Những người không ngủ, thức xuyên đêm vặt lá, bẻ vải ở Lục Ngạn
Mỗi năm khi vụ vải đến thời điểm chín rộ, người dân tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang lại thức xuyên đêm vặt lá vải, đi bẻ vải cho kịp thời vụ.
Ghi nhận tại xã Kim Thành, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, dù đã hơn 10h đêm nhưng chỉ cần đi dạo một vòng quanh xã vào những ngày này sẽ không quá khó để bắt gặp cảnh những hộ gia đình quây quần bên đống vải thiều lớn nhỏ được tập kết lại, để vặt lá xuyên đêm.
Dù đã hơn 10 giờ đêm nhưng một số hộ gia đình tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn vẫn tấp nập làm vải.
Do các thương lái chỉ thu mua vải buổi sáng, chiều sẽ đóng hàng và vận chuyển đi các tỉnh thành trong nước và vận chuyển đi ngoài nước để xuất khẩu nên đa số các hộ gia đình có nhiều vải thiều sẽ làm đêm, chuẩn bị sẵn hàng để sáng sớm hôm sau đi bán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Chiến, (48 tuổi, thôn Đãi Bàng, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: “Ở Lục Ngạn mỗi khi mùa vải chín rộ, hầu hết nhà nào cũng phải tranh thủ làm đêm cho kịp thời vụ. Nếu không thức đêm vặt lá thì sáng mai sẽ không có hàng đi bán, thức vặt đếm tầm hơn 11 giờ sẽ tranh thủ đi ngủ, sáng hôm sau khoảng 3 giờ sáng sẽ dậy bẻ vải tiếp”.
Do các thương lái chỉ thu mua vải vào buổi sáng nên người dân phải thu hoạch vải vào ban đêm để sáng hôm sau đi bán sớm.
“Vải thiều tại Bắc Giang năm nay không đạt sản lượng cao nhưng cũng không hẳn là mất mùa hoàn toàn, nhà nào mất thì mất hết, nhà nào được thì vẫn được quả, chỉ là không sai đồng đều như mọi năm nên người dân vẫn phải thức đêm thu hoạch nếu không quả sẽ quá vụ, rụng hết”, bà Lê Thị Nguyệt (40 tuổi, thôn Đãi Bàng, xã Kiên Thành) nói.
Ông Đặng Văn Chiến cùng gia đình thu hoạch vải trong đêm.
Video đang HOT
Việc thức đêm làm vải đã không còn xa lạ với những người dân tại huyện Lục Ngạn. Buổi chiều, người dân sẽ bẻ sẵn vải rồi tập kết lại trong nhà để đêm xuống sẽ vặt lá, bó lại thành bó rồi hôm sau đem bán. 3 người vặt lá một đêm sẽ được khoảng 2 tạ vải để bán vào sáng hôm sau.
Ông Triệu Văn Dìn cắt sẵn cuống vải để sẵn sàng bán vào sáng sớm hôm sau.
“Năm nay vải không có nhiều nên đa số các hộ gia đình chỉ vặt lá vải đến khoảng 11 giờ đêm rồi thức dậy vào khoảng 2 – 3 giờ sáng hôm sau để đi bẻ vải. Dù vất vả nhưng giá vải cao thì chúng tôi cũng phấn khởi, những năm vải được mùa sẽ phải thuê nhân công bẻ vải và vặt lá xuyên đêm thì mới kịp vụ”, ông Triệu Văn Dìn (59 tuổi, thôn Khuôn Thần, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn) nói.
Dù vải không đạt sản lượng cao nhưng người dân tại huyện Lục Ngạn rất phấn khởi do giá vải giữ ở mức cao. Cụ thể, giá vải thiều hiện được bán từ 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Những năm vải được mùa, người dân phải thuê nhân công làm vải xuyên đêm mới kịp thời vụ.
Ghi nhận tại xã Hồng Giang, người dân cũng tấp nập vặt lá vải trong đêm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Bảo Trang (24 tuổi, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) nói: “Mình là công nhân đi làm công ty nhưng mỗi năm vụ vải đến mình thường vẫn phải về để phụ giúp thu hoạch vải. Thường thì chiều sẽ bẻ sẵn để vặt lá đến đêm, những năm vải được mùa sẽ phải làm đến 12 giờ hoặc 1 giờ sáng rồi ngủ đến 3 giờ lại thức dậy bẻ sớm”.
Những năm trước, việc chặt cuống vải rất khó khăn do cành vải có thể bắn vào mắt hoặc chặt vào tay gây nguy hiểm. Hiện nay người dân đã sử dụng dao chuyên cắt cuống vải đảm bảo an toàn hơn.
“Buổi chiều thường sẽ không làm vì thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả vải. Thương lái cũng không thu mua vải vào buổi chiều”, chị Trang cho biết thêm.
Đèn pin là dụng cụ chủ yếu để người dân bẻ vải đêm.
Những chùm vải sẽ được bó gọn và tưới nước giữ độ tươi để bán vào sáng hôm sau.
Theo lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều tại Lục Ngạn năm nay không đạt sản lượng cao so với năm đỉnh điểm (2018). Tuy nhiên, so với sản lượng trung bình hàng năm thì không thua kém. Giá vải thiều hiện vẫn giữ ở mức từ 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Theo Bế Long (Tri Thức Trẻ)
390 thương nhân Trung Quốc "đổ bộ" vùng vải thiều Lục Ngạn, mua giá cao
Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang vừa cho biết, tính đến ngày 13/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 66.100 tấn vải thiều, trong đó vải sớm đã bán gần hết, vải chính vụ gần 29.000 tấn. Trên địa bàn, hiện đang có khoảng 390 thương nhân Trung Quốc đến đặt điểm cân, thu mua vải thiều để xuất sang Trung Quốc với giá cao ngất ngưởng.
Cả người dân và thương lái đều tất bật chọn mua vải thiều tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: T.Q
Những ngày này, hoạt động thu mua vải thiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sôi động hơn bao giờ hết, nhất là quanh khu vực phố Kim, xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn) - "thủ phủ" vải thiều của tỉnh. Vào giờ cao điểm, tuyến quốc lộ 31 đoạn từ huyện Lục Nam đi Lục Ngạn, Sơn Động thường xuyên lâm vào tình trạng tắc nghẽn vì cảnh người mua, người bán tấp nập, xe cộ nối đuôi nhau xếp hàng chờ cân vải.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Bắc Giang), tính đến ngày 13/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 66.100 tấn vải thiều, trong đó vải sớm đã tiêu thụ gần hết với trên 37.000 tấn, vải chính vụ gần 29.000 tấn.
Một lái buôn Trung Quốc (áo xanh) kiểm tra, lựa chọn vải trước khi đóng thùng xốp đưa về nước. Ảnh tư liệu
Trên địa bàn hiện có hơn 500 điểm cân vải, tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam. Đặc biệt, với trên 1.000 thương nhân tham gia mua bán vải thiều, trong đó có khoảng 390 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân, do đó việc tiêu thụ vải thiều hiện rất thuận lợi, nhanh chóng.
Hiện giá vải đang ổn định ở mức cao, trong đó vải sớm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (vải lai Lục Ngạn) giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg; vải sớm loại đẹp có lúc cao điểm đạt trên 70.000 đồng/kg, các loại khác cũng dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Giá vải năm nay cao gấp 2-3 lần so với năm ngoái nên bà con trồng vải rất phấn khởi.
Với giá bán như trên, ước tính doanh thu từ việc bán quả vải trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 2.000 tỷ đồng.
Năm nay sản lượng vải thiều Lục Ngạn sụt giảm mạnh so với năm ngoái, tuy nhiên giá bán tăng cao gấp 2-3 lần vì mẫu mã quả đẹp, đồng đều, ít bị sâu đục cuống. Ảnh: T.Q
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang cho biết, đến thời điểm này giá các loại phụ kiện như thùng xốp, đá cây, dịch vụ vận tải, nhân công tuy có tăng nhưng không đột biến. Hiện đá cây giá từ 35.000 - 50.000 đồng/cây; thùng xốp từ 28.000 - 42.000 đồng/chiếc (tùy loại to hay nhỏ). Ước tính các dịch vụ phụ trợ này cũng đem về giá trị hơn 350 tỷ đồng.
Về việc thu mua vải thiều của thương lái Trung Quốc, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết đang diễn ra thuận lợi, chưa có vướng mắc gì vì năm nay tỉnh Bắc Giang đã sớm tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại ở Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
"Tại hội nghị này, những vấn đề chuẩn bị cho khâu thu mua, xuất khẩu vải thiều và những yêu cầu mới của Trung Quốc đã được 2 bên giải quyết sớm. Từ đó, Bắc Giang nhận diện được diện tích, sản lượng vải thiều có chất lượng vượt trội, triển khai thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc... Khi vào vụ, 2 bên thống nhất bố trí thêm cán bộ, làm thêm giờ để thực hiện giám định nhanh, thông quan các lô hàng kịp thời. Còn về phía tỉnh, chúng tôi tạo điều kiện tối đa về kho bãi, vốn, thủ tục xuất nhập cảnh... cũng như giám sát thường xuyên hoạt động thu mua của thương nhân Trung Quốc để tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều thuận lợi", ông Tấn cho biết thêm.
Theo Danviet
Loại quả thượng hạng Dương Quý Phi còn xiêu lòng sắp đổ bộ Thủ đô Sáng nay (4/6), tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo Tuần lễ vải thiều Vải thiều Lục Ngạn và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang năm 2019 tại Hà...