Những ngôi nhà “lạ” trong khu dự án trồng chanh
Xã Cẩm Tâm đi kiểm tra và phát hiện hộ bà Yến cho dựng tới 6 ngôi nhà để chứa đồ đạc, cho người ở và che các giếng đào. Kiểm tra hầm ngang phát hiện đã được đào mới thêm 15 m, có 1 máy đào đất đá và 3 máy bơm; ở khu vực giếng đào phát hiện tiếp 4 máy bơm. Nước được bơm lên không dùng để tưới cây mà chảy vào một bể trong vườn…
Đào vàng núp bóng trồng cây?
Theo phản ánh của người dân thôn Lau và thôn Tân Thành (xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa), từ đầu năm 2018 đến thời điểm hiện nay, giếng nước sinh hoạt của người dân luôn trong tình trạng cạn kiệt nước (cả giếng đào và giếng khoan), đây là điều chưa từng xảy ra tại địa phương từ trước tới nay. Sau nhiều lần tìm hiểu, người dân cho rằng nguyên nhân cạn nước là do hộ gia đình bà Dương Thị Yến (đăng ký thường trú xã Cẩm Tâm) hoạt động khai thác vàng trái phép “trá hình” dự án trồng cây chanh đào.
Một hộ dân thôn Lau cho biết: “Hộ bà Yến xin thuê đất làm dự án chanh đào và chăn nuôi nhưng không thấy trồng chanh đào hay có hoạt động chăn nuôi. Dự án trồng cây nhưng cho xây tường rào cao quá đầu người, có dây thép gai phía trên, xây dựng nhiều khu nhà, đào giếng và cho đóng cửa im ỉm suốt ngày. Chúng tôi nghi ngờ có hoạt động đào vàng trái phép”.
Khu đất được xây tường rào quây kín và phía trong không thấy có trồng cây chanh đào hay các hoạt động chăn nuôi.
“Dự án trồng cây chanh đào thì chẳng có cây, cũng không có trang trại chăn nuôi nào cả, thế nhưng chúng tôi quan sát thấy họ thực hiện hút nước liên tục, chủ yếu là vào ban đêm khiến nước còn tràn cả ra đường. Chúng tôi nhiều lần nắm được thông tin báo xã nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tái diễn”- một người dân cho biết.
Cũng theo người dân ở đây, do xã Cẩm Tâm là vùng miền núi, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc vào nước giếng, vì thế việc người dân thôn Lau và thôn Tân Thành bất ngờ mất nước đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hàng ngày của bà con, đặc biệt là trong những ngày hè nóng bức, hạn hán dài ngày như hiện nay.
“Khu đất mà bà Yến xin thuê lại để làm dự án trồng cây trước đây đã có hoạt động khai thác vàng trái phép từ những năm 1980-1990. Từ đó đến nay không còn hoạt động khai thác nữa, nhưng nhiều giếng đào vàng vẫn còn chưa được lấp, nên có thể bà Yến đã lợi dụng việc xin dự án trồng cây để cho thăm dò đào vàng”- một người dân khác cho biết.
Theo hồ sơ, người thuê đất tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 1 (đất lâm nghiệp) tại thôn Lau, xã Cẩm Tâm với diện tích 4.123 m2 là bà Lưu Thị Kim Phụng (SN 1957, trú tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) và được UBND huyện Cẩm Thủy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tháng 10/2014 có thời hạn đến tháng 12/2047, với mục đích thuê trồng cây lâu năm.
Tuy nhiên bà Phụng không thực hiện dự án mà cho bà Dương Thị Yến thuê lại khu đất trên và bà Yến đã tiến hành kéo điện 3 pha, đưa người và máy móc về có hoạt động lạ.
Video đang HOT
Hàng chục người lạ mặt trong “dự án trồng chanh”
Ông Quách Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm cho biết, việc người dân thôn Lau và Tân Thành bức xúc trước tình trạng mất nước là đúng sự thật, xã cũng nghi ngờ hộ gia đình bà Yến có hoạt động đào vàng trái phép dẫn tới việc mất nước.
“Xã đã nhiều lần phối hợp với huyện vào kiểm tra, tuy nhiên khi vào trong không thấy có các hoạt động khai thác vàng nên rất khó xử lý, còn các giếng đào thì đầy nước nên không thể xuống phía dưới kiểm tra được”- ông Mạnh nói.
Các giếng đào bên trong khu đất được xây nhà quây kín, phía trong có máy tời, hệ thống điện.
Theo báo cáo của UBND xã Cẩm Tâm, ngày 8/5 vừa qua, đơn vị này đã đi kiểm tra và phát hiện hộ bà Yến đã cho dựng tới 6 ngôi nhà trong khu đất để chứa đồ đạc, cho người ở và che các giếng đào.
Kiểm tra hầm ngang xã này phát hiện đã được đào mới thêm 15 m, có 1 máy đào đất đá và 3 máy bơm (công suất khoảng 10-11 mã lực); ở khu vực giếng đào phát hiện tiếp 4 máy bơm có công suất tương tự. Nước được bơm lên không dùng để tưới cây mà chảy vào một bể trong vườn và một bể của hộ gia đình bên cạnh.
Đặc biệt, tại thời điểm kiểm tra, phát hiện bên trong khuôn viên đang có 20 người, trong đó có 17 người lạ mặt chưa đăng ký tạm trú, tạm vắng đến từ các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Nam và 1 số huyện khác trong tỉnh Thanh Hóa.
Theo Phòng TN-MT huyện Cẩm Thủy, qua kiểm tra diện tích đất mà bà Yến thuê lại có trồng keo và cây ăn quả (cây vải) là những cây do hộ ông Nguyễn Mạnh Hùng trồng trước khi chuyển nhượng lại cho bà Phụng; có 1 ao nước sâu và 2 giếng đào do hoạt động khai thác vàng trái phép để lại chưa được lấp. Toàn bộ diện tích không trồng chanh đào và hoạt động chăn nuôi.
Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa có đồng ý cho bà Yến khai thác nước ở 2 giếng nước đã được đào trước đây, với lưu lượng sử dụng 60 m3/ngày đêm và chỉ khai thác để phục vụ cho dự án chanh đào và chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó phòng TN-MT huyện Cẩm Thủy cho biết, nhận được phản ánh của người dân, huyện cũng đã xuống kiểm tra và phát hiện bà Yến không có hoạt động trồng cây và chăn nuôi như trong giấy phép xin thuê đất mà cho xây dựng công trình và nhà ở sai mục đích nên đã yêu cầu tháo dỡ 5 nhà xây trái phép và xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng.
“Chúng tôi cũng nghi ngờ họ có hoạt động khai thác vàng trái phép nhưng rất khó phát hiện vì các lần xuống kiểm tra không thấy có hoạt động gì”- ông Hiệp nói.
Còn ông Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng phòng TN-MT huyện Cẩm Thủy nêu quan điểm: “Địa phương không khuyến khích cho khai thác nước để thực hiện dự án này vì thực chất ở đó trước đây cũng có hoạt động khai thác vàng. Trong quá trình cấp phép khai thác nước cho bà Yến, UBND huyện cũng không được tham gia ý kiến, tuy nhiên quyết định đã ban hành rồi nên phải tuân thủ.
“Các anh chắc cũng thấy rồi, trồng chanh với khai thác nước gì mà có mười mấy người, chúng tôi biết chắc chắn đó là hình thức trá hình cho hoạt động khai thác vàng trái phép chứ dự án trồng cây với chăn nuôi gì đâu. Tới đây huyện sẽ có đề xuất gửi tỉnh nếu dự án không hiệu quả thì nên thu hồi”- ông Tuấn thẳng thắn.
Bình Minh
Theo Dantri
Lật tung "ruộng mật" tìm vàng ở Hòa Bình: Bán cả đất hương hỏa
Nhiều người dân ở thôn Đồng Hòa 2, xã Mị Hòa, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã bán ruộng cho "bưởng" vàng địa phương để khai thác vàng. Chính quyền xã bất lực, còn "bưởng" vàng bất chấp lệnh cấm ngang nhiên đặt máy khai thác khoáng sản giữa ban ngày.
Chúng tôi có mặt tại thôn ĐồngHòa, xã Mị Hòa, huyệnKim Bôi, HòaBình và chứng kiến máy xúc, máy ủi, máy bơm... cùng hợp lực lật tung những chân ruộng vốn nuôi sống bao thế hệ người Mường nơi đây để tìm vàng.
Biến ruộng thành bãi vàng
Cánh đồng Pống đang vào thời vụ, thay vì dẫn thủy nhập điền, nơi đây lại xuất hiện máy xúc vào cày cuốc. Từng thửa ruộng bị khoét sâu hoắm, chi chít như hố bom. Công cuộc khai thác vàng diễn ra khẩn trương và công khai. Dường như ở nơi đây, đào ruộng, khoét ao rồi đưa máy múc xuống cạy từng lớp đáy ao tìm vận may là việc làm đương nhiên.
"Công trường" của anh Đinh Công Điệp nằm cạnh đường trục chính của thôn Đồng Hòa 2. Xung quanh khu ruộng tốt tươi ngày nào giờ bị vây đắp, thành lũy. Nền ruộng bị khoét sâu tới 4-5m. Tầng đất thịt dày 3- 4m bao năm được sông Bôi bồi đắp bị lật xới tung tóe. Chúng được vét sạch cho tới tầng đá. Lòng ao sâu hoắm tựa như giếng khơi được chủ nhân đặt chiếc máy bơm công suất lớn chạy suốt ngày. Cách đó vài bước chân, đám thổ phỉ ngang nhiên đãi vàng giữa ban ngày.
Ông Đinh Công Trình - Trưởng xóm Đồng Hòa 2 cho rằng, các hộ đang chuyển đổi đất nông nghiệp, chứ không khai thác vàng. ảnh: Xuân Tuấn
Đi cùng chúng tôi, ông Quách Công Trình - Trưởng thôn Đồng Hòa 2 không bất ngờ trước thực trạng trên. Biết có Trưởng thôn đi cùng chúng tôi, ông Đinh Công Điệp giải thích: "Tôi đang đào cái ao để thả cá. Diện tích này trước đây cấy lúa, chẳng thu được lợi lộc gì. Giờ tôi chuyển đổi". Để ngụy trang cho việc làm sai trái của mình, ông Điệp cho dựng lưới đen xung quanh bờ ao, trồng vài cây chuối. Nhưng ngay dưới ao, đám thợ vẫn đang đãi đất tìm vàng. Cũng làm theo cách ấy, nhiều "bưởng" vàng khác của Đồng Hòa 2, giả tạo cắm dựng dãy lưới đen xung quanh bờ ao. Máy bơm xối nước vào máng vàng diễn ra không ngừng.
"Cái lý" để bán ruộng, đãi vàng
Theo báo cáo của UBND xã Mị Hòa ngày 29.6, Tổ công tác quản lý địa bàn xã đã nhắc nhở nhiều lần và lập biên bản đình chỉ 5 trường hợp đào ruộng, vườn để tìm vàng: Bùi Thanh Hương, Hà Mạnh Tiến, Quách Xuân Thái (trú tại xóm Đồng Hòa 1), ông Đinh Trọng Điệp và Đinh Công Đạt (xóm Đồng Hòa 2), nhưng các hộ vẫn không chấp hành.
Ông Trình cũng một mực khẳng định: "Bà con đang làm ao chuyển đổi, chứ không hề có chuyện khai thác vàng. Họ chuyển đổi diện tích đất xấu thôi mà". Nhưng khi nói đến vấn đề lương thực của thôn, ông Trình lại tỏ ra tiếc nuối và băn khoăn: "Thôn tôi có ít ruộng lắm. Thôn có 130 hộ dân với gần nghìn khẩu. Mỗi nhân khẩu chỉ được 250m2 đất ruộng. Diện tích nhỏ nhoi này không đủ cung cấp lương thực cho bà con".
Cánh đồng Pống ôm trọn lấy thôn Đồng Hòa 2 như người mẹ hiền bao năm nay vẫn dang rộng vòng tay, che chở cho những người con đất Mường, giờ đây, lớp con cháu của họ đang ngày đêm cày, xới tới tận tầng đá cứng để đào vàng. Tình trạng này đã diễn ra từ 3 năm nay mà không hề bị ngăn chặn.
Ngày này, qua ngày khác những chiếc máy xúc công suất lớn miệt mài múc và cày cuốc trên cánh đồng Pống để tìm vàng. Nhìn cánh đồng tươi tốt một thuở giờ bị cày xới nham nhở như bãi chiến trường, một cụ già nơi đây thở dài: "Vàng đâu chưa thấy, chứ bờ xôi ruộng mật đã và đang mất dần".
Thế nhưng, thay vì đấu tranh hoặc kiến nghị lên chính quyền địa phương sớm có biện pháp xóa xổ bãi vàng này, nhiều gia đình lại sẵn sàng bán ruộng cho các "bưởng" vàng. Cái lý họ đưa ra là trước đây bán ruộng có ai mua đâu. Giờ có người mua lại được giá cao, bán đi chứ giữ làm gì. Theo thống kê của UBND xã Mị Hòa, đến nay có khoảng trên 20 hộ dân đã bán ruộng cho các "bưởng" vàng. Người nọ bảo người kia, chẳng mấy chốc từng thửa ruộng nhỏ rơi vào tay "bưởng" vàng.
Điều đáng nói, tình trạng khai thác vàng trái phép tại thôn Đồng Hòa 2, xã Mị Hòa, huyện Kim Bôi, đã diễn ra từ nhiều năm nay. Cánh đồng Pống - đại công trường khai thác vàng nằm ngay trước cổng UBND xã Mị Hòa, tiếng máy khai thác không thể không nghe thấy. Chính quyền xã đã nhiều lần xuống kiểm tra, xử phạt, nhưng việc này vẫn tồn tại. Các "bưởng" vàng bất chấp lệnh cấm của chính quyền, ngày đêm xóa sổ bờ xôi ruộng mật. Câu hỏi đặt ra là vì sao có tình trạng ngang nhiên này?...
Theo Danviet
"Cỗ máy" bơm nước tiền tỷ nguy cơ trở thành sắt vụn Một trạm bơm hiện đại được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng tại xã Cẩm Vân, huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa), với máy móc được nhập khẩu từ nước ngoài nhưng lại bị bỏ hoang hàng chục năm nay, có nguy cơ biến thành sắt vụn... Trạm bơm tiền tỷ bỏ hoang Theo phản ánh của người dân, công trình...