Những người đàn bà đi sau lưng ngựa
Có những người đàn bà cả đời đi sau lưng ngựa, trên ấy vắt vẻo một ông chồng say ngất ngư, nhẫn nại, lặng yên, với ánh mắt đăm đắm, không cần hiểu vì sao mình đi như thế.
Đằng sau những bàn rượu đông vui giữa chợ phiên là những người phụ nữ nhẫn nại chờ đợi. Ảnh: Lam Linh
Lại có những người đàn bà chỉ mong một lần được đi sau lưng ngựa, cũng với ánh nhìn đăm đắm như thế, mà không làm được.
1. Hình ảnh tình nhất ở miền rẻo cao Tây Bắc là gì? Đám trai gái đang yêu, và cả chưa yêu, thì cho là chợ tình, là tiếng khèn bè, tiếng kèn lá gọi bạn, là mái ô đỏ che cặp đầu xanh của đôi trai gái ngồi vắt vẻo lưng đèo, mắt thả mơ màng giữa bồng bềnh mây trắng khắp thung sâu. Nhiều lắm. Hình ảnh nào cũng tình cả.
Những người đã nên vợ nên chồng, và cả những người chưa nên vợ nên chồng nhưng đã qua “thời vờn đuổi”, thì nhất mực là hình ảnh người đàn bà – người vợ đi sau lưng ngựa. Trên ấy, vắt vẻo một ông chồng say ngất ngư. Chỉ duy nhất một hình ảnh ấy. Nhưng tình lắm.
Những người chưa lên rẻo cao, chưa đi Tây Bắc, chỉ xem qua ảnh, có thể sẽ có đôi phút chạnh lòng, cho những người đàn bà, cho cái dáng tần tảo, lam lũ, nhẫn nại pha lẫn chịu đựng. Chúng tôi, ngày chưa lên Tây Bắc, cũng nghĩ thế. Chỉ có đám con trai, dù là ở thành phố, chưa từng lên Tây Bắc, là tìm thấy sự đồng cảm, thậm chí ghen tị với những ông chồng say ngất ngư kia.
Theo lưng ngựa xuống chợ phiên. Ảnh: Dangkhoasp
Rồi đến một ngày tất cả leo lên lưng những “con ngựa sắt”, rồ ga ngược dốc lên Tây Bắc. Những con đèo quanh co vắt ngang lưng núi cao ngất tầng trời mở ra một khung cảnh đẹp như tranh và phóng khoáng, hồn nhiên. Đám người thành phố say sưa với mây núi, gió ngàn, rộn ràng với những chợ phiên rực rỡ sắc màu, cuống quýt chạy trốn những cơn mưa rừng xối xả, những màn sương giăng mịt mùng, hớn hở đuổi theo những mùa hoa đào, hoa mận giăng kín sườn núi.
Giữa cuộc rong chơi ngang miền rẻo cao ấy, thế nào cũng bắt gặp những người đàn bà đi sau lưng ngựa. Họ, dù bất ngờ xuất hiện qua một khúc cua ngang lưng núi hay thủng thẳng giữa đường dài xa ngái, lúc nào cũng nhẫn nại bước theo lọc cọc móng ngựa, tay tần mần gỡ búi sợi lanh, ánh mắt đăm đắm, mải miết.
Đám khách lạ thành phố lần đầu nhìn thấy cảnh ấy, đang vèo vèo đổ dốc cũng khựng lại, tò mò, lạ lẫm pha lẫn ngạc nhiên. Chẳng còn nhớ gì đến những bức ảnh đã xem, đến đôi phút chạnh lòng.
2. Núi rừng Tây Bắc mênh mông, khoáng đạt thế, cuộc sống đẹp như tranh, con người cũng đẹp như tranh thế. Tất cả cuốn vòng bánh xe lăn mải miết theo tháng ngày. Những con đèo dốc ngược, những đỉnh núi cao ngất đầy thách thức, những bản làng thanh bình yên ả, ánh mắt trong veo của lũ trẻ lấm lem, nụ cười hồn nhiên của cô sơn nữ thẹn thùng má đỏ, đến cả những nếp nhà lam lũ, xiêu vẹo… dần trở nên quen thuộc.
Quen đấy, nhưng tình yêu Tây Bắc vẫn đong đầy, cồn cào và say đắm, để mỗi lần chạm miền sơn cước, ngửi thấy mùi núi rừng, là lại thấy tim đập rộn ràng, thấy lòng phơi phới.
Chỉ có mắt mình nhìn những người đàn bà đi sau lưng ngựa đã khác. Sự lạ lẫm, tò mò thời trẻ qua đi. Đã không dưới một lần, trên đường xuống chợ phiên dập dìu nếp váy thổ cẩm, những cô gái thành phố, giờ đã là những người phụ nữ, muốn dừng xe, thủng thẳng bước cạnh người đàn bà đi sau lưng ngựa, để biết thế nào là bước chân nhẫn nại theo lọc cọc móng ngựa. Nhưng rồi tự thấy những mái đầu nhuộm vàng hoe thật vô duyên giữa nếp khăn Mông xanh đỏ, tự nhận chiếc quần jean bạc phếch lạc lõng bên nếp váy xòe duyên dáng, lại thôi.
Video đang HOT
Bước sau lưng ngựa về nhà. Ảnh: L.T.H
Đã bao lần, muốn ngồi xuống bên cạnh người phụ nữ đang che ô cho ông chồng nằm say lăn quay giữa đường trưa nắng gắt, để hiểu thế nào là chờ đợi, hay để khuyên họ ít nhất thì cũng vào chỗ mát mà ngồi chờ. Nhưng khi ánh mắt nhẫn nại, đăm đắm kia bỗng trở nên ngượng ngập, lúng túng khi chạm ánh nhìn hiếu kỳ của khách lạ, lại thôi.
Đã có lần ngồi trong quán ăn, thấy cô vợ trẻ vùng vằng đứng dậy, bỏ lại ông chồng nằm ngất ngư bên vệ đường, bất giác lòng mình nhẹ nhõm. Nhưng chỉ được dăm bước vùng vằng, rồi đôi bàn chân quấn xà cạp ấy lại tất tả quay lại. Ánh mắt lại đăm đắm, nụ cười lại nở tươi rói trên khuôn mặt xộc xệch của người đàn ông cũng đang nằm xộc xệch bên vệ đường. Biết rằng đấy là tình, nhưng vẫn thấy khó hiểu vô cùng.
Rồi thảng thốt nhận ra những người đàn bà, dù là ở thành phố hay miền rẻo cao, cũng đều có lúc phải đi sau lưng ngựa, thậm chí là ngựa sắt, không phải là con ngựa nhẫn nại cúi đầu lọc cọc gõ móng. Bất giác lại muốn lúc ấy, lúc làm người đàn bà đi sau lưng ngựa, mình cũng có được ánh mắt đăm đắm như thế, thay cho ánh mắt tò mò, lạ lùng pha dò xét cố hữu của những người phố thị.
Nỗi ao ước ấy ở những người đàn ông thành phố còn lớn hơn. Họ ao ước được một lần say bát rượu ngô, được nằm thẳng cẳng bên vệ đường ngủ quên trời đất. Họ ao ước, dù chỉ một lần, có một cô vợ, một cô người yêu nhẫn nại đi sau họ như thế, không cằn nhằn, gắt gỏng, không lườm nguýt, trách hờn… Nỗi ao ước ấy hiển hiện rõ ràng trong ánh mắt chảy tràn rượu ngô bên bếp thắng cố bập bùng ánh lửa.
3. Nhưng rồi chẳng ai làm được thế. Những người đàn ông thành phố vẫn phải chọn hiên nhà, chẳng ai dám nằm thẳng cẳng bên vệ đường người xe qua lại. Và ánh mắt, trước khi chìm trong cơn say, vẫn cố liếc nhìn vẻ mặt của cô vợ đầy dò xét.
Những người đàn bà thành phố cũng thử nhẫn nại lặng yên bên hiên nhà, chờ ông chồng say khướt tỉnh rượu. Họ, người che ô, người ngồi sâu trong hiên nhà tránh nắng. Nhưng họ không ngồi im, cũng không gỡ sợi lanh, họ lướt iPad, iPhone nhoay nhoáy.
Chợ phiên dần tan. Điện thoại hết pin. Những người đàn bà thành phố vẫn cố ngồi đó, lơ đãng ngắm nhìn phố thị vắng vẻ. Rồi lần lượt từng người lẳng lặng đứng dậy, người tự cưỡi lên lưng ngựa sắt, kẻ lững thững đi bộ về khách sạn, để lại một cái nhìn ra vẻ dửng dưng, nhưng giấu đầy sự thất vọng.
Hiên nhà đối diện, những người phụ nữ mặc áo thổ cẩm phai đường thêu vẫn ngồi chờ đợi bên ông chồng say ngất, tay tần mần gỡ búi sợi lanh.
Lúc ấy, những bàn chân đi giày chợt hiểu sự nhẹ nhõm khi thấy bàn chân quấn xà cạp vùng vằng bỏ lại ông chồng bên vệ đường, và chợt muốn có một đôi bàn chân như thế đi cùng, để bớt lẻ loi, lạc lõng. Nhưng chẳng có bàn chân quấn xà cạp nào cất bước.
Những người đàn bà đi sau lưng ngựa vẫn chôn chân bên ông chồng nằm lăn lóc quên trời đất bên mái hiên phố chợ, như bà, như mẹ của họ đã đứng chôn chân bao đời nay như thế.
Chẳng ai khen họ nhẫn nhịn, thương chồng, cũng chẳng ai chê các ông chồng mải vui, bê tha. Không ai nhìn sâu vào ánh mắt đăm đắm pha chút ngượng ngùng của họ, cũng không ai ngó thấy nụ cười vẫn vương vất trên khuôn mặt của những ông chồng đang nằm xộc xệch trong cơn say. Có lẽ, họ cũng chẳng gọi đấy là tình.
Chỉ những người đàn bà thành phố lạ lẫm giữa miền rẻo cao bỗng có lúc thấy lòng vắng vẻ. Và họ vẫn đau đáu, vẫn thèm được một lần làm người đàn bà đi sau lưng ngựa, với ánh mắt yêu thương đến cạn lòng như thế. Mà có lẽ, chẳng bao giờ…
Theo Lưu Thiên Hương
Lao động
Hình ảnh cụ ông 'ăn hang ở lỗ' trong cơn lũ
Ông lão 80 tuổi, người một thời sống trong hang đá gần 30 năm, lủi thủi ngồi ở góc nhà ngồi nhìn người con xắt từng miếng măng rừng cho vào nồi nấu bữa chiều, mắt thỉnh thoảng ngóng về núi rừng bạt ngàn xa xăm.
Người con dâu ngồi cạnh bếp lửa đun nồi măng, thỉnh thoảng bón cho đứa con gần 2 tuổi từng thìa cơm trắng lõng bõng toàn nước. Gạo trong nhà chỉ đủ cho 2 ngày ăn, bữa ăn hằng ngày còn lại là rau và măng rừng không có mắm, muối, gia vị. Sống ở giữa "rốn nghèo", gia đình ông Cao Chờn ở bản Ón, một trong ba bản (bản Ón, bản Yên Hợp, bản Mò O Ồ Ồ) của đồng bào người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, những ngày này đang bị cô lập giữa núi rừng bạt ngàn bởi con đường vào bản đã bị ngập sâu gần 5m, chạy dài gần 2km.
Đường vào nhà người từng "ăn hang ở lỗ" Cao Chờn, từ xã Thượng Hóa vào bản Ón phải ngồi 2 lần đò.
Hết chuyến đò, con đường vào gần 7km dốc khúc khuỷu, hai bên sừng sững vách đá.
Mặt đường nhấp nhô những tảng đá, sỏi, suốt chặng đường vào là những hình ảnh cây rừng, cột điện đổ sập chắn ngang.
Ông Cao Chờn sống với hai vợ chồng người con trai và đứa cháu tại một căn nhà được Nhà nước hỗ trợ xây từ năm 2002.
Là một trong 65 hộ nghèo trên tổng số 70 hộ của bản Ón, mỗi tháng gia đình ông Cao Chờn vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Gạo trong nhà chỉ đủ cho 2 ngày ăn, những bữa ăn hằng ngày còn lại là rau và măng rừng không có mắm, muối, gia vị.
Bát cơm trắng lõng bõng toàn nước, người con dâu Cao Thị Kèm xúc từng thìa bón cho đứa con chưa đầy 2 tuổi Cao Thị Thang ăn cho qua bữa trưa.
Nồi măng rừng sau khi thái mỏng, cho vào nồi cùng một chút nước, không có gia vị, được nấu chín để chuẩn bị cho bữa tối của gia đình.
Một góc nơi sinh hoạt ngủ-nghỉ trong ngôi nhà của gia đình ông Cao Chờn.
Trong nhà chỉ có 2 chiếc "giường" được kê bằng những tấm ván gỗ.
Cuộc sống của gia đình ông Cao Chờn chủ yếu là tự cung, tự cấp trồng cây ngô, cây sắn... và sống dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân ở khắp mọi nơi.
Tộc người Rục được bộ đội biên phòng phát hiện vào tháng 5/1959. Khi đó, họ chuyên sống trong các hang đá, kiếm ăn như người nguyên thủy.
Hiện nay, đồng bào người Rục có hơn 600 người, được định cư tại huyện Minh Hóa, xã Thượng Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn do vẫn quen khai thác chủ yếu từ tự nhiên.
Theo Lao động
Kiệt tác giữa núi rừng Thuỷ điện Bản Vẽ nằm sâu bên những thác nước của dòng sông Nậm Nơm huyền thoại. Phía trên là những cánh rừng già với mây trời bao phủ tạo cho Bản Vẽ một khung cảnh huyền bí. Sự hùng vĩ của thiên nhiên đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm Bản Vẽ. Ảnh: Internet Thuỷ điện Bản Vẽ thuộc...