Những người lính đi đảo không về!
Những lời hứa hẹn, những ước mơ chưa thể thực hiện, các anh đã quên mình dũng cảm hy sinh trong công cuộc bảo vệ đất nước. Máu các anh tô thắm màu cờ Tổ quốc, linh hồn hòa vào biển khơi để rồi khi nhớ về các anh, người thân không khỏi tự hào.
Những ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có dịp thăm gia đình những người con đã hy sinh trên đảo Trường Sa. Các anh đã ra đi rồi không bao giờ trở về để rồi đây cứ mỗi tháng 7 về, những người cha người mẹ, anh em chỉ biết hướng đôi mắt ra biển khơi.
Thuyền trưởng hy sinh bỏ lại vợ và hai con nhỏ
Đã gần 30 năm trôi qua, kể từ khi trận chiến Gạc Ma diễn ra, nhưng nỗi đau mất người thân vẫn còn nguyên vẹn trong gia đình của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ. Trong ngôi nhà đơn sơ, hồi tưởng về anh trai, ông Vũ Xuân Thế (xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) không kìm được nước mắt.
Ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo trường Sa – Việt Nam. Trong trận chiến đó, 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh có Đại úy Vũ Phi Trừ (SN 1957, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), nhập ngũ năm 1975. Trưởng thành từ quân ngũ, Vũ Phi Trừ đã được đào tạo tại trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân (1978-1981), sau đó được điều về làm phó tầu HQ604 (1981-1983) rồi thuyền trưởng (1984-1988).
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma
Nhớ về anh, ông Thế cho biết, ngày ấy, bạn bè cùng trang lứa bỏ học hết vì nhà nghèo, đường đi học xa. Còn anh Trừ xa vài cây số anh vẫn đi học đều đặn. Thời đó, cả xã chỉ có hai người học cấp 3, đó là chị gái và anh Trừ nhà chúng tôi. Ham học là thế nhưng khi Tổ quốc gọi, anh đã bỏ dở dang việc học để lên đường nhập ngũ. Thế rồi sau 5 năm nhập ngũ, tâm nguyện được đi học của anh đã trở thành hiện thực. Anh được chuyển sang đào tạo tại trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân.
“Sau khi thực hiện được tâm nguyện học hành, năm 1982, anh Trừ trở về quê cưới vợ để cho ông bà, bố mẹ yên lòng. Nhưng thật buồn là ngày anh cưới cũng là ngày bà nội qua đời. Vài ngày sau khi cưới người vợ trẻ trở về và lo hậu sự cho bà thì anh lại phải lên đường. Trước khi đi, anh còn dặn tôi là chăm sóc gia đình, sau này anh sẽ về phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già. Vậy mà lúc mẹ tuổi già, anh đã đi mãi không về “, ông Thế nghẹn ngào nói.
Chưa kịp thực hiện lời hứa của mình, liệt sĩ Vũ Phi Trừ nằm lại trong lòng biển khơi mãi mãi, để lại người vợ trẻ, 2 con nhỏ.
“Đồng đội của anh kể rằng, vào ngày 14/3/1988, anh Trừ chỉ huy bộ đội chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo. Lúc này hai tàu Trung Quốc cỡ lớn đã đến uy hiếp, yêu cầu ta rút khỏi đảo Gạc Ma. Anh cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu nhưng do không cân sức, chiếc thuyền bị đánh chìm, anh cùng đồng đội mãi mãi nằm lại biển khơi. Như sét ánh bên tai, gia đình tôi ai cũng hoảng loạn vì không thể tin vào sự thật quá đau lòng ấy. Mẹ tôi và chị vợ anh khóc cạn nước mắt, trong khi hai cháu còn đang quá nhỏ. Cháu đầu Vũ Hải Đăng lúc đó mới hơn 4 tuổi, còn cháu thứ 2 Vũ Xuân Khoa chưa đầy 15 tháng tuổi” – ông Thế kể.
Ông Thế đau lòng khi hồi ức về anh trai Vũ Phi Trừ
Em trai liệt sĩ Trừ bồi hồi: “Sau 6 năm cưới vợ nhưng anh chỉ có đôi ba lần được về thăm gia đình. Lần về lâu nhất của anh là 3 tháng. Sau ngày anh hy sinh, chị Tần, vợ anh dù đang còn trẻ vẫn ở vậy tần tảo nuôi các con ăn học trưởng thành. Giờ đây các cháu cũng đã thành đạt và đi theo nghiệp bố. Hiện các cháu ở trong thành phố Hồ Chí Minh và đưa mẹ vào trong đó. Mỗi khi nhớ lại cái ngày anh hy sinh của gần 30 năm trước gia đình vẫn ám ảnh nỗi đau”.
Video đang HOT
Không kịp về thăm mẹ
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ nằm bên cánh đồng của gia đình liệt sĩ Lê Văn Tuấn (xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương) dường như u buồn hơn. Trong ngôi nhà ấy có đôi mắt đầy vết chân chim của người cha người mẹ đang đau đáu dõi về phía xa xôi – trên mảnh đất của quần đảo Trường Sa có hình hài của con trai đang nằm lại.
Gần 4 năm trôi qua, mỗi lúc nhớ về con vợ chồng ông Lê Văn Tươi và bà Lê Thị Trường lại hướng mắt ra biển khơi – nơi con trai ông bà đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Đó là liệt sĩ Lê Văn Tuấn (SN 1988). Anh lên đường nhập ngũ vào năm 2006. Tháng 10/2010, anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trực ban đêm tại cầu Cảng thuộc quần đảo Trường Sa.
Gần 4 năm sau ngày con hy sinh, trái tim người mẹ vẫn như có ngàn mũi kim châm.
“Trước 10 ngày hy sinh, con vẫn gọi điện nói với chúng tôi là cuối năm con sẽ về thăm bố mẹ, dặn chúng tôi ở nhà bỏ bớt ruộng đi rồi sắp tới nó được hưởng lương sẽ gửi về cho chúng tôi. Cũng có còn lâu nữa đâu, chỉ mấy tháng nữa thôi là con được về nhưng con đã không kịp. Cứ tưởng cái tết năm ấy sẽ thật là vui, lâu lắm gia đình chưa được đoàn tụ. Thế mà lời hứa hẹn của con chưa thực hiện được thì đã ra đi”.
“Ngày nghe tin con hy sinh tôi không tin vào tai mình, không tin đó là sự thật cho đến khi có giấy báo tử của con. ” – bà Trường bùi ngùi nhớ lại.
Rồi bà bảo Tuấn là con trai thứ 2 cũng là con út trong gia đình. Nhà nghèo những năm còn đi học thương bố mẹ vất vả nên vừa đi học vừa đi làm gạch thuê cho người ta để lấy tiền học. Sau khi thi đại học không đậu, Tuấn quyết định đi nhập ngũ.
Gần 4 năm qua chưa khi nào ông bà nguôi ngoai nỗi nhớ về con, bà Trường bảo chỉ cần nghĩ đến thôi trái tim tôi lại như ngàn mũi kim châm. Đau đớn hơn là chưa thể đưa con về với quê hương được bởi thế mà bao năm qua ông bà luôn khắc khoải, đau đáu một ước nguyện này.
“Con đi nhập ngũ giữa thời bình mà lời hứa hẹn không kịp thực hiện, đưa con đi rồi con đi mãi không trở về…”
Ông Tươi cho biết, hàng năm nhà nước có cho 1 người trong gia đình của thân nhân liệt sĩ ra thăm mộ con nhưng năm nay do điều kiện chưa cho phép nên ông chưa được ra thăm con, chưa được đưa bàn tay sờ lên nấm mộ có núm ruột mình nằm trong đó nên nhớ lắm.
“Con đi nhập ngũ giữa thời bình mà lời hứa hẹn không kịp thực hiện, đưa con đi rồi con đi mãi không trở về…” – ông Tươi nghẹn ngào.
Theo Dantri
Hồi ức về cuộc chiến đánh chìm tàu Mỹ của đội du kích cảm tử
Hơn 30 lính Mỹ cùng con tàu lớn với vũ khí hiện đại đã bốc cháy ngùn ngụt rồi chìm xuống đại dương dưới sức mạnh của đội quân "du kích cảm tử" chỉ có 6 ngư dân.
Cho tới bây giờ đã gần 50 năm trôi qua nhưng hồi ức trận chiến đấu trên biển năm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người chiến sĩ du kích cảm tử Nguyễn Đình Chấn (năm nay đã 77 tuổi, trú tại phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa).
Nhớ về ngày đó, cụ Chấn kể: Đầu năm 1965, Mỹ ồ ạt đưa tàu chiến ra các vùng biển phía Bắc trong đó có biển Thanh Hóa. Tàu lớn của chúng chia thành từng tốp ba chiếc, đi theo hình chữ V vào cách bờ biển Sầm Sơn chừng 3 đến 4 km rồi bắt bớ, càn quyét ngư dân đi đánh cá. Thuyền và dụng cụ đi biển chúng thu giữ rồi tiêu hủy. Nhiều ngư dân cùng thuyền, bè của ta bị tàu địch bắt giữ, phá hoại.
Trước tình hình trên, ban lãnh đạo Quân khu IV đã chỉ đạo cho Tỉnh đội Thanh Hóa thành lập các đội "du kích cảm tử" để chiến đấu lại tàu biệt kích Mỹ bằng các phương tiện sẵn có và sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Cuối tháng 3/1966, đồng chí Trịnh Tố Phan, Tỉnh đội Trưởng cùng đồng chí Vũ Văn Kính, Trưởng Ty Công an Thanh Hóa đã trực tiếp về xã Quảng Tường triệu tập dân quân thành lập đội "du kích cảm tử". Hơn 20 dân quân của xã đã hăng hái ghi tên mình vào đội.
Gần 50 năm trước trên biển Sầm Sơn có 6 chiến sĩ đã hạ gục 30 tên lính Mỹ và đốt cháy tàu của chúng
Sau một tháng huấn luyện phương án tác chiến, tối ngày 8/4/1966 xã Quảng Tường tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến xung phong cho chuyến xuất kích đầu tiên. Sáu cánh tay quả cảm giơ lên gồm các đồng chí: Nguyễn Viết Xướng (Tổ trưởng), Nguyễn Hữu Thẳng (Tổ phó), Lê Nhữ Vối, Lê Văn Rạn, Nguyễn Hữu Nụ và Nguyễn Đình Chấn. Những chàng trai này đều ở độ tuổi ngoài 20, đã có gia đình, con cái nhưng tình yêu nước, tình yêu quê hương khiến họ sẵn sàng cầm súng.
Phương tiện mà đội "du kích cảm tử" được cấp là con thuyền cũ có trọng tải 1,5 tấn, cùng 3 tấn lưới đã sờn bạc. Cất giấu bên dưới là 3 khẩu súng K54; 3 quả bộc phá tự tạo mỗi quả nặng chừng 3kg, mỗi quả có hai kíp nổ; 3 quả thủ pháo mỗi quả nặng 1 kg. Ngoài ra, các anh còn được trang bị sáu khúc luồng dài gần 1m dùng để làm phao bơi trong trường hợp phải nhảy xuống biển. Nhiệm vụ của các anh lúc này là sẽ phải trong vai những người đi đánh cá đã dùng thuyền trọng tải nhỏ chở theo bộc phá, thủ pháo, súng K54... để đánh chìm tàu biệt kích của Mỹ.
Khoảnh khắc chiến đấu
Gợi lại khoảnh khắc chiến đấu với kẻ thù trên biển, đôi mắt cụ Chấn như sáng rực lên, dường như khí thế chiến đấu của gần 50 năm trước như đang tái hiện trong ký ức của cụ. Rồi cụ bảo: "Đã không nhắc đến thì thôi chứ mỗi lần nhắc đến là bồi hồi không thể quên được cái khoảnh khắc ấy- khoảnh khắc sinh tử. Mặc dù đêm trước ngày ra quân, ai cũng trằn trọc không ngủ được, xác định phải chiến thắng, phải đánh được kẻ thù dù có phải gửi thân mình cho biển cả".
Vậy là 4 giờ chiều ngày 9/4/1966 đội "du kích cảm tử" xã Quảng Tường làm lễ xuất kích. Sau khoảng 2 giờ lênh đênh trên biển mà không gặp tàu địch, thuyền của đội du kích đã ra cách bờ chừng vài km. Lúc này, mọi người đã thấm mệt nên quyết định thả lưới bắt cá nấu ăn.
Cụ Chấn và vết thương trong trận chiến năm ấy
Gần nửa đêm, trong lúc đang kéo lưới lên thì các anh nghe tiếng tàu địch chạy từ xa tới. Lúc này đồng chí Tổ trưởng phân công các đồng chí Vối, Thẳng, Nụ mỗi đồng chí mang bên mình một khẩu súng K54 lặn xuống nước nấp dưới đuôi thuyền, sẵn sàng họng súng hướng về tàu địch. Các chiến sĩ còn lại đứng tại mũi thuyền tiếp tục kéo lưới bình thường, sẵn sàng thủ pháo, bộc phá khi có hiệu lệnh thì đồng loạt hành động.
Kéo lên khỏi mặt nước được một tấm lưới thì đội gặp nhóm tàu địch chạy tới. Chiếc đi đầu lướt qua khoảng 200 mét thì quay trở lại tiến gần đến chiếc thuyền, chúng bắt đầu áp sát thuyền cá phát loa yêu cầu thuyền ngư dân ngừng đánh bắt cá và đầu hàng. Mặc tiếng loa phát ra, tất cả đều im lặng như phương án đã bàn bạc.
Khi con tàu ép lại gần hơn thuyền cá, thì khoảng 30 tên lính Mỹ - Ngụy đứng thành hàng trên boong lăm lăm súng trên tay chĩa về phía các chiến sĩ. Chúng rọi đèn pin khắp con thuyền và tiếp tục yêu cầu ngư dân đầu hàng. Lúc này, đồng chí Xướng mới lên tiếng xin một sợi dây. Từ trên tàu chúng ném xuống thuyền sợi dây bằng ngón tay cái, con thuyền nhỏ bé đã buộc chặt con con tàu.
Trước những con tàu địch to lớn, được trang bị súng ống, đạn pháo với hàng chục tên lính, ai cũng có giây phút ái ngại. Chỉ một sơ suất nhỏ, chúng sẽ cho nổ tung con thuyền. Thoáng sau giây phút ấy, mọi người nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để hành động theo kế hoạch.
Danh hiệu đội "du kích cảm tử" nhận được sau trận đánh chìm tàu Mỹ
Đúng lúc đồng chí Xướng cất lời "xin các ông, chúng tôi là dân đánh cá" thì đồng loạt ba đồng chí dưới nước nã súng vào hàng binh lính đang đứng trên boong tàu. Sau loạt đạn, tất cả đổ ập xuống biển, không một tên sống sót. Cụ Chấn cùng đồng chí trên thuyền cũng nhanh tay giật kíp nổ ném bộc phá, thủ pháo lên tàu địch. Con tàu bốc cháy ngùn ngụt, sáng rực một góc giữa biển khơi đen kịt. Sau tiếng nổ vang lên chát chúa, con tàu dần dần chìm xuống.
Không dừng lại ở đó, hai con tàu còn lại nhanh chóng bao vây chiếc thuyền. Thấy vậy, đồng chí Xướng lệnh cho tất cả các anh em nhanh chóng ôm khúc luồng nhảy xuống biển dưới làm mưa đạn. Đây cũng là chiến thuật nằm trong kế hoạch được thực hiện. Dù pháo xối xả trên đầu nhưng cụ Chấn cùng đồng đội đã nhanh chóng thoát được. Nghe tiếng nổ ngoài khơi, ủy ban Huyện đội và xã đội đã điều thuyền ra yểm trợ, tìm kiếm cứu nạn.
Gần hai tiếng lênh đênh trên biển, quá nửa đêm khi đã thấm mệt, sáu đồng chí của đội du kích cảm tử đã may mắn gặp được thuyền của ta. Lúc này cụ Chấn mới phát hiện ra mình bị thương ở đầu gối chân trái.
Chiếc thuyền của đội "du kích cảm tử" đã bị tàu địch nã đạn, pháo như "rắc lúa". Một mảnh thuyền còn sót lại dài gần 2m đã trôi dạt xuống bờ biển xã Quảng Hải (huyện Quảng Xương) cách đó 20km. Khi được ngư dân vớt lên nó đã phải hứng tới 96 viên đạn xuyên qua. Hiện nay, mảnh thuyền đang được bảo quản tại Bảo tàng Thanh Hóa.
Khi được hỏi điều gì khiến cụ cùng 5 đồng đội của mình với phương tiện và vũ khí thô sơ có thể hạ gục được 30 tên lính Mỹ? Người chiến sĩ du kích cảm tử năm xưa cười hồn hậu rồi khẳng định chắc nịch: "Chỉ cần có tình yêu Tổ quốc cũng đủ làm nên sức mạnh vĩ đại để chiến thắng quân thù".
Sau chiến thắng, cụ Chấn vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Tại đại hội mừng công tổ chức tại Rừng Thông sau đó hai tuần, đội "du kích cảm tử" được Quân khu IV tặng danh hiệu "Dũng sỹ đánh tàu"; Ủy ban Hành chính huyện Quảng Xương tặng danh hiệu "đơn vị chiến thắng tàu chiến địch đêm 9/6/1966".
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
'Trung Quốc chặt cờ Việt Nam ném xuống biển' Các ngư dân từ hai tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ gần đây đã về đến đất liền hôm 17/7. Trả lời BBC trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, thuyền trưởng của một trong hai tàu, ông Võ Tấn Tèo, từ xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, nói điều kiện sức khỏe của một số thuyền viên...