Những người con Nghệ An kỷ niệm sinh nhật Bác tại Thủ đô
Ngày 18/5, tại Hà Nội, Hội đồng hương Nam Đàn – Nghệ An gồm đại diện các tầng lớp trí thức, công nhân, con cháu nhiều thế hệ quê hương Bác Hồ đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoà chung các hoạt động nhân kỷ niệm124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2014), ngày 18/5, Hội đồng hương Nghệ An và BCH Hội đồng hương Nam Đàn đã long trọng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao vĩ đại của vị Lãnh tụ tài ba Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Mạnh Cầm – phát biểu tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Người.
Dự lễ kỷ niệm có ông Nguyễn Mạnh Cầm – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội TW Hội Khuyến học VN, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tư Lệnh Quân khu 4; ông Tạ Quang Ngọc – nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản; cùng nhiều con cháu đại diện các thế hệ trí thức, công nhân… được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Nam Đàn – Nghệ An.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm đã bày tỏ sự tri ân sâu sắc với những thành quả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu dành cho nhân dân các dân tộc Việt Nam nói chung và người dân quê hương Nghệ An nói riêng.
Qua đó, Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm đã ghi nhận tinh thần đoàn kết, cố gắng học hỏi, tương trợ lẫn nhau của các tầng lớp, nhiều thế hệ con cháu quê hương Bác đang sinh sống, học tập và làm việc tại Thủ đô. Đây chính là dịp để con cháu quê hương Bác Hồ ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc và không ngừng học hỏi để cùng nhau phấn đấu học tập, vươn lên nhằm góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm ngày sinh nhật Bác
Video đang HOT
Báo cáo lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp này, Đại tá Trần Thanh – Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Nam Đàn – khẳng định, những người con quê hương Bác tại Thủ đô luôn luôn gắn kết với nhau chặt chẽ bằng tình yêu nước, yêu quê hương nồng ấm. Theo đó, các thành viên trong Hội đồng hương Nam Đàn vẫn thường xuyên duy trì sự đoàn kết, thăm hỏi và động viên nhau trong cuộc sống để giúp đỡ nhau vươn lên trong học tập, cuộc sống.
Ông Thanh cho biết, tính đến nay Hội đồng hương đã hoạt động tích cực và có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài nhằm phát huy truyền thống hiếu học của con người xứ Nghệ; nhiều xã tại huyện Nam Đàn đã xây dựng được quỹ khuyến học bền vững. Cùng đó, năm 2013, Hội đồng hương các đã tham gia tích cực để góp phần gây dựng lại các giá trị văn hoá vốn có ở quê nhà.
Đại tá Trần Thanh – Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Nam Đàn – khẳng định: “Vào thời điểm này, Trung quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam. Là con cháu của một Danh nhân văn hoá thế giới, Hội đồng hương Nam Đàn luôn thể hiện thái độ bình tĩnh, văn minh và đúng pháp luật trong ứng xử; kiên định lập trường, quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam thiêng liêng. Chúng tôi đồng lòng cùng người dân cả nước phản đối hành động sai trái của Trung Quốc và kiên quyết yêu cầu Trung quốc rút giàn khoan khỏi lãnh hải Việt Nam”.
Quốc Cường
Theo Dantri
Gặp người hai lần vinh dự được bảo vệ Bác Hồ
Trung tá Nguyễn Bình (sinh 1928, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) từng vinh dự hai lần được bảo vệ Bác Hồ.
Chúng tôi đến nhà trung tá Nguyễn Bình vào một ngày giữa tháng 5 trong cái nắng chói chang của mùa hè. Nhắc đến Bác Hồ, những kỷ niệm về hai lần được bảo vệ Bác Hồ lại ùa về trong ông.
Ông kể, ông sinh ra ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Chứng kiến cảnh quê hương bị giặc Pháp xâm lược, 19 tuổi chàng trai Nguyễn Bình hăng hái lên đường làm nhiệm vụ. Ban đầu ông tham gia bộ đội của tỉnh rồi chuyển qua Sư đoàn 32 tham gia chiến dịch Trung du năm 1951.
Ông Bình kể lại chuyện hai lần bảo vệ Bác Hồ
Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, ông là chính trị viên đại đội cao xạ pháo của Đại đoàn 312. Nhiệm vụ đầu tiên của đại đội ông là án ngữ ở Âu Lâu - Yên Bái để bảo vệ cái phà qua sông từ thị xã Yên Bái sang Âu Lâu tiến vào Điện Biên. Đại đoàn 312 của ông cũng là đại đoàn đầu tiên tiêu diệt cứ điểm Him Lam bắt sống và tiêu diệt 500 tên địch.
Năm 1959 ông được chuyển về Tổng cục Chính trị học lớp bảo vệ lãnh tụ một năm. Năm 1960 ông được điều về Bộ tư lệnh hải quân có nhiệm vụ bảo vệ các đoàn công tác của Chính phủ.
Hai lần bảo vệ Bác Hồ là những kỷ niệm sâu sắc thêm ông suốt cuộc đời
Lần thứ nhất ông vinh dự được gặp Bác Hồ đó là vào năm 1960. Năm đó, Đại hội Đảng lần thứ 3 có đoàn đại biểu cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc do bà Đặng Dĩnh Siêu - vợ của thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu tham dự. Nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Trung, cũng như muốn tỏ rõ tấm chân tình của mình, sau khi Đại hội Đảng kết thúc, Bác Hồ đã mời bà Siêu đi tham quan Vịnh Hạ Long trên con tàu du lịch Hải Lâm.
"Lúc bấy giờ, việc bảo vệ Bác Hồ và đoàn được chuẩn bị chu đáo và rất cẩn thận. Danh sách những người tham gia bảo vệ Bác đều phải thông qua Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn. Tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác và đoàn đi trên tàu Hải Lâm. Trước tàu Hải Lâm có một tàu đi bảo vệ trước và sau tàu Hải Lâm cũng có một tàu bảo vệ", ông Bình nhớ lại.
Lần đầu tiên được vinh dự bảo vệ Bác Hồ, ông Bình rất vui mừng và hạnh phúc nhưng cũng không khỏi lo lắng bởi đây là thời điểm rất nguy hiểm, địch đang ráo riết tăng cường đánh phá miền Nam và luôn sẵn sàng leo thang gây hấn ra miền Bắc. Trong khi đó đường từ Hải Phòng đến Quảng Ninh đi tàu cũng mất nhiều thời gian nên mọi việc phải đặc biệt cẩn trọng và nhiệm vụ càng nặng nề hơn.
Bác Hồ và bà Đặng Dĩnh Siêu chụp hình với các sĩ quan hải quân (trong đó có ông Bình) trong chuyến thăm quan vịnh Hạ Long năm 1960
Trong chuyến đi này, ông Bình không khỏi xúc động khi được Bác Hồ hỏi thăm về tình hình sức khỏe, việc ăn uống hàng ngày cũng như hoàn cảnh gia đình. Chuyến bảo vệ Bác Hồ trở thành một kỷ niệm sâu sắc trong đời ông.
Lần thứ hai ông lại được vinh dự bảo vệ Bác Hồ đó là trong chuyến Bác Hồ mời ông German Titov (Liên Xô) - nhà du hành vũ trụ thứ 2 thế giới đến tham quan Vịnh Hạ Long vào năm 1961.
Trên đường ra vịnh Hạ Long, xuất hiện một cồn cát, bất ngờ ông Titov đề nghị Bác Hồ cho ông và những người Liên Xô trên con tàu được xuống đây tắm. Bác Hồ đồng ý và yêu cầu anh em hạ xuồng để cho ông Titov vào tắm vì từ tàu Hải Lâm đến cồn cát đó rất xa. Sau này, cồn cát đó được đặt tên là đảo Titov.
Ông Bình (đội mũ - phía sau lưng Bác Hồ) chụp hình với Bác Hồ và ông German Titov
Sau khi tham quan Hạ Long, Bác Hồ cùng đoàn trở lại Hà Nội. Biết lịch trình của Bác nên tỉnh ủy Quảng Ninh và nhiều người dân đã ra đón Bác. Họ mang theo hai bó hoa: một bó hoa tặng Bác Hồ, một bó hoa tặng ông Titov.
"Thật bất ngờ, sau khi nhận xong bó hoa, giữa bao nhiêu là sĩ quan như thế, Bác Hồ đi lại chỗ tôi và tặng lại cho tôi bó hoa. Thấy Bác Hồ tặng hoa cho tôi, ông Titov cũng đến tặng tôi bó hoa trên tay ông", ông Bình xúc động.
Những lần được bảo vệ Bác Hồ trở thành những kỷ niệm sâu sắc cũng như niềm tự hào theo suốt ông cả cuộc đời. Sau khi Bác Hồ mất, ông được lệnh vào miền Nam đánh Mỹ. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được điều về quân khu 5. Năm 1994 ông về hưu với cấp bậc trung tá.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Về nơi Bác viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" Nằm trong ngôi làng cổ ven bờ sông Nhuệ (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội), Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày này đón nhiều đoàn khách tới tưởng niệm, báo công với Bác. Chính tại căn nhà này, ngày 18 - 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng mở rộng,...