Những ngôi nhà vươn lên từ đống đổ nát ở tâm bão Damrey
Những ngày nửa sau tháng 3, chúng tôi quay trở lại huyện Vạn Ninh ( Khánh Hòa) – tâm bão Damrey đổ bộ vào Nam Trung Bộ vào cuối năm ngoái. Không còn thấy cảnh nhà cửa hoang tàn, hư hại mà thay vào đó nhiều mái nhà mới đã mọc lên bên cạnh những đống đổ nát.
Lồng bè nuôi tôm hùm ở Vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị vỡ từng mảng sau khi bị bão Damrey tàn phá hồi cuối năm ngoái
“Chồi xanh” từ đống đổ nát
Ông Lê Văn Minh (tổ 15, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh), một trong những hộ có nhà bị sập hoàn toàn do bão Damrey đến nay đã có một căn nhà kiên cố bằng bê tông rộng gần 40m2.
Cùng với số tiền 40 triệu đồng được nhà nước hỗ trợ do nhà sập, ông Minh vay mượn thêm bà con để xây lại căn nhà. “Giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng tạm ổn định rồi, cũng nhờ nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần”, ông Minh xúc động nói.
Gia đình ông Minh là một trong những hộ khó khăn có tiếng ở thị trấn Vạn Giã. Hai vợ chồng ông đều đi bán vé số dạo để đắp đổi qua ngày và nuôi một con trai đang học lớp 11. Khi chúng tôi đến nhà, ông cho biết vừa mới đi bệnh viện về vì bị xe tông làm gãy 3 xương sườn, nứt xương mặt.
Nói về sức tàn phá của cơn bão, ông Minh kể chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào hung tợn như thế và có lẽ đến hết cuộc đời mình, ông không thể nào quên giây phút sinh tử chống chọi với bão.
Dù còn khó khăn nhưng ông Minh đã dựng được một căn nhà kiên cố để tá túc sau khi bị bão phá hủy căn nhà cũ vào năm ngoái
Nhớ lại khoảnh khắc căn nhà cũ bằng gạch, lợp tôn bị bão quật ngã hoàn toàn, ông Minh vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tầm 4h45 ngày 4/11 năm ngoái, cơn bão bắt đầu đi vào đất liền và giật những hùn gió đầu tiên. Sau 2 hùn gió giật đùng đùng, tiếng gãy đổ vang lên thì căn nhà của tôi đã nằm yên trên mặt đất. Lúc đó, tôi cùng vợ và con trai đứng nấp bên dưới bờ tôn, mưa như trút”.
Cách căn nhà ông Minh không xa là căn nhà của cụ bà Nguyễn Thị Mực, năm nay đã 82 tuổi. Dù tuổi đã cao nhưng cụ Mực khiến chúng tôi thực sự bất ngờ khi cụ rất minh mẫn, nói chuyện lưu loát, rõ ràng. Cụ kể, sau khi nhà cũ sập, cụ đi ở nhờ nhà con gái 2 tháng thì căn nhà mới xây xong.
Ngồi trò chuyện trong căn nhà mới cấp 4, rộng 36m2, cụ Mực tấm tắc tâm sự: “Nhà này xây 70 triệu đồng nhưng của nhà nước hỗ trợ gần hết đó, chứ cụ già rồi lấy tiền đâu mà xây. Cuộc đời cụ cũng chỉ muốn có một cái nhà nho nhỏ như thế này mà chui ra, chui vào!”.
Sát cánh bên dân sau bão
Theo ông Lê Hồng Phương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vạn Giã, sau cơn bão Damrey, trên địa bàn thị trấn có hơn 1.300 căn nhà bị hư hại, trong đó có 93 căn nhà bị sập hoàn toàn được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ. Những hộ này đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, cách mạng.
Video đang HOT
Bị bão làm sập căn nhà cũ nhưng được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và bà con, cụ Mực đã có một căn nhà kiên cố để ở những năm tháng cuối đời
Cùng với sự hỗ trợ của địa phương, các nhà hảo tâm, trong 93 trường hợp nhà sập hoàn toàn thì đã có 92 hộ đã xây lại nhà mới, sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, chỉ còn trường hợp bà Lê Thị Thực (tổ 15, thị trấn Vạn Giã) cũng đang chuẩn bị xây lại nhà do vướng mặt bằng.
“Có thể nói, đến thời điểm này, công tác khắc phục thiệt hại do cơn bão số 12 trên địa bàn diễn ra nhanh, sớm đảm bảo ổn định cuộc sống người dân từ trước Tết Nguyên đán. Sau bão, nhiều đoàn hảo tâm cũng đến tặng quà, thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn với bà con”, ông Phương cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, cơn bão Damrey vào cuối năm ngoái đã khiến hơn 4.200 căn nhà trên địa bàn bị sập hoàn toàn và hư hỏng, trong đó có 609 căn nhà bị sập hoàn toàn, 639 nhà bị hư hỏng rất nặng.
Cụ Mực mừng rỡ nói đời cụ chỉ mong có một căn nhà kiên cố để che nắng, che mưa sau bão và điều đó đã thành hiện thực
Theo ông Phẩm, đối với hàng hóa cứu trợ đã được địa phương cấp phát toàn bộ đến tay người dân, đời sống nhân dân đã cơ bản ổn định, trên địa bàn huyện không có hộ dân nào thiếu đói.
Đối với những trường hợp nhà sập hoàn toàn đến nay đã cơ bản khắc phục gần 100%, chỉ còn một số ít trường hợp chưa làm được nhà thì cũng đã có chỗ ở tại nhà người thân, họ hàng.
“Vừa rồi lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa có đi kiểm tra và đánh giá Vạn Ninh làm tốt công tác khắc phục thiệt hại sau bão số 12″, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho hay.
Về vùng tâm bão Vạn Ninh, so với những gì do cơn bão đã tàn phá khủng khiếp hồi năm ngoái và chứng kiến những đổi thay, nhiều ngôi nhà mới vươn lên trên đống đổ nát cho thấy sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tinh thần vượt khó, đứng dậy sau bão của người dân!
Thủy Nguyên
Theo Dantri
Lời kể kinh hoàng của những người thoát chết gang tấc trong bão
Các nạn nhân nhà sập ở Khánh Hòa và Phú Yên đều ám ảnh về cơn bão số 12, cho rằng trận cuồng phong ngoài sức tượng tưởng của mình.
Anh Thành vẫn còn ám ảnh về trận bão hôm qua. Ảnh: Xuân Ngọc
Là một trong những người may mắn thoát chết khi căn nhà bị sập, vùi lấp trong bão ở xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa, anh Nguyễn Đắc Thành (36 tuổi) trầy xước khắp cơ thể. Hai chân bị gãy; còn vợ nằm tại bệnh viện tại thị xã.
Sau một ngày bão qua, anh vẫn chưa hết sợ hãi. "Tôi nghĩ mình vừa trải qua một ngày thật tệ, song may mắn vẫn còn mỉm cười với gia đình", anh Thành chia sẻ.
Rạng sáng qua, vợ chồng anh cùng hai con gái (4-10 tuổi) ở trong nhà cấp 4, chừng 80 m2. Bên ngoài, trời tối om. Mưa dữ tợn, gió rít ù ù.
Nghĩ tình hình không ổn, bốn người mang nón bảo hiểm vào di tản. Bế con, anh Thành đi vài bước thì bất ngờ bức tường bên phải, cao khoảng 5m đổ dồn dập, đè lên cả gia đình.
Người anh Thành ê ẩm, đau nhức; còn vợ chảy máu đầu, chân không cử động được. Hai con nhỏ hoảng loạn, khóc thét khiến anh thấy bất an. "May mắn, chúng được ẵm phía trước, chứ sau lưng không biết chuyện gì xảy ra", anh Thành cho biết.
Sau ít phút bị vùi dưới đất đá, khá hoảng loạn, anh kịp trấn tĩnh, cố gượng dậy gỡ từng mảnh vỡ trong đống đổ nát, đưa vợ con ra ngoài. Hai tay ẵm con, đồng thời anh dìu vợ sang nhà hàng xóm vừa mới xây khá kiên cố, cách đấy chừng 50m, trú bão.
Vừa tới nơi, anh nghe em gái bảo bố mẹ đang kẹt trong nhà, chưa thoát ra được. Những nhà xung quanh, mái tôn đã bị tốc, tường vỡ tứ tung. Lo cha mẹ gặp nguy, anh nhờ người chăm sóc vợ con, chạy tới cứu.
Vừa ra tới cổng, mái hiên bị bão giật đổ, đè lên khiến anh gãy hai chân. Hàng xóm lao đến giải cứu. Do bão đang càn quét dữ dội, nhiều giờ sau, vợ chồng anh mới được mọi người chuyển đến bệnh viện. "Sống ở đây mấy chục năm, tôi chưa thấy trận cuồng phong nào khủng khiếp như hôm qua", anh nói.
Ba người được cứu khỏi đống đổ nát
Nằm trên giường bệnh với nhiều thương tích, sau khi được cứu trong đống đổ nát, ông Võ Văn Nghĩa (46 tuổi) nói rằng vẫn còn ám ảnh về cơn bão hôm qua.
Quê ở Sóc Trăng, ông nhờ cha mẹ chăm sóc hai con rồi cùng vợ đi làm công trình xây dựng ở Nha Trang, được gần hai tháng. Đoàn của ông, tám người đồng hương, thuê căn phòng với gác lửng ở phường Vĩnh Hòa để ở.
Rạng sáng hôm qua họ ngồi co cụm với nhau, nghe ngóng bão. Trên gác, hai thanh niên nằm, nhưng họ không ngủ. Chừng 5h30, vừa uống xong chung trà, ông Nghĩa bỗng nghe tiếng "rầm" rất lớn.
"Trời như sụp đổ, tôi thấy mình bị vùi trong đống đất đá và có vật gì đè lên khiến toàn thân rất đau, nhất là chân trái, cử động rất khó", ông nhớ lại và cho biết, sự việc xảy ra chỉ trong vòng vài giây nên không kịp phản ứng.
Trong phòng, mọi người thoát được, riêng ông với hai thanh niên bị vùi dưới đống bêtông. Âm thanh đổ vỡ, tiếng người la ó khiến ông lo sợ. Hơn 10 phút sau, ông được mọi người đào bới đống đổ nát đưa ra ngoài, song không cử động được.
Xung quanh, dãy trọ với năm phòng đều sụp đổ, mái tôn nằm ngổn ngang. Ba người được sơ cứu, đưa sang phòng khác kiên cố hơn. Ba giờ sau, hàng chục cảnh sát đến giải cứu, chuyển họ tới bệnh viện.
Trong tâm trí người đàn ông miền Tây, cơn bão hôm qua ngoài sức tưởng tượng của ông. "Đây là lần đầu tiên tới Nha Trang và lần đầu chứng kiến trận bão lớn, có thể là kỷ niệm khó quên trong đời", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa bị vùi dưới đống đổ nát được cảnh sát đưa ra ngoài. Ảnh: Xuân Ngọc
Những người thoát chết gang tấc trên đèo Cả
Khi bão Damrey ập vào giữa Phú Yên và Khánh Hòa, trên đèo Cả, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh có hơn 20 quán rửa xe, bán nước cho người đi đường bị gió giật tung. Nhiều người cuống cuồng chạy bão trong sợ hãi rồi thoát chết trong gang tấc.
Ông Nguyễn Ngọc Hoài, 53 tuổi, làm nghề rửa xe trên đèo Cả hàng chục năm qua chưa hết bàng hoàng: "Gió lớn thổi ầm ầm, tôi ở trong quán nhìn ra ngoài thấy cây nghiêng ngả, lo nhà sập nhưng không biết đi tránh ngõ nào".
Lúc 4h sáng, gió bùng bùng dữ dội giật mái tôn. Trong lúc nguy cấp, ông Hoài nắm tay vợ chạy vào nhà tắm cách đó 20m. "Khi tôi vừa khép cửa nhà tắm lại thì tôn từ nhà quán bay vào đập một tiếng rầm rít tai. Nếu không đóng cửa kịp, có lẽ vợ chồng tôi đã chết", ông Hoài bàng hoàng kể.
Theo ông Hoàng, bão đã làm ngã 14 hécta keo, 400 cây chuối ông nhọc công trồng vun vén bên đèo. "Giờ an toàn mạng sống xong thì lại tiếc mấy cái cây. Cả mớ mồ hôi của tui", ông nói.
Dọc đường đèo Cả có 20 quán ngã đổ như ông Hoàng. Phần lớn người dân có nhà ở riêng nhưng vì mưu sinh trên đèo nên họ ở lại trong đêm bão. "Có nhà bị sập hết, may là không ai bị sao", ông cho hay.
Huyện Đông Hòa, Phú Yên giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa là một trong các địa phương có nhiều nhà dân sập trong bão.
Dưới chân đèo Cả, ai cũng xót xa trước tình cảnh bi đát của hai gia đình xây nhà sát vách. Anh Võ Thanh Hùng cho biết, anh cùng người anh trai ruột xây nhà sát vách để có anh có em. "Cứ nghĩ làm vậy sẽ kiên cố nên tôi cũng chủ quan không chằng chống", anh cho hay.
Người anh trai đã mất cách đây mấy năm, nhà chỉ còn chị dâu và hai cháu nhỏ. Còn anh Hùng có gia đình riêng với vợ và hai con. "Gió giật bay mái cả hai nhà, bêtông, ngói, tôn rớt xuống ào ào, kính vỡ loảng choảng", anh Hùng thuật lại giữa khung cảnh hoang tàn.
Đó là lúc 4h30, hai gia đình với bảy người chạy vụt ra khỏi nhà trong đêm. Hai đứa nhỏ bị tôn bay đứt chân chảy máu, chạy cà thọt theo người lớn. "Nhưng chúng tôi không biết đi đâu cả, chỉ biết tìm chỗ có cây che chắn để khuất gió. Bảy người hứng mưa cả đêm", anh kể, mắt hoen đỏ.
Bốn đứa trẻ của gia đình đang ở nhờ nhà bà con. Nhưng người cha, người chú như anh còn đang không biết làm gì với đống gạch vụn, ngói vỡ ngổn ngang. "Dọn gì bây giờ. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu cả. Còn xây nhà mới thì không biết kiếm tiền đâu ra", anh thở dài.
Nhìn chiếc xe máy bị bêtông đè bẹp, rồi lại xuống chỗ chiếc tủ lạnh xuýt xoa, anh bảo tài sản trong nhà nhiều cái vay mượn mua, giờ trả nợ chưa xong thì bão làm một cái tan tành.
Nỗi lo âu hiện rõ trên khuôn mặt của người đàn ông trung niên, anh đến bàn thờ người anh trai đã khuất thắp nén hương. Di ảnh của người anh trai nằm trong căn nhà đã bay tốc mái nhưng chưa có nơi thờ cúng mới, giờ như một điểm tựa tinh thần để anh và hai gia đình vượt qua cơn bão.
Anh Hùng nhặt kính vỡ sau trận bão bỏ vào bao tải. Ảnh: Phạm Linh
6h ngày 4.11, bão đổ bộ Phú Yên - Khánh Hòa, mạnh cấp 12 (135km/h). 13h, bão tiến sâu vào Nam Tây Nguyên, giảm còn cấp 9 (90km/h) và 15h cùng ngày thì suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi ở biên giới Việt Nam - Campuchia, sức gió giảm còn 60km/h (cấp 7).Trong 9 tiếng hoành hành, bão đã gây gió mạnh, mưa to suốt từ Thừa Thiên - Huế tới Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên. 27 người tử vong, 22 người mất tích, hơn 500 nhà bị sập.Dự báo trong 6-12 giờ tới, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Tây Nguyên tiếp tục có mưa to, nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp và sạt lở đất ở vùng núi là rất cao.
Theo Xuân Ngọc - Phạm Linh (VNE)
Kêu gọi hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 12 ở một số tỉnh miền Trung Sáng nay (14/12), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường và ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì "Lễ công bố kêu gọi hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão Damrey (bão số 12) và lũ lụt...