Những người mẹ ấn tượng của điện ảnh Việt
Nhân “Ngày của mẹ”, hãy cùng điểm lại những vai diễn người mẹ ấn tượng nhất của điện ảnh Việt những năm gần đây.
Huyền Thoại Bất Tử – Người mẹ võ sư
Một vai diễn ấn tượng và hoàn toàn khác với những vai diễn “bà mẹ” mà nghệ sỹ Kim Xuân từng thể hiện. Bởi đây là một bà mẹ rất giỏi võ và thương yêu con mình vô bờ bến cho dù đứa bé đó không phải là con ruột do mình sinh ra. Trong Huyền Thoại Bất Tử, khán giả đã phải rơi lệ trước những phân đoạn thể hiện nội tâm của Lan (vai diễn của Kim Xuân) khi phải nói dối đứa con nuôi về thân thế của nó.
Bà mẹ võ sư Kim Xuân
Mấy mươi năm trước, Lan (Kim Xuân) – một võ sư Bình Định, tình cờ bắt gặp đứa bé sơ sinh bị bỏ trước cửa nhà, đem về nuôi nấng và đặt tên là Lý Tiểu Long. Với mong muốn con không mặc cảm bệnh tật với đời (bởi là nạn nhân của chất độc da cam), Lan đã nói dối rằng bé chính là con đẻ của huyền thoại điện ảnh Lý Tiểu Long (Bruce Lee). Và đó cũng là nguyên nhân đẩy đưa câu chuyện đến những tình tiết mới.
Những Nụ Hôn Rực Rỡ – Người mẹ ca sỹ
Lại một vai phụ ấn tượng của cô Chanh – Phương Thanh. Lần này, Phương Thanh vào vai Phương Cam – mẹ của nhân vật nữ do Minh Hằng thể hiện. Trong phim, khán giả bắt gặp hình ảnh của cô Chanh là một cô đầu bếp luống tuổi và khó tính. Cô rất khắt khe trong việc quản giáo An (cô con gái mà cô luôn che giấu thân phận của mình với con).
Phương Thanh (phải) và Minh Hằng (Trái)
Phương Cam luôn xem thường cuộc sống và nhất là cái nhìn “khinh miệt” đối với giới nghệ thuật, nơi đã từng khiến cô lỡ lầm vấp ngã và sau này, cô chỉ lấy việc làm đầu bếp và sống hờ hững yên phận cho qua ngày. Nhưng sâu thẳm trong lòng cô vẫn là một đam mê ca hát bất tận. Và vào những giây phút cuối của phim, khán giả gần như vỡ òa cảm xúc với chi tiết An (Minh Hằng) nhận ra người bên cạnh cô bấy lâu nay chính là mẹ ruột của mình.
Áo Lụa Hà Đông – Người mẹ lam lũ
Một trong số những vai diễn ấn tượng nhất của Trương Ngọc Ánh với điện ảnh. Không cần phải nói nhiều về vai diễn này, bởi những ai từng xem qua Áo Lụa Hà Đông đều bị cô Dần thuyết phục qua từng ánh mắt, cử chỉ. Và trong Áo Lụa Hà Đông, người ta còn bắt gặp hình ảnh một người mẹ lam lũ nhưng hết mực yêu thương con cái.
Video đang HOT
Cảnh quay ám ảnh nhiều khán giả cho đến tận bây giờ
Phân đoạn cô Dần ôm xác con khi trường học của của cô bé bị đánh bom chính là phân đoạn ánh ảm nhiều khán giả nhất cho đến mãi tận bây giờ. Chắc hẳn nhiều người sẽ vẫn còn nhớ lại khoảnh khắc này vì đây cũng là khoảnh khắc lấy nước mắt của nhiều khán giả nhất. Nỗi đau của người mẹ mất con đã được Trương Ngọc Ánh lột tả đến tận cùng. Đã có rất nhiều tiếng nấc nghẹn ngào vang lên cùng với tiếng nấc đau đớn của cô Dần phía trên màn ảnh.
Nhật Ký Bạch Tuyết – Người mẹ uy quyền
Mặc dù là một phim không đạt được thành công như ý muốn của nhà sản xuất, nhưng vai diễn của NSUT Hồng Vân đã phần nào cứu vớt lại một chút cho bộ phim này. Trong vai một bà mẹ uy quyền với vai trò ngoài xã hội là một hiệu trưởng, nhưng khi về nhà, bà cũng là một bà mẹ như bao bà mẹ khác – thương con và làm tất cả vì con.
Hồng Vân (giữa) trong Nhật Ký Bạch Tuyết
Con gái của bà sau một tai nạn bị mất trí, trở nên hoang tưởng. Cô luôn nghĩ mình là nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích bị mụ phù thủy ác độc hãm hại. Quá thương con, bà mẹ sẵn lòng vào vai phù thủy và chấp nhận bị con mình chửi mắng như một mụ dì ghẻ. Bà còn thuê người đóng giả 7 chú lùn hàng ngày chăm sóc, mua vui cho con gái.
Đẻ Mướn – Hai người mẹ đối đầu
Trong Đẻ Muớn, cả Hà Kiều Anh và Kim Thư đều vào vai những bà mẹ đáng thương. Cả hai bà mẹ là hai nỗi đau khác nhau. Vân (Hà Kiều Anh) không thể sinh con được nên phải nhờ Mai (Kim Thư) sinh hộ bằng một hợp đồng đẻ thuê. Nhưng cuối cùng, khi sinh con, Mai đã ẳm con bỏ trốn vì không muốn trao núm ruột của mình cho người khác nuôi dưỡng.
Một cảnh quay ấn tượng trong phân đoạn hai bà mẹ giành con và đứa bé rơi vào tình huống nguy hiểm
Hai bà mẹ đã có một cuộc ruợt đuổi nhau nghẹt thở. Chung quy tất cả cũng chỉ vì đứa con mà cả hai đều yêu mến. Cuối cùng, câu chuyện sáng tỏ, Mai vẫn giữ lại đứa con và Vân trở thành người mẹ thứ 2 của em bé. Tất cả mọi mâu thuẫn đều được giải quyết êm đẹp bởi trên hết – những gì họ làm đều xuất phát từ tình yêu thương của một người mẹ.
Bẫy Rồng – Người mẹ sát thủ
Ngô Thanh Vân đã có một vai diễn người mẹ rất hay trong Bẫy Rồng. Đây cũng là một người mẹ thương con hơn chính bản thân mình. Có điều, người mẹ này lại là một người mẹ “giang hồ” có tiếng. Và đứa con chính là lý do duy nhất để người mẹ trẻ này hoàn lương. Cô quyết định thực hiện mọi mệnh lệnh của ông trùm với ước muốn được nhận lại con gái của mình và rời xa băng đảng. Nhưng … cuối cùng cô đã không làm được điều đó: cô đã bị tên trùm lừa và con gái cô đã chết từ lâu …
Ngô Thanh Vân trong Bẫy Rồng
Tuy chưa từng được nuôi nấng đứa con do chính mình sinh ra nhưng khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận được nỗi đau đớn, giày vò của người mẹ trẻ khi bị ép phải rời xa con mình. Những khoảnh khắc mà nhân vật sát thủ Phượng Hoàng (Ngô Thanh Vân đóng) hồi tưởng, nhớ về con chính là những khoảnh khắc nhẹ nhàng hiếm hoi nhưng đầy ấn tượng của bộ phim hành động nổi tiếng này.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Những vẻ đẹp tuyệt sắc trên phim của giai nhân Việt
Cùng điểm lại một số nét tính cách nổi bật được khắc họa trong những bộ phim màn ảnh rộng thời gian qua về người phụ nữ Việt Nam.
Cao thượng và đầy hy sinh - Dần trong "Áo lụa Hà Đông" (Trương Ngọc Ánh đóng)
Sống khổ cực từ nhỏ, khi trưởng thành lại lấy chồng nghèo khó, rồi lần lượt sinh 3 cô con gái trong cảnh cơ hàn, cuộc đời Dần là một chuỗi dài của quy trình sống hôm nay phải lo cái ăn ngày mai. Tuy chật vật, túng thiếu đủ đường nhưng Dần vẫn một lòng son sắc với chồng, yêu thương và hy sinh vô điều kiện cho con.
Dù thậm chí cùng đường, chịu bao tủi nhục khi phải đi bán sữa cho một lão già gần đất xa trời, nhưng Dần chỉ nuốt nước mắt vào trong cho chồng con an lòng. Không đặt trong bối cảnh hiện đại, nhưng bộ phim "Áo lụa Hà Đông" mang thông điệp rõ ràng mà những nhà làm phim muốn gửi gắm đến những cô gái trẻ, đó là bài ca buồn mà đầy ý nghĩa về một người mẹ trẻ cao thượng và đầy đức hy sinh.
Hiền lành nhưng cứng cỏi - Nương trong "Cánh đồng bất tận"
Lớn lên trong sự tự dằn vặt mỗi ngày khi cho rằng vì mình mà mẹ bỏ đi, cam chịu sự hằn học gần như căm ghét của người cha đã cạn yêu thương, cô bé Nương phải sống cuộc đời như chiếc bóng lang thang trên những cánh đồng bất tận. từng bước trở thành một người phụ nữ thực thụ, nhân vật Nương càng cứng cỏi nhưng vẫn không đánh mất đi sự hiền lành vốn có. Những hình ảnh Nương chăm sóc cho cha, cho em trai đối lập với khi chống lại cha giữ Sương lại, hay chạy đi tìm em không làm khán giả thấy mâu thuẫn, mà trái lại đó chính là những nét nổi bật nhất, thật nhất của nhân vật.
Mạnh mẽ, dám yêu dám hận - Thúy trong "Dòng máu anh hùng"
Là con gái một thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa đấu tranh vì dân tộc, Thúy mạnh mẽ và can trường trước mọi đòn roi, tra tấn của quân thù nhưng lại gục ngã trong tình yêu của người ở bên kia chiến tuyến với mình. Khi biết được vì mình mà nhóm nghĩa quân phải đánh đổi cả sinh mạng, Thúy đã thể hiện rõ tính cách dám yêu dám hận của mình bằng quyết định tin Cường một lần nữa. Yêu cuồng nhiệt nhưng cũng dứt khoát từ bỏ, đặt tình cảm riêng tư dưới lợi ích dân tộc, Thúy xứng đáng là một hình mẫu phụ nữ Việt phù hợp với cả quá khứ lẫn hiện đại.
Bản lĩnh và thông minh - Thanh Lam trong "Những nụ hôn rực rỡ"
Làm bà chủ của một khu resort đã không dễ dàng, đằng này lại là một khu resort đang lao đao thì càng khó khăn, thế nhưng bẳng sự thông minh và bản lĩnh, cô chủ Thanh Lam đã cùng các nhân viên vui nhộn và đáng yêu của mình vực dậy khu nghỉ dưỡng đang suy kiệt.
Từ một cô tiểu thư đỏng đảnh không biết cực khổ như hay xấu hổ và mắc tật căng thẳng là nấc cục, Thanh Lam từng bước trở thành một bà chủ dễ thương, hóm hỉnh tiếp thêm niềm tin và nhiệt huyết cho các nhân viên phát huy năng lực và gần nhau hơn. Thanh Lam là mẫu phụ nữ chiếm đa số trong cuộc sống hiện đại: "bản lĩnh thông minh = thành công".
Kiên cường, quyết liệt - Trinh trong "Bẫy rồng"
Nếu trước đây phụ nữ vẫn luôn được mặc định là phái yếu, thì ngày nay quan niệm đó đã lỗi thời và Trinh trong "Bẫy rồng" là hình tượng trong mơ mà nhiều cô gái hướng tới. Cuộc đời đầy biến động và đau khổ không làm Trinh gục ngã, mà ngày càng khiến cô kiên cường hơn, quyết liệt hơn trước mọi sóng gió. Bị lừa gạt vào con đường phạm pháp, bị cướp mất con, Trinh buộc phải khoác lên mình một vỏ bọc gai góc, lì lợm, nhẫn tâm.
Nhưng tất cả chỉ là để che đậy một con người cô đơn và đầy bất an. Vượt lên trên những mất mát đó, Trinh không một lần oán trách cuộc đời mà còn cảm ơn vì đã được trui rèn trong gian khó. Phụ nữ cần sự dịu dàng bao nhiêu thì cũng cần mạnh mẽ để độc lập hơn và chủ động hơn trong cuộc sống bấy nhiêu, đó là những gì mà các cô gái trẻ có thể học hỏi nơi Trinh.
Phóng khoáng, tự tin - Mai trong "Để Mai tính"
Đã qua rồi cái thời phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà với chồng con và việc nội trợ, thế kỷ 21 là thời điểm phụ nữ có thể chứng tỏ mình. Mai là một cô gái nhiều tham vọng, đa cảm và yêu đời. Dù không có gì ngoài giọng hát trời phú và một niềm tin mãnh liệt ở bản thân, Mai vẫn dấn thân vào con đường nghệ thuật đầy chông gai. Dám mơ ước, dám liều lĩnh là bí quyết giúp Mai nổi danh bên cạnh tài năng thực thụ. Điều đó cho thấy rằng bạn là phụ nữ, bạn có hoài bão và bạn có lòng tin thì không gì cản trở bước tiến đến thành công của bạn!
Theo 2Sao
Phim tết 2010: Thả sức cười! Các nhà làm phim tư nhân bao giờ cũng tính phải thu hút người xem bằng mọi cách với mục đích lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Do vậy, tết năm nay họ dựa hẳn vào thị hiếu lứa tuổi teen; nghĩa là vẫn chỉ vui là chính. Tính cho đến nay, các nhà làm phim tư nhân ở TP. HCM nhảy vô...