Những người Nhật bị kỳ thị vì nCoV
Khi Arisa Kadono nhập viện vì nCoV, quán bar do gia đình cô kinh doanh ở Himeji, tỉnh Hyogo lập tức bị đồn là một ổ Covid-19.
Kadono nhập viện hồi đầu tháng 4, lúc đó người ta chỉ biết đến cô là một phụ nữ ngoài 20 tuổi kinh doanh ẩm thực. Nhưng chẳng mấy chốc, bạn bè cho hay hàng tá tin đồn vô căn cứ về cô đã được tung ra. Người ta thậm chí còn đồn thổi rằng cô đã ăn tối với một cầu thủ bóng chày nổi tiếng nhiễm nCoV từ trước đó, dù thực tế Kadono chưa từng gặp người này, hay cô đã trốn khỏi bệnh viện và phát tán virus.
“Họ đồn thổi như thể tôi là tội phạm”, Kadono nói trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở thành phố Himeiji, phía tây Nhật Bản hôm 10/5, sau khi kết thúc 3 tuần điều trị trong viện.
Arisa Kadono trong video đăng trên Youtube hôm 15/4, lên tiếng bảo vệ bản thân và những người bị kỳ thị vì Covid-19 ở Nhật Bản. Ảnh: AP.
Kadono chỉ sốt trong ngày đầu tiên và mất khứu giác. Ngoài ra, cô không có triệu chứng nào khác, dù liên tục xét nghiệm dương tính với nCoV. Mẹ cô bị viêm phổi và phải nằm điều trị trong phòng hồi sức tích cực ở một bệnh viện khác.
“Có rất nhiều người đang đối mặt với phân biệt đối xử và định kiến”, Kadono nói về quyết định lên tiếng cho bản thân và những người sống sót khỏi Covid-19 cũng như gia đình họ. “Tôi muốn thay đổi những người thích đổ lỗi cho người nhiễm nCoV”.
Ngoài nỗi sợ nhiễm virus, các chuyên gia cho rằng định kiến ở Nhật về những người thậm chí chỉ tiếp xúc gián tiếp với người bệnh bắt nguồn từ quan niệm sâu xa về sự thuần khiết và sạch sẽ trong một nền văn hóa bài trừ mọi thứ bị coi là xa lạ, ô uế hoặc rắc rối.
Các nhân viên y tế đang mạo hiểm mạng sống để chăm sóc bệnh nhân là mục tiêu chủ yếu, nhưng những người làm việc ở tiệm tạp hóa, giao hàng, thực hiện những công việc thiết yếu, thậm chí người nhà họ, cũng phải đối mặt với sự kỳ thị.
Video đang HOT
“Tôi biết là người ta sợ nCoV, nhưng chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn khi làm việc vất vả ở tiền tuyến”, một nữ y tá ngoài 30 tuổi nói. Cô giấu tên vì sợ bị kỳ thị. “Chúng tôi còn phải chăm sóc gia đình. Phân biệt đối xử chỉ vì chúng tôi là nhân viên y tế chỉ khiến chúng tôi nản lòng và mất tinh thần”.
Một y tá khác đưa con đi chơi trong công viên ở Tokyo đã bị vài người mẹ đến yêu cầu rời đi. Một vài y tá bị nhà hàng mà họ là khách quen từ chối phục vụ. Bộ Y tế Nhật Bản đã phải ban hành chỉ thị cấm một số cơ sở trông giữ trẻ từ chối tiếp nhận con em bác sĩ và y tá.
Một y tá giàu kinh nghiệm ở đảo Hokkaido cho hay mẹ một đồng nghiệp của cô bất ngờ bị công ty cho nghỉ việc. Chồng một y tá khác bị từ chối khi phỏng vấn xin việc vì có vợ làm trong ngành y.
Nhiều y tá, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19, không dám về nhà mà ngủ lại khách sạn để bảo vệ gia đình, trong khi phải làm việc mà không có đầy đủ vật tư bảo hộ cũng như không được xét nghiệm toàn diện.
“Chúng tôi hiểu người dân đang sợ hãi, nhưng nhân viên y tế cũng đang làm hết sức để ngăn chặn lây nhiễm trong bệnh viện. Chúng tôi cần được ủng hộ”, Toshiko Fukui, người đứng đầu Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản, nói.
“Chúng tôi không yêu cầu điều gì đặc biệt, chỉ cần một lời cảm ơn đã là phần thưởng to lớn đem lại động lực cho chúng tôi”, Fukui nói.
Thái độ kỳ thị bệnh nhân Covid-19 có thể khiến một số người nhiễm từ chối khám bệnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, theo nhà tâm lý học Reo Morimitsu tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Suwa.
Tháng trước, cảnh sát Nhật phát hiện hơn 10 người chết trong nhà riêng hoặc ngã gục trên đường phố mà kết quả xét nghiệm sau này cho thấy họ đều dương tính với nCoV.
“Viurs không chỉ ảnh hưởng tới cơ thể mà còn tác động tới tâm trí và hành vi của chúng ta, làm hại chúng ta, chia rẽ xã hội của chúng ta”, Morimitsu nói.
Định kiến về những người không được coi là “sạch sẽ” bắt nguồn từ thời phong kiến, khi những người Nhật Bản làm trong các ngành nghề như thuộc da hay bán thịt hay bị coi thường. Những người mắc bệnh phong cũng bị buộc phải sống cô lập, dù đã có cách chữa trị căn bệnh này từ hàng thập kỷ trước.
Nạn nhân trong hai vụ tấn công bằng bom nguyên tử năm 1945 của Mỹ và những người bị tổn thương trong các sự cố công nghiệp như ngộ độc thủy ngân cũng đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử tương tự. Gần đây nhất là những người chạy khỏi thảm họa hạt nhân năm 2011 ở Fukushima cũng bị bắt nạt và quấy rối.
“Ẩn dưới thái độ kỳ thị những người liên quan tới Covid-19 là cảm giác bệnh nhân không phải người sạch sẽ”, Naoki Sato, chuyên gia về tội phạm học và văn hóa Nhật Bản tại Viện công nghệ Kyushu, viết trong báo cáo đăng trên tạp chí Gendai Business. “Lo lắng ngày một tăng và nỗi sợ nhiễm bệnh đã làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử với người nhiễm”.
Nhật Bản ghi nhận một số hành động thù ghét nhằm vào bệnh nhân Covid-19: đại học Sangyo ở Kyoto bị đe dọa đập phá sau khi có sinh viên nhiễm nCoV, một ủy viên hội đồng lập pháp thành phố Osaka gọi một bệnh nhân trẻ là “kẻ sát nhân” với người lớn tuổi. Tại Mie, miền trung Nhật Bản, người ta ném đá vào nhà và phá hoại tài sản của một bệnh nhân Covid-19.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và những quan chức khác lên án những hành vi này. “Thật đáng xấu hổ”, ông Abe nói trong một phiên họp quốc hội gần đây. “Ai cũng có thể nhiễm bệnh”.
Người dân vỗ tay thể hiện cảm kích với nhân viên y tế ở Susono, tỉnh Shizuoka, miền trung Nhật Bản, hôm 1/5. Ảnh: AP.
Một số địa phương ở Nhật Bản bắt đầu noi gương châu Âu và những nơi khác, tích cực gửi đi thông điệp biết ơn và ca ngợi nhân viên y tế cũng như những người làm công việc phục vụ nhu cầu thiết yếu. Một số công sở bắt đầu kêu gọi quyên góp và ủng hộ bệnh viện.
Các chiến dịch nâng cao nhận thức và chống phân biệt đối xử với bệnh nhân Covid-19, người nhà và nhân viên y tế bước đầu đạt được thành công, theo đánh giá của nữ y tá ở Hokkaido.
“Mọi người bắt đầu cổ vũ chúng tôi”, cô nói. “Các cửa hàng gần bệnh viện đôi lúc mang bánh rán, mỳ xào và sữa đến ủng hộ chúng tôi”.
212 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 với gần 4,2 triệu người nhiễm, gần 284.000 người chết. Nhật Bản hiện ghi nhận 15.777 ca nhiễm và 624 ca tử vong.
Cảnh sát bị mắc Covid-19, Nhật Bản lo lắng nhiều ổ dịch mới
Nhật Bản ghi nhận trường hợp cảnh sát đầu tiên bị mắc Covid-19, là một nhân viên thuộc Phòng cảnh sát Tây Kobe, thành phố Kobe, tỉnh Hyogo.
Đại diện của Phòng cảnh sát Tây Kobe đã xác nhận thông tin này. Ngoài ra, còn một số cảnh sát khác trong đơn vị này cũng có biểu hiện sốt. Cảnh sát tỉnh Hyogo đang triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan trong đối tượng cảnh sát khu vực.
Trụ sở cảnh sát thành phố Kobe, Hyogo. Ảnh: NHK.
Theo đó, một cảnh sát ngoài 50 tuổi đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 6/4. Ngay lập tức cảnh sát tỉnh đã cách ly thêm 50 trường hợp cảnh sát khác được cho là có tiếp xúc với cảnh sát bị nhiễm bệnh. Tất cả các cảnh sát này đang được xét nghiệm, và khả năng cao một số cảnh sát khác sẽ bị nhiễm mới.
Hiện tại, phòng cảnh sát Tây Kobe đã ra quy chế mới về làm việc ngoài tòa nhà để tránh ảnh hưởng tới công việc. Một đội cảnh sát khác trong tỉnh đã được phái đến đễ hỗ trợ.
Trong khi đó, riêng thành phố Kobe, hôm nay (9/4) đã phát hiện thêm 18 người nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm tại tỉnh Hyogo lên tới 266 người.
Đến thời điểm hiện tại, số người nhiễm trong nội địa Nhật Bản đã vượt quá 5.000 người. Ngoài Tokyo, Osaka... là những nơi có số người nhiễm tăng đột biến, một số địa phương khác như Hyogo, Kochi...đang lo ngại số người nhiễm tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vấn đề khó khăn ở đây vẫn là lịch sử di chuyển và tiếp xúc của những người đã nhiễm không thể xác định được.
Trong khi đó, từ ngày tuyên bố tình trạng khẩn cấp được đưa ra đối với 7 tỉnh thành trên toàn quốc, chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc. Chính phủ hy vọng rằng nếu tiếp xúc giữa người với người giảm khoảng 80%, thì việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ giảm. Trong đó giữa chính phủ và các địa phương vẫn chưa có sự thống nhất về việc những trường hợp tạm đóng cửa, hay mở cửa trong tình trạng khẩn cấp./.
Bùi Hùng/VOV-Tokyo
Chính trị gia Nhật Bản xin lỗi vì bán đấu giá khẩu trang trên mạng Thành viên hội đồng tỉnh Shizuoka lên tiếng xin lỗi sau khi bị phát hiện bán đấu giá khẩu trang trực tuyến, thu hàng triệu Yên. Ông Hiroyuki Morota - thành viên của hội đồng tỉnh Shizuoka và chủ sở hữu của một công ty nhập khẩu, bảo vệ quyết định của mình song thừa nhận hành động này là không đúng thời...