Những người có ‘mắt’ trên đôi tay
Lớp học massage này không có sách vở hay giáo trình. Chỉ nghe thấy tiếng giảng bài của giáo viên, và học viên lưu lại kiến thức bằng chức năng ghi âm của những chiếc điện thoại – đôi lúc được treo hẳn trên tai cho tiện.
Lớp học massage – bấm huyệt dành cho người mù được tổ chức ở chùa Kỳ Quang II, quận Gò Vấp, TP HCM đã 12 năm nay.
Vốn là nơi nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi, khuyết tật, ban lãnh đạo chùa rất quan tâm đến việc hướng nghiệp cho các em. Nhận thấy nghề massage là một công việc thích hợp đối với người mù, chùa Kỳ Quang quyết định kết hợp với Viện Y Dược học dân tộc TP HCM mở lớp dạy miễn phí.
Các học viên đặc biệt chăm chú thực hành trong lớp học massage. Ảnh: Xuân Hường.
Thầy Võ Quang Hai, phụ trách giáo dục tại chùa cho biết, lớp học năm nay quy tụ gần 60 người mù từ khắp nơi. Họ được các giáo viên của Viện Y Dược học dân tộc hướng dẫn trong 2 tháng, sau đó, các học viên sẽ thi kết khóa, nếu đạt yêu cầu sẽ được Viện cấp chứng chỉ hành nghề massage.
Ông Nguyễn Văn Minh (Quận 12, TP HCM) là một trong 58 học viên của khóa học năm nay. Mỗi tuần, cứ vào ngày thứ 3, thứ 5, ông lại đón xe buýt đến chùa học massage. Mong muốn của người đàn ông ngoài 40 tuổi này là sớm lấy được chứng chỉ hành nghề để có thể làm việc kiếm tiền.
Giống như ông Minh, chị Thu Sương và mấy người bạn ở Vũng Tàu nghe tiếng lớp học cũng quyết tâm khăn gói xuống Sài Gòn học massage để về quê tìm việc.
Các học viên đến đây được lo ăn bữa trưa và nghỉ trưa tại chùa. Những người từ xa đến như chị Sương còn được chùa cho tạm trú cho đến khi học xong.
Một ngày học 2 buổi, sáng học massage, chiều học Đông y. Giờ lý thuyết, 60 học viên ngồi thành hàng ngay ngắn giữa “lớp học” – là sảnh cầu nguyện của các Phật tử – và thầy giáo bắt đầu giảng về các huyệt và công dụng của huyệt trên cơ thể.
Không sách vở, không bút thước, dụng cụ để ghi nhớ của các học viên đặc biệt này là những chiếc điện thoại có thể ghi âm, máy ghi âm và bảng ký hiệu chữ nổi. Mỗi lần giáo viên ngừng giảng, lại có gần 10 cánh tay mạnh dạn giơ lên với cùng một yêu cầu “Nhờ thầy nói lại một lần nữa cho rõ”.
Một học viên treo điện thoại lên tai để tiện ghi âm bài giảng. Ảnh: Xuân Hường.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Việt Ngà, giáo viên massage của Viện Y dược học dân tộc cho biết, dạy massage cho người bình thường đã không đơn giản, đối với người mù lại khó gấp đôi, vì họ mất hẳn một kênh tiếp nhận qua hình ảnh/chữ viết.
“Giảng bài cho người mù phải chú ý dùng từ thật cụ thể, đơn giản, kết hợp với việc hướng dẫn tận tay từng động tác. Lúc đầu sẽ rất mất thời gian, nhưng khi đã nhớ, họ sẽ nhớ rất lâu. Hơn nữa, người khiếm thị khi massage sẽ tạo cảm giác gấp đôi người bình thường, vì họ hoàn toàn tập trung vào công việc của mình, và đôi mắt của họ nằm ở chính các ngón tay”, bà Ngà cho biết.
Cầm tay hướng dẫn trực tiếp để các học viên dễ tiếp thu. Ảnh: Xuân Hường.
Giờ thực hành, lớp chia thành từng cặp để thực hành với nhau. Một người nằm trên chiếu đóng vai khách, người kia làm nhân viên massage. Khi giáo viên nói đến đâu, học viên sẽ làm theo đến đó. Thường thì vào những giờ này lớp học sinh động hẳn lên, ngoài giáo viên cần thêm 4 – 5 tình nguyện viên để hướng dẫn tận tay từng người.
Vì thực hành không dùng mắt, nên đôi khi các học viên nhầm lẫn khiến cho người đóng vai được massage la lên vì đau. Theo các giáo viên, để học viên nhớ lâu, một động tác phải thực hiện ít nhất là 10 lần, tiếng la hét cũng bớt dần khi các học viên đã thuộc bài và làm thuần thục.
Chùa Kỳ Quang cũng là địa chỉ giới thiệu lao động uy tín cho các cơ sở massage tại khu vực lân cận. Theo quy định của chùa, những chủ cơ sở muốn tuyển nhân viên sẽ đến trực tiếp lớp và giới thiệu công khai về yêu cầu, điều kiện làm việc tại cơ sở mình.
“Tôi yêu cầu việc này là vì khi về làm việc, các em sẽ sống luôn tại đó. Vì vậy, các em rất cần được biết rõ về người chủ và nơi mình sẽ sống sau này. Việc này sẽ bảo đảm an toàn và quyền lợi của các em”, thầy Quang Hai, phụ trách lớp cho biết.
Trần Thanh Sang (21 tuổi, Đồng Tháp) vừa tốt nghiệp khóa học năm ngoái, giờ đã trở thành nhân viên massage tại quận Bình Thạnh. “Ở đó, tôi sống chung với gia đình người chủ và được trả 20.000 đồng mỗi lần massage. Cảm giác có thể tự làm ra tiền, thấy thích lắm!”, Sang chia sẻ.
Cũng như Sang, từ lớp học miễn phí này, hàng trăm người khiếm thị đã đường hoàng trở thành những nhân viên massage, tự làm việc nuôi sống bản thân mình một cách đầy tự hào.
Theo VNExpress
Đến quê lúa, cho người mù "đụng chạm cơ thể"
Không phòng tối - đèn mờ, chỉ có những đôi bàn tay tài hoa lướt trên lưng, trên cổ... tẩm quất thực sự cho khách.
Câu chuyện mang tên "số phận.
Đến Thái Bình, anh bạn đồng niên rủ: "Ông đi tẩm quất thực sự không?". Ô hay, lại còn phải thêm chữ "thực sự" vào nữa, rõ cái nghề đụng chạm cơ thể này bị biến tướng quá nhiều rồi, nên nói bình thường dễ bị hiểu sang nghĩa khác.
Chúng tôi đi dọc đường Trần Thánh Tông, ven con sông đào, ở bờ đối diện là trường Đại học Y Thái Bình. Anh bạn dừng xe trước tấm biển "Tẩm quất cổ truyền, giác hơi", hóa ra đây là cơ sở thuộc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và dịch vụ tẩm quất cổ truyền (thuộc Hội người mù tỉnh Thái Bình).
Một nữ kỹ thuật viên khiếm thị đang tẩm quất cho khách
Tuyệt nhiên không có buồng tối, đèn mờ và các em gái "mắt xanh, môi đỏ". Vào cửa, bên tay phải là tấm bảng ghi giá vé. Rẻ quá, ở cái thời buổi mà vàng phi mã lên đến 45-46 triệu đồng/lượng này mà giá tẩm quất ở đây chỉ có 35.000đ/1h- 55.000đ/1h30, thích giác hơi thì trả thêm 10.000đ.
Đi tẩm quất nhưng có người... bán phiếu. Khách trả tiền tại bàn tầng 1, rồi lên phòng tầng 2, kỹ thuật viên sẽ đi lên sau. Tôi nhẩn nha đi theo chiếc cầu thang lộ thiên, vừa đúng lúc có tiếng chân chạy huỳnh huỳnh ngay sau lưng. Ngoái lại thấy một thanh niên ngoài 30 tuổi, đang nhảy 3 bậc một lên tầng nhanh hơn người sáng mắt. Hoá ra đấy chính là kỹ thuật viên của tôi, anh tên Chính.
Anh Chính là 1 trong số 14 kỹ thuật viên của cơ sở tẩm quất này, vào làm ở đây từ năm 2004 nên mọi ngóc ngách trong trung tâm anh thuộc hơn lòng bàn tay, đi không bao giờ vấp. Chính không phải một người mù bẩm sinh, anh kể về tai nạn đời mình: Năm 1989, khi đó tôi là một cậu bé 13 tuổi. Một lần ngồi đập đá cùng đám bạn, tôi bị một mảnh vụn văng vào mắt. Ban đầu thấy cộm và rát, tuy nhiên chỉ một lúc là hết nên chủ quan, về nhà tôi còn nhảy xuống ao bơi, thành ra bị nhiễm trùng.
Từ một mắt, vi trùng nhiễm khuẩn lan sang cả hai mắt, sưng đỏ tấy lên. Đến lúc này người nhà phát hiện ra mới vội vàng đưa cậu bé 13 tuổi lên bệnh viện huyện, tuy nhiên mọi việc đã quá muộn. Đầu tiên nhãn cầu mắt bên bị đá vụn văng vào phải múc bỏ và cho đến khi các bác sĩ tiêm kháng sinh chống được nhiễm trùng hoàn toàn thì mắt thứ hai cũng không còn trông thấy gì.
Kể từ đó cậu bé Chính bắt đầu một cuộc sống khác, không ánh sáng. Ngay kể cả đi giữa trưa hè nắng gắt, anh cũng chỉ cảm nhận thấy một nguồn sáng yếu, đủ để phân biệt giữa ban ngày và ban đêm. Trải qua rất nhiều nghề như: làm chổi đót, chuốt tăm, làm hương... cuối cùng anh Chính trụ lại với nghề tẩm quất cổ truyền này.
Những đôi bàn tay tài hoa
14 kỹ thuật viên ở cở sở Tẩm quất cổ truyền, giác hơi này là 14 số phận khác nhau, nhưng có một điểm chung- họ đều có những đôi bàn tay tài hoa. Ông trời thường không lấy đi của ai tất cả, tuy không còn quan sát được nhưng bù lại, người khiếm thị sở hữu đôi tay nhanh nhẹn, khéo léo như có mắt.
Khu nhà ở của các kỹ thuật viên (ảnh trên). Anh Chính đang tẩm quất cho
khách, đây đã là năm thứ 7 anh làm tại cơ sở này.
Anh Chính và các đồng nghiệp được học nghề từ 3-6 tháng (tùy khả năng tiếp thu của từng học viên), sau đó trở thành kỹ thuật viên. Vào mùa hè, mỗi ngày trung bình có 4-5 khách, mùa đông trời lạnh thì chỉ còn phân nửa. Trung tâm cho kỹ thuật viên được hưởng 14.000đ/35.000đ/ca, (số tiền còn lại để trang trải các chi phí điện, nước...), chia trung bình lương của mỗi người cũng được vào khoảng từ 1,3-1,5 triệu đồng/tháng. Tuy mức thu nhập này chưa cao, song bù lại, không phải đi bán rong ngoài đường, đối mặt với nhiều rủi ro.
"Cứ 10 khách vào tẩm quất thì có tới 9 người là nam giới, chỉ duy nhất 1 người là phụ nữ. Nam giới đến đây tẩm quất là đi thư giãn theo thói quen, còn chị em chỉ khi nào người mỏi mệt, đau nhức mới tìm đến, như đi trị liệu massage vậy"- anh Chính rút tỉa kinh nghiệm sau gần 10 năm theo nghề.
Một phòng tẩm quất của cơ sở này có từ 4-6 giường. Lúc chúng tôi vào đã có một ông khách nằm sẵn, đang... ngáy pho pho, mặc kệ cho cô bé kỹ thuật viên đấm bồm bộp trên lưng. Hóa ra đây là khách quen, tuần nào cũng đến tẩm quất ít nhất 2 lần, mỗi lần phải 2h trở lên. Nhìn tấm lưng to bè của ông khách và đôi bàn tay bé nhỏ của cô bé đang lướt đi lướt lại, chúng tôi thực sự ái ngại, tuy nhiên cô bảo quen rồi, nên đấm mãi cũng không bị mỏi.
Cổng vào cơ sở Tẩm quất cổ truyền, giác hơi (ảnh trái) và bảng giá "rẻ giật mình"
Tiếp xúc với nhiều khách, nên anh Chính quen: chẳng cần khách yêu cầu mà chỉ cần sờ bờ vai là biết khách sẽ thích đấm mạnh hay đấm nhẹ. Lại có những người "thích tiếng", nghĩa là thích cái âm thanh kêu bồm bộp phát ra từ tay đấm, nghe có vẻ mạnh nhưng thực ra lực đấm chỉ ở mức trung bình. Còn nữa, có những vị khách lưng dầy, để bấm được huyệt cho họ, nhiều khi kỹ thuật viên phải xài... chân, nhảy lên lưng mà dẫm. Cứ tùy người mà tẩm quất.
Hỏi chuyện về những vị khách ấn tượng, anh Chính bảo có một bà tên G. Bà này trung niên, to béo cứ đến là gọi nam giới đấm và cứ lên giường là cởi... hết đồ phần trên. Ban đầu cũng như nhiều kỹ thuật viên nam khác, anh Chính rất ngại, thế rồi mãi sau thấy bà này cứ được 15 phút là ngủ thành ra cũng quen. Mắt thì không nhìn thấy gì, mà bà ta lại nằm sấp, nên thôi thì cứ coi như là đàn ông mà đấm thật lực.
Đôi khi cánh chị em "buôn hương, bán phấn" cũng rẽ vào. Khác với người lao động, vào tẩm quất là im lặng, thư giãn cánh này cứ vào là cười nói luyên thuyên cho đến tận lúc về, mùi son phấn sực nức. Nhiều khi còn trêu anh Chính "đẹp trai ghê, làm chồng em nhé...", anh Chính cũng đùa lại "anh có nhìn thấy em thế nào đâu mà đồng ý hay không", lập tức các nàng cười ré lên "ui giời, sờ soạng nãy giờ còn nói không biết"...
Cuối giờ chiều, chúng tôi là những vị khách cuối cùng ra về. Cơ sở tẩm quất lại rơi vào không gian tĩnh lặng, các kỹ thuật viên quay lại với cuộc sống thường nhật: tắm giặt, vo gạo, nấu cơm chiều... Nghe bảo, đã có những trường hợp nên duyên vợ chồng từ đây, nơi những người khiếm thị thực sự coi là tổ ấm của mình.
Theo ANTD
Kỳ thủ mù với cách chơi "cờ tưởng" độc đáo Vài năm trở lại đây, dân mê cờ tướng Đà Nẵng thường tập trung về một quán cà phê cóc ở góc đường Ngô Gia Tự. Đây là "đại bản doanh" của một kỳ thủ đặc biệt mà ai cũng muốn được thử đọ sức. Ông là Trần Trọng Việt Nhân, năm nay51 tuổi, bị mù cả hai mắt. Ông từng đoạt giải...