Những người gác hầm đón Tết giữa đèo cao
Những người gác hầm dường như chưa có năm nào được đón Tết trọn vẹn bên gia đình. Khi những chuyến tàu còn đi xuyên Tết thì người gác hầm vẫn còn tiếp tục công việc của mình như những ngày bình thường.
Chúng tôi đến nơi những người gác hầm trên đèo Hải Vân vào một buổi sáng cuối năm, cái sương mù cuối năm kèm thêm hơi lạnh ở trên đỉnh núi. Ở đây không khí Tết dường như chưa cảm nhận rõ, chỉ có tấm lịch đã thay mới cùng cái radio cũ cập nhật thời sự.
Vì tính chất của công việc mà những người gác hầm dường như chưa có năm nào được đón Tết trọn vẹn bên gia đình của mình. Để có chuyến tàu qua núi thông suốt, những người gác hầm vẫn còn tiếp tục công việc của mình như những ngày bình thường.
Gần như 25 năm, hầu như năm nào chú Kiều Viết Sanh cũng đón Tết trên núi cao
Chú Kiều Viết Sanh (55 tuổi) là một trong những người lớn tuổi nhất gác hầm số 12 ở đỉnh đèo Hải Vân. Hầm số 12 dài 592m, chưa phải là hầm dài nhất tại đèo Hải Vân, nhưng là hầm ở vị trí cao nhất. Ở đây những ngày cuối năm rất lạnh, sóng điện thoại khá yếu, việc liên lạc với mọi người tương đối khó khăn.
Chú Sanh kể mình không còn nhớ đã đón giao thừa trên đỉnh Hải Vân bao nhiêu lần trong quãng đời làm việc của mình. Cứ đến gần giao thừa, chú sẽ đi bộ qua hầm để đến ga Hải Vân. Tại đây, chú với những ở lại cùng đón giao thừa, xem những chương trình đầu năm trên tivi. Sau đó, tất cả lại về vị trí cũ, bảo đảm tốt công việc, bảo đảm an toàn đường ray để chuẩn bị đón chuyến tàu đầu năm mới.
Công việc gác hầm không cho họ được cái Tết trọn vẹn
“Công việc của chú đã quen rồi, những người gần nhà như bọn chú có trực trên này thì hôm sau còn nhảy tàu hàng về nhà, tranh thủ thăm Tết người quen, gia đình. Thương là thương mấy người ở xa quê, không thể về được thôi”, chú Sanh giọng chậm chậm nói.
Năm nay, cũng là năm cuối cùng chú Sanh làm việc tại đây, năm sau chú sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Và chú sẽ chia tay công việc mà mình đã gắn bó cả đời, lúc đó mới có dịp được đón Tết trọn vẹn cùng với gia đình.
“Chia tay nơi mà mình đã gắn bó suốt 25 năm qua, chú buồn vì phải rời nơi này. Chỉ mong những người trẻ khi thay chú làm việc tại đây, cố gắng làm vì tình yêu công việc rồi, từ đó mọi thứ sẽ trở nên gần gữi”, chú Sanh bồi hồi chia sẻ.
Video đang HOT
Đã 25 năm làm công nhân tuần hầm ở đây, có nhiều câu chuyện xảy ra trong cuộc đời của mình mà chú Sanh và cả các đồng nghiệp tại vọng gác không thể nhớ hết được.
Họ không về nhà đón Tết để những chuyến tàu luôn được xuyên suốt
Năm trước, do mưa lớn kéo dài, có điểm sạt lở nhiều lần lấp vùi đường ray. Ngay khi nhận được thông báo từ đồng nghiệp, tất cả công nhân tuần hầm đều nhanh chóng lên lại khu vực phụ trách để khẩn trương khắc phục sự cố, trong điều kiện mưa lớn, trời bắt đầu tối, tất cả đã phải thực hiện xuyên đêm, vận chuyển hành khách qua khu vực sạt lở bằng đường bộ, đảm bảo việc đi lại của hành khách an toàn.
Đang nói, có tiếng tàu từ xa, chú Sanh nhanh chóng đội mũ, cầm cờ ra đứng trước cửa nhà gác để đón tàu vào hầm. “Cách cầm cờ là để báo hiệu cho các lái tàu biết tình hình. Cầm cờ đứng: báo đường thông suốt, an toàn; hạ ngang cờ: tàu cần đi chậm lại, giảm tốc độ. Nếu cầm cờ đỏ, báo hiệu có nguy hiểm hoặc sự vụ phía trước, tàu phải dừng”, chú giải thích.
Đèo Hải Vân có tất cả sáu hầm, 24 công nhân làm việc tại đây. Chặng đường từ ga Kim Liên lên đến ga Hải Vân (đỉnh đèo) khoảng 11km. Mỗi hầm có một trạm gác, ba người thường trực tuần canh. Hầm dài nhất là 944,6m, có hai trạm gác hai đầu với tám người trực.
Anh Nguyễn Minh Nga, phân đội phó phân đội Hải Vân cho biết, công việc chính của những người gác hầm là kiểm tra đường tàu, dọn vệ sinh, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, báo cáo kịp thời, bảo đảm an ninh trật tự, đón- tiễn tàu ra vào hầm, báo hiệu cho tàu những thông tin quan trọng trong quá trình lưu thông.
Và để có những chuyến tàu qua đèo thông suốt dù là những ngày Tết, những người gác hầm vẫn đang thầm lặng và miệt mài làm việc trên đèo dù ngày cũng như đêm.
Thành Vân
Theo dantri.com.vn
Bé 10 tuổi sống một mình trên rẻo cao Tuyên Quang đón Tết thế nào?
Giữa tháng 11/2019, câu chuyện về cậu bé Đặng Văn Khuyên (10 tuổi, trú tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) phải sống lay lắt, "cô độc trong rừng" và một mình lên Lạng Sơn đón thi thể của bố về chôn cất đã lấy đi bao nước mắt của mọi người.
Với mong muốn được xem Tết này Khuyên sẽ đón Tết như thế nào, PV Dân Việt đã tìm đến tận nơi để ghi nhận...
Khi thời khắc giao thừa Xuân Canh Tý chỉ còn tính bằng giờ, khắp muôn nơi không khí Tết ngập tràn với cờ hoa rực rỡ, những buổi tất niên, liên hoan linh đình, cùng những buổi gặp mặt gia đình ấm cúng, hạnh phúc, rộn rã tiếng cười... cũng là lúc tôi sực nhớ đến cậu bé Đặng Văn Khuyên.
Hình ảnh Khuyên phải sống cô độc trong căn nhà rách nát và một mình lên Lạng Sơn đón thi thể bố về nhà an táng đã lấy đi nhiều nước mắt của mọi người.
Trước đó, tôi đã có nhiều dự định cho một cái tết trọn vẹn bên gia đình. Nhưng, hình ảnh về một cậu bé nhỏ thó, gầy gò, một mình sống trong căn nhà sàn rách nát, chơi vơi bên sườn đồi hiu hắt, cùng chiếc khăn tang quấn trên đầu đã thúc giục tôi tìm đến Khuyên.
Cơn mưa phùn cuối năm khiến con đường đất dẫn vào nhà Khuyên thêm phần trơn trượt, nhưng không khí Tết vẫn hiển hiện ở vùng quê này khi những cây nêu đã được dựng lên khắp các ngõ xóm.
Nhìn từ xa, ngôi nhà sàn nơi Khuyên sinh sống vẫn xiêu vẹo, rách nát như trước. Nhưng lại gần hơn, chúng tôi thấy ấm lòng khi có tiếng trò chuyện, nói cười rôm rả.
Ngồi ở góc sân hì hụi với những chiếc bát sứt mẻ, cùng vài đôi đũa đã mốc meo, nhưng hôm nay, trên gương mặt của cậu bé Đặng Văn Khuyên có phần tươi tỉnh, rạng ngời hơn nhiều so với lần đầu tôi gặp.
Mọi việc trong gia đình Khuyên phải tự mình làm hết.
Không để khách phải chờ, cậu bé bỏ ngang công việc của mình, mời mọi người lên nhà uống nước. Đảo quanh một vòng, vẫn căn nhà rách nát với những tấm phên thủng lỗ chỗ khiến gió lạnh rít ào ào, thổi vào nhà lạnh buốt như không được che chắn. Điều thay đổi mà chúng tôi ghi nhận được là bên trong ngôi nhà đã có nhiều bánh kẹo, gạo, thậm chí là tủ lạnh, bếp gas..., những thứ mà Khuyên được các "mạnh thường quân" ủng hộ.
"Từ bé đến giờ, Tết này là em vui nhất vì được đón Tết cùng bà nội, được ăn bánh chưng do bà gói, lại còn có cả bánh kẹo, thịt lợn đầy đủ. Đặc biệt, em còn được mọi người tặng cho cả áo mới, xe đạp mới nữa", Khuyên hồn nhiên khoe.
Trái với sự hồn nhiên của Khuyên, bà Hoàng Thị Tinh (66 tuổi, bà nội của Khuyên) lại bùi ngùi: "Số thằng Khuyên khổ từ nhỏ, khi sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Khi nó lên 2 tuổi, bố nó bỏ đi lên Lạng Sơn để làm ăn nhưng không thấy gửi tiền hay về thăm con. Lên 4 tuổi, có thể do hoàn cảnh khó khăn quá, mẹ nó cũng bỏ đi biệt tích, chỉ còn lại tôi ở lại nuôi cháu. Sau thời gian dài tính toán, năm 2018, tôi "bén duyên" và kết hôn với một người đàn ông ở Yên Bái".
"Từ trước tới nay, tôi cứ đinh ninh là Khuyên ở cùng bác họ sống ngay bên cạnh nhà. Tuy nhiên, từ khi nhận được tin về cháu Khuyên được chia sẻ, tôi đau lòng và rất thương cháu", bà Tinh chia sẻ.
Tết năm nay là Tết vui nhất trong đời Khuyên vì có đầy đủ bánh kẹo, thịt lợn, bánh chưng và có bà bên cạnh.
Cũng theo bà Tinh, do con trai vừa mất, thấy cháu có một mình nên từ ngày 24 tháng Chạp, bà đã về để cùng Khuyên chuẩn bị và đón Tết.
"Năm nay, tôi đã chuẩn bị thịt lợn, khoảng 5kg gạo nếp để gói bánh chưng cho Khuyên. Khoảng mùng 2 Tết, tôi sẽ cùng chồng trở về Yên Bái. Hiện tại, tôi cũng đã nhờ hai vợ chồng bác họ chăm sóc Khuyên khi tôi đi khỏi", bà Tinh cho hay.
Như thông tin đã đưa, Đặng Văn Khuyên (10 tuổi, trú tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) là cậu học trò mồ côi nghèo, được cả nước biết đến khi tự mình đạp xe vượt hàng trăm kilômét từ Tuyên Quang sang Lạng Sơn để đưa thi thể bố về nhà tổ chức ma chay vào giữa tháng 11/2019.
Chiếc xe đạp mới Khuyên được nhà hảo tâm tặng giúp em có thêm động lực đến trường.
Hiện, Khuyên đang học lớp 5 ở điểm trường Phúc Long 1, xã Thành Long. Khuyên phải sống một mình lủi thủi trong căn nhà tranh, với những khe hở lạnh thấu xương. Ngoài thời gian lên lớp, Khuyên phải tự đi kiếm rau, măng rừng về làm thức ăn, còn gạo thì em được anh em, làng xóm, giáo viên hay các nhà hảo tâm cho.
Theo ông Triệu Quốc Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long, từ khi hoàn cảnh của bé Khuyên được nhiều người biết đến, UBND xã Thành Long đã mở một tài khoản tại Ngân hàng CSXH để lưu giữ số tiền các "mạnh thường quân" ủng hộ cháu Khuyên. Hiện, số tiền đã lên đến hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên khoản tiền này chỉ được rút khi Khuyên đủ 18 tuổi, còn hàng tháng chỉ được rút lãi. Khi nhận và rút phải có sự chứng kiến của 3 bên là Khuyên, Hội Chữ thập đỏ và chính quyền xã.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tám - Chủ tịch UBND xã Thành Long, chính quyền xã đang lập dự toán kinh phí xây nhà cho cháu Khuyên. Dự kiến qua Tết Nguyên đán, ngôi nhà sẽ được xây dựng với diện tích khoảng từ 50 - 70m2, có đầy đủ các công trình phụ khép kín.
Theo danviet
Người đàn ông tâm thần đón Tết với gia đình sau 10 năm lưu lạc "Đã hơn 10 năm, cuối cùng chúng tôi cũng có thể đoàn tụ đón năm mới", bà Vạn nghẹn ngào, ôm chầm con trai trong ngày gặp lại. Sáng 18/1, làng Nanhu, thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) bước vào những ngày lạnh nhất dịp cận Tết Nguyên đán. Thế nhưng với gia đình của ông Vạn, đây lại là...