuổi, một diễn viên nghiệp dư, là người dân địa phương được đoàn làm phim thuê. Người phụ nữ này được giao cảnh siết cổ Tsukagoshi.
Tsukagoshi mô tả: “Tôi không biết đó có phải là một phần của kịch bản hay không, khi tôi cảm thấy thật sự đau, đạo diễn mới hô cắt”. Người phụ nữ ấy, Tsukagoshi sau này mới biết được rằng, bà là nhân chứng vào thời điểm Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc. Anh nói thêm: “Cùng lúc, bà ấy vừa khóc vừa làm tôi nghẹt thở.”
Chính vai diễn này đã khiến đạo diễn có ấn tượng với Tsukagoshi, và ngay ngày hôm sau anh đã được chính thức ký hợp đồng. Đó cũng là một khởi đầu đầy may mắn trong ngành công nghiệp đang phát triển mạnh ở Trung Quốc.
Chỉ tính riêng trong năm 2012, các công ty của Trung Quốc đã cho ra lò hơn 200 bộ phim về đề tài chiến tranh, mô tả khoảng thời gian kéo dài từ 1937 tới 1945 mà Trung Quốc được biết tới như chìm trong “Cuộc kháng chiến chống Nhật”.
Phim về đề tài này càng trở nên phát triển hơn ở Trung Quốc kể từ khi căng thẳng bùng phát giữa hai Trung Quốc và Nhật Bản về vấn đề tranh chấp nhóm đảo Senkaku.
Trong năm 2014, Tsukagoshi đã xuất hiện trong bốn bộ phim và đang tham gia một chương trình truyền hình ở Bắc Kinh. Anh cho biết cho đến nay, đây là một trong những năm thành công nhất của bản thân.
Những vai diễn Hirotaka Tsukagoshi đảm nhiệm thường có kết cục là bị bắn chết.
“Những ác quỷ Nhật Bản” đã xuất hiện trong các bộ phim về đề tài chiến tranh Trung Quốc kể từ những năm 1950. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên của thể loại phim này, các vai này thường diễn viên Trung Quốc đảm nhiệm, đôi khi họ được trang bị thêm một cặp kính dày và hóa trang để phù hợp với vai diễn người Nhật Bản.
Diễn viên Nhật Bản chỉ bắt đầu tham gia đóng phim vào cuối thập niên 1980, và việc những diễn viên Nhật Bản được nhận những vai chính đã khiến các bộ phim này mang tính quốc tế hơn và tin cậy hơn.
Tsukagoshi cho biết, khán giả Trung Quốc đôi khi khó phân biệt được những cảnh bạo lực tưởng tượng với thực tế, nhiều khi họ tin rằng những gì diễn ra trong phim ảnh là hiện thực. Một người hâm mộ Trung Quốc từng đăng một bình luận lên blog của anh và ca ngợi anh là “người dạy lịch sử” về Nhật Bản và Trung Quốc.
Anh ngay lập tức đã trả lời lại rằng: “Bạn có thể sẽ không học được bất cứ điều gì từ chương trình này, nó chỉ là giải trí.” Tsukagoshi cũng không chịu trách nhiệm cho những tác động của vai diễn của mình đối với mối quan hệ Trung-Nhật nhưng anh hy vọng mọi người có thể hiểu rằng “chiến tranh là điều xấu”.
Vào năm 2009, trong vở hài kịch có tên là Con bò, Tsukagoshi đã vào vai một sinh viên Nhật Bản, giúp đỡ nông dân Trung Quốc chăm sóc những con bò bị bệnh. Tuy nhiên có một điều không bao giờ thay đổi, nhân vật mang quốc tịch Nhật Bản cuối cùng cũng đã bị bắn chết.
Tsukagoshi nói: “Các vai diễn của tôi hầu như luôn kết thúc bằng cái chết. Mẹ tôi thường không xem những chương trình mà tôi tham gia. Bà ấy ghét chúng vì tôi thường bị giết.”
Theo Nguyễn Nhung/Dân Việt