Những người lính đặc biệt
Là những người trong lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, được tuyển chọn và đào tạo rất khắt khe, các “ chiến đấu viên” đặc công là những người đặc biệt trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhảy dù, bắn súng, đánh võ, bơi lội và sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí, giỏi ngoại ngữ, lái xe… – những chiến binh này đang âm thầm ngày đêm luyện tập và sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần.
Khổ luyện
Những đợt mưa cuối mùa bao phủ khắp núi rừng Tây nguyên. Sương sớm hòa trong mây núi sà sát mặt, gió từng cơn hun hút luồn trong hơi ẩm của rừng xanh. 5g sáng, tiếng kẻng báo thức đã lay chuyển toàn lữ đoàn. Những tiếng còi tập hợp, tiếng bước chân chạy thình thịch chắc nịch như rung chuyển đường bêtông. Thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng tất cả phải hoàn tất trước bình minh để chuẩn bị cho một ngày khổ luyện.
Trên thực địa là một cánh rừng trồng xen lẫn cây bụi rậm rạp đầy cỏ dại, cạnh đó là một sân vận động rộng lớn với nhiều cây bụi ven bờ. Những bãi cát lô nhô đầy lô cốt, mô hình xe tăng, hầm hào, bàn chông, dây thép gai sắc lạnh. Những tường đá rêu phong ẩm ướt. Thượng tá Phan Ích Dân, phó chính ủy lữ đoàn đặc công 198, chỉ tay ra ngoài cánh rừng và sân vận động thổ lộ: “Tất cả các công sự nơi đây phải giống như một chiến địa. Dù là mô hình nhưng phải sát với thực tế chiến đấu thì chiến sĩ mới không ngỡ ngàng khi xuất trận”. Nói về việc luyện tập của những người lính đặc công, thượng tá Dân nhíu mày: “Gian nan và khổ cực không nơi nào bằng! Chúng tôi là lực lượng sẵn sàng chiến đấu nên khổ luyện là việc cốt yếu. Lực lượng ở đây sẵn sàng trực chiến và xung trận khi có lệnh”.
Các chiến sĩ đặc công ở lữ đoàn đặc công 198 luyện tập vượt qua hàng rào kẽm gai – Ảnh: TẤN VŨ
“Đội hình đứng dậy!” – thượng tá Dân hô dứt khoát. Từ dưới chân chúng tôi, sát mép sân vận động, từng chiến sĩ đặc công tay cầm súng bật dậy. Khắp người phủ đầy cỏ, nằm ẩn mình gần như khớp với màu xanh của cánh đồng nên dù cách vài mét chúng tôi không nhận ra có hàng loạt chiến sĩ đang ẩn mình. Người lạ không khỏi choáng váng khi từ trong tảng đá đen trũi, hay những vũng sình lầy xám xịt, từng chiến sĩ lần lượt bước ra mà trước đó chúng tôi không hay biết. Bất chấp cái lạnh của cao nguyên, những chiến sĩ trong trang phục mỗi chiếc quần lót bé tẹo phải ngâm mình hàng giờ trong bùn lầy hay cỏ cây. “Không động đậy, không để lộ trận địa, có khi phải phơi trong bùn hay trên cát nóng nửa ngày để mất mùi hơi người mà đến chó nghiệp vụ của địch cũng không nhận ra” – thượng tá Dân tiết lộ.
Trong cánh rừng xanh trước mặt, từng chiến sĩ với quần xà lỏn, áo rằn ri, tay ôm súng lăn lê trườn mình qua một giao thông hào ken kín chông và gai. Từng bước chân nhẹ nhàng, từng động tác khéo léo, các chiến sĩ níu nhau qua bãi chông một cách rất êm ái. Lấm lem bùn đất, mồ hôi, vừa vượt qua dãy thông hào đầy chông, chiến sĩ Đặng Văn Giang, tiểu đoàn 35 lữ đoàn đặc công 198, tâm sự: “Quen rồi anh ạ! Ở đây ngày nắng tập trên đồi cát nóng, ngày lạnh cởi áo quần lặn xuống nước. Đi lính được vào đặc công là vinh dự và tự hào nên tôi không còn thấy nhọc nhằn”. Ba năm khổ luyện, Giang vẫn là lính mới so với những người lính đặc công kỳ cựu ở lữ đoàn này. Anh bảo suốt ngày ở đây chỉ có luyện võ, bắn súng, đánh chiếm mục tiêu, giải cứu con tin và học chiến thuật…
Video đang HOT
“Chiến đấu viên” tinh nhuệ
Vào đặc công đã khó, nhưng để trở thành một “chiến đấu viên” là niềm mơ ước của tất cả các chiến sĩ trẻ. Bởi chiến đấu viên là người phải có biệt tài thật sự và khổ luyện lâu năm mới trưởng thành. Đại úy Phạm Danh Độ, người Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, đội trưởng đội CKB (chống khủng bố) của lữ đoàn đặc công 198, trông như “thỏi thép nguội” ở tuổi 35. Trong đội hình của anh là những chiến đấu viên hết sức đặc biệt, họ là lực lượng tinh nhuệ nhất của lực lượng đặc công. Công việc của các anh là chống khủng bố, đánh chiếm các bến cảng, nhà cao tầng, nhà kho, tiêu diệt khủng bố và giải cứu con tin bằng nhảy dù đường không, đường thủy hay băng rừng tiếp cận mục tiêu. “Chúng tôi bảo vệ tất cả các bến cảng từ cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) đến giáp TP.HCM. Bảo vệ tất cả vùng biên cương, các mục tiêu trọng yếu từ Tây nguyên và các tỉnh miền Trung” – đại úy Độ nói.
Ngoài những năm tháng luyện tập như một đặc công thông thường thì chiến đấu viên phải trui rèn thêm gấp bội. Việc khổ luyện ở đây bất kể ngày đêm, có hôm thức trắng xuyên rừng, ngâm mình dưới nước hơn 20 giờ, chạy bộ hơn 40km, nghỉ một giờ lại tiếp tục bơi khoảng 7km. “Không chỉ đặc công nước hay người nhái mới bơi giỏi. Chúng tôi đều phải bơi xa, bơi đúng kỹ thuật mang theo vũ khí chiến đấu”- đại úy Độ cho biết.
Tòa nhà hai tầng của lữ đoàn 198 được dùng làm nơi thao diễn, chỉ với hai sợi dây thừng, hai chiến sĩ một người tay cầm dây, tay cầm súng ngắn nhẹ nhàng tiếp cận mục tiêu, tất cả êm như những chú mèo rình mồi, không có một tiếng động. “Mỗi chiến đấu viên ở đây đều có một biệt tài, người lặn rất giỏi, người bắn súng ngắn hai tay trăm phát trúng trăm, người chuyên bắn tỉa, người là cao thủ võ công… Tất cả đội hình trong này đều là những chiến binh ưu tú của đất nước. Đội hình chúng tôi có người đoạt năm huy chương vàng bắn súng cấp quốc gia cùng một lúc” – đại úy Độ tự hào. Tấm bia của các chiến đấu viên ở đây không phải là bia hình người to như các thao trường bộ binh mà là những viên gạch xếp hình với diện tích 15×15cm để cách xa 800-1.000m. Thế nhưng khi đạn vọt khỏi họng súng là mục tiêu vỡ vụn. Các chiến đấu viên ở đây không những bắn một loại súng giỏi mà phải sử dụng được nhiều loại súng và bắn giỏi như nhau.
“Chiến đấu viên” đặc công, lực lượng đặc biệt tinh nhuệ – Ảnh: T.V.
Từng là người lính đặc công tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đại tá Vũ Thế Phiệt, lữ đoàn trưởng lữ đoàn đặc công 198, biết rõ uy lực và sức mạnh của người đặc công. “Chúng tôi là những người lính cuối cùng rút khỏi trận địa khi quân chủ lực chưa kịp ứng phó. Dù ít người nhưng chúng tôi khiến kẻ địch phải khiếp sợ” – đại tá Phiệt nhớ lại.
“Anh em trong đội rất thương yêu nhau vì chúng tôi biết nhiệm vụ đặc biệt của mình. Với truyền thống hào hùng của đặc công, khi đất nước cần, chúng tôi là những người sẵn sàng hi sinh” – đại úy Độ nói.
15 năm trong quân đội, có hơn 10 năm trong đội CKB, có lẽ võ công là thứ thượng thừa mà đại úy Độ sở hữu. Anh tâm tư: “Nhiều người hỏi võ đặc công là võ gì? Tôi chẳng biết nói sao, nhưng đó là thứ võ của nhiều trường phái, rất hiệu quả, đánh trong thời gian nhanh nhất để tiêu diệt được địch. Vì nếu sơ suất, để con tin bị giết chẳng hạn, thì khi đó một đời mình áy náy”.
Theo Tuổi Trẻ
Cận cảnh "tuyệt kỹ" võ thuật của đặc công Việt Nam
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Binh chủng Đặc công luôn xứng đáng là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, lập nhiều chiến công ghi vào sử sách, góp phần không nhỏ vào đại thắng năm 1975, thống nhất đất nước.
Ngày nay, bất kể trời nắng, mưa..., những chiến sĩ đặc công vẫn không ngừng luyện tập từ ý thức chính trị, võ thuật, chiến thuật... để sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh mới.
Xin gửi tới độc giả những hình ảnh tập luyện của lực lượng đặc công trong những ngày cuối tháng Tư, cả nước đang hướng về kỷ niệm 38 năm đất nước toàn thắng.
Tay không chống lại kẻ địch có vũ khí.
Đòn đánh cuối cùng.
Tuyệt kỹ kungfu. (Chụp lại từ hình ảnh của Binh chủng Đặc công)
Vận khí bẻ cong ngọn giáo. (Chụp lại từ hình ảnh của Binh chủng Đặc công)
Lộn mèo.
Nhảy qua vòng lửa.
Cú đá hiểm hóc hạ gục đối phương.
Đổ bộ bằng trực thăng. (Nguồn: Đoàn đặc công biệt động 1)
Theo Dantri
Xem Đoàn đặc công 113 luyện tập Đoàn đặc công 113 là một trong những lực lượng rất tinh nhuệ, giàu truyền thống của Binh chủng Đặc công Việt Nam. Đoàn đặc công 113 ra đời ngày 3/6/1972 tại một khu rừng bên suối Bà Hào, chiến khu D (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), 3 lần được phong anh hùng (vào các năm 1975, 1979, 2000). Trong...