Những người lính blouse trắng ở Trường Sa
Bộ đội chắc tay súng, ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ vững chắc biển đảo Tổ quốc thời gian qua có phần đóng góp không nhỏ của những người lính mặc blouse trắng, âm thầm làm nhiệm vụ phía sau họ: Bệnh xá đảo Trường Sa.
Những ngày gian khó
Chúng tôi may mắn gặp được những người lính quân y có mặt ở quần đảo Trường Sa thời kỳ đầu, khi đời sống cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa còn bộn bề khó khăn.
Đại tá, bác sĩ Phạm Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Quân y 175, vẫn nhớ như in ngày nhận lệnh ra đảo Trường Sa Lớn cách nay tròn 20 năm 4 tháng.
Thiếu tướng, PGS.TS bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 thường ra tận sân bay đón bệnh nhân cấp cứu từ Trường Sa
Dù đã nhận thức những khó khăn sẽ gặp phải khi phải rời xa đất liền, nhưng không ngờ ngoài đảo lại khó khăn đến thế. Nỗi nhớ đất liền, nhớ nhà là điều ai cũng gặp phải, nhất là khi đó con anh chỉ mới 2 tuổi, nhưng với người lính, ý thức về bổn phận, nhiệm vụ, dần dà cũng nguôi ngoai. Công việc hằng ngày, cộng hoàn cảnh nơi gian khó, xa xôi, đồng đội trên đảo, không phân biệt màu áo lính, quân dân đối xử với nhau như anh em một nhà nên ai cũng cảm thấy ấm lòng. Duy chỉ sự thiếu thốn vật chất là phải đối mặt hằng ngày. Khí hậu ngoài đảo vô cùng khắc nghiệt. Trang thiết bị cho bộ đội thiếu thốn. Anh em ở trên nền nhà xi măng, mái lợp fibro xi măng, tường gỗ…
Gạo tiếp tế hai lần một năm, nên thường phải ăn gạo cũ. Rau tươi thiếu vô cùng. Anh em thường lấy thùng gỗ, vỏ đạn và tận dụng mọi thứ có thể để trồng rau cải thiện bữa ăn, nhưng người chưa kịp ăn thì chuột đã ăn mất.
Không hiểu sao ngoài đảo chuột rất nhiều. Mùa mưa bão thì coi như khỏi ăn rau vì sóng biển hủy diệt tất cả những gì bộ đội dày công vun xới, trồng trọt…
Video đang HOT
Lính quân y được bộ đội, ngư dân trên đảo quý nên cũng thường chia bùi sẻ ngọt, khi thì đem cho con cá câu được, khi miếng thịt, rổ rau nuôi trồng cải thiện. Những cung bậc tình cảm bất vụ lợi, đậm tình người như vậy luôn ăm ắp ở ngoài đảo xa.
“Chuyến đi nào cũng có những kỷ niệm đáng nhớ. Đối với tôi, thời gian trên đảo giúp tôi trải nghiệm, cảm nhận tình người nơi đây quý xiết bao. Ngày rời Cam Ranh ra đảo, thấy đất liền mờ dần và chỉ thấy chân trời. Ra tới đảo, trèo lên đài quan sát nhìn bốn phía lúc trời trong chỉ có thể thấy một số hòn đảo xung quanh.
Khi nhìn thấy tàu bè, máy bay qua lại, nhất là gặp lại người quen ngay trên đảo thì tự nhiên cảm thấy đảo và đất liền được kéo gần lại, cảm xúc bồi hồi, ấm áp vô cùng” – Đại tá, bác sĩ Phạm Thanh Hải tâm sự.
Một ca phẫu thuật trên đảo
Đời sống vật chất thiếu thốn nên điều kiện chữa trị cũng bị hạn chế. Tuy nhiên những người lính quân y Bệnh xá đảo Trường Sa thời đó cũng đã làm được nhiều việc đáng kể. Anh Hải vẫn nhớ về trường hợp một người lính trên đảo bị viêm đại tràng co thắt. Bệnh này có triệu chứng rất giống viêm ruột thừa. Ở đất liền thì chẩn đoán không khó vì có đầy đủ máy móc, thiết bị. Nếu đưa vào đất liền thì chỉ có hai cách: dùng trực thăng hoặc tàu hải quân. Cả hai cách đều rất tốn kém và chưa chắc phương tiện sẽ được cung cấp kịp thời. Căn cứ vào triệu chứng, tổ quân y thiên giả thuyết bệnh nhân bị viêm đại tràng co thắt, có thể điều trị tại bệnh xá nên quyết định áp dụng chẩn đoán theo dõi. Nhờ vậy, bệnh nhân được cứu tại chỗ mà quân đội tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ chi phí điều tổ bay trực thăng hoặc tàu hải quân cứu hộ.
Chế ngự những ca bệnh khó
Theo Thiếu tướng, PGS.TS bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chọn bác sĩ đưa ra làm việc tại Bệnh xá đảo Trường Sa đơn vị làm rất chặt chẽ. Chỉ riêng tiêu chuẩn về chuyên môn, các bác sĩ trưởng trạm phải là bác sĩ ngoại khoa giỏi, có bằng sau đại học, sau đó phải được đào tạo thêm một năm ở đủ các chuyên khoa mới được “lãnh ấn” tiên phong ra đảo.
Thời gian phục vụ tại đảo của mỗi người thường là một năm, sau đó thay quân để anh em khác làm nhiệm vụ. Từ lúc chỉ là tổ bác sĩ thời kỳ đầu, đến nay đảo Trường Sa Lớn đã có hẳn bệnh xá khang trang tương đối đầy đủ thiết bị với 12 bác sĩ và nhân viên y tế, có khả năng giải quyết cấp cứu cơ bản nội ngoại khoa, tiến hành phẫu thuật cấp cứu ngay tại đảo.
Mới đây Bệnh xá đảo Trường Sa được trang bị hệ thống chẩn đoán y khoa trực tuyến Telemedicine giúp kết nối trực tiếp hình ảnh, âm thanh từ đất liền với đảo. Các chuyên gia tại Bệnh viện Quân y 175 có thể trao đổi nghiệp vụ trực tiếp qua màn hình video chất lượng cao để tư vấn cho êkíp bác sĩ ngoài đảo thực hiện khám, điều trị, phẫu thuật những ca bệnh khó.
Nhờ vậy mà thời gian gần đây Bệnh xá Trường Sa Lớn chẩn đoán được nhiều ca bệnh khó, mổ kịp thời cho nhiều bệnh nhân, cứu được những bệnh nhân bị hôn mê sâu, biến chứng nặng phải thở máy ngay trên đảo.
Bác sĩ Phạm Thanh Hải cũng là một trong những chuyên gia thường xuyên tham gia tư vấn khám chữa bệnh, phẫu thuật qua Telemedicine cho Bệnh xá đảo Trường Sa. Ca khó có thể kể là trường hợp bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Đây là ca mổ đẻ đầu tiên thực hiện tại Bệnh xá đảo Trường Sa, nay bé đã 3 tuổi.
Cư dân đảo Trường Sa Lớn chào đời sau ca mổ đẻ đầu tiên tại Bệnh xá đảo Trường Sa là bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, nay bé đã gần 3 tuổi
Đại úy, bác sĩ Bùi Đức Thành, Khoa hồi sức cấp cứu ra đảo năm 2007 đúng vào dịp cuối năm khi còn 20 ngày nữa thì Tết… Anh được bộ đội trên đảo chỉ cho cách đo thời gian khá ấn tượng.
Trên đảo Trường Sa Lớn có đụn cát vàng lớn, dài 50m, rộng 20m. Lúc bác sĩ Thành đặt chân lên đảo thì nó nằm gần cầu cảng, được bộ đội ví như cái đồng hồ cát. Gió biển sẽ di chuyển đụn cát chạy vòng quanh đảo, đúng một năm sau lại trở về vị trí cũ gần cầu cảng. Hằng ngày bác sĩ Thành đều để ý xem đụn cát đang ở đâu. Có khi mưa bão, đụn cát bị sóng gió thổi bay mất, nhưng khi trời quang mây tạnh, gió biển lại vun cát thành đụn đúng nơi theo lịch nó phải có.
Bác sĩ Thành có may mắn là hai lần được theo tàu về đất liền, có thể là người đầu tiên trong các y, bác sĩ của bệnh viện ra công tác ở đảo có được “may mắn”. Cả hai lần ấy, anh đều thực hiện một nhiệm vụ: đưa bệnh nhân vào đất liền.
Lần đầu tiên đưa bệnh nhân Bùi Trận, quê đảo Lý Sơn, ngư dân đánh cá bằng xiên lao ở Trường Sa, bị hội chứng lặn sâu giảm áp do nổi lên đột ngột, dẫn tới hôn mê, liệt toàn thân. Vướng giông bão, tàu trong đất liền không ra được nên bệnh xá phải điều trị tại đảo suốt 2 tuần, sau đó đưa theo tàu về đất liền. Lần thứ hai là một ngư dân bị xuất huyết đường tiêu hóa dưới vào đất liền điều trị sau khi sơ cứu tại đảo.
Những ca bệnh tương tự rất nhiều. Nhưng trường hợp cứu chữa bệnh nhân Phương, cán bộ một đơn vị thủy sản Nha Trang ra đảo nuôi cá bị sốt, đau bụng không rõ nguyên nhân mới thấm thía tình quân dân nơi đảo xa. Lúc đó đúng vào dịp cơn bão số 7 (tháng 9/2008) đang hoành hành, tàu phải đậu cách bờ cả cây số.
Trời tối, bộ đội đưa xuồng ra, gặp sóng lớn, mấy lần suýt lật xuồng, phải cử 4-5 chiến sĩ hải quân thuộc loại “kình ngư” buộc dây thừng vào người, bơi ra tàu. Tới nơi, buộc dây thừng vào xuồng chở bệnh nhân kéo vào bờ… Bơi trên biển trong mưa bão lại tối trời, rất nguy hiểm tới tính mạng, nhưng anh em bộ đội sẵn sàng hy sinh bản thân mình để cứu sống bệnh nhân. Anh Phương được xác định bị áp- xe ruột thừa, sau đó được đưa vào Bệnh viện Quân y 175 điều trị.
Đại úy, bác sĩ Lê Minh Phong, khoa phẫu thuật tim và lồng ngực, mới mãn nhiệm Bệnh xá trưởng trở về cách nay 2 tháng kể: Dù là bác sĩ nhưng cũng là người lính nên anh em vẫn phải luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo sức khỏe cho quân dân trên đảo cùng ngư dân… Đời sống bộ đội trên đảo giờ khác xưa rất nhiều.
Ngoài tiêu chuẩn quân đội cấp, gồm đồ hộp, thịt tươi tàu chở ra năm vài lần, bộ đội quân y cũng tham gia trồng trọt, chăn nuôi để cải thiện thêm. Anh em nuôi được đủ thứ, từ gà, vịt, ngan, heo tới bồ câu. Gà vịt có tới vài chục con, lớp để đẻ lấy trứng, lớp ấp nở nuôi lấy thịt. Đặc biệt là chuồng bồ câu Bệnh xá, nhà báo nào ra Trường Sa Lớn cũng chụp ảnh, đăng báo.
Rau xanh thì bộ đội trồng mướp, đậu bắp, cải xanh… Mùa mưa không trồng rau được thì ủ rau mầm, giá đỗ… Những người lính quân y cũng bình đẳng tăng gia, góp sức mình nâng cao dinh dưỡng cho quân dân trên đảo.
Lúc này thiếu thốn nhất với bộ đội lại là đời sống tinh thần. Thời kỳ đầu bộ đội chỉ nhận được tin người thân ở đất liền qua thư, ảnh và thu âm cassette thì nay đã có thể gọi điện thoại theo định suất.
Chiến sĩ 3 tháng được gọi một lần, mỗi lần ba phút. Sĩ quan được gọi 5 phút một lần sau mỗi tháng.
Chế độ là vậy, nhưng anh em sẵn sàng nhường suất của mình cho đồng đội khi gia đình họ có chuyện, dù biết rằng nhường nhau như vậy là người thân của mình phải bặt tin một thời gian dài.
Theo Tiền Phong