Những người giấu mặt có thể giúp Trump tái lập kỳ tích
Không ít người ủng hộ Trump nhưng từ chối công khai thể hiện quan điểm và họ được cho là nguồn động lực sẽ giúp ông lặp lại lịch sử.
Năm 2016, trước khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được công bố, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton tưởng chừng đã nắm chắc phần thắng trong tay.
Vào đêm bầu cử, chiến thắng giành cho ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump khiến truyền thông Mỹ hứng cú sốc nặng và không ít người phải đặt câu hỏi “Vì sao các cuộc thăm dò dư luận lại có thể sai lệch đến vậy?”.
Những người ủng hộ Tổng thống Trump tham dự một buổi vận động tranh cử của ông ở thành phố Manchester, bang New Hampshire, hồi tháng 8. Ảnh: NYTimes.
Giới phân tích chính trị nhận định nguyên nhân một phần bắt nguồn từ việc các nhà thăm dò đã đánh giá thấp số lượng cử tri giấu mặt của Trump. Cử tri giấu mặt được xác định là những người đã quyết định ủng hộ cho Trump nhưng không lên tiếng.
Tại Mooresville, bang Bắc Carolina, bà nội trợ Tiffany Blythe cho biết cô cùng rất nhiều người sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Trump vào tháng 11, nhưng họ không muốn nói về điều đó vì ái ngại. Và chính sự do dự này là lý do Blythe không tin tưởng vào các cuộc thăm dò đang dự báo rằng Tổng thống Trump sẽ thất cử.
“Tôi không tin”, cô nói. “Có rất nhiều cử tri âm thầm ủng hộ và nhiều người sẽ xuất hiện ngay trước ngày bầu cử. Tôi nghĩ không ít bang đang chuyển từ xanh (ủng hộ đảng Dân chủ) sang đỏ (ủng hộ đảng Cộng hòa) nhưng truyền thông không đưa tin mà thôi”.
Hồi tháng 8, Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng ông “có một lượng lớn người ủng hộ thầm lặng mà không ai biết đến”.
Các cử tri “giấu mặt” đã giúp Trump lật ngược tình thế năm 2016, vậy nên không ít người tin rằng một cơn sóng ngầm khác có thể ập đến và giúp ông một lần nữa lập kỳ tích trong lợi cuộc đua vào Nhà Trắng.
Chris là một cử tri đăng ký thuộc đảng Dân chủ, ngoài 50 tuổi, sống ở Manhattan. Bà có học thức, thường xuyên đi công tác và luôn cập nhật thông tin. Bà từng bầu cho các ứng viên tổng thống ở cả hai đảng và đã rất ủng hộ ứng viên Bernie Sanders hồi năm 2016.
Trả lời phỏng vấn báo New York Times hồi cuối tháng 9, Chris yêu cầu giấu tên vì không muốn mọi người xung quanh biết bà định bầu cho Tổng thống Trump. Chris còn là một người đồng tính và bà cho rằng việc tiết lộ mình ủng hộ Trump không khác gì “công khai giới tính một lần nữa”.
Video đang HOT
Chris cho biết trong số những lý do bà ủng hộ Tổng thống Trump, đầu tiên phải kể đến kinh tế.
“Tôi chưa bao giờ nhìn thấy quỹ hưu trí 401(k) của mình tăng trưởng ở mức hai con số từ thời Internet bùng nổ cuối những năm 90. Vậy mà nó đã tăng 19,6% vào năm ngoái, trước khi Covid-19 bùng phát”, bà nói. “Hãy nhìn vào thị trường chứng khoán. Hãy nhìn vào giá dầu”.
“Đây là những thứ diễn ra mỗi ngày ảnh hưởng tới tôi”, bà cho biết thêm. “Tôi không quan tâm đến Afghanistan hay Trung Đông. Tôi quan tâm đến chuyện có việc làm. Tôi quan tâm đến chuyện có bảo hiểm ở công ty. Tôi từng thất nghiệp vài năm trước. Tôi không đủ sức tham gia chương trình bảo hiểm Obamacare. Thu nhập của tôi chỉ khoảng 560 USD/tháng”.
Yếu tố thứ hai tác động tới Chris là Covid-19. “Tổng thống Trump có hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh không ư? Câu trả lời là có”, bà nói. “Nhưng khi dịch mới bùng lên, truyền thông cảnh báo rằng sẽ có hàng triệu người chết. Nhưng nay, số người chết mới chỉ hơn 200.000. Hãy so sánh nó với quy mô dân số”.
Một biến số mà các chuyên gia thăm dò dư luận đang phải chật vật xử lý là xác định xem môi trường chính trị phân cực đang ảnh hưởng tới tính chính xác trong công việc của họ như thế nào. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những người bảo thủ cảm thấy lo sợ về việc họ trở thành mục tiêu công kích khi bày tỏ trung thực về niềm tin chính trị của mình hơn những người ôn hòa và tự do.
Trong cuộc thăm dò do Cato Institute thực hiện hồi tháng 7, 77% người theo chủ nghĩa bảo thủ nói họ cảm thấy không thể chia sẻ quan điểm chính trị của bản thân bởi những người khác có thể thấy điều đó là xúc phạm. Tỷ lệ này trong cuộc thăm dò hồi năm 2017 là 70%. Trong số những người theo chủ nghĩa tự do, 52% bày tỏ nỗi lo tương tự, so với 45% ba năm trước. Trong số những người theo chủ nghĩa ôn hòa, tỷ lệ là 64% so với 57%.
Robert Cahaly, người tổ chức các cuộc thăm dò của Trafalgar Group, hôm 20/10 cho rằng Trump có thể giành chiến thắng với tối thiểu 270 phiếu đại cử tri và thậm chí có thể cao hơn đáng kể dựa trên mức độ lớn của những “cử tri thầm lặng”.
Trafalgar Group, có trụ sở tại Georgia, đã thu hút sự chú ý của cả nước vào năm 2016 khi là một trong số ít nhóm thăm dò cho thấy Trump dẫn đầu ở các bang chiến trường Pennsylvania, Florida và Michigan trước ngày bỏ phiếu. Thực tế, Trump đã chiến thắng ở cả ba bang này và đánh bại đối thủ Hillary Clinton.
Các cuộc phỏng vấn với những cử tri như bà nội trợ Blythe ở Mooresville cho thấy mối lo âu ngày càng tăng về tình trạng quyền tự do biểu đạt quan điểm chính trị đang bị chính trị hóa cao độ. “Tôi thấy đảng Dân chủ không bảo vệ các quyền tự do của chúng tôi, trong đó có cả quyền tự do ngôn luận”, bà nói.
Tuy nhiên, Geoff Garin, một nhà thăm dò dư luận đảng Dân chủ, cho rằng việc Trump bị đánh giá thấp trong các cuộc thăm dò không bắt nguồn từ sai sót trong phương pháp thực hiện, mà bởi Tổng thống không có khả năng mở rộng nhóm cử tri ủng hộ mình.
“Vấn đề tồn tại ở chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump không phải từ các cử tri giấu mặt, mà xuất phát từ những cử tri đang biến mất”, Garin cho hay. “Số cử tri ủng hộ Trump biến mất chắc chắn nhiều hơn số người im lặng”.
'Màn bí mật' quanh giới siêu giàu rót tiền cho Biden
Tháng trước, Hillary Clinton, Kamala Harris cùng hai diễn viên đóng vai họ trong "Saturday Night Live" tổ chức gây quỹ trực tuyến cho Biden, thu về 4,4 triệu USD.
Buổi phát sóng trực tiếp thành công rực rỡ, thu hút khoảng 100.000 người xem và quyên góp. Cũng trong tối đó, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden tiếp đón thân mật khoảng 20 người tại buổi gây quỹ có giá 500.000 USD mỗi vé, do tỷ phú truyền thông Haim Saban tổ chức. Sự kiện này đã huy động được 4,5 triệu USD.
Trong khi các khoản quyên góp nhỏ ồ ạt đổ về chiến dịch của Biden với con số kỷ lục, những tỷ phú và triệu phú thuộc giới thượng lưu vẫn đóng vai trò quan trọng đối với ngân sách tranh cử của cựu phó tổng thống Mỹ.
Từ Hollywood tới Thung lũng Silicon và Phố Wall, chiến dịch của Biden đã thu hút mạnh mẽ giới siêu giàu, huy động được gần 200 triệu USD từ những nhà tài trợ quyên góp ít nhất 100.000 USD trong 6 tháng qua. Con số này gấp đôi so với khoản tiền mà Tổng thống Donald Trump huy động được từ các nhà tài trợ số tiền 6 con số trong cùng giai đoạn, theo một phân tích gần đây.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden vẫy tay với đám đông tại thành phố Durham, bang Bắc Carolina, hôm 18/10. Ảnh: AFP.
Những nhà tài trợ lớn mang lại lợi thế tài chính bất ngờ cho Biden trước Trump, giúp ứng viên đảng Dân chủ bước vào tháng 10 với ngân sách nhiều hơn Tổng thống Mỹ 180 triệu USD, gần tương đương với tổng số tiền từ những người đóng góp trên 100.000 USD.
Về mặt pháp lý, Biden phải công bố danh sách các nhà tài trợ, bao gồm một số người Mỹ giàu có và nổi tiếng hàng đầu, như vợ chồng ông trùm điện ảnh Hollywood Jeffrey Katzenberg với khoản đóng góp 1,4 triệu USD. Ngoài ra, vợ chồng doanh nhân công nghệ Sean Parker góp 1,2 triệu USD, vợ chồng giám đốc điều hành Netflix Reed Hastings góp 1,4 triệu USD. Ban lãnh đạo các hãng đầu tư, cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm như Blackstone, Bain Capital và Kleiner Perkins cũng đóng góp nhiệt tình.
Tuy nhiên, sau khi thu về những tấm séc mệnh giá khổng lồ, chiến dịch tranh cử của Biden lại âm thầm hạn chế một số biện pháp minh bạch mà bản thân cựu phó tổng thống từng tiên phong trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Biden đã phá vỡ tiền lệ mà 4 ứng viên tổng thống gần đây nhất của đảng Dân chủ đều thực hiện, khi từ chối tiết lộ danh tính các đầu mối gây quỹ. Những người này thay mặt chiến dịch thu các khoản đóng góp từ nhà tài trợ, được cho là đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với quá trình gây quỹ.
"Thật đáng lo ngại khi công chúng không biết họ là ai, bởi họ thường được bổ nhiệm làm đại sứ hoặc những vị trí chủ chốt khác trong chính quyền, hoặc nhận các hợp đồng của chính phủ", điều tra viên Michael Beckel, giám đốc nghiên cứu nhóm Issue One hướng tới thúc đấy minh bạch tài chính tranh cử, cho hay.
Sau khi được NY Times liên hệ, chiến dịch của Biden cho biết họ sẽ cung cấp danh sách đầu mối gây quỹ vào cuối tháng này. Cựu phó tổng thống Mỹ cũng dần tiết lộ thêm về các nhà tài trợ cho chiến dịch, trong khi Trump hoàn toàn giữ kín danh tính những người đóng góp và đầu mối gây quỹ, cả năm nay và năm 2016.
Nhiều nhà cải cách chiến dịch tranh cử đánh giá Biden tiến bộ rõ rệt so với ông chủ Nhà Trắng, nhưng vẫn hy vọng ứng viên Dân chủ đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn. "Minh bạch là chìa khóa chứng minh tính trách nhiệm", Beckel cho hay.
Biden từng một lần duy nhất công khai danh tính các đầu mối gây quỹ hồi cuối năm ngoái, bao gồm 235 người huy động được ít nhất 25.000 USD. Kể từ đó, cựu phó tổng thống Mỹ kêu gọi được thêm hơn 1,2 tỷ USD, nhưng không tiết lộ thêm danh tính của bất cứ ai. Trong khi đó, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton 4 năm trước thường xuyên cập nhật danh sách những đầu mối gây quỹ thu về trên 100.000 USD.
Các phụ tá của Biden cho biết trên thực tế, ứng viên đảng Dân chủ vài tháng gần đây huy động được nhiều tiền từ những người ủng hộ bình thường thông qua nền tảng trực tuyến hơn là các nhà tài trợ lớn. "Trên cương vị tổng thống, Biden cam kết đảm bảo chính phủ sẽ luôn đặt lợi ích của công chúng lên hàng đầu", T.J. Ducklo, phát ngôn viên của Biden, cho hay.
Tại vòng bầu cử sơ bộ năm nay, Biden đã công khai tất cả nhà tài trợ của ông cho một nhóm phóng viên nhỏ, trong nỗ lực loại bỏ những chỉ trích từ các đối thủ thuộc nhóm cấp tiến trong đảng Dân chủ, bao gồm Bernie Sanders và Elizabeth Warren. Hai thượng nghị sĩ này từ chối tổ chức các sự kiện gây quỹ lớn, coi đây là hành vi đút lót. Tuy nhiên, cuối cùng họ cũng lùi lại để dồn sự ủng hộ cho Biden, vì mục tiêu chung là đánh bại Trump.
Song sau khi Biden rộng cửa trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, với giới hạn quyên góp tăng vọt từ 2.800 USD lên 700.000 USD như hiện nay, nhóm phóng viên không còn được tận mắt theo dõi các sự kiện gây quỹ trực tuyến có mặt những nhà tài trợ lớn. Thay vào đó, họ chỉ được cung cấp một đường dây liên lạc, không thể nhìn thấy ai đang tham dự.
Rufus Gifford, phó giám đốc chiến dịch tranh cử của Biden, gọi sự thay đổi này là "định dạng mới khi bước vào giai đoạn mới của chiến dịch tổng tuyển cử", sau khi nó được triển khai lần đầu tiên tại một sự kiện gây quỹ ở Phố Wall hồi tháng 5.
Do ít nhận được sự chú ý của công chúng và gần như không có ai phản đối, chính sách này được giữ nguyên. Kể từ đó, độ ngũ của Biden cũng không cho truyền thông tiếp cận một số cuộc thảo luận với những nhà tài trợ lớn nhất.
Một điều đáng lo ngại khác là chiến dịch tranh cử của Biden còn cung cấp quyền tiếp cận đội ngũ cố vấn chính sách đắc lực cho Biden, những người khả năng cao sẽ đóng vai trò ra quyết định quan trọng khi cựu phó tổng thống đắc cử, nếu các nhà tài trợ sẵn sàng trả tiền tham gia những sự kiện trực tuyến và "cuộc thảo luận", theo một số nguồn tin.
Danh sách này bao gồm Tony Blinken, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Biden; Jake Sullivan, cố vấn chính sách trong nước hàng đầu; Stef Feldman, giám đốc chính sách của chiến dịch tranh cử; hay Michele Flournoy, người có khả năng được chọn làm bộ trưởng quốc phòng nếu chính quyền Biden được thành lập. Tất cả sự kiện có mặt họ đều được giữ kín.
Nhà tài trợ phải trả thêm tiền nếu muốn tham gia một nhóm giao lưu thân mật hơn với cố vấn của Biden. Một sự kiện tháng này, với chủ đề thảo luận về lãnh đạo và quản lý lực lượng lao động liên bang, có mức đóng góp để tham gia nhóm giao lưu thân mật là 10.000 USD hoặc 25.000 USD.
Tyson Brody, cựu giám đốc nghiên cứu của Thượng nghị sĩ Sanders, nhận định các buổi thảo luận như vậy cung cấp cho giới thượng lưu "quyền tiếp cận đặc biệt với những người đặt ra quy tắc", đồng thời xem xét trước chính sách của chính quyền mới.
"Bạn có muốn sở hữu tấm vé để lắng nghe từ giới lãnh đạo tương lai về những việc họ sẽ làm đối với lĩnh vực của bạn hay không? Đó là điều mà họ đang làm", Brody cho hay.
Điều kỳ lạ trên chiến đấu cơ Su-57 khiến truyền thông Mỹ trầm trồ Truyền thông Mỹ vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến chiến đấu cơ Sukhoi Su-57 của Nga bay vun vút mà không có vòm kính che buồng lái để bảo vệ phi công khỏi bị chết cóng. Chiến đấu cơ Su-57 không có vòm kính che buồng lái. Ảnh: Sputniks Theo Sputniks, giới truyền thông Mỹ đã phát hiện được "chuyến bay vô...