Những người ‘hào hứng’ hiến tặng tinh trùng
Chiều Chủ nhật, Louise, 36 tuổi, ngồi trong khách sạn ở West London. Một người đàn ông bước đến vội vàng nhét thứ gì đó vào tay cô.
“Chúc may mắn”, người đàn ông nói rồi rời đi, để lại Louise và vợ Mary, 35 tuổi, một ống tiêm đầy tinh dịch. Cặp đồng tính này là một trong hàng nghìn người tìm kiếm tinh dịch trên mạng.
Các hồ sơ người hiến tặng thường yêu cầu phải khai báo và có xác nhận về tuổi tác, nghề nghiệp, bệnh lây lan qua đường tình dục, khả năng xác thực sinh sản. Một bài đăng điển hình của người hiến tặng có nội dung: “Tài trợ qua AI hoặc NI, sống ở London, mang hai dòng máu Anh và Tây Ban Nha, tóc nâu sẫm, không gặp vấn đề gì về sức khỏe, không bao giờ hút thuốc, uống rượu, 129 điểm IQ, không có bệnh tình dục”.
Một quảng cáo của người hiến tặng trên nhóm Facebook. Ảnh: Metro.
Trong khi người hiến tặng có xu hướng chỉ có thông tin cơ bản thì người nhận thường chi tiết hơn, gồm ảnh cưới, ảnh gia đình, thông tin tài chính. Một người đăng: “Xin chào tôi và vợ tôi đang tìm người hiến tặng AI ( thụ tinh nhân tạo). Chúng tôi muốn nhà tài trợ hoàn toàn không liên hệ với đứa trẻ. Chúng tôi sẽ trả tiền cho chuyến đi của bạn. Hoan nghênh tất cả các sắc tộc”.
AI hoặc NI là từ viết tắt cho các phương pháp thụ tinh khác nhau, đó là thụ tinh ống nghiệm, nửa tự nhiên (thủ dâm và xuất tinh trong) hoặc hoàn toàn tự nhiên. Người hiến tặng của vợ chồng Louise đồng ý AI. Họ mô tả anh ta là một người “thực sự muốn giúp đỡ mọi người”. Và đó là cách họ ngồi trong quán bar khách sạn chờ, trong khi người hiến tặng “sản xuất” trên lầu.
Không may mắn như Louise, Michelle và vợ lại chỉ gặp bộ phận người hiến tặng công khai NI (thụ tinh tự nhiên, còn được gọi là quan hệ tình dục thâm nhập).
“Bất cứ ai nói rằng họ chỉ làm NI thì họ chỉ làm vì tình dục. Những người tôi đã giúp đỡ đã nói với tôi họ đã gặp những người tài trợ ban đầu thì đồng ý làm AI, nhưng khi gặp mặt chỉ đồng ý làm bằng NI”, Michael, 45 tuổi, một người hiến tặng tinh trùng qua AI nói.
Những khảo sát trên mạng của tờ Metro cho thấy, có một bộ phận nam giới rất “hăng hái” trong hiến tặng tinh trùng và không ít người chỉ muốn hiến tặng thông qua NI. Khi được hỏi lý do làm việc này, đại đa số đều nói “muốn giúp đỡ người khác đạt được ước mơ có một gia đình”.
Steve, 40 tuổi, một tài xế xe tải đến từ Hampshire cho biết anh quyên góp “Bởi vì tôi chẳng mất gì để giúp đỡ mọi người và IVF thì rất tốn kém”.
Vincent, 44 tuổi, đến từ Preston nói: “Làm bố là điều tuyệt vời nhất của tôi, vì vậy tôi muốn giúp đỡ những người khác không thể để có được niềm hạnh phúc làm cha mẹ”.
Theo các chuyên gia, nhu cầu sinh sản luôn là một phần bẩm sinh của đàn ông và lòng trắc ẩn thực sự có thể là động lực thúc đẩy họ hiến tặng tinh trùng. Chuyên gia về quyền làm cha Armin Brott giải thích: “Mọi người muốn có con để họ có thể tạo ra thứ gì đó theo hình ảnh của chính mình và truyền lại thế giới quan của mình. Đó là những gì mọi sinh vật sống làm. Bạn muốn tạo bản sao của chính mình”.
Nhà sinh vật học Richard Dawkins giải thích trong cuốn sách The Selfish Gene rằng mong muốn “gieo hạt giống” có từ trong bộ não nguyên thủy của nam giới.
Kyle Gordy, 28 tuổi là người duy nhất trong bài báo công khai danh tính. Trong 7 năm qua, anh đã giúp 29 phụ nữ có con. Ảnh: Metro.
Sự thôi thúc này dường như mạnh mẽ đến mức một số người hiến tặng giữ bí mật với vợ. Michael đã không nói với vợ vì anh sợ cô có thể “phát điên”. “Theo cách tôi thấy là tôi thực sự không làm gì sai. Nhưng từ phía cô ấy thì rõ ràng là sai”, anh nói.
Vincent cũng giấu giếm “thú tiêu khiển” này với người vợ gần 30 năm. Anh nói: “Đó là cơ thể của tôi và tôi sẽ sử dụng như tôi muốn. Việc quyên góp không vi phạm lời thề hôn nhân, nhưng tôi hoàn toàn có thể thấy rằng cô ấy sẽ nhìn nhận mọi thứ khác đi”.
Steve, người tại thời điểm phỏng vấn đã giúp 17 phụ nữ mang thai, nói rằng vợ anh không biết về việc anh hiến tặng.
Một nhà tài trợ đặc biệt hăng hái khác tên là Kyle Gordy, 28 tuổi đến từ California nói: “Tôi sẽ không bao giờ có con cho riêng mình nên điều này giống như một sự đảm bảo, rằng ít nhất tôi cũng có những đứa con mà tôi đã tạo ra và phụ nữ cũng có thể có con. Một điều tốt khác là tôi không phải trả tiền cho bất kỳ đứa trẻ nào”.
Là một người hiến tặng từ năm 22 tuổi, Kyle Gordy theo một chế độ ăn kiêng đặc biệt. Anh có một blog thường xuyên chia sẻ các mẹo về khả năng sinh sản và cung cấp kiến thức về luật hiến tặng. Vào thời điểm phỏng vấn, Kyle đã giúp 29 phụ nữ sinh con và 8 phụ nữ khác đang trong quá trình.
Kyle quyên góp bằng mọi phương thức, điều kiện chính là người nhận phải ổn định về tài chính. Anh đã quyên góp trên khắp nước Mỹ, nước ngoài và nói rằng muốn quyên góp xa hơn nữa, miễn là chuyến đi được trả tiền. Điều đáng chú ý ở Kyle là việc anh ta sử dụng ngôn ngữ sở hữu khi gọi “những đứa trẻ của tôi” hay “tôi đã có một đứa con với cô ấy”. Anh đã gặp một số đứa con của mình và dường như đang tận hưởng một kiểu tình phụ tử thoáng qua mà không phải chịu trách nhiệm gì.
Đối với hình thức hiến tặng tinh trùng qua mạng, chuyên gia luật sinh sản Natalie Gamble cho biết, việc xác nhận các mong đợi của đối phương trước khi tiến hành là rất quan trọng, do tính pháp lý xung quanh việc hiến tặng vẫn còn mù mờ. Hai yếu tố cần quan tâm nhất là tình trạng quan hệ của người mẹ và phương pháp thụ tinh có thể khiến người hiến tặng phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý. “Người hiến tinh trùng hiến qua quan hệ tình dục luôn là cha hợp pháp của bất kỳ đứa trẻ nào được thụ thai, bất kể cha mẹ đồng ý hay những gì được ghi trên giấy khai sinh”, Natalie Gamble nói.
Tuy nhiên, nếu người nhận đến phòng khám sinh sản có giấy phép của Cơ quan thụ tinh và phôi thai thì luật quy định rằng người hiến tặng hoàn toàn được miễn mọi nghĩa vụ tài chính hoặc phải làm cha mẹ. Song nhược điểm lớn nhất là chi phí. Để cặp đồng tính nữ được cung cấp dịch vụ Bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) thì trước tiên họ phải trải qua sáu lần IUI không thành công, tốn 1.600 bảng/lần. Còn vợ chồng dị tính phải cố gắng thụ thai tự nhiên trong hai năm hoặc đã trải qua 12 vòng IUI. Tìm nhà tài trợ trực tuyến nhanh hơn, đơn giản hơn, ít tốn kém, đi kèm là những rủi ro riêng.
Về phần Louise và vợ, sau khi người hiến tặng của họ đến rồi đi, đáng buồn là quá trình thụ thai không thành công. Việc tạo ra đứa trẻ đang phải đình chỉ do đại dịch. Nhưng một khi cuộc sống trở lại bình thường, cặp đồng tính này sẽ có cuộc hẹn khác với những người đàn ông mà họ gặp trên mạng.
Góc khuất "chợ" mua bán tinh trùng trên mạng: Bi kịch khó lường
Theo các chuyên gia y tế, văn hoá việc mua bán tinh trùng trên mạng xã hội nếu không được dẹp bỏ, sẽ gây ra những hệ luỵ không lường trước được.
Nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm
Trao đổi với PV, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp) cho biết: "Việc mua bán tinh trùng tràn lan trên mạng sẽ gây ra nhiều hệ luỵ. Thứ nhất, người cho sẽ không thể kiểm tra được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nguy cơ bị giang mai, HIV, viêm gan B...".
Vị bác sĩ này khẳng định: "Việc mua bán ở hình thức trực tiếp này sẽ gây tổn thương không ít cho người phụ nữ. Bởi, bản thân người bán không phải là người yêu nên rất khó để đòi hỏi sự ân cần, nhẹ nhàng và đặc biệt là ảnh hưởng đến tình cảm, các mối quan hệ. Không thể khuyến khích hành động này, vì nguy hiểm đến tính mạng".
Trong khi đó, BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cũng khẳng định một người không được đi hiến (bán- PV) tràn lan: "Không ai cho phép hiến tràn lan vì như vậy sẽ đồng huyết thống, dẫn đến việc con anh lấy con tôi. Thường, chỉ cho một người đến viện hiến một lần, cùng lắm 2-3 lần nhưng để thụ thai cho một người. Tôi lấy ví dụ. anh A hiến cho chị B, nếu lần 1 thụ thai rồi thì mẫu tinh trùng sẽ phải huỷ ngay, còn không có thai lần 2, lần 3 thì tinh trùng đó cũng sẽ huỷ đi hoặc hiến tặng để làm nghiên cứu khoa học".
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi nói về quy trình hiến tặng tinh trùng.
Rối loạn tình trạng hôn nhân gia đình
Ngoài ra, nhìn nhận vấn đề dưới góc độ văn hoá, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định việc mua bán tinh trùng là thị trường chui. Bởi lẽ, trong lĩnh vực y tế những ai bị vô sinh, hiếm muộn sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, làm thụ tinh nhân tạo theo đúng quy định của pháp luật.
Những tấn bi kịch từ việc mua bán con "giống".
"Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện các dịch vụ mua bán tạng, trong đó có cả mua bán tinh trùng nhằm trục lợi. Vấn đề này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, như liên quan đến đứa trẻ sau này sẽ như thế nào, mối quan hệ của người bán tinh trùng với nguời mẹ ra sao, thậm chí có thể xảy ra tranh chấp vấn đề con cái. Đặc biệt, khi mua bán dễ dẫn đến lừa đảo, bệnh tật... hệ luỵ rất khôn lường", ông Trung bày tỏ.
Phân tích thêm về hệ luỵ dưới góc độ văn hoá xã hội, ông Trung cho rằng việc mua bán tinh trùng tràn lan sẽ dẫn đến rối loạn tình trạng hôn nhân gia đình.
"Một đứa trẻ sinh ra cần có đầy đủ cả cha cả mẹ thì mới phát triển bình thường, gia đình là tế bào của xã hội. Thế nhưng, hiện nay có nhiều người phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân, sống độc thân. Vì không muốn có con với ai đích danh nên sẽ mua tinh trùng và thuê cấy ghép...
Điều này, dẫn đến tình trạng sẽ có rất nhiều những đứa con không cha. Nếu tình trạng này còn diễn ra phổ biến, trở thành xu thế trào lưu thì sẽ là một tấn bi kịch của cuộc đời trẻ em. Những đứa trẻ sinh ra chúng cũng sẽ tự ti, mặc cảm vì mình không cha thậm chí rơi vào tự kỷ, trầm cảm... rất đáng lo ngại", ông Trung nhận định.
Quy trình hiến tinh trùng chặt chẽ
Trao đổi với PV, BSCKII Nguyễn Khắc Lợi khẳng định quy trình hiến tặng tinh trùng của bệnh viện ông rất chặt chẽ: "Trường hợp hiến ở đây là người chồng muốn có con nhưng vì nguyên nhân nào đó không thể có tinh trùng nên phải xin tinh trùng của người cho trực tiếp chứ bệnh viện không có ngân hàng tinh trùng. Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm như: HIV, viêm gan B, giang mai... thì mới nhận tinh trùng của người hiến. Đồng thời, người hiến cho trực tiếp người cần. Bệnh viện chúng tôi không quảng cáo, thông báo để mọi người đến đây hiến. Còn việc mua - bán, thoả thuận ngầm với nhau ở bên ngoài rất khó để phát hiện. Bên cạnh đó, để hiến tinh trùng bệnh viện cũng có mẫu giấy cam kết hiến tinh trùng".
Nghiêm cấm hành vi mua bán
Trao đổi thêm với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ Trưởng vụ Pháp chế (bộ Y tế) cho hay hành vi mua, bán mô, bộ phận cơ thể người, mua, bán xác hay lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại hay quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại...bị nghiêm cấm.
Phạt tiền từ 30-80 triệu đồng
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc công ty luật TNHH TGS (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay: "Theo quy định tại Điều 33, Nghị định 176/2013 việc thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật; không bảo đảm điều kiện thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định của pháp luật. sẽ bị xử phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Trong trường hợp thực hiện việc cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời thì mức phạt là từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Ngoài ra, nếu cá nhân nào biết mình đang bị các bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội mà cố tình đi bán tinh trùng theo các phương thức trái phép gây lây lan bệnh truyền nhiễm thì sẽ bị xử lý riêng theo quy định của Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm và Bộ luật Hình sự hiện hành".
Khoảnh khắc gây tranh cãi về nam nhân viên lạm dụng tình dục cá heo để nhân giống và lời giải thích gây ra nhiều ý kiến trái chiều Đoạn video từng gây chấn động dư luận trong một thời gian dài và có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vụ việc. Không chỉ biết đến là một loài vật thông minh mà cá heo còn rất thân thiện với con người. Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng cá heo dễ mến để phục vụ cho dịch vụ giải...