Những nghệ sĩ già vẫn tích cực đóng phim
Dù đã bước sang tuổi 70 – 80 nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh, Phạm Bằng hay Lê Thiện vẫn tích cực đóng phim, không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn vì khát khao được sống chết với nghề.
Dù sinh ra và lớn lên ở phố cổ nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh luôn gắn liền với những vai người nông dân thật thà, chất phác. Sau khi nghỉ hưu tại Nhà hát kịch Hà Nội, ông vẫn miệt mài tham gia đóng phim. Khi nhận được lời mời của các đạo diễn, người nghệ sĩ già vẫn tự mình lái xe máy đến phim trường. Ảnh: Vietnamnet.
Nghệ sĩ Trần Hạnh cho hay, nếu không đóng phim, cuộc sống của ông cũng tạm đủ. Ngoài số tiền lương hưu 3 triệu đồng, ông còn bán hàng giúp con dâu, tiền sinh sống hàng ngày các con cũng phụ giúp. Tuy nhiên, ông vẫn đau đáu với niềm đam mê diễn xuất. Người diễn viên 86 tuổi chia sẻ, cách đây vài năm trên đường đi đóng phim về, ông gặp tai nạn giao thông, bị gãy tay và được đưa vào viện chữa trị. Sáng hôm sau, ông vẫn nén đau tới phim trường hoàn thành các cảnh quay dang dở. Ảnh: Vietnamnet.
NSƯT Phạm Bằng là gương mặt diễn viên hài được nhiều khán giả phía Bắc yêu quý. Ông có 4 người con và là chủ của quán bánh trôi tàu. Dù không đóng phim, ông vẫn có thể tự lo cho cuộc sống riêng. Tuy vậy, người nghệ sĩ sinh năm 1931 vẫn hào hứng mỗi khi nhận được lời mời từ các đạo diễn. Ảnh: VTV.
Diễn viên hài nổi tiếng của Gặp nhau cuối tuần cho hay, khi đóng phim, không bao giờ ông hỏi cát-xê. Ông làm nghề, không mặc cả, không đòi hỏi, chỉ lấy tiếng cười của khán giả làm phần thưởng. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.
NSƯT Lê Thiện được nhiều người yêu thích với các vai diễn trong Dù gió có thổi, Vừa đi vừa khóc… Dù đã bước sang tuổi 70 và phải chăm sóc chồng ốm đau, bệnh tật nhưng bà vẫn tích cực nhận lời đóng phim. Trong ảnh, bà chụp cùng với diễn viên trẻ Minh Hằng khi tham gia phim Vừa đi vừa khóc. Ảnh: Đoàn phim cung cấp.
Video đang HOT
Diễn viên sinh năm 1945 tâm sự, nghệ sĩ nhạy cảm lắm, khi nhiệt huyết, khả năng vẫn còn mà không được diễn dễ cảm thấy tủi thân. Ngoài thời gian chăm sóc chồng, bà nhận lời đóng phim để thỏa mãn đam mê và cũng để tuổi già đỡ cô đơn, trống trải. Ảnh: Công an nhân dân.
Hơn 70 tuổi, nghệ sĩ Mạnh Dung vẫn chạy xe máy đi đóng phim. Ông tâm sự, mình còn sức khỏe, việc được hóa thân vào các vai diễn giống như huyết mạch chảy trong người nên ông không thể từ bỏ. Ảnh: Người lao động.
Nam nghệ sĩ xuất thân đất Bắc nhưng lại thành công với vai diễn ông già Nam bộ cho hay, ông nhận lời tham gia phim không phải vì cát-xê mà đơn giản vì tình yêu nghề. Vì thế, với những vai diễn dù rất nhỏ nhưng nếu tâm đắc, ông vẫn nhận lời. Ảnh: Gia đình xã hội.
Dù bước qua tuổi 80 nhưng nghệ sĩ Phi Điểu vẫn tích cực chạy xe máy đi đóng phim, dù các con ra sức can ngăn. Vợ cố nhạc sĩ Phan Nhân cho hay, bao nhiêu năm quen hoạt động, gắn bó với nghề, giờ bắt bà phải ngồi hưởng thủ tuổi già, bà làm không được. Ảnh: Gia đình xã hội.
Ngoài việc đóng phim, nghệ sĩ Phi Điểu còn nhận lời diễn xuất minh họa cho các nghệ sĩ biểu diễn sân khấu. Bà cho hay, cát-xê các vai diễn đôi khi chỉ ở mức tượng trưng nhưng nó rất quan trọng. Bà dành dụm từng đồng để ủng hộ quỹ khuyến học địa phương và giúp đỡ những mảnh đời gặp khó khăn. Ảnh: VTV
Theo Zing
Bữa cơm cuối của người vợ 50 năm và nhạc sĩ Phan Nhân
Lúc còn sống, nhạc sĩ Phan Nhân thường đàn hát những ca khúc do mình sáng tác cho vợ nghe.
Ông hâm nóng tình cảm bằng những buổi cùng bà sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, đi làm từ thiện. Đáp lại, người vợ hiền là nghệ sĩ Phi Điểu cũng rất tâm lý. Bà thường dậy sớm đi chợ, mua cá lóc để nấu món cháo chồng ưa thích, ân cần chăm sóc ông bằng tình cảm như hồi còn son. Tình yêu "đôi bạn già" dành cho nhau, đến tận ngày ông vĩnh viễn ra đi, khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.
Gặp nhau trong thời chiến
"Ông vẫn thường nói với tôi, người nghệ sĩ mà không có tác phẩm để đời chẳng khác nào chết chưa chôn. Tôi biết ông vẫn canh cánh trong lòng, vẫn nặng lòng với sáng tác. Tôi khuyên ông nhiều lắm, muốn ông thoát khỏi giấc mơ con chữ đang đè nặng", NSƯT Phi Điểu tâm sự.
Tình yêu của "đôi bạn già" được thử thách qua chiến tranh, bom đạn. Họ ngưỡng mộ tài năng, hết mực tôn trọng nghề nghiệp của nhau. Tình yêu đôi lứa có sự hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước. Vì vậy, sống với nhau hơn nửa thế kỷ, tình yêu ấy chưa một phút giây thôi nồng nhiệt. Họ chỉ chịu chia xa khi nhạc sĩ Phan Nhân không cưỡng nổi quy luật "sinh, lão, bệnh, tử" đầy nghiệt ngã.
Cho đến khi nhạc sĩ Hà Nội niềm tin và hy vọng nằm xuống, vợ ông vẫn nấu bữa cơm đạm bạc, với đầy đủ món ăn mà sinh thời ông ưa thích. Bà cầm chiếc gậy gỗ mộc mạc mà khi còn sống, ông coi là vật bất ly thân. Chứng kiến tình cảm sắc son nghệ sĩ Phi Điểu thể hiện, không ít người vừa cảm động, vừa nghiêng mình thán phục.
Vợ chồng nghệ sĩ Phan Nhân - Phi Điểu.
Hàng chục năm qua, triệu triệu tâm hồn yêu nhạc của nhiều thế hệ biết đến tác phẩm Hà nội niềm tin và hy vọng với âm hưởng trầm hùng, bi tráng. Đây chính là sáng tác để đời của nhạc sĩ Phan Nhân. Ông viết bài hát vào năm 1972, khi quân và dân ta vừa chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử. Sáng tác này đã đưa tên tuổi một người viết nhạc gốc Nam Bộ nổi tiếng khắp miền Bắc lúc đó.
Nhạc sĩ Phan Nhân tên thật là Nguyễn Phan Nhân, sinh tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Từ nhỏ, ông đã có năng khiếu nhạc. Lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, cậu thanh niên Phan Nhân đã theo con đường văn nghệ phục vụ cách mạng. Những tháng ngày năng nổ, nhiệt huyết thời chiến đã ảnh hưởng đến những sáng tác của Phan Nhân, định hình phong cách nhạc của ông sau này. Phần lớn những sáng tác của nhạc sĩ có tính quần chúng, cổ động phong trào, mang âm hưởng trầm hùng, bi tráng của dân tộc. Có thể nói quãng thời gian tuổi trẻ, Phan Nhân sống và viết hết mình, đó là giai đoạn đẹp nhất của sự nghiệp của nhạc sĩ.
Vào những năm 50 của thế kỷ trước, Phan Nhân gia nhập đoàn văn công, đây chính là nơi ông gặp người phụ nữ cuộc đời. Phi Điểu cũng quê gốc An Giang, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Những năm tháng sơ tán, Phi Điểu lại lớn lên ở Campuchia.
Sau năm 1954, bà tập kết ra Bắc, rồi vào đội văn công phục vụ quần chúng. Cảm mến tài năng của Phan Nhân, hai người tiến tới hôn nhân. "Đám cưới được tổ chức giữa lán trại trong rừng, chỉ có ít nước chè và bánh kẹo. Toàn anh em văn nghệ tham gia nên đám cưới giản dị mà vui", nghệ sĩ Phi Điểu nhớ lại.
Dù đã là vợ chồng nhưng cả hai hoạt động phục vụ kháng chiến nên thường ở hai đơn vị khác nhau. Thời gian ở bên nhau ít nhưng những cánh thư hỏi han vẫn đều đều được gửi đi, nhận về trong tháng năm bom đạn. Tình cảm vợ chồng của Phan Nhân và Phi Điểu được thử thách qua những tháng năm bom rơi đạn lạc.
Phi Điểu còn nhớ, những năm 1970, chiến tranh leo thang khốc liệt ở miền Bắc, vợ chồng bà xa nhau triền miên. Trong khi ông rong ruổi khắp miền đất nước để gây dựng phong trào văn nghệ hoặc đi nước ngoài học tập thì bà ở lại nơi tập kết, vừa nuôi con đầu lòng, vừa tiếp tục nhiệm vụ người lính. Bà cho biết, lúc đó chỉ có lý tưởng cao cả vì cách mạng, vì đất nước mới có thể giúp tình cảm hai người vượt qua cám dỗ, thử thách.
Là phụ nữ trẻ, lại phải nuôi con đầu lòng nhưng Phi Điểu là người mạnh mẽ. Bà vẫn còn nhớ lúc đó chồng bận bịu, bà vừa nuôi con nhỏ, vừa làm việc ở Đài tiếng nói Việt Nam. Khi chiến tranh leo thang, Phi Điểu lại phải gửi con thơ đi sơ tán vì nhiệm vụ đất nước. Nhưng khó khăn ấy vẫn không thể làm ý chí người phụ nữ kiên trung gục ngã. "Trong chiến tranh, tình yêu quê hương đất nước cao hơn tình cảm cá nhân. Chúng tôi đã động viên nhau, gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để gia đình sớm đoàn tụ. Tôi viết thư cho chồng và thấy ấm lòng khi nhận lại sự động viên từ những cánh thư nơi tiền tuyến", nghệ sĩ Phi Điểu bồi hồi nhớ lại.
Viết trọn bản tình ca thời bình
Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Nhân - Phi Điểu quay lại Sài Gòn công tác trong Đài phát thanh TP HCM. Lúc này, nhạc sĩ vẫn ôm đàn đi khắp các tỉnh Nam bộ gây dựng phong trào văn nghệ những ngày đầu giải phóng. Chỉ đến khi gần về hưu, làm công tác biên tập âm nhạc cho đài phát thanh, ông mới có nhiều thời gian bên gia đình.
Nhạc sĩ Phan Nhân từng chia sẻ cả cuộc đời ông chưa có sáng tác nào dành riêng cho vợ. Ông nói: "Thế hệ chúng tôi ngại những cách bày tỏ tình cảm trực tiếp. Chúng tôi hiểu nhau qua ánh mắt, cử chỉ, tôn trọng công việc, sở thích của nhau, vậy là đủ". Vì suy nghĩ đó, ông cũng yên tâm và ủng hộ Phi Điểu theo đuổi những việc yêu thích như đóng phim, làm từ thiện... Theo nhạc sĩ, chính sự đảm đang cùng tấm lòng yêu thương, chung thủy của nữ nghệ sĩ tạo nên sợi dây kết nối hai vợ chồng. Nhờ vậy nên dù sống xa nhau nhiều, họ vẫn có nhau trong tâm tưởng.
Nhạc sĩ Phan Nhân qua đời ở tuổi 85.
Không xuất hiện trong sáng tác của chồng, nhưng Phi Điểu luôn là người đầu tiên lắng nghe, cho ý kiến mỗi khi ông hoàn thành một ca khúc mới. Sự hào hứng của bà chính là nguồn cảm hứng dồi dào để ông viết những tác phẩm được khán giả yêu thích, trong đó có bài Tình bạn già. Đây được xem là ca khúc khái quát mối tình bền chặt trải qua hơn 60 năm của vợ chồng nghệ sĩ.
Ca khúc mang những ca từ giản dị: "Tóc bạc trắng mà vẫn bước đường xa/ Qua phong ba nhưng tình nghĩa đậm đà/ Vẫn nồng ấm nhựa sống trong lòng ta/ Yêu thương nhau tình đồng đội/ Yêu thương nhau tình đồng hương/ Vui bên nhau đời còn dài/ Vui bên nhau đường còn xa...".
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phan Nhân còn dí dỏm ví mình giống như một đứa trẻ, lúc nào cần sự chăm sóc, động viên của vợ. Còn Phi Điểu càng tâm lý với chồng khi biết món ăn yêu thích nhất là cháo cá lóc, những ngày không hoạt động văn nghệ, bà lại đạp xe đi chợ, mua cá về nấu cho ông ăn. Những khi ấy, lão nhạc sĩ già ngồi ngắm vợ nấu ăn, vừa loanh quanh giúp bà việc vặt. Rồi ông ân cần gọi bà là "má", bà cũng trìu mến gọi chồng bằng "ba". Ngoài ra lúc còn nhau, nghệ sĩ Phi Điểu và chồng còn hay hâm nóng tình yêu bằng các hoạt động xã hội như tham gia văn nghệ, làm từ thiện để tinh thần thoải mãi, yêu đời, sống hòa nhã hơn.
Bước sang tuổi 85, sức khỏe nhạc sĩ Phan Nhân yếu đi nhiều. Ông bị bệnh tim, phổi và nhiều căn bệnh tuổi già khác. Những ngày chồng nhập viện, NSƯT Phi Điểu tạm gác việc quay phim, tự tay chăm miếng ăn, giấc ngủ cho người bạn đời. Bà cũng giữ bình tĩnh, đích thân chu toàn việc chăm sóc cho chồng trong những ngày cuối đời khi ông được chuyển từ bệnh viện về nhà.
Rồi như nhận ra quy luật sinh tử tuổi già đã cận kề, đôi bạn già cũng thanh thản chờ đợi cuộc phân ly sớm muộn cũng phải đến. Ngày ngày, nghệ sĩ Phi Điểu luôn túc trực bên chồng để chăm sóc, động viên. Nhạc sĩ Phan Nhân dường như cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc viên mãn khi có một người vợ tâm lý, hết lòng yêu thương mình.
Ngày ông trút hơi thở cuối cùng, nghệ sĩ Phi Điểu tiếc thương vô hạn vì không còn sánh đôi với chồng trên đường đời. Tuy nhiên, người ta thấy trên khuôn mặt phúc hậu của nghệ sĩ Phi Điểu một sự mạnh mẽ. Bà nén đau thương tự tay nấu một bữa cơm gồm những món ưa thích của chồng lúc còn sống để tiễn biệt. Trong buổi tang lễ bà vận áo tang, tay mang chiếc gậy gỗ mà lúc còn sống được xem là vật bất ly thân của chồng. Nhiều người chứng kiến cảnh ấy đã không khỏi cảm động.
Giờ đây nghệ sĩ Phan Nhân đã đi xa, trái tim gần một thế kỷ thổn thức vì nhạc đã ngừng đập, nhưng cảm hứng về tình yêu, về cuộc sống của cố nhạc sĩ vẫn còn đó. Người ta nói, tình yêu của vợ chồng ông xứng đáng là bản tình ca bất diệt cũng là vậy.
Theo Phong Vân/Báo Gia đình & Xã hội
NSƯT Phi Điểu thất thần đưa tiễn nhạc sĩ Phan Nhân Mặc dù luôn giữ sự bình thản để lo hậu sự cho chồng nhưng trong ngày đưa tiễn bạn đời về đất mẹ, nữ diễn viên lão làng như muốn ngã quỵ. Sáng sớm 2/7, người thân, đồng nghiệp có mặt tại Nhà tang lễ Thành phố làm lễ động quan nhạc sĩ Phan Nhân. Linh cữu ông được đưa đi hỏa táng...