Những người giữ “trái tim” tàu chấp pháp ở Hoàng Sa
Chuyện về những người lính ngành 5 – những người cầm lái của tàu chấp pháp đang thực thi nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Nhìn những cuộc “quần thảo” trên biển của những con tàu cảnh sát biển, ít ai biết, dưới buồng lái là những người lính kỹ thuật đang thực hiện những mệnh lệnh hết sức căng thẳng với sự quyết đoán đặc biệt để tàu vận hành an toàn, tiến sát vào giàn khoan Hải Dương 981 làm nhiệm vụ chấp pháp.
Lính tốc độ
Tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, vào thời điểm tàu Trung Quốc ùa đến cản mũi, áp sát biên đội tàu chấp pháp của Việt Nam những ngày cuối tháng 5/2014, những khẩu lệnh trên tàu liên tục được phát ra, thông tin từ các tàu dồn dập điện về để thống nhất phương án.
Thượng úy Nguyễn Văn Dũng đang cho tàu tăng tốc, vượt qua hàng rào tàu hải cảnh (Trung Quốc) để tiến vào khu vực giàn khoan Hải Dương 981.
“3 con chào hỏi phía trước đội hình… con cao tốc 44, chú ý, coi chừng con này đánh lén từ phía sau… ngành 5 chú ý, 2 máy tiến… 2 máy dừng…lùi 3 máy!”.
Đó là những khẩu lệnh gấp gáp. Và những người lính bình thường ít được báo chí nhắc đến, nhưng khi vào vùng nóng thì ngành 5 trở thành yếu tố sống còn.
Lính ngành 5 phụ trách kỹ thuật. Tàu nhỏ thì thuyền trưởng trực tiếp cầm lái, còn tàu hiện đại và có nhiều tính năng thì thuyền trưởng chỉ phát lệnh, 5-7 người lính ngành 5 cho tàu lượn vũ điệu flamenco trên sóng biển. Dưới bàn tay điêu luyện của người lính ngành 5, con tàu gầm lên và chạy lướt sóng.
Nhìn vào tác phong của những người lính ngành 5 thì mới hiểu, họ là con người của tốc độ, mọi cử chỉ, hành động, tác phong đều hết sức khẩn trương; công việc thì không kể giờ giấc. Ngay cả khi anh em ăn cơm hay đi ngủ thì lính ngành 5 vẫn chui khắp các khoang để sửa chữa và kiểm tra vận hành.
Khi tàu Trung Quốc áp sát, khẩu lệnh trên tàu Cảnh sát biển vang lên: “Đóng chặt và khóa kín các cửa, kiểm tra cửa phòng ngủ”. Đó là lúc lính ngành 5 rầm rập thực hiện thao tác.
Video đang HOT
Trong nhật ký hành trình của tàu Cảnh sát biển 4033 còn lưu lại, tại tọa độ 15030′,033″ N – 1110,03′, 346″ E; định vị vệ tinh hiển thị cách giàn khoan 7,84 hải lý. Trung Quốc đã bày binh bố trận rất dày. Radar trinh sát hiển thị khoảng 78 tàu Trung Quốc chia thành 7 cụm. Tàu Trung Quốc từ từ chụm lại chính giữa, 11 tàu lao xéo đến để khép chặt hướng hành trình của tàu Việt Nam.
Tại ca bin, bàn tay của thượng úy Nguyễn Văn Dũng, trưởng ngành 5 đẩy cần tăng ga. Con tàu 4033 gầm lên lao vút trên biển với tốc độ 22 hải lý/giờ.
Kỹ sư biển
Trên bàn điều khiển, cần tăng ga như 3 chiếc quai xách để nâng, hạ tốc độ cho 3 máy tàu. Tàu cảnh sát biển 4033 là loại tàu cao tốc có chiều dài gần 54m, chiều ngang nơi rộng nhất là 9,3m, chiều dài đường nước là 49,5m, công suất máy 16.320 mã lực, trang bị máy thủy Palmal của Anh. Khi 3 máy đồng loạt chạy thì sức vận hành của 18 quả pít tông này đẩy tải lên đến 426 tấn. Nếu kéo ga 1.500 thì con tàu này gần như lướt trên mặt nước với tốc độ 30 hải lý/giờ.
Làm “bác sĩ” tàu, lính ngành 5 được ví von là “trái tim của tàu”. Chăm sóc con tàu, anh em lo ngại nhất, đó là hơi nước mặn làm các hệ thống vi mạch bị chạm, mất điều khiển, trong khi tàu đang đi vào vùng nóng và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Những lúc đó, các anh – bằng mọi giá – phải đảm bảo cho tàu chạy an toàn.
Thượng úy Nguyễn Văn Dũng – trưởng ngành 5 tàu Cảnh sát biển 4033 được anh em nhận xét là “ông kỹ sư biển”. Trong bờ, máy móc trục trặc thì có thể thay thế hoặc gọi thợ chuyên môn về động cơ đến khắc phục. Nhưng trên biển thì ông kỹ sư ngành 5 phải lo tất, đảm bảo tàu vận hành tốt.
Thời điểm chấp pháp trên biển, tàu 4033 hạ canô nhưng bơm thủy lực bị kẹt, khiến canô treo lủng lẳng giữa không gian. Anh em xúm vào “moi ruột” chiếc bơm để “trị bệnh” nhưng máy vẫn không nhúc nhích. Tàu hải cảnh Trung Quốc thì đang lảng vảng ở mạn trái tàu.
Trong tình huống gấp gáp, ông trưởng ngành 5 làm một việc mà ai cũng phải ngạc nhiên. Đó là lôi ra một chiếc khoan điện rất to và đục thủng tấm thép cuộn dây cáp. Một chùm ruột của bơm tiếp tục được lôi ra và thay thế. Vậy là máy nổ, bơm chạy. “Đó là cách sửa máy không có trong sách vở, nhà trường cũng không dạy cách này” – một sĩ quan trên tàu cho biết.
Thượng úy Dũng cho biết “học nghề trong trường và những năm tháng lăn lộn trong lực lượng Hải quân”, các loại máy to, máy nhỏ anh đều nhẵn mặt và bắt bệnh khi nghe tiếng máy lạ.
Những kỷ niệm khó quên của lính ngành 5 được thượng úy Dũng kể: “Hồi ở Hải quân, tàu vận hành báo động cấp 1 thì dây dẫn nhớt bị bục, trong khi tàu thì không được phép dừng. Vậy là tôi đội cái chăn ướt lên lưng, chui xuống gầm máy để sửa. Máy thì nóng và rung bần bật, chưa kể tiếng ồn đinh tai nhức óc. Mất 45 phút thì tôi khắc phục được sự cố. Nhưng khi chui ra khỏi hầm tàu, cả 2 tai điếc đặc, toàn thân như bị sốc nặng.”
Kỷ niệm gần đây nhất của thượng úy Dũng là ngày 16.5, tại tọa độ 150 30′, 652″ N – 111004′.184″ E, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 7 hải lý, tàu hải cảnh 31101 tiến đến gần xin vượt, sau đó đâm sang tàu Cảnh sát biển 4033. Tàu bị kẹt vào thế bí phải chạy thẳng để cắt đuôi, sau đó mới có thể chạy đường vòng. Nước trắng xóa sau đuôi tàu vẽ thành hình chữ S như dáng hình của Tổ quốc để tiếp tục vòng lại vùng biển thân yêu.
Theo Lê Văn Chương (Dân Việt)
Lời hứa xúc động từ Hoàng Sa
"Đồng bào và những người thân hãy yên tâm và tin tưởng chúng tôi, cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển cùng với lực lượng kiểm ngư bằng mọi giá quyết tâm giữ vững sự toàn vẹn chủ quyền và biển đảo Tổ quốc".
Đó là sự khẳng định của Đại tá Lưu Tiến Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, người hiện đang có mặt trên tàu CSB 8003 trong buổi phỏng vấn PV TS.
Trả lời câu hỏi về tình hình tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong thời gian qua, Đại tá Lưu Tiến Thắng cho biết, tình hình biển Đông nơi TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong những ngày qua đã diễn ra hết sức căng thẳng.
Các tàu TQ thường xuyên sử dụng vòi rồng, súng phun nước tấn công vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Tàu cảnh sát biển lai dắt tàu cá bị chìm vào bờ chiều ngày 29/5.
Ngoài ra tàu TQ còn có hành động ngăn cản, đâm va, truy đuổi các tàu Việt Nam. Các tàu quân sự, máy bay TQ liên tục xuất hiện tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hòng làm nhụt ý chí của các lực lượng làm nhiệm vụ.
Trước tình hình như vậy, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam vẫn giữ vững đường lối đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, kiên trì, kiên quyết kiềm chế.
Lên án mạnh mẽ những hành vi manh động của các tàu TQ, yêu cầu TQ rút khỏi giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cũng theo đại tá Thắng, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam thường xuyên có mặt trên thực địa để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc, thường xuyên tiếp cận, tuyên truyền yêu cầu TQ tôn trọng chủ quyền Việt Nam, luật pháp quốc tế và các điều ước có liên quan, rút toàn bộ giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
"Việc bảo vệ, hỗ trợ bà con ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng cảnh sát biển", đại tá Thắng cho biết.
Đại úy Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên tàu 8003 cho biết, mặc dù TQ liên tục gia tăng các hành động khiêu khích nhưng 100% cán bộ chiến sĩ đều an tâm tư tưởng, vững vàng ý chí, nêu cao tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm, đều hiểu rõ vinh dự và trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.
Cũng theo Đại úy Nguyễn Huy Trung, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là chính nghĩa, phù hợp với Công ước quốc tế về luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông.
Do vậy, người dân Việt Nam nói chung và lực lượng chấp pháp Việt Nam nói riêng trên biển Đông mong muốn dư luận quốc tế hãy cùng với người dân Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn, có những hành động cụ thể hơn để đấu tranh cho lẽ phải, cho công lý, ủng hộ Việt Nam trên trường quốc tế góp phần cùng Việt Nam đấu tranh cho hòa bình, sự ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Thông qua TS, Đại tá Lưu Tiến Thắng nhắn nhủ với triệu triệu trái tim người Việt Nam rằng, hiện anh em cán bộ chiến sĩ vẫn khỏe mạnh, kiên cường trước sóng gió và những hành vi vi phạm từ phía TQ, chúng tôi luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí quyết tâm trong mọi tình huống để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
"Chúng tôi xin cảm ơn tình cảm của nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài và những người thân dành cho chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua. Đồng bào và những người thân của chúng tôi hãy yên tâm và tin tưởng rằng những cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển cùng với lực lượng kiểm ngư sẽ giữ vững sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc" - Đại tá Thắng gửi lời nhắn nhủ.
Về tình hình ở quanh khu vực giàn khoan, tính đến thời điểm hiện tại, hôm 30/5 lực lượng chấp pháp Việt Nam tiếp tục tiến sâu vào khu vực giàn khoan để tuyên truyền, yêu cầu TQ rút hết tàu và giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.
Ngày 30/5, Trung Quốc huy động tất cả 59 tàu để bảo vệ giàn khoan, trong đó có 2 tàu quân sự. Trước đấy vào lúc 11h30 đến 11h50, phía Trung Quốc huy động máy bay mang số hiệu CMF 3843 bay 6 vòng quanh các tàu chấp pháp Việt Nam ở độ cao 150 - 200m.
Hoàng Sang (từ Hoàng Sa)
Theo_VietNamNet
Viện kiểm sát khẳng định "bầu" Kiên phạm tội - Trong phần tranh luận với các luật sư tại toà, đại diện Viện kiểm sát đã giữ nguyên quan điểm truy tố trước đó và khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm tội... Đại diện VKS khằng định truy tố đúng người, đúng tội Ngày 30/5, phiên xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn bước vào ngày...