Những người đàn bà bỗng dưng biến mất
Những người đàn bà đã có chồng con đề huề, thậm chí có tới 6-7 đứa con, bỗng dưng biến mất khỏi bản làng. Họ nỡ dứt tình chồng, nghĩa vợ, bỏ xứ khi đã có tuổi, để đi tìm một “thiên đường” trong tưởng tượng.
Người đàn ông uống rượu chờ vợ bên sông Hồng
Ngày nào ông Giàng A Máo (55 tuổi, ở bản Tân Giang, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát) cũng dậy từ khá sớm. Đồng bào Mông nơi đây thường dậy từ khi con gà chưa cất tiếng gáy để lên nương, bởi vì ruộng nương thường cách nơi ở vài tiếng đi bộ. Tuy nhiên, ông Máo dậy sớm không phải để lên nương, mà để ngóng về phía con đường mòn như sợi chão vắt chùng chình lưng chừng núi nơi đầu nguồn sông Hồng.
Nằm trong giường không ngủ được, ê ẩm cả lưng, nên ông mò dậy. Vừa ngóng vợ, vừa uống rượu. Ông ngóng vợ đã gần một năm nay và uống hết vài trăm lít rượu, mà vẫn chẳng thấy người vợ đầu ấp tay gối mấy chục năm trở về.
Từ ngày vợ bỏ ông và đàn con đi biệt, ông chẳng còn thiết làm gì nữa. Chỉ có bát măng ngâm ớt, vài quả sung, mà ngày nào ông cũng say lử đử. Con cái ông đã lớn, chủ động lên nương làm rẫy. Đám con biết bố buồn, bố nhớ mẹ, như con chim nhớ tổ, nên không làm phiền bố, cứ mặc bố say, bởi chúng biết rằng, chỉ có rượu mới giúp bố quên đi nỗi buồn.
Vợ ông, bà Vừ A Say (48 tuổi), đã bỏ nhà ra đi đúng ngày mùng 9 Tết (ông Máo vẫn nhớ rõ đó là ngày 22/2/2010), khi mà bản làng vẫn còn say sưa với những lời chúc tụng, những chén rượu đầu xuân.
Sự vất vả đã khiến những người đàn bà bỏ chồng, con đi tìm cuộc sống khác?
Sau khi đi nhậu hàng xóm về, ông lăn ra ngủ một mạch đến sớm hôm sau. Tỉnh dậy, không thấy người vợ tảo tần vẫn dậy sớm nấu ăn đâu cả. Ông vào buồng, thấy hòm quần áo của vợ trống trơn, trên móc, ngoài dây phơi cũng chẳng còn chiếc váy nào. Ông lờ mờ nhận ra vấn đề, ông bần thần như người mất hồn. Chẳng lẽ vợ mình, người đàn bà đã có tới 7 đứa con, da dẻ đã nhăn nhúm, cũng như vợ mấy em, mấy cháu hàng xóm, đã bỏ chồng, bỏ con đi tìm cuộc sống mới ở xứ người?
Ông Máo không muốn tin điều đó. Ông và vợ thuộc lớp thế hệ trước, coi chuyện yêu đương, hôn nhân rất hệ trọng, đâu thể vì chút nghèo đói mà dứt tình, dứt nghĩa được. Nhưng sự thực là như vậy. Bởi đã gần 1 năm trôi qua, vợ ông vẫn bặt bóng chim tăm cá.
Nhiều đứa trẻ ở Cốc Mỳ bỗng dưng mất mẹ
Bỏ chồng, dẫn con đi biệt tích
Video đang HOT
Rời bản Tân Giang với người đàn ông say ngất ngưởng bên sông Hồng, tôi cùng Trưởng Công an xã Vũ Hồng Sơn tìm đến nhà anh Tráng A Giấy ở bản Sơn Hà. Cái bản nằm chênh vênh bên sườn núi này cũng phủ đầy nỗi đau chia ly của loài hoa dín tơ trong kẽ đá. Trong tôi vang lên mấy câu hát trong bài kèn lá của đôi trai gái Mông tán tỉnh nhau: “Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên vách đá/ Ta yêu em ta chẳng có lòng gần/ Em ơi, hoa dín tơ nở hồng trên núi cao/ Ta yêu em ta chẳng có lòng xa”. Loài dín tơ, biểu tượng cho tình yêu đẹp của đồng bào Mông, dường như mang nỗi buồn chia ly nơi góc núi này.
Mất vợ, anh Giấy một mình nuôi con
Trước mặt tôi, trong ngôi nhà tồi tàn, nền đất ẩm ướt, bốc mùi hôi mốc, là người đàn ông gầy còm, đôi mắt trũng sâu, lờ đờ của người say rượu. Nhắc đến người vợ, đôi mắt anh Giấy ngấn lệ.
Anh bảo, tính đến nay, vợ anh, chị Già Thị Giấy (trùng tên với chồng), đã bỏ nhà đi được tròn một tháng. Một tháng ấy, anh Giấy uống rượu thay cơm. Càng nhớ vợ, càng buồn, càng tủi, càng say.
Giấy có một tình yêu rất đẹp với vợ. Để chiếm được trái tim của vợ, đêm nào Giấy cũng cuốc bộ nửa ngày trời tìm đến bản xa, rồi đứng bên trái nhà thổi kèn lá tỏ tình đến quá nửa đêm. Thổi kèn đến mềm môi, Giấy lại cuốc bộ về nhà vừa lúc trời sáng. Tỏ tình bằng những chiếc lá suốt một năm trời, trái tim cô Giấy mới tan chảy. Buổi “cướp vợ” chỉ còn là thủ tục của đôi lứa yêu nhau.
Người đàn bà này đã “mất” 3 người con gái
Nhưng không ngờ, mối tình đẹp, đậm sâu như vậy, mà bỗng một ngày tan nhanh nhanh như gió núi. Người vợ tảo tần đã mang theo đứa con gái lớn 14 tuổi đi biệt tăm. Giờ, trong căn nhà trống hoác, chỉ còn lại mình Giấy với cậu con trai Tráng A Xé 10 tuổi đầu. Cả tháng nay, đêm nào thằng Xé cũng giật mình thon thót, rồi khóc lóc đòi mẹ.
Hàng ngày, anh Giấy vùi nỗi nhớ vợ trong chén rượu, nhưng cơn say không thể nào lấp được nỗi lo. Anh lo cho cô con gái nhỏ bé của mình. Mẹ nó lấy được người tử tế, thì con được nhờ, chứ lạc vào hang hùm miệng sói, thì số phận con bé cũng không thể nào biết trước được.
Bản Sơn Hà, nơi hàng loạt phụ nữ mất tích
Ngay cạnh nhà Giấy, là nhà Lầu A Páo. Căn nhà này cũng cô đơn, trống trải, vì người vợ của Páo là Sùng Thị Mẩy (44 tuổi), đã dẫn con gái bỏ nhà gần 2 tháng nay. Một mình anh Páo nuôi 2 đứa con nhỏ, lo việc nương rẫy, lại say sưa liên miên cùng mấy ông mất vợ trong bản, đã khiến anh suy sụp, mang khuôn mặt già gấp rưỡi tuổi 47 của mình.
Trưởng Công an xã Vũ Hồng Sơn đứng trên mỏm núi, chỉ: “Nhà này, nhà kia, nhà đó… đều mất vợ rồi”. Cứ theo chỉ tay của anh Sơn, có lẽ, bản Sơn Hà đã mất tích phân nửa đàn bà.
Cốc Mỳ và Trịnh Tường là hai xã có nhiều phụ nữ bỏ nhà đi biệt tích nhất tỉnh Lào Cai. Theo phán đoán, họ đều bỏ sang Trung Quốc lấy chồng. Ông Đặng Đức Cần, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết: Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng từ đầu năm đến nay, xã có trên dưới 30 trường hợp phụ nữ bỏ nhà đi mất. Năm 2009, Cốc Mỳ cũng có gần 30 trường hợp phụ nữ bỏ nhà, mà theo đồn đại, tất cả đều trốn sang Trung Quốc lấy chồng. Tình trạng này ở xã Trịnh Tường ít hơn, song từ năm 2008 đến nay, cũng có 40 phụ nữ mất tích.
Theo VTC
Cầm đồ thuốc độc: Nghi là... giết
Một khi đã bị nghi ngờ có "cầm đồ thuốc độc" đại đa số xem như cầm cái chết trong tay, còn may mắn thì bị đánh cho thân tàn ma dại. Sau đó muốn sống yên ổn chỉ còn nước rời bỏ bản làng trốn đi nơi khác...
Người "cầm đồ thuốc độc" làm cho kẻ khác chết thì lâu nay không ai thấy, mà chỉ thấy những ai bị nghi có "đồ thuốc độc" bị dân làng đánh, giết dã man.
Nghi là giết
Vào ngày 25-9-2010, nghi ngờ là người có "đồ thuốc độc", ông Đinh Văn Nên (60 tuổi), ở xóm Kà Tu, thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà bị 4 thanh niên cùng xóm, gồm: Đinh Văn Trĩu (31 tuổi), Đinh Văn Tranh (31 tuổi), Đinh Văn Tiên (17 tuổi) và Đinh Văn Hiền (17 tuổi) xông vào dùng gậy đập túi bụi vào đầu, vào người. Đến khi ông Nên nằm gục xuống, cả bọn lấy thuốc rầy đổ lên người ông để "ngụy trang" rồi bỏ đi.
Bốn đối tượng giết già Nên (từ trái sang): Đinh Văn Tranh, Đinh Văn Trĩu, Đinh Văn Hiền và Đinh Văn Tiên
Sáng hôm sau, con ông Nên là Đinh Văn Khăn, đang sinh sống tại huyện Minh Long về thăm nhà mới thấy cha mình nằm chết. Ban đầu do ngửi thấy mùi thuốc diệt rầy, ông Khăn nghĩ cha mình tự tử. Thế nhưng khi Công an huyện Sơn Hà vào cuộc thì sự thật mới được làm sáng tỏ.
Ông Nguyễn Ích Long - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy trầm ngâm: "Việc ông Nên bị người dân trong làng nghi có "đồ thuốc độc" đã xuất hiện từ lâu. Nguyên do là họ thấy ông Nên ngày thì uống rượu, ban đêm đi lang thang và nói lung tung với thái độ không sợ ai cả. Người dân ở đây cho rằng, chỉ những người có "đồ thuốc độc" mới như vậy".
Trước đó, đầu tháng 8-2005 cũng vì nghi anh Phạm Văn Dai ở thôn Đồng Lau, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, có "đồ thuốc độc" nên khi anh sang làng Bãi Lế ăn đám cúng ma đã bị một nhóm thanh niên dùng đá đập chết và kéo xác bỏ xuống sông Liên.
Không chỉ là hàng xóm, láng giềng, nhiều vụ là người thân, anh em nghi có "đồ thuốc độc" cũng bị đánh tơi tả. Ông Đinh Văn Nhoè - Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà cho biết: 5/8 thanh niên tham gia đánh chết ông Đinh Hà Roan, 50 tuổi, ở thôn Làng Riềng là cháu kêu nạn nhân bằng chú và cậu ruột.
Tương tự tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ vào khoảng năm 2003, khi bị người làng nghi có "đồ thuốc độc", bà Phạm Thị Rối (54 tuổi), bị đám con cháu trong nhà lôi ra đánh đập một cách tàn nhẫn, rất may chính quyền can thiệp kịp thời. Thế nhưng từ đó bà Rối không dám ở lại làng nữa mà bỏ vào rừng sống thui thủi một mình cho đến khi mất.
"Tiền mất, tật vẫn mang"
Dù sự việc đã trôi qua 5 năm, thế nhưng ông Phạm Văn Chốt (59 tuổi), ở thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ vẫn còn nhớ như in vụ việc đã xảy ra với mình. Đó là vào khoảng đầu tháng 8-2005, bỗng nhiên Phạm Văn Chiến và Phạm Văn Thọ là 2 thanh niên khoẻ mạnh trong làng, bỗng lăn đùng đổ bệnh.
Dù đã chạy chữa nhưng bệnh không dứt, Chiến và Thọ nghi ông Chốt bỏ "đồ thuốc độc" cho mình. Để chắc ăn, Thọ và Chiến bán 1 con trâu đi lấy tiền mời pa dâu (thầy bói), thầy cúng về trừ độc.
Sau khi xem qua một lượt, pa dâu Phạm Văn Bách (Mộ Đức) phán: Thằng Chiến với thằng Thọ muốn hết bệnh thì lo tiền tao cúng giải bệnh cho. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng Chiến cũng cố chạy vạy được 2,8 triệu đồng, cùng 800.000 đồng Thọ vay được, cả 2 đưa cho pa dâu Bách. Ngoài 2 nạn nhân trên, pa dâu Bách còn mò đến tận nhà ông Chốt đòi 1 triệu đồng.
Phần lo sợ và cũng muốn chứng minh với dân làng là mình không có "đồ thuốc độc", ông Chốt vội vã mượn đủ số tiền theo yêu cầu. Tiền đã nhận đủ, nhưng pa dâu Bách vẫn không thể chỉ được ra địa điểm có "đồ thuốc độc"; còn bệnh của Thọ và Chiến cũng không thuyên giảm.
Chỉ đến khi công an huyện vào cuộc, Pa dâu Bách mới thú nhận mọi việc. " Nhờ vậy mà nỗi oan có "đồ thuốc độc" mới được giải, nếu không có lẽ giờ đây mình đã bị người dân trong làng đánh chết rồi" - ông Chốt tâm sự.
Đang yên lành thì vào đầu năm 2007, người dân xóm Ruộng Chanh, thôn Làng Rí, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà bỗng nhiên sống trong cảnh dè dặt, lo lắng, nghi kỵ lẫn nhau trước thông tin: Làng đã bị bỏ "đồ thuốc độc", nên phải tìm người để giải độc. Và người được "chọn mặt gửi vàng" chính là thầy cúng Đinh Mắt, vốn lâu nay nổi tiếng khắp làng.
Sau khi xem xong, thầy Mắt hướng dẫn người dân thôn Làng Rí đến mời thầy cúng Đinh Thị Miết, ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Linh và cả thầy Chiếc, thầy Thăm... về chỉ nơi giấu "đồ thuốc độc" để đào lên giải độc. Thế là người bán trâu, kẻ bán bò, có người bán cả rẫy keo non... lấy tiền rước thầy về cúng giải độc cho mình. Khi nghe tin, Công an huyện Sơn Hà đã vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc.
Theo đó, vào tháng 10-2004, khi Mắt bị đau thần kinh toạ, được ông Đinh Trí (SN 1950), người cùng thôn giới thiệu đến bà Đinh Thị Miết để chữa bệnh, bằng cách xoa bóp, cho uống thuốc nam, với giá 100.000 đồng/tuần. Thế nhưng vài tuần sau, bỗng nhiên thầy Miết "tốt bụng" nói với ông Mắt rằng: Khi nào bớt bệnh sẽ lấy tiền luôn một lần.
Có điều mà ông Mắt không thể ngờ được là thầy Miết đã câu kết với 2 đối tượng Đinh Vì (SN 1930) và Đinh Chiếc, cùng ở xóm Chanh để lừa ông Mắt. Theo đó, 2 đối tượng trên chôn các túi "đồ", gồm: Xương heo, mẻ chén, lông gia súc... vào ruộng, nơi gần mồ mả người thân ông Mắt.
Sau đó, thầy Miết đến và phán rằng: Bị đau do bị "cầm thuốc độc". Thế là ông Mắt rơi vào "bẫy", nhờ thầy Miết tìm "đồ" giải "độc" giùm. Cứ thế mỗi túi đồ được tìm thấy, thầy Miết lấy 100.000 đồng. Tuy nhiên đến lần thứ 6 thì Đinh Vì tự thú và rủ nạn nhân cùng tham gia vào hội của mình.
Không chỉ là hàng xóm láng giềng, mà cả cán bộ, đảng viên, thậm chí người thân trong gia đình, một khi đã bị tình nghi có "đồ thuốc độc" cũng không thoát những trận đòn dã man, mất mạng.
Theo Dân Việt
Sa chân vào chốn địa ngục Sau cuộc ngã giá chóng vánh, cuộc sống khổ ải của những thanh niên Pakô bắt đầu Sau những cuộc ngã giá chóng vánh, nhiều lao động đã bị lừa đưa đến rừng sâu núi thẳm, bị đày đọa trong những trại lao động khổ ải không biết ngày về. Những câu chuyện về một kiểu mua bán lao động dã tâm đang...