Những ngày về thăm lại Huế
Về lại Huế, tôi tìm đến ‘Chiều’ quán, một quán café nhạc Trịnh nho nhỏ trên đường Đặng Thái Thân để lại được chìm đắm trong tiếng hát Khánh Ly đầy khắc khoải.
Tôi một mình trở lại Huế trong nỗi nhớ hối thúc, nôn nao hệt như cảm giác mong được gặp lại cố nhân. Huế khi ấy đang ở cuối độ ” Mùa hạ cháy da thêu vàng ngọn cỏ” và chuẩn bị bước vào những tháng mà “Mưa sợi ngắn, mưa sợi dài. Mưa dầm dề, mưa rả rích. Mưa như thế mà Trịnh Công Sơn gọi là mưa hồng”. Đi qua những đồng lúa xanh mướt trải dài dọc từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị, tôi đến bến xe phía Nam của thành phố Huế lúc 3h chiều. Huế đón tôi bằng cơn mưa tầm tã trong cảm xúc vỡ òa ngày trở lại.
Về Huế lần này, tôi lại về vãn cảnh chùa Thiên Mụ. Vẫn như lần đầu tiên đến đây, bước qua khỏi cổng chùa ta đã thấy hồn nhẹ bẫng và lắng lại như thể đang đi vào không gian của trăm năm thanh tịnh và thơ mộng. Tháp Phước Duyên vẫn vòi vọi soi bóng xuống dòng Hương lững lờ đầy thi vị. Ở chốn này ta bỗng nhiên không còn nghe thấy những tiếng ồn ào náo nhiệt của cuộc sống ngoài kia, chỉ có tiếng bước chân du khách chậm rãi thỉnh thoảng xào xạc trên lá và tiếng đò máy lướt nhẹ trên sông.
Về lại Huế, tôi tìm lại quán bún thịt nướng Huyền Anh, một quán ăn vặt nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Kim Long mà tôi rất thích. Như một đứa con lâu ngày không được ăn đồ mẹ nấu, tôi gọi một loạt các món, mỗi thứ một ít, nào là bún thịt nướng, bánh ít, bánh xèo, bánh bèo rồi cứ thế mà ngấu nghiến thưởng thức những hương vị tôi đã rất nhớ nhung này.
Nhớ những bình sen úa tàn với tiếng hát Khánh Ly đầy khắc khoải ở Chiều quán.
Về lại Huế, tôi tìm đến “Chiều” quán, một quán café nhạc Trịnh nho nhỏ trên đường Đặng Thái Thân để lại được chìm đắm trong tiếng hát Khánh Ly đầy khắc khoải. Người Huế hay nói: “Nghe nhạc Trịnh phải nghe ở Huế mới thấm nhất, nghe ở nơi khác vẫn hay nhưng cũng sẽ giống như khi ăn bún bò Huế ở Hà Nội hay Sài Gòn vậy”. Tôi từng thắc mắc về điều ấy, nhưng sau này, khi lại Huế nhiều lần, ở Huế nhiều ngày, nói chuyện với nhiều người Huế, tôi đã có câu trả lời cho riêng mình. Café “Chiều” không biển hiệu, nằm kín đáo dưới những tán bàng già cỗi. Không gian nơi này mang đến cho chúng ta những khoảng lặng, những cảm nhận rất rõ về ý niệm thời gian với cách bài trí đơn giản, mộc mạc và cũ kỹ rất tình. Thêm một lý do tôi thích nơi này là bởi mọi người đến đây để thưởng nhạc, để uống trà, để đàm đạo hay đơn giản giống như tôi là để mặc cho hồn mình phiêu du nên sẽ chẳng bận tâm đến những người xung quanh, và vì thế, tôi sẽ không phải bắt gặp những ánh mắt hiếu kỳ của ai đó dành cho mình. Và cũng ngay trong buổi tối hôm đó tôi có thêm hai người bạn mới – một họa sĩ, một thầy giáo dạy vẽ và một cô bé kém tôi vài tuổi vừa tốt nghiệp đại học nhưng tính cách người lớn hơn tuổi tự nhận là mình” già trước tuổi”. Bình trà cứ châm hết nước này đến nước khác và câu chuyện của chúng tôi cứ thế kéo dài đến tận gần nửa đêm.
Trong những ngày ở đây, tôi có một thú vui là chạy xe lang thang khắp những con đường từ bờ Nam sang bờ Bắc, lang thang khắp các ngõ ngách phố phường, la cà vào các quán xá vỉa hè, nói chuyện với những người xa lạ hay chạy xe ra những vùng ngoại ô của Huế. Hôm nào cũng vậy, tôi rời khỏi khách sạn từ lúc sáng sớm và trở về khi cả thành phố đã chuẩn bị đi vào giấc ngủ.
Hoàng hôn trên nóc Hoàng Thành.
Ở Huế, tôi yêu mỗi sớm đạp xe trên những con phố rợp bóng cây, rồi lại ghé một quán vỉa hè nào đó ngắm nhìn cuộc sống xung quanh. Tôi mê áo dài trắng và càng yêu chiếc áo dài trắng tinh khôi của những nữ sinh Đồng Khánh trong mỗi sáng đến lớp hay những chiếc lưng áo đẫm mồ hôi mỗi buổi tan trường.
Ở Huế, tôi yêu những buổi chiều thơ thẩn dạo quanh khu Đại Nội rồi chờ mặt trời xuống dần trên nóc hoàng thành. Tôi vẫn nhớ vào thời khắc ánh tà dương buông xuống, hoàng thành càng trở nên đẹp uy nghi và huy hoàng. Trong đầm bao quanh khu Đại Nội, sen vẫn hồng thắm dù Huế khi ấy đã vào cuối mùa sen.
Ở Huế, tôi yêu những gánh cúc vàng ươm, những gánh chuối các mệ tất tả gánh đi mỗi buổi sáng sớm, yêu cả khói thuốc các mệ phả vào không gian. Tôi yêu những tách trà thơm lừng những khi ngồi nhâm nhi ngắm mưa bên ô cửa kính, yêu giọng Huế nhỏ nhẹ thâm trầm, yêu cả những nụ cười xa lạ.Buổi tối, tôi thích hòa vào dòng người đi bộ trên phố Nguyễn Đình Chiểu hay đơn giản chỉ là đứng bên dòng Hương để gió thổi tóc tung bay.
Vĩ Dạ ngày nay.
Về lại Huế, tôi về Vĩ Dạ để ăn cơm hến, để lại được nghe tiếng mệ mệ con con rất đỗi thân thương. Dù Vĩ Dạ ngày nay không còn là thôn Vĩ Dã như trong thơ Hàn Mặc Tử mà đã trở thành phường Vĩ Dạ, nhưng với những người đã cảm Vĩ Dạ “bằng những nét tâm tưởng” chứ không chỉ nhìn bằng mắt thì những cảm xúc về nơi ấy vẫn dạt dào. Tôi tìm hỏi nhà mệ Thuận vì mấy năm trôi qua nên cảnh vật cũng đã phần nào đổi khác. Kia rồi, nhà mệ hiện ra hiền hòa dưới những tán cây xanh mướt và những giàn hoa loa kèn leo kín tường. Đó là một buổi trưa thật đẹp với với đĩa cơm hến thơm lừng, với ly chè ngô ngậy bùi và những câu chuyện xúc động của Mệ.
Mỗi người đến Huế sẽ có những cảm nhận khác nhau. Có người thấy Huế trầm mặc và buồn tha thiết, ngày mưa ở Huế thì buồn không tả. Riêng tôi, tôi thấy Huế ngày nay đã chuyển mình khoác một chiếc áo mới đầy màu sắc sống động vui tươi để đón chào du khách muôn nơi và một lượng khách nước ngoài đông đảo, nhưng Huế, cùng với sự hiện đại, phát triển vẫn cứ là vẻ đẹp kín đáo với những nét hoài cổ. Huế tao nhã, trữ tình và sâu lắng nhưng lại có gì đó trong trẻo, hồn nhiên. Huế mềm mại, dịu ngọt rất con gái, nhưng lại tiềm tàng sức sống mạnh mẽ của những cảm xúc mãnh liệt. Và người Huế thì vẫn cứ mộc mạc, chân tình quá đỗi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình đã phải thốt lên: “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được, nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”.
Video đang HOT
Nhắc đến Huế nhiều người sẽ nghĩ ngay tới các di tích chùa chiền, lăng tẩm, miếu mạo nhưng với tôi, tôi muốn chia sẻ những cảm xúc bằng những điều bé nhỏ, đơn sơ rất đời thường ở Huế.
Chiều bình yên ở Đầm Chuồn, thuộc hệ thống Phá Tam Giang.
Đây là lần thứ 3 tôi đến đây và chắc chắn còn về thăm nơi này nhiều lần nữa. Hôm tôi nói với Huyên, người em gái Huế tôi mới quen rằng một ngày mùa đông nào đó tôi sẽ trở lại để cùng thấm cái lạnh cắt da cắt thịt trong những ngày mưa dầm dề ẩm ướt mùa đông xứ Huế, Huyên bảo: “Trời ơi, chị sẽ sợ mà không dám quay lại Huế mất thôi vì mùa đông Huế rét dữ lắm, bao nhiêu cái rét dồn hết vào đây rồi mưa hết ngày này đến ngày khác, ai cũng sợ đến Huế vào mùa đông”. Tôi cười bảo em: “Tôi sẽ trở lại”.
Trở về sau chuyến đi, ngồi xem lại những bức ảnh tôi đã chụp trong những ngày ở đây, tôi càng thấm rằng, Huế không chỉ đẹp bởi phong cảnh mà “nét đẹp ấy nằm trong những cảnh tượng, những khoảnh khắc”, trong những thứ tưởng chừng nhỏ bé hết sức giản dị mà đôi khi người ta dễ bỏ qua. Đó giống như vẻ duyên dáng của một người thiếu nữ, cái duyên ấy không thể nhìn ra ngay được, cũng không thể chụp lại bởi những bức ảnh mà phải cảm nhận bằng cả tâm hồn.
Và tôi nhớ đến một bài viết của nhà văn Trần Thùy Mai, một người con sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, bà nói rằng bà đã từng ước mình có thể “vẽ lại làn sương trên dòng sông Hương và con thuyền mảnh mai đang từ từ ló ra khỏi cái khối trắng mờ đang trùm lên nó”, bà “sẽ vẽ cái màu nắng trong vắt lung linh lọc qua những cành sứ nhỏ đầy hoa trắng, vẽ cả mùi thơm ngây ngất và cả phản chiếu giữa màu hoa với màu áo trắng, màu nắng và cả màu mắt thiếu nữ”, rồi biết đâu “sẽ vẽ cả tiếng chuông chùa thăm thẳm trong đêm im lặng…”
Rồi thì tôi cũng ước giá như tôi có thể vẽ lại màu của sương, màu của mưa, màu của những hạt nắng lấp lánh rớt trên những tán lá nơi nhà vườn An Hiên, giá mà tôi có thể vẽ được cái mùi ngát thơm của sen, vẽ đôi mắt và màu khói thuốc của các mệ bên những gánh hàng rong, vẽ được tiếng xì xào của cây lá trong vườn nhà mệ Thuận, vẽ được vẻ đẹp của những bình sen úa tàn ở Chiều quán, vẽ được làn khói lam chiều và màu hoàng hôn trên đồi Vọng Cảnh, vẽ được cái vị nồng nồng, những vạt nắng lưa thưa trong buổi chiều lộng gió thật đẹp ở đầm Chuồn mà không phải chỉ chụp bằng chiếc máy ảnh kia…
Theo ngôi sao
Du lịch Huế: đến với đất mẹ Thần Kinh
Điều du khách thắc mắc đầu tiên khi đến với xứ Huế có lẽ không phải là những câu hỏi thực tế như đến Huế ăn gì, ở đâu hay đi đâu chơi.
Có lẽ họ muốn biết là vì sao Huế lại được gọi là đất Thần Kinh, vì sao nhắc đến Huế là nhắc đến xứ mộng mơ, xứ của những khoảng trầm mặc, của sự nhẹ nhàng pha chút gì đó ướt át nhưng rất đỗi thân thương...
Một góc cảnh đẹp ở xứ Thần Kinh.
Trời dần cuối thu, Huế đón khách bằng những cơn mưa bất chợt qua nhanh rồi để lại một khoảng trời xanh vắt. Hít một hơi thật sâu mới cảm nhận hết vẻ thanh mát của khí trời. Với tay gọi một chiếc xích lô, dành ít phút ngã giá rồi lan man đi, lan man nhìn, lan man thấm...
- Thưa anh! Vì sao đất Huế gọi là đất mẹ Thần Kinh?
- Vì Huế là đất Kinh Thành và nhiều điều Thần Bí ghép lại mà thành xứ Thần Kinh.
- Huế có gì gọi là thần bí?
- Từ từ anh sẽ biết.
- Vì sao gọi là Huế mộng mơ? Tôi có thấy nó mơ mộng lắm đâu?
- Từ từ anh sẽ biết. Tui chở anh qua mấy địa dạnh ni, đảm bảo anh sẽ thấy mơ mộng, ở luôn không muốn về...
Đi đâu?
Xích lô chở dọc Đại Nội, ngắm vẻ uy nghi pha chút trầm mặc được giới thiệu là dinh thự của vua chúa thời xưa. Trong cái quang cảnh rộng bao la với bao điều cần khám phá khi nhìn từ ngoài vào, lòng thấp thỏm sợ ngày mai sẽ không còn... nơi để thăm phá nên tự dặn lòng đành để dành cho hôm sau.
Chạy thêm chừng 5 cây số nữa để đến với chùa Thiên Mụ - ngôi chùa tọa lạc bên dòng Hương thơ mộng. Ghé chùa Thiên Mụ để nghe sự tích lời nguyền lứa đôi, để hiểu được nỗi sợ 'me mé' trong lòng những đôi yêu nhau lại không dám đến. Nhưng đâu đó trong cái lo âu ấy, trong khung cảnh thanh tịnh của ngôi chùa vẫn có những đôi bạn nắm tay nhau cầu xin trời phật ban phước lành và nỗi mừng vui khi lời nguyền được xóa bỏ...
Thắng cảnh không thể bỏ qua khi du lịch Huế - Chùa Thiên Mụ.
Tiếp tục chạy dọc sông Hương, đến làng Hải Cát, trên một ngọn núi thấp cây cối xanh rì soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng thấp thoáng màu ngói nâu rêu phong của những đền thờ cổ. Đó là chính là Hòn Chén - một thắng cảnh nổi tiếng du khách không thể bỏ qua khi du lịch Huế. Leo lên những bậc tam cấp, lên trên đỉnh cao nhất để chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy ngập tràn sắc xanh với nhiều cấp độ.
Đến với Hòn Chén tháng 3, tháng 7 âm lịch mới cảm nhận được không khí lễ hội từ lễ hội dân gian thờ và rước Thánh Y Ana. Lễ hội được mệnh danh như một Festival trên dòng Hương...
Lên đỉnh cao mới thấy vẻ uy nghi của Hòn Chén. Ảnh: Wiki
Kết thúc hành trình trên một cung đường với lăng Tự Đức. Công trình được biết đến với danh hiệu kiến trúc đẹp nhất thời Nguyễn quả không ngoa chút nào. Tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.
Trong khung cảnh thơ mộng và quyến rũ của sắc nước hương hoa, khách hành hương ngỡ mình như đang lạc vào tiên cảnh, khiến họ quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố. Dặn lòng bớt mơ mộng chút để trở về thực tại, để dâng nén hương tâm linh cho vị vua quá cố tài hoa...
Vẻ thơ mộng của lăng Tự Đức khiến không ít du khách như bị "thôi miên'.
Ăn gì?
Đến Huế còn nhiều nơi để chơi, nhiều cảnh đẹp để ngắm, nhưng đi một buổi chiều rồi nên cũng cần chốn ăn uống, nghỉ ngơi. Trong cái thanh mát của chiều thu, người phu xe quệt mồ hôi vật vả vì nửa ngày lội đường xa xôi, người khách bụng cũng cồn cào đói:
- Thưa anh. Chúng ta dừng ở đâu ăn cơm là ngon nhất?
- Rứa anh nghe câu: "Ăn cơm Âm Phủ ngủ khách sạn Thiên Đường chưa?"
Dứt câu, người lái xe nhiệt tình lăn bánh. Chiều Huế chốc đó đã tim tím, buồn buồn cái điệu buồn khó tả. Mơ hồ nghĩ, chợt lòng lắng đọng những cảm xúc khi ngắm những cô nữ sinh tan trường với tà áo trắng tinh khôi, thi thoảng nghe đôi câu "răng tê mô rứa" thiệt nhẹ nhàng, dễ mến. Chốc phút mơ hồ, xe đã đến nơi. "Huế coi bộ mà nhỏ hỉ" - Giỡn đôi câu giọng Huế cho người lái xe vui cười, bớt mệt.
Cơm âm phủ hóa ra là tên của một loại cơm ở quán Âm Phủ. Dĩa cơm coi vậy mà cầu kỳ đến lạ! Từ màu sắc đến cách trang trí thức ăn trên dĩa phảng phất nét gì đó rất tinh tế, sang trọng. Bên cạnh dĩa cơm đầy hương sắc là chén nước mắm đặc trưng của Huế. Đúng là dân Huế ăn cay, để khách phương Nam vừa ăn vừa hít hà... Có lẽ chén nước mắm cay ấy chỉ thích hợp cho con người nơi đây, bởi hằng ngày vẫn thấy nó hiện diện trên mâm cơm của những người bạn quê ở Huế...
Món cơm âm phủ khá cầu kỳ với nhiều nguyên liệu.
Ở đâu?
Kết thúc bữa cơm, người khách bông đùa: "Vậy giờ anh dẫn tôi đi ngủ khách sạn Thiên Đường sao?". Người lái xe im lặng, lái xe chừng 3 phút đến khu vực trung tâm thành phố, nơi những ánh điện đã lên đèn. Thành phố Huế bỗng dưng khác lạ, nhộn nhịp và sôi động đúng chất một thành phố. Trong phút ngỡ ngàng, người lái xe chỉ chỏ: "Đấy! Những tòa nhà cao chót vót quanh đây, những khách sạn giá bình dân có, sang trọng có, tùy anh chọn đấy. Còn nếu muốn ở khách sạn Thiên Đường, tôi sẵn sàng chở anh đi".
Chào tạm biệt người lái xích lô nhiệt tình vui tính, làm thủ tục chọn phòng nhanh gọn, nhấc máy gọi mấy đứa bạn ở Huế vừa đi làm về lai rai. Sau những giờ vui vẻ, dạo bờ cỏ dọc cầu Tràng Tiền, dừng chân ngắm vẻ thơ mộng của dòng Hương. Đang mải mê ngắm cảnh đẹp, bạn bè đứa nói một câu mà lòng đầy hứng khởi:
- Mi đi nơi mô rồi? Mai tau chở mi đi phá Tam Giang, đi biển Thuận An, biển Lăng Cô... Mi muốn đi mô cứ nói. Huế thiếu chi nơi để đi.
Phá Tam Giang mang tính "biểu tượng" về môi trường sinh thái của Thừa Thiên - Huế xưa và nay.
- Mi ăn chè hẻm ở Huế chưa? Bún bò Huế, cơm hến, bún hến, bánh canh cá lóc... mi muốn ăn thứ gì trước?
Hóa ra Huế còn lắm nơi để đi, lắm thứ để ăn và lắm điều để nói, để nhớ, để chờ... Hơn 2 ngày ở lại Huế, sao có thể cảm nhận được tất cả những nét đẹp của Cố đô. Đành hẹn Huế vào một dịp khác vậy!
Thành phố Huế.
Theo Zing
Cuộc sống bình yên ở đầm Chuồn Là một phần trong hệ thống phá Tam Giang, đầm Chuồn hay còn gọi đầm Cầu Hai là điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi tới cố đô Huế. Nằm cách thành phố chừng 12 km do vậy để tới được đây, bạn chỉ cần đi theo quốc lộ 49 sau đó rẽ về hướng An Truyền, huyện Phú Vang. Người...