Những ngòi nổ trên biển: Cái gai trong quan hệ song phương
Dù là đồng minh chí cốt và có thể đồng thuận hầu như mọi vấn đề, tranh chấp biển đảo không có chỗ để nhường nhịn, như trường hợp Mỹ – Canada.
Ngọn hải đăng của Canada trên đảo Machias Seal – Ảnh: Shutterstock
Khi phong trào bài Nhật ở Trung Quốc lên đến đỉnh điểm vào năm 2012 vì tranh chấp tại Hoa Đông, giới truyền thông đồng loạt đưa tin về các vụ đập phá xe cộ mang mác Nhật Bản, thậm chí một số người quá khích còn hành hung tài xế lái ô tô do nước này sản xuất. Ít ai biết được các cuộc tranh chấp lãnh hải tương tự, tất nhiên ít kích động hơn, vẫn đang diễn ra giữa hai láng giềng vốn “tương thân tương ái” ở Bắc Mỹ.
Đảo Machias Seal và đá North Rock
Lâu lâu, báo chí lại đưa tin dân câu tôm ở Maine (Mỹ) và New Brunswick (Canada) lại choảng nhau vì giành tôm hùm khổng lồ tại đây, và thế là người Canada với Mỹ lại loáng thoáng nhớ rằng hình như hai nước vẫn còn tồn tại tranh chấp lãnh thổ. Vào năm 2012, tờ The New York Times có bài bình luận về tình trạng của đảo Machias Seal và bãi đá North Rock kế bên, cho rằng đây là vấn đề có thể gây ra xung đột Canada – Mỹ, sau hơn 230 năm tranh giành và chưa có dấu hiệu mệt mỏi. Trong đó, đảo Machias Seal có diện dích 8,1 ha, thuộc dạng đảo trọc nằm cách đều Maine và New Brunswick. Cả Machias Seal và bãi đá North Rock nằm trong khu vực được ngư dân địa phương gọi là “vùng xám”, tức khu vực rộng 717,4 km2 trong vùng chồng chéo tuyên bố chủ quyền của cả Canada và Mỹ.
Hiện Canada vẫn duy trì đài hải đăng trên đảo Machias Seal. Bất chấp hải đăng hoạt động theo cơ chế tự động, hai nhân viên luôn túc trực tại đây và cứ 28 ngày lại có cặp khác từ đất liền ra thay. Vào năm 1984, Canada và Mỹ dàn xếp mọi bất đồng về lãnh hải tại vịnh Maine bằng cách đệ trình các tuyên bố lên Tòa án Công lý quốc tế. Tuy nhiên, tranh chấp ở “vùng xám” nói trên đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Quần đảo Falkland/Malvinas
Quần đảo Falkland/Malvinas bao gồm Đông Falkland, Tây Falkland và 776 đảo nhỏ hơn. Thủ phủ và cũng là thành phố duy nhất mang tên Stanley, nằm trên đảo Đông Falkland, với dân số 2.115 người. Đây là lãnh thổ tự trị, nhưng quần đảo này đang thuộc quyền quản lý của Anh, có nghĩa là London chịu trách nhiệm về các vấn đề phòng thủ và ngoại giao. Vào thế kỷ 16, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Anh đều tuyên bố đã tìm thấy quần đảo trên; và theo thời gian, các cộng đồng dân cư của Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Argentina đua nhau mọc lên. Đến năm 1833, Anh bắt đầu kiểm soát quần đảo này, và kể từ đó Argentina luôn thách thức tuyên bố chủ quyền của London. Đến năm 1982, chiến tranh Falkland nổ ra suốt 2 tháng và kết thúc bằng thất bại của phe Argentina. Và đến nay, có khoảng 3.000 người định cư tại đây, tất cả là công dân Anh.
Sau nhiều năm tưởng chừng như lắng dịu, tranh chấp song phương lại bùng nổ với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon rằng nước này lên kế hoạch tăng cường lá chắn phòng thủ cho quần đảo. Về phần mình, Argentina cũng đẩy mạnh chiến dịch “đòi lại Malvinas” từ tay Anh. Tờ The Sun đưa tin Nga đang xúc tiến thỏa thuận cho Argentina thuê 12 oanh tạc cơ tầm xa, một động thái mà theo các nguồn thạo tin nhằm phục vụ cho sứ mệnh giành lại quần đảo trên.
Quần đảo Chagos
Quần đảo Chagos là nhóm gồm 7 đảo san hô vòng được tạo thành từ hơn 60 đảo nhiệt đới riêng lẻ tại Ấn Độ Dương. Chagos từng là một phần của đảo quốc Mauritus (châu Phi) cho đến thế kỷ 18 khi những người Pháp bắt đầu đến nơi này. Vào năm 1810, Pháp nhượng lại cho Anh, và đến năm 1965, chính quyền London tách Chagos khỏi Mauritius để thành lập Vùng lãnh thổ Ấn Độ Dương của Anh. Vào năm 1971, Anh cho Mỹ thuê lại đảo san hô vòng Diego Garcia để xây căn cứ quân sự, và trục xuất toàn bộ dân bản xứ. Ngày nay, Diego Garcia là nơi duy nhất có người ở tại quần đảo Chagos.
Vào tháng 4.2010, Anh biến Chagos thành khu bảo tồn đại dương lớn nhất thế giới, nhằm ngăn chặn người dân bản địa quay lại, theo báo The Guardian dẫn tiết lộ từ WikiLeaks. Vào tháng 12.2010, Mauritus nộp đơn kiện Anh dựa trên các quy tắc của Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) với hy vọng thách thức tính hợp pháp của khu bảo tồn tự nhiên. Năm năm sau, vụ kiện được chuyển đến Tòa Trọng tài quốc tế, và các đại diện của Mauritius cũng như Anh hiện vẫn tiếp tục tranh biện trong những phiên xử kín theo tờ The Guardian.
Video đang HOT
Đảo Swains
Đảo Swains là đảo san hô vòng ở phía bắc Samoa tại Thái Bình Dương, hiện thuộc quyền kiểm soát của lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ. Điều rắc rối là nó cũng nằm trong chuỗi đảo Tokelau, vốn thuộc về New Zealand.
Đảo Swains có tổng dân số 37 người Tokelau, sinh sống bằng nghề hái dừa. Vào năm 1856, một người Mỹ tên Eli Hutchinson Jennings tuyên bố rằng đã được trao quyền sở hữu hòn đảo từ chủ trước là một thuyền trưởng người Anh tên Turnbull. Sau khi chuyển đến hòn đảo sinh sống và xây dựng một đồn điền dừa, gia đình Jennings nghiễm nhiên trở thành kẻ thống trị Swains từ năm 1856 đến 1925, thời điểm hòn đảo được sáp nhập vào lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ.
Vào ngày 25.3.1981, New Zealand xác nhận chủ quyền của Mỹ đối với đảo Swains theo Hiệp ước Tokehega, nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2006, người dân Tokelau vẫn cho rằng hòn đảo này thuộc chuỗi đảo Tokelau (cũng đồng nghĩa với việc thuộc về New Zealand).
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Những ngòi nổ trên biển
Tình trạng căng thẳng trên các vùng biển xuất phát từ tranh chấp lâu đời hoặc hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền của quốc gia khác.
Khu vực Nicaragua nạo vét thuộc đảo Calero - Ảnh: Tico Times
Từ Đông Á đến Địa Trung Hải, từ Bắc cực đến nam Đại Tây Dương, các vùng biển trên khắp thế giới đang chứng kiến những căng thẳng địa chính trị, đôi khi là cả quân sự, xung quanh những nhóm đảo, bãi đá, bãi chìm giàu tiềm năng về tài nguyên và du lịch. Có những cuộc tranh chấp xuất phát từ lịch sử hay sự thay đổi quyền kiểm soát sau chiến tranh hoặc xảy ra tình trạng dùng vũ lực cưỡng chiếm lãnh thổ của nước khác, kéo theo hàng loạt hành động phi pháp.
Biển Đông
Trang tin Business Insider dẫn lời nhiều nhà quan sát cảnh báo bên cạnh eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, biển Đông là một điểm nóng an ninh khó lường tại khu vực Đông Á vì tình hình tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN cũng như khu vực bãi cạn Scarborough. Đặc biệt, gây lo ngại là các hành động của Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích là "dùng sức mạnh cơ bắp" để chèn ép láng giềng.
Bên cạnh bản đồ yêu sách "đường lưỡi bò" bị cả thế giới lên án, Trung Quốc thời gian gần đây ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc khẳng định tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình.
Cách đây 1 năm, dư luận quốc tế đồng loạt phản ứng mạnh việc nước này ngang nhiên kéo giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) vào vùng biển VN kèm theo đội tàu quân sự, bán quân sự hung hăng tấn công tàu thuyền VN. Thời gian qua, nước này tiếp tục gây quan ngại khi cấp tập xây dựng, cải tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo đi kèm đường băng, công sự. Trong khi Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) không công nhận tính hợp pháp của các đảo nhân tạo dạng này và không chấp nhận chúng như là một phần lãnh thổ trên biển hoặc thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, nhưng sự tồn tại của chúng đang thay đổi hiện trạng trong khu vực. Nghiêm trọng hơn, theo chuyên san The Diplomat, nhiều chuyên gia và cả một số tướng lĩnh cấp cao của Mỹ cảnh báo các công trình trên có thể để phục vụ mục đích quân sự.
Bên cạnh đó, hồi năm 2012, tình hình biển Đông càng nóng bỏng vì cuộc đối đầu giữa tàu bè Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough. Đến nay, Manila cáo buộc Bắc Kinh đã gần như phong tỏa hoàn toàn khu vực này. Hồi tháng 4.2015, nhiều ngư dân Philippines cho biết đã bị tàu chấp pháp Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng ở đây, khiến ít nhất 1 người bị thương. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhận định nếu vụ việc được xác nhận, đây sẽ là hành động khiêu khích của Trung Quốc và là "một bước lùi" trong quá trình tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc vẫn cương quyết khước từ tham gia quá trình xét xử vụ Philippines kiện nước này lên Tòa LHQ về luật Biển (ITLOS) về các tuyên bố chủ quyền phi lý tại biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, không những các nước trực tiếp liên quan mà cả nhiều bên khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Úc... đều tỏ ra cực kỳ quan ngại và đã có những động thái can dự để góp phần bảo đảm an ninh, hòa bình và tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.
Đảo Hans
Canada và Đan Mạch hiện vẫn chưa thống nhất được nước nào là chủ nhân của hòn đảo nhỏ không người ở, có diện tích 1,3 km2 tại eo biển Kennedy ở Bắc Băng Dương.
Hải quân Canada và Đan Mạch đua nhau cắm cờ trên đảo Hans - Ảnh: Canada.com
Tranh chấp âm ỉ từ rất lâu nhưng bắt đầu được cụ thể hóa từ thập niên 1980, khi "Trận chiến chai rượu" diễn ra giữa người Canada và Đan Mạch. Theo Business Insider, mỗi khi hải quân 2 nước ghé qua hòn đảo đều để lại một chai whisky Canadian (Canada) hoặc rượu Akvavit (Đan Mạch) để đánh dấu chủ quyền.
Căng thẳng tăng nhiệt vào đầu thập niên 2000, khi một hạm đội Đan Mạch đổ quân lên đảo Hans để cắm cờ, một hành động khiến Canada nổi giận. Đến tháng 7.2005, phía Canada tổ chức một cuộc tập trận lớn và dựng cột cờ cao hơn 3,5 m trên đảo. Sau một thời gian thương thảo, 2 nước ra tuyên bố chung với nội dung "mọi tiếp xúc của các bên với đảo Hans sẽ được tiến hành một cách âm thầm và kiềm chế" và vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận khả dĩ về hòn đảo.
Đảo Calero
Cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Nicaragua và Costa Rica đối với đảo Calero, nằm ngay cửa sông San Juan đổ ra Đại Tây Dương, đã kéo dài hơn 2 thế kỷ và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Mặc dù đa phần dư luận công nhận đảo này thuộc chủ quyền Costa Rica, nhưng căng thẳng bùng phát vào tháng 11.2010 khi Nicaragua đổ quân tiến hành nạo vét xung quanh Calero. Cơ sở cho hành động này là do dịch vụ bản đồ Google Maps đã hiển thị biên giới 2 nước với Calero nằm về phía Nicaragua.
Trước sự phản đối kịch liệt từ láng giềng, Nicaragua công nhận Google Maps đã nhầm lẫn nhưng vẫn không rút quân. Đến tháng 3.2011, Tòa tư pháp quốc tế tạm thời ra phán quyết yêu cầu hai bên kiềm chế các hành động đưa dân thường và triển khai quân đến hòn đảo, nhưng Costa Rica có thể gửi các nhóm chuyên gia dân sự trước các quan ngại về môi trường. TheoBusiness Insider, hiện 2 nước vẫn đang lôi nhau ra tòa sau khi Costa Rica cáo buộc Nicaragua gây tổn hại môi trường nghiêm trọng vì hành động nạo vét 5 năm trước.
Greater, Lesser Tunbs và Abu Musa
Suốt nhiều thế kỷ, người Ả Rập và người Ba Tư đã xung đột vì chủ quyền đối với 3 hòn đảo nhỏ là Greater, Lesser Tunbs và Abu Musa nằm ở eo biển Hormuz. Tranh chấp kéo dài đến tận ngày nay với đại diện là UAE và Iran.
Chính quyền Tehran đang kiểm soát trên thực tế các hòn đảo này và luôn triển khai binh lính bảo vệ. Vào tháng 4.2012, Tổng thống Iran lúc đó là Mahmoud Ahmadinejad đã có chuyến thăm đến đảo Abu Musa và trở thành nguyên thủ đầu tiên của Iran đặt chân đến nơi này kể từ khi tiếp quản hòn đảo cách đây 41 năm. UAE phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ ở Tehran và hủy bỏ một trận bóng đá giao hữu với đối phương, theo trang tin Arabian Business News.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập vào tháng 3.2015, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham một lần nữa tuyên bố chủ quyền của nước này đối với khu vực trên.
Do eo biển Hormuz cũng nằm trong số những tuyến hàng hải chiến lược nhất thế giới với 35% lưu lượng tàu bè chở dầu toàn cầu đi qua, nên các bên cũng luôn theo dõi sát sao mọi diễn biến liên quan đến tranh chấp giữa UAE và Iran.
Imia/Kardak
Imia hay Kardak là tên gọi lần lượt của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đối với một cặp đảo nhỏ không có người ở, nằm trên biển Aegean giữa 2 nước. Ngày 27.12.1995, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và một tháng sau, tàu chiến 2 nước lũ lượt kéo đến gườm nhau, theo Business Insider.
Cờ Hy Lạp lẫn Thổ Nhĩ Kỳ cùng xuất hiện tại Imia/Kardak - Ảnh: Hurriyet Daily
Cùng lúc, Athens và Ankara triển khai lực lượng đặc nhiệm đổ bộ lên 2 đảo để cắm cờ. Nguy cơ đụng độ quân sự sau đó được tháo ngòi với sự trung gian của Mỹ, và đến nay Hy Lạp kiểm soát đảo phía đông, còn đảo phía tây do Thổ Nhĩ Kỳ quản lý. Tuy nhiên, tranh chấp vẫn tồn tại âm ỉ, chỉ chờ cơ hội bùng phát khi 2 nước tiếp tục có tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với nhiều hòn đảo nhỏ không người khác. Chiến đấu cơ 2 nước cũng thường xuyên "vờn" nhau trên vùng trời biển Aegean, theo tờ Hurriyet Daily.
Năm 2013, một nghị sĩ đối lập Hy Lạp còn bị dư luận nước này buộc tội "phản quốc" khi cho rằng "tuyên bố chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn".
Hồi đầu năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp, Panos Kammenos đến thăm đảo đông của Imia/Kardak và Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng bằng tuyên bố rằng Hy Lạp cần chấm dứt các hoạt động đơn phương nếu không muốn làm tổn hại "không khí tích cực" giữa 2 nước.(còn tiếp)
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga vào tuần tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chính thức thăm Nga vào tuần tới trong nỗ lực củng cố mối quan hệ song phương giữa lúc căng thẳng tiếp tục gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương. Nga và Trung Quốc ngày càng có xu hướng xích lại gần nhau để đối phó với Mỹ (Ảnh: Malaysiainsider) Báo The Hindu...