Những người bạn quốc tế từng ngồi tù vì ủng hộ Việt Nam
Trèo lên tượng nữ thần Tự Do vẫy cao lá cờ đỏ sao vàng, tổ chức biểu tình trước cổng Nhà Trắng hay bắt cóc sĩ quan Mỹ để đổi lấy mạng sống của Nguyễn Văn Trỗi…, nhiều bạn bè quốc tế đã phải ngồi tù vì ủng hộ Việt Nam.
Sáng 26/1, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức chương trình “ Hiệp định Paris – Vòng tay bè bạn”. Đây là chương trình nhằm tri ân những người bạn quốc tế đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, góp phần không nhỏ trong sự thành công của Việt Nam trên bàn đàm phán Paris.
Vượt hàng nghìn km từ nhiều đất nước khác nhau đến Việt Nam, những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi hòa bình đã lập lại ở Việt Nam được 40 năm. Từ những thanh niên hăng hái tham gia phong trào phản chiến, nay những người bạn ấy tóc đã bạc, da đã sờn, nhưng tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam thì không hề thay đổi.
Ông Renato Darsie, Đảng viên Đảng Những người Cộng sản Italia – một trong những người lãnh đạo phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ chia sẻ, ông thấy hân hoan khi được đến Việt Nam vào dịp cả nước tưng bừng kỉ niệm 40 năm kí hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Căm phẫn trước những hành động tội ác của Mỹ, ông và rất nhiều người Italia khác đã tổ chức biểu tình phản đối.
Ông Renato Darsie kể lại những ngày tháng đấu tranh ủng hộ Việt Nam. Ảnh: HT.
“Ở Italia không phải nơi nào cũng được hiến máu, chúng tôi đã đi một quãng đường xa từ Veneto đến Nam Tư để hiến máu, rồi nhờ các bạn Nam Tư gửi sang cho Việt Nam. Khi những con tàu của Mỹ cập bến ở cảng chúng tôi, muốn lấy thêm hàng hóa để chất lên tàu, chúng tôi đã tìm cách ngăn chặn. Khi những bệnh viện của các bạn bị ném bom, chúng tôi đã vận động người dân ủng hộ…”, ông Renato Darsie kể.
Nhưng cũng chính những việc làm trên đã khiến ông 5 lần bị buộc tội vì gây rối trật tự công cộng và làm trái pháp luật. Tất cả những điều đó không làm Renato Darsie run sợ, ông vẫn kiên trì vì mục tiêu hòa bình của dân tộc Việt Nam.
“Ngày 30/4/1975, khi các bạn giải phóng, ở Italia chúng tôi đã ôm lấy nhau, nhảy múa cả đêm vì hạnh phúc. Năm nay, chúng tôi cũng có một loạt sự kiện để tưởng nhớ mối quan hệ 40 năm ngoại giao của chúng ta”, ông Renato Darsie cho hay.
Ông Carlos Rey Gomez, du kích quân Caracas (Venezuela) thì kể lại, vào ngày 19/5/1964, khi anh Nguyễn Văn Trỗi bị bắt ở Sài Gòn và bị kết tội tử hình, ông cùng với bốn chiến sĩ khác đã quyết định bắt cóc một chỉ huy quân sự của Mỹ để đổi lại mạng sống cho Nguyễn Văn Trỗi. Ngày 9/10, đội du kích của ông bắt cóc được sĩ quan Mỹ Michael Smolen.
“Chúng tôi yêu cầu chính phủ Mỹ phải thả anh Trỗi, họ có 3 ngày để làm việc đó. Nhưng lúc bấy giờ thông tin kém, khi họ thông báo đã thả anh Trỗi thì ở Venezuela chúng tôi cũng thả Smolen. Không ngờ họ đã lật lọng, giả dối và tử hình Nguyễn Văn Trỗi”, ông Carlos Rey Gomez kể và cho hay, sau đó đội du kích quân đã giận dữ phát động cuộc đoàn kết rộng rãi chống lại Mỹ.
Đại diện cho hàng triệu những người ủng hộ Việt Nam, những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình đã vượt hàng nghìn km dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày kí kết hiệp định Paris. Ảnh: HT.
Video đang HOT
Trong số những người bạn quốc tế đến Việt Nam lần này có một phụ nữ Mỹ, dáng người nhỏ bé nhưng cách đây 40 năm đã khiến cả thế trầm trồ. Phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, bà Merle Evelyn Ratner đã trèo lên tượng nữ thần Tự Do vẫy cao lá cờ đỏ sao vàng. Bà cho biết, hành động đó của bà là muốn người dân nước Mỹ biết cuộc chiến ở Việt Nam là sai lầm, là tội ác.
Bắt đầu tham gia phong trào phản chiến khi mới 13 tuổi, Merle Evelyn Ratner liên tục cùng nhiều người khác tập trung, biểu tình phản đối. Bà cho rằng, phong trào này có tác dụng to lớn, trước hết là đấu tranh để giành quyền được đấu tranh. “Chúng tôi đã bị bắt nhiều lần vì các hành động này”, bà cho hay.
Thế nhưng Merle Evelyn Ratner không nao núng. Bà nói, đã học được rất nhiều điều ở đội ngũ tóc dài của Việt Nam, nhất là từ bà Nguyễn Thị Bình, về sự kiên trì, bền bỉ và không khuất phục. Merle Evelyn Ratner đã làm cả hội trường xúc động khi hát lại bài ca mà bà và đồng đội đã hát trong suốt quá trình hoạt động phong trào phản chiến. Đó là những lời chúc bà Bình mạnh khỏe sống lâu, chúc cho chiến tranh sẽ kết thúc.
Đại diện cho những người Mỹ ủng hộ Việt Nam, ông Chuck Searcy cũng bày tỏ sự xúc động khi thấy Việt Nam hòa bình, phát triển. Hơn 40 năm trước, ông và bạn bè đã huy động nhiều người dân tham gia biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Hàng nghìn người Mỹ đã bị bắt và buộc tội gây mất trật tự công cộng.
“Chúng tôi đã lo lắng trong một thời gian dài khi hội nghị Paris diễn ra. Chúng tôi thậm chí đã sang Paris để gặp bà Bình, hỏi thăm thông tin về tình hình diễn ra tại bàn đàm phán. Sau khi hiệp định được kí, chúng tôi tiếp tục đấu tranh để biến nó thành hiện thực, bao gồm điều khoản cung cấp hỗ trợ để hoàn gắn vết thương chiến tranh”, ông Chuck Searcy cho hay.
Ông Anatoly Khyupenen, trưởng đoàn cố vấn quân sự Nga tại Việt Nam từ năm 1972-1975 chia sẻ, đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, Nga không chỉ tổ chức biểu tình mà còn làm những việc thiết thực để giúp nước anh em như lương thực, vũ khí, đạn dược và chuyên gia quân sự.
“Tôi thay mặt cho cựu chiến binh Nga từng phục vụ ở Việt Nam chúc mừng các bạn. Chúng tôi rất vinh dự vì từng được các bạn gọi là đồng chí Liên Xô. Bản thân tôi vẫn còn nhớ những ngày làm cố vấn quân sự, mỗi lần đi đến đâu cũng được các em bé chào là bác Liên Xô để tỏ lòng yêu quý các chuyên gia”, ông Anatoly Khyupenen nói.
Ông Michel Strachinescu tự hào vì được lái xe đưa phái đoàn Việt Nam từ nơi ở đến địa điểm đàm phán tại Paris. Ảnh: HT.
Còn ông Michel Strachinescu, lái xe cho phái đoàn Việt Nam ở Verrières le Buisson trong ba năm từ 1970 đến 1973 thì tâm sự, được nhận nhiệm vụ này đối với ông là một vinh dự lớn. Quãng đường 25 km từ nơi ở đến địa điểm diễn ra cuộc đàm phán có khi vui vẻ, có lúc cũng căng thẳng bởi cuộc chiến trên bàn ngoại giao không hề đơn giản.
Ông Michel cho hay, trên xe của ông luôn cắm lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Một hôm đang đi thì lá cờ bị rơi xuống đường, khi ông dừng lại thì nó đã ở xa khoảng 200m. Đường cao tốc nên xe cộ qua lại vun vút, nhưng ông quyết định chạy ngược lại nhặt lá cờ cắm vào vị trí cũ rồi mới tiếp tục hành trình.
“Tôi biết lúc đó có thể xảy ra tai nạn, nhưng dù có bị xe cán qua người tôi vẫn sẽ quay lại nhặt, bởi đó là một việc nhỏ. Các bạn Việt Nam đang đấu tranh trên một mặt trận vô cùng gian khổ nhưng vẫn làm tốt cơ mà”, người cựu lái xe kể.
Ông nhớ, trong những ngày đưa đoàn Việt Nam đến hội nghị, một người bạn đã nói với ông rằng “Này Michel, Mỹ có tàn phá chúng tôi ghê gớm như thế nào đi chăng nữa, chúng tôi sẽ xây dựng lại gấp 100, 200 lần. Các bạn đã làm được điều đó”, Michel cười.
Nguyên trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris, bà Nguyễn Thị Bình xúc động khi nghe bạn bè quốc tế nhắc lại những tháng năm lịch sử gian khó mà hào hùng. Bà cho rằng, có mặt ở Việt Nam dịp này chỉ là đại diện, còn những người ủng hộ Việt Nam là hàng triệu người nữa trên thế giới.
“Việt Nam luôn đánh giá cao sự đoàn kết quốc tế, nếu không có sự ủng hộ của các bạn thì chúng tôi còn khó khăn lắm. Thay mặt cho nhân dân Việt Nam, chúng tôi mãi mãi biết ơn tất cả các bạn từ châu Âu, Á, Phi, Mỹ, mong rằng tình cảm hữu nghị của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, nguyên phó chủ tịch nước chia sẻ.
Theo VNE
Ông Lê Đức Thọ 'mổ xẻ' cố vấn Mỹ ở bàn đàm phán Paris
"Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng những con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật", cố vấn tổng thống Mỹ Kissinger đã thừa nhận.
Kéo dài 5 năm (1968-1973), cuộc đấu trí bằng ngoại giao để đi đến ký kết hiệp định Paris đã diễn ra căng thẳng, khốc liệt không kém cuộc chiến trên mặt trận quân sự. Đưa B52 ồ ạt tấn công vào Bắc Việt Nam và thủ đô Hà Nội, Mỹ âm mưu đưa nơi đây về thời kỳ đồ đá, buộc đoàn đàm phán tại Paris phải ký kết hiệp định với điều khoản có lợi cho Mỹ.
Nhưng Tổng thống Nixon đã nhầm. Mỗi đợt bay của phi công Mỹ vào Bắc Việt Nam không phải một cuộc dạo chơi. Pháo cao xạ, tên lửa, không quân... của Việt Nam đã hợp đồng tác chiến, tạo nên một trận địa lửa, sẵn sàng bắn rơi bất cứ B52 nào xâm phạm. Với thiệt hại nặng nề và không làm Hà Nội nao núng, Mỹ phải tuyên bố dừng ném bom miền Bắc, trở lại bàn đàm phán, ký hiệp định Paris.
40 năm trôi qua, ông Lưu Văn Lợi, thư ký của cố vấn Lê Đức Thọ dù tuổi đã cao, nhưng vẫn không thể nào quên được những ngày đấu tranh ngoại giao ở Paris. Ông kể, khi đoàn xuất phát năm 1968, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đã dặn ông Lê Đức Thọ là "Anh sang bây giờ sẽ là tư lệnh ở mặt trận ngoại giao. Làm thế nào thì làm nhưng anh phải đạt được là Mỹ cút, quân ta ở lại".
Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt. Ảnh tư liệu.
Thời điểm đó Trung Quốc muốn Việt Nam tiếp tục đánh, chưa đàm phán vội, mà đàm thì phải có điều kiện, còn Liên Xô thì khuyên nên sớm ký hiệp định nếu có lợi để chấm dứt chiến tranh. Khi đoàn của cố vấn Lê Đức Thọ qua Pháp dừng lại ở Bắc Kinh, họ phê phán là Việt Nam vội quá, nhượng bộ Mỹ nhiều quá và nếu họp, đáng lẽ phải họp ngay trong vùng như Campuchia, Myanmar hay Lào.
Ông Lợi nhớ, các phiên họp riêng giữa ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và Kissinger (cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon) đều là những ngày làm việc dài, có ngày tới 13 tiếng, lấn sang cả đêm. Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1911, khi ấy đã hơn 60 tuổi, nhiều hơn Kissinger gần một giáp. Cố vấn Mỹ vào đầu cuộc họp riêng thường đưa những chuyện dài lê thê, chiều tối mới đưa việc chính ra tranh cãi. Đó là lúc ông ta nghĩ rằng "ông già" kia mệt mỏi rồi, dễ ừ, dễ gật.
Thế nhưng đàm phán càng muộn ông Lê Đức Thọ càng tỉnh táo, làm cho đối phương phải thốt lên: "Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng những con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật. Có những lúc ông ấy nói hàng tiếng liền, tôi bảo tôi đã nghe nhiều lần thì ông Thọ bảo nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại".
Tháng 10/1972, Mỹ nhượng bộ không đòi quân Bắc Việt Nam rút, chỉ yêu cầu có một số biểu hiện như hồi hương một ít, di chuyển quân tượng trưng để máy bay Mỹ chụp ảnh, chứng minh cho người dân Mỹ thấy rằng cũng đòi được quân Bắc Việt Nam rút lui.
Nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tâm sự, vào cuối năm 1972, tình hình so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho Việt Nam. Trong lúc đó nội bộ Mỹ mâu thuẫn gay gắt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, vấn đề bầu cử tổng thống Mỹ đang cận kề. Bộ Chính trị chỉ thị cho đoàn đàm phán ở Paris đấu tranh để buộc Mỹ đi vào giải quyết thực chất vấn đề chiến tranh Việt Nam.
Bà cho biết, các cuộc họp riêng giữa ông Lê Đức Thọ và cố vấn Kissinger diễn ra dồn dập trong những ngày đầu tháng 10/1972. Đến 20/10 hai bên căn bản nhất trí trên văn bản dự thảo Hiệp định Paris do phía Việt Nam đưa ra. Tổng thống Nixon gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoan nghênh thiện chí của ta và đề nghị ngày 31/10/1972 sẽ ký kết.
Bà Nguyễn Thị Bình ký hiệp định Paris. Ảnh tư liệu.
Nhưng ngày 22/10, Tổng thống Nixon lại gửi công hàm nêu khó khăn với Nguyễn Văn Thiệu nên chưa thể ký kết hiệp định như đã thỏa thuận. "Chúng tôi ở Paris lúc đó hiểu ngay là Mỹ lật lọng muốn kéo dài đàm phán để vượt qua bầu cử", bà Bình nói. "Quả thật, sau ngày 7/11, Tổng thống Nixon được tái cử, trong cuộc họp ngày 23/11 giữa ta với Mỹ, Kissinger trắng trợn đòi sửa lại 60 điều trong văn bản thỏa thuận".
Tối ngày 18/12/1972, máy bay B52 của Mỹ bắt đầu dội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiêu nơi khác. Tại cuộc họp bốn bên thường lệ ở Trung tâm hội nghị quốc tế Kleber, đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố ngừng họp để phản đối hành động tráo trở và leo thang chiến tranh của Mỹ.
"Thực tế cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ làm anh chị em chúng tôi tại hai đoàn đàm phán ở Paris hết sức lo lắng, không biết chúng ta sẽ đối phó ra sao. Nhưng khi được tin chiếc B52 đầu tiên bị bắn hạ, chúng tôi vô cùng sung sướng", bà Bình nói.
Sau 12 ngày đêm ném bom dữ dội xuống Hà Nội và các tỉnh, 34 máy bay B52 của Mỹ bị hạ, âm mưu hủy diệt Hà Nội và Bắc Việt Nam không thành. Mỹ không những thất bại nặng nề về quân sự mà cả về chính trị, ngoại giao. Cả thế giới lên án Mỹ. Cả Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng lên tiếng phản đối. Vài ngày sau chính quyền Nixon gửi công hàm đề nghị họp lại và chấp nhận hoàn toàn dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận hồi tháng 10/1972.
"Như vậy có thể nói Mỹ muốn dùng cuộc tập kích bằng B52 uy hiếp chúng ta. Nhưng thắng lợi to lớn của trận Điện Biên Phủ trên không của quân dân ta đã đánh bại âm mưu của Mỹ, buộc họ phải chấp nhận những đòi hỏi cơ bản của nhân dân Việt Nam vì độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia", vị trưởng đoàn đàm phán khẳng định.
Ông Lý Văn Sáu, người phát ngôn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris cho biết, trong cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài 5 năm ấy, điều quan trọng nhất là giữ bí mật. Paris là nơi dư luận chú ý, cũng là nơi gián điệp chú ý. Thời đó, tuy chưa có điện thoại di động, chưa có phương tiện ghi âm như bây giờ, nhưng gián điệp cũng có đủ phương tiện để hành nghề.
"5 năm ở Paris, chúng ta giữ được bí mật về đường lối, chính sách, về chủ trương, lập trường, phải nói đấy là một thành công rất lớn", ông Sáu nói.
Ông kể, hai đoàn luôn giữ được độc lập, nhưng cũng kết hợp chặt chẽ, thống nhất làm việc. Đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời có khoảng 40 người, chia làm nhiều ban. Ban nghiên cứu, bàn và tham mưu, Ban tiếp xúc, đi gặp gỡ bạn bè Pháp và quốc tế, gặp gỡ kiều bào, Ban báo chí và Ban Hậu cần, bộ phận nào biết việc bộ phận ấy. Ngay cả những cuộc họp công khai cũng giữ bí mật đến cùng.
"Tại Paris, mỗi đoàn có một phòng hội nghị, nguyên tắc không trao đổi với nhau. Phòng họp của từng đoàn thiết kế rất đặc biệt, làm tường hai lớp, có một loạt loa phóng thanh ở xung quanh. Ta vào trong, đóng cửa lại rồi phát nhạc. Trong này mình nói chuyện với nhau, bên ngoài chỉ nghe thấy nhạc", ông Sáu cho biết.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, bốn bên tham chiến tại Việt Nam gồm Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa phải ngồi vào bàn đàm phán khi chưa bên nào giành thắng lợi bằng quân sự. Đoàn miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) do ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn, ông Lê Đức Thọ là cố vấn. Đoàn miền Nam (Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) lúc đầu do ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, về sau do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, làm trưởng đoàn.
Hiệp định Paris, đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam Kết thúc thắng lợi sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh khốc liệt trên chiến trường và mặt trận ngoại giao. Sáng 25/1, lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Nguyên trưởng đoàn...