Những người bạn cuối đời của bệnh nhân AIDS
Nghe ở đâu có bệnh nhân AIDS cần giúp đỡ hay qua đời mà không ai chôn cất, ông Hoàng cùng những thành viên nhóm thiện nguyện lại tìm đến. Suốt 10 năm nay, họ trở thành bạn cuối đời của những người có HIV.
Ở tuổi 66 nhưng cứ có điện thoại là ông Nguyễn Văn Hoàng lại dắt chiếc Honda cũ lên đường. Con đường hơn 50 cây số từ thành phố Huế về xã ven biển của huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) đã trở nên quen thuộc với ông.
Lần đầu tiên, ông cùng 3 thành viên nhóm thiện nguyện đến đây là năm 2002, khi một phụ nữ ở xã Điền Hương sắp chết vì AIDS và bị gia đình bỏ rơi. Ngày đó mưa rả rích, nhóm ông về căn nhà trống huơ, chỉ còn lại người phụ nữ nằm một mình vật vã với cơn đau trên chiếc giường ọp ẹp.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, trưởng nhóm thiện nguyện còn được nhiều người gọi là Hoàng “Ết”. Ảnh: Trần An.
“Phía bên kia con kênh, có rất đông người dân đứng nhìn vừa hiếu kỳ, vừa sợ sệt. Và tôi thấy trong đấy có cả ánh mắt của mẹ và em trai chị. Nhiều người thì luôn tay xua muỗi vì sợ muỗi chích sẽ lây bệnh”, ông Hoàng nhớ lại.
Trước khi qua đời, người phụ nữ ấy vẫn mong mỏi được nhìn người thân lần cuối nhưng không được. Niềm an ủi của chị trước khi trút hơi thở cuối cùng là có những người như ông Hoàng và nhóm thiện nguyện ở bên. “Chị mất, chiếc quan tài được người nhà đưa đến đầu ngõ chứ không dám vào. Chúng tôi chỉ có 4 thành viên thay nhau vệ sinh và khâm liệm cho chị. Theo yêu cầu của địa phương, chúng tôi đã phải chôn cất chị ngay trong đêm”, ông Hoàng kể.
Ra đời năm 2001, nhóm thiện nguyện khâm liệm cho những bệnh nhân AIDS do ông Nguyễn Hoàng làm đã tìm đến với biết bao người bất hạnh. Lúc đầu nhóm chỉ có 7 thành viên, sau này có hàng chục người tình nguyện tham gia. Hiện thành viên trẻ nhất của nhóm là Trần Thị Thanh Nhàn (quê ở Phú Lộc), đang theo học Trung cấp Kế toán.
Video đang HOT
Không những phụ trách việc tẩm liệm, chôn cất mà nhóm còn kiêm luôn cả việc chăm sóc, động viên, tư vấn cho bệnh nhân AIDS. Hàng tuần, nhóm lại chia nhau đi các huyện, đến nhà người bệnh để chăm sóc họ, đồng thời tuyên truyền kiến thức về căn bệnh này cho người thân bệnh nhân.
Đây cũng là công việc ý nghĩa suốt 8 năm qua của ông Nguyễn Hùng, người chạy xe ôm ở thành phố Huế. Ba năm đầu khi tham gia công việc này, người đàn ông 58 tuổi này phải giấu vợ con vì sợ bị ngăn cản. “Khi biết, vợ tôi rất giận nhưng sau khi nghe tôi tuyên truyền về căn bệnh một cách tường tận thì bà cũng xuôi lòng”, ông Hùng cho biết.
Không những thế, hàng tháng ông thường dẫn con đến Trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV-AIDS của Bệnh viện Trung ương Huế để tìm hiểu và có kiến thức thực tế hơn với căn bệnh này. “Rất nhiều người xa lánh và ghẻ lạnh với bệnh nhân AIDS, họ không hiểu hết về cách lây bệnh nên có hành động không tốt với người bệnh. Lúc đầu, các con tôi cũng rất sợ nhưng dần dần chúng đã hiểu và thông cảm với họ…”, ông Hùng nói.
Những lần khâm liệm cho bệnh nhân AIDS của nhóm thiện nguyện. Ảnh: Trần An.
Từng được học sơ cấp y tế nên ông Hùng hiểu về những kỹ năng sơ cứu cơ bản, vì thế việc chăm sóc người bệnh với ông khá thuận tiện. Ông cho biết niềm vui lớn nhất của cuộc đời mình là giúp đỡ những người khó khăn, trong đó có bệnh nhân AIDS. Trong nhóm, ông Hùng là người thường xuyên vượt hàng trăm cây số để đến với người bệnh ở huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.
Ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân AIDS, gần đây trưởng nhóm Hoàng còn tổ chức “nhóm ve chai” chuyên quyên góp áo quần cũ, ve chai để bán kiếm tiền ủng hộ cho những hoàn cảnh khó khăn. Từ ban đầu chỉ là một vài thành viên tham gia, bây giờ “nhóm ve chai” đã được sự hưởng ứng của rất nhiều bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên ở các trường tại Huế. Bởi thế, ngoài cái tên Hoàng “Ết”, người ta vẫn thường gọi ông là Hoàng “Ve chai”.
Theo VNExpress
Ân nhân của những 'hồn ma'
Thấm thoắt đã hơn 20 năm, hàng trăm thi thể bệnh nhân AIDS đã trở nên thơm tho, sạch sẽ hơn khi sang thế giới bên kia nhờ vào tấm lòng nhân ái của bà Đông.
Một con nghiện chưa tròn 20 tuổi qua đời vì AIDS, người nhà đùn đẩy nhau không ai dám nhúng tay khâm liệm vì sợ lây bệnh. Thương cảnh người chết thân thể tanh nồng mụn nhọt, một người hàng xóm đã đề nghị gia chủ đun một nồi nước ấm rồi tắm rửa, khâm liệm cho người vắn số.
Hơn 20 năm qua, bà Đông đã khâm liệm cho hàng trăm người chết vì AIDS
"Tính từ cái lần đầu tiên ấy, đến nay tôi đã khâm liệm cho hàng trăm người bị chết vì AIDS", bà Bùi Thị Đông (Gia Lâm, Hà Nội) bùi ngùi nhớ lại.
Người mẹ đau khổ
Bà Đông bán hàng nước ở chợ Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Vừa bán nước bà vừa quản lý, lau dọn khu nhà vệ sinh ở chợ. Một ngày làm việc của bà bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc khi trời nhá nhem tối. Những nỗi cực nhọc khổ đau trong cuộc đời khiến gương mặt tận tụy ấy có thêm nhiều nếp nhăn, mái tóc bạc trắng nơi đỉnh đầu.
Người phụ nữ với dáng vẻ mạnh mẽ đầy nghị lực, không nề hà trước công việc ai cũng né tránh ấy bật khóc nghẹn ngào khi kể về gia đình mình. Hóa ra, sau cái công việc đầy cao cả, an ủi nhiều số phận không may mắn là một cuộc đời bất hạnh. Hơn 20 năm trước, con trai lớn của bà Đông nghiện ma túy nặng. Xoay xở tìm cách cai nghiện cho con, người phụ nữ ấy bàng hoàng khi nhận kết quả xét nghiệm con trai mình dương tính với HIV. Đau khổ này chưa làm khô dòng nước mắt bà lại hay tin con trai thứ hai của bà cũng nghiện hút và cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Mặc dù biết cái chết đang rập rình mạng sống của các con nhưng bà Đông vẫn lặn lội sớm hôm làm lụng để kiếm tiền đưa các con đi cai nghiện. Có lẽ do chán nản, thất vọng về các con nên chồng của bà Đông đã tìm đến với người đàn bà khác.
Nỗi đau đớn không được sẻ chia của người vợ, người mẹ khiến bà Đông nhiều lần muốn tìm đến cái chết nhưng không thành. Từ đó, bà quyết tâm sống mạnh mẽ hơn. "Khi không kiếm đủ tiền ăn uống, thuốc men cho những đứa con tật bệnh, tôi phải lén đi bán máu. Nhưng đến giờ phút này tôi đã mất hết, chồng mất, con dâu, con trai lần lượt ra đi", bà Đông nói trong nước mắt.
Khâm liệm cho hàng trăm người "ra đi" vì AIDS
Sau lần bà Đông tắm rửa và khâm liệm cho con trai người hàng xóm chết vì AIDS, nhiều người xung quanh bảo bà bị lây AIDS nhưng bà bỏ ngoài tai lời đồn ác ý đó. Bà chia sẻ: "Lúc đó tôi nghĩ, thằng nhỏ bằng tuổi con tôi, vẫn hay chơi với con tôi, nó lầm lỡ nên mắc bệnh. Mình phải chia sẻ với số phận bất hạnh đó chứ". Kể từ đó, hễ nghe tin có người bị AIDS quanh đó không ai chăm sóc, bà lại tận tụy đun nước từ chợ mang tới nhà tắm rửa và chuyện trò với bệnh nhân. Rồi bà lại làm cái việc không ai dám làm là lau rửa và khâm niệm khi họ qua đời. Thấm thoắt đã hơn 20 năm, hàng trăm thi thể bệnh nhân AIDS đã trở nên thơm tho, sạch sẽ hơn khi sang thế giới bên kia nhờ vào tấm lòng nhân ái của bà Đông.
Bà Đông cho biết, những lần đến gia đình có người nhiễm H, bà đã vận động gia đình họ thành lập một câu lạc bộ tình nguyện tuyên truyền và chăm sóc người nhiễm HIV ở vùng lân cận. Lúc đầu câu lạc bộ chỉ có 12 thành viên, bao gồm cả ban chủ nhiệm, ban chấp hành, cán bộ y tế,... tới nay câu lạc bộ có tới 83 thành viên.
Từ năm 2005 - 2009, câu lạc bộ nhận được sự tài trợ của tổ chức Care về nội dung phòng chống HIV/AIDS, cung cấp thuốc cho bệnh nhân. Các thành viên của hội được trợ cấp 100.000 đồng/tháng. Bà Đông cùng 3 gia đình khó khăn khác ở câu lạc bộ được nhận trợ cấp đặc biệt 4 triệu đồng để phát triển kinh tế. Bà dùng số tiền đó thuê chỗ bán hàng nước ở chợ Nhật Tân để có kinh phí tiếp tục giúp đỡ những người có H.
Cũng trong thời gian này, Tổ chức Care thường xuyên mời bà tham dự hội thảo có nội dung phòng chống AIDS của quốc gia. Qua những buổi hội thảo đó, bà được học hỏi nhiều hơn kinh nghiệm phòng chống HIV/AIDS. Ngoài ra, bà còn được trang bị kiến thức thông qua các buổi nói chuyện được tổ chức hàng tháng của các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai giúp câu lạc bộ tư vấn cách phòng chống, sử dụng thuốc kháng virus CT4, cách chăm sóc người bệnh.
Bà Đông cũng đã cùng các tình nguyện viên đưa một số phụ nữ có H vượt khỏi mặc cảm tự ti vào hoạt động với câu lạc bộ. Một trong số những người được bà Đông giúp đỡ (xin được giấu tên) chia sẻ: "Tôi tham gia câu lạc bộ được 4 năm nay. Trong câu lạc bộ có cô Đông là người nỗ lực, tận tụy. Cô còn giúp gia đình tôi có việc làm, con tôi được đến trường".
3h sáng dậy ra chợ đun nước bán, thu tiền, dọn dẹp vệ sinh cho chợ Nhật Tân để lĩnh lương tháng ít ỏi và trở về nhà với người con trai nhiễm H giai đoạn cuối khi trời nhá nhem tối. Cuộc sống mưu sinh vất vả đã không thể quật ngã bà mà còn giúp bà xông pha hơn với vai trò một tình nguyện viên chăm sóc và khâm liệm cho người qua đời vì AIDS.
Theo GiađinhNet
Showbiz Hoa ngữ: Tâm hồn cao thượng Triệu Vy cười xòa trước scandal "con gái giả mạo", Vương Học Kỳ độ lượng với tin đồn đang "sống thử" với Phạm Băng Băng... Mã Cảnh Đào khoe vợ con Vào thời điểm "Lâm Sung" Mã Cảnh Đào kết hôn với bạn diễn kém 20 tuổi Ngô Giai Ni, dư luận Trung Quốc đã bày tỏ thái độ gay gắt phản đối...