Những ngày Tết gần kề
Những ngày Tết đang gần kề, mặc nhiên phố phường dẫu lười biếng suốt cả năm cũng bỗng khoác lên mình một màu áo khác có phần sôi động hơn. Chỉ có tôi như đánh rơi một nhịp sống, bôn ba suốt cả năm nên Tết về lại tự thưởng cho mình những khoảng không trầm lắng.
Tôi khẽ nhích tấm thân nặng trịch di chuyển một chút nhưng kì thực cũng không khác gì, chỉ là nhích một chút vì ngồi một tư thế mãi nên mỏi. Tôi bâng khuâng hớp một ngụm café rồi lại nhìn bâng quơ ra dòng người đang tấp nập ngoài phố tư lự một mình. Những ngày Tết đang gần kề, mặc nhiên phố phường dẫu lười biếng suốt cả năm cũng bỗng khoác lên mình một màu áo khác có phần sôi động hơn. Chỉ có tôi như đánh rơi một nhịp sống, bôn ba suốt cả năm nên Tết về lại tự thưởng cho mình những khoảng không trầm lắng. Ai bảo rằng Tết phải luôn vui? Tôi thích khác người như thế, giữa chốn nhộn nhịp tôi tìm một khoảng trắng trong hồn.
Mùa Tết mọi năm ấu thơ tôi hay ở với bà. Ba mẹ tôi luôn tất bật sau mỗi chuyến đi xa, có năm Tết không kịp về nhà toàn ăn Tết muộn. Bà khi ấy là tất cả tuổi thơ của tôi, từ đưa tôi đến trường, chăm bẵm, chỉ tôi học cho đến khi đưa tôi vào giấc ngủ. Trong mắt tôi khi ấy, bà như một “người hùng” khỏe mạnh luôn cõng tôi trên vai đi khắp các triền cát, đi chận vịt dưới chân cầu. Tôi nhớ năm nào cũng thế, cứ Tết về là tôi lại tất bật phụ bà đi ” nhặt trứng”, nó là nguyên liệu chính cho thịt kho tàu, một món ăn không thể thiếu vào ngày Tết do mấy con vịt cái đỏng đảnh đẻ ra. Chúng chả bao giờ chịu yên một chỗ, có khi đúng ổ, có khi lại leo tuốt nấp sau mấy cái cây, có khi lại hì hục bơi ra thật xa dưới chân cầu, tìm “chỗ êm ái” mà đẻ. Tôi thích những mùa Tết như vậy lắm, nhà tôi trở nên tất bật, hưởng ứng Tết ngày ấy là đi bán buôn ngoài chợ, bán cho kịp mẻ trứng ngày Tết, vậy mà cũng kiếm được tiền sắm cho tôi cái áo mới.
Những mùa Tết sau, “người hùng” của tôi trở nên yếu dần, bóng dáng to bè một thời bỗng như đổ gục không thương tiếc trước tiếng gọi của thời gian. Lưng bà còng hẳn xuống, đôi mắt mờ hẳn đi, thi thoảng, bà thậm chí còn không nhận ra tôi… Những con vịt cũng bán dần vì bà không còn đủ sức chăm nom. Phong bao lì xì mọi năm bà hay mừng tuổi tôi khi tôi bắt đầu kiếm được việc làm thành phong bao tôi gửi lại chúc sức khỏe bà. It ra, tôi thấy mình đã lớn thêm rất nhiều, dù chỉ là một phong bao nhỏ, nhưng nó như minh chứng cho việc, cuối cùng tôi đã có thể là người chăm sóc cho bà rồi.
Ngày tôi còn đi học, tôi có hai thằng bạn thân. Đứa con gái duy nhất trong bộ ba không có nghĩa là được cưng chiều. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, từ khi hai thằng ấy còn là lũ con trai háo thắng, nhưng hễ đánh nhau thua là lại mít ướt đòi tôi bảo vệ cho đến khi trưởng thành. Tôi hay gọi những mùa tết không có ba mẹ bên cạnh là những ngày năm mới cô đơn, những lúc ấy, hai thằng dù ham chơi cách mấy đến đúng giao thừa cũng sẽ lẻn ra khỏi nhà (ở quê hay ngủ sớm chứ không ăn mừng giao thừa như ở thành phố), kiếm được đâu mấy dây pháo đốt đì đùng trước sân nhà tôi rồi ù té chạy làm chó sủa inh ỏi. Tôi biết rõ đó là chúng, chúng làm thế để chứng mình là chúng vẫn còn đang thức đón giao thừa cùng tôi. Và thể nào sang hôm sau khi tôi vừa ngủ dậy cũng sẽ thấy chúng đang đợi trước cửa nhà rủ tôi đi chơi Tết, và thể nào cũng chêm them một câu:
- Hôm nay Tết, cho mày làm nhất, muốn gì cũng chiều.
Khi tôi vào đại học tôi lên phố học một mình, bộ ba không ai nói ai cũng ngầm hiểu như đã phần
Nào tan rã. Ngày tôi đi, tụi nó khóc như mưa bảo tôi nhớ về, tụi nó đợi, tôi thậm chí còn nghĩ đứa con gái như tôi chưa kịp khóc mà chúng đã bù lu bù loa cả rồi. Âý thế nhưng khi leo lên xe lên phố, nghĩ đến một nơi không có hai thằng ngốc xít ấy chợt khóc ngon lành. Những mùa Tết đại học tôi không về, tiền tàu xe, rồi công việc làm them níu chân tôi, tôi ở lì nơi phố thị. Những đêm giao thừa khi phố phường nở hoa tôi nguội lạnh nhưng rồi đúng 0h, điện thoại tôi reo vang, đầu dây là tiếng hai thằng í ới tranh nhau ” Tao nói trước”, ” Để tao chúc nó trước” của hai thằng khiến tôi cố mím chặt mội mà chửi hai đứa ” Hai thằng khờ” làm tụi nó dỗi mới đầu năm đã mắng tụi nó rồi. Đều đặn cứ thế bốn năm tôi trọ học xa nhà, không năm nào tôi không nhận được cuộc điện thoại của hai tụi nó. Cứ thế cho đến khi tôi học xong về lại quê làm việc, quê tôi nay đã đô thị hóa ít nhiều, hai thằng tôi mới gặp thoáng chốc không nhận ra, cao lớn, chững chạc , da ngăm đen vạm vỡ. Rồi cả hai cũng là người đón tôi tại bến xe như lúc đã tiễn tôi đi, tôi bây giờ nhỏ xíu sau lung họ, họ thậm chí còn chọc tôi:
Video đang HOT
- Mày sướng nhất đấy nhé, được cả hai thằng bọn tao đi rước.
Và mùa Tết năm nay tôi lấy chồng. Chẳng ai trong hai tụi nó đâu, một thầy giáo cùng trường với.
Tôi đã ở cạnh tôi suốt sáu năm trời. Tôi lấy chồng muộn khi năm ba mươi tuổi, ngày tôi lấy chồng hai thằng bạn thân của tôi là người dắt tay tôi trao cho chú rể, và theo một cách nào đó trông có vẻ hơi đe dọa, chúng đùa: “Bạn thân của tụi này, liệu…”, ấy là chúng đùa thế thôi, chồng tôi với chúng cũng khá thân thiết. Sau đó ít lâu hai thằng cũng lần lượt lấy vợ, chúng ế thì chịu ế đi còn chữa ngượng :” Ấy là vì tụi tao hứa nếu không có ai rước mày thì sẽ rước”. Chồng tôi là người đã hướng dẫn tôi khi tôi vừa được nhận vào trường. Anh nhu mì hiền lành và có phần trầm tính. Chúng tôi hẹn hò vào đúng ngày giao thừa khi quen biết được hai năm, anh tỏ tình với tôi lúc tiếng pháo hoa bắn lên và chợt đỏ bừng mặt khi nghĩ rằng lời tỏ tình đã bị tiếng pháo hoa nuốt chửng cho tới khi tôi nhẹ nhàng nói ” Em đồng ý”. Và chúng tôi hẹn hò suốt bốn năm sau đó cho đến khi năm mới vừa sang anh ngỏ lời cầu hôn tôi và Tết năm nay tôi đã có một gia đình nhỏ.
Tôi khẽ nhấp ngụm café quay lại thực tại, quê tôi ngày càng đổi mới, tôi là giáo viên ở một ngôi trường nhỏ, nơi tôi có thể chăm sóc bà, có thể cống hiến cho quê hương, lại còn có hai thằng bạn thân lúc nào cũng ì xèo bên cạnh. Quan trọng hơn nữa, năm nay tôi đã bắt đầu có một gia đình nhỏ để lo toan, vun vén, tôi có anh. Những mùa Tết đã qua đi trong cuộc đời tôi dường như đều có những kí ức quan trọng như dấu mốc của cuộc đời mình. Có những thứ mất đi, có những thứ vẫn còn và có những điều giờ đã chuyển sang một trang mới và tôi sẽ là người viết tiếp.
Tính đi về thì tôi lại nghe điện thoại của hai thằng bạn, gớm, sao lúc nào hai thằng ấy cũng dính lấy nhau vậy không biết, đã ba mấy tuổi đầu rồi mà cứ nhoi nhoi: “Mày có biết tụi tao nghĩ ra gì để lì xì năm mới mày không? Tụi tao quyết định nếu sau này chúng mình có con thì sẽ cho con chúng ta lấy nhau, mày thấy sao, mày hời quá còn gì?”. Tôi khẽ bật cười cúp ngang vì thể nào tụi nó ở đầu dây bên kia cũng chửi đổng cả lên. Ra khỏi quán, anh đã đứng đợi tôi tự lúc nào, tay lung túng chần chừ cầm điện thoại. Anh đi đón tôi, nhưng có lẽ không biết có nên cắt ngang phút giây thư giãn của tôi không nên cứ đứng đó mà đợi, mồ hôi nhễ nhại dưới mùa nắng gắt. Anh chồng thật thà của tôi! Tôi leo lên xe ôm nhẹ eo anh:
- Mình đi sắm chậu tắc năm mới về chưng nhà của mình thôi anh. Nhanh lên, bà đang đợi!
Lê Hứa Huyền Trân
Theo blogradio.vn
Nhớ tết là nhớ mẹ
Cho đến bây giờ, ngay cả những lúc nhìn mẹ nằm thiêm thiếp vì cảm sốt, hay những lúc mẹ ứa nước mắt vì cơn đau khớp, tôi cũng không dám nghĩ một ngày nào đó nhà mình không còn bóng dáng mẹ.
Em gái ở xa nhắn tin hỏi: "Chị có về quê trước tết không, về bao nhiêu ngày?". Tôi giật mình, có lẽ em đang nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những cái tết xa ngái trong ký ức. Tết bây giờ đối với nhiều người đã đơn giản hơn rất nhiều so với 20 hay 30 năm trước. Có phải vì mình chưa từng tha hương, trong trắng trời tuyết phủ, xung quanh toàn những thanh âm xa lạ trong những ngày tết, để nhớ thương ray rứt cái nắng nơi quê nhà? Có phải vì mình tương đối đủ đầy thức ăn, quần áo; tình làng nghĩa xóm không đậm đà như xưa nên cái chộn rộn, háo hức như hồi ấy dần mai một?
Nghĩ đến những cái tết xưa, nghe tiếc nhớ bồi hồi.
Ảnh minh hoạ
Tết trên hết là sum vầy. 365 ngày, có mấy khi mình háo hức đi viếng thăm bà con, làng xóm hay áo quần xúng xính đẹp đẽ đâu. Cái nghèo, cái cơ cực đã đeo bám mình suốt năm dài. Thức dậy khi mặt trời hãy còn chưa tỉnh giấc, mải miết bươn bả có khi đến chạng vạng mới về. Ăn uống gói ghém giản đơn cho nhanh gọn rồi ai việc nấy. Cứ như con nước thủy triều lên xuống, có mấy khi lười biếng nằm yên không chảy? Ngày tết gác lại mọi nhọc nhằn lo toan, kết nối tình thân, quý giá biết nhường nào.
Tôi còn nhớ như in cái se lạnh đầu hôm khi gió chướng thổi về những ngày giáp tết. Đó là dịp hiếm hoi ở miền Tây, chị em tôi mặc những chiếc áo len quanh năm nằm im trong tủ. Đường từ nhà đến trường như nhỏ lại bởi tứ bề là nước bủa vây. Nước xâm xấp mặt đường. Những con cá thòi lòi ngơ ngác ôm chặt quày dừa nước dập dềnh theo từng cơn sóng nhỏ. Đi trên cầu mà có cảm giác như ngồi trên chiếc ghe nhỏ, thèm thò chân xuống làn nước mát lạnh tung tẩy cho thỏa.
Những chiếc thuyền giấy chở ước mơ ngày bé thả xuống dòng sông này cho đến giờ vẫn cứ chấp chới mãi trong tôi. Thi thoảng, ngồi xếp thuyền giấy chơi với con, nghe như thể thời gian đã ngừng lại từ lúc nào.
Nhớ tết là nhớ mẹ. Cho đến bây giờ, ngay cả những lúc nhìn mẹ nằm thiêm thiếp vì cảm sốt, hay những lúc mẹ ứa nước mắt vì cơn đau khớp, tôi cũng không dám nghĩ một ngày nào đó nhà mình không còn bóng dáng mẹ.
Ảnh minh hoạ
Ba tôi có lần đùa với cháu: "Mai này không còn bà ngoại là không có thịt kho trứng cho con đâu. Không có bánh tét cho ông ngoại. Không có khổ qua hầm cho mẹ. Không có tôm kho tàu cho dì út...". Mẹ lỏn lẻn cười như nhận một lời khen. Tôi cố cười theo cả nhà. Tối nằm im bên cửa sổ quen thuộc suốt thời con gái, nghe tiếng thằn lằn tặc lưỡi, nỗi sợ hãi lo lắng cứ mơ hồ, nỗi niềm thương yêu mẹ cứ nhoi nhói bên ngực trái.
Thoạt nghĩ mình cũng là vợ, là mẹ, cớ sao không thể nào cả đời chỉ biết như con tằm nhả hết tơ, không màng đến điều gì như mẹ vậy? Tôi chưa từng thấy mẹ so đo với ba việc nào mẹ làm nhiều ba làm ít. Chưa từng thấy mẹ kêu ca sao mẹ không có giây phút nào dành riêng cho mình. Cũng như, chưa từng thấy mẹ ngồi trong nhà mà buồn tủi vì không có thứ này, thứ kia như nhà người ta.
Ngày thường, mẹ đã không rảnh tay, rảnh chân. Ngày tết, từng món ăn, từng ngóc ngách nhà cửa, cây tăm, hũ muối, chai rượu trắng... không có món nào mà mẹ quên chuẩn bị chu đáo. Những năm con còn nhỏ, ngồi kéo võng ru con ngủ, nhìn mẹ lui tới bắt cái này, bỏ cái kia, nấu cái này, xào cái nọ, bày mâm cúng ông bà ngày tết, tôi hình dung rõ về sức mạnh khủng khiếp của tình yêu thương nơi trái tim đàn bà.
Tôi gửi tin nhắn cho em mình: "Chị và các cháu về một tuần trước tết. Về làm bánh tét, mứt dừa với mẹ. Về đi mua bánh tráng nướng uống trà sáng với ba. Về mua bông vạn thọ để trước sân. Mỗi sáng ngồi đếm xem bông này có mấy con ong ghé chơi hén!". Nghe sóng mũi cay cay, như đâu đó trong thẳm sâu lòng mình có tiếng thì thầm: sắp tết rồi!
Triệu Vẽ
Theo phunuonline.com.vn
Sợ cô đơn, em gái tôi không dám chia tay người yêu dù biết rõ bị lợi dụng Ban đầu, tôi mừng lắm khi thấy em có người yêu vì tôi biết điều đó chẳng dễ dàng gì. Nhưng khi gặp cô gái kia, tôi đâm nghi ngờ. Cô ấy hoàn toàn không quan tâm, chăm sóc hay thậm chí nhìn em tôi lấy một lần. Ba mẹ tôi sinh được hai con gái, tôi là chị cả. Em gái tôi...