Những ngày sinh tử ở “chảo lửa” COVID -19
Sài Gòn tháng 6 của những ngày nắng chói chang mang trong mình “cơn sốt” của trận đại dịch COVID-19, tôi len lỏi vào những con hẻm “đỏ” đang bị băng bó ngổn ngang dây nhợ, bít bùng đủ thứ màu sắc chống dịch, ghi lại từng khoảnh khắc sự sống, từng hơi thở nhọc nhằn của những mảnh đời, số phận, về một giai đoạn đau thương, mất mát không thể nào quên.
1.Tròn một năm sau biến cố đại dịch, mọi thứ đang dần trở lại nếp xưa, nhưng có lẽ lòng người không thể nào lãng quên được những gì đã từng xảy ra trên thành phố xinh đẹp này. Ngày 31/5/2021, bắt đầu đợt giãn cách toàn thành phố đầu tiên, phong tỏa quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc ( quận 12) theo nguyên tắc gia đình cách ly gia đình, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường. Người dân ở các quận huyện khác của thành phố cũng đứng ngồi không yên, lòng rối bời, hoảng loạn, thấp thỏm lo lắng cầu cho “con COVID” đừng ghé nhà mình.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng (nay là Trung tướng), Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an kiểm tra một chốt phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, ngày 6/9/2021.
Dịch bệnh ngày càng lan rộng và phủ trùm khắp nơi. TP Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9-7. Người dân vẫn có thể ra khỏi nhà trong trường hợp cần thiết: Mua thực phẩm, thuốc men, thực hiện công vụ. Thành phố vắng dần tiếng còi xe, cảnh buôn bán tấp nập thường ngày lắng dịu vào trong từng con hẻm, từng góc phố thân quen. Số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày, bệnh viện dã chiến vừa thành lập đã kín giường. Những ngày này, các phóng viên tỏa ra khắp nơi trên tuyến đầu, lăn xả vào khu cách ly, dấn thân đi dã chiến để đưa được thông tin nhanh chóng, “ nóng hổi” nhất về dịch bệnh. Riêng tôi chọn vào con hẻm, khu phố thuộc “vùng đỏ”, là những nơi phong tỏa, cách ly tuyệt đối với “ thế giới” bên ngoài. Ở đây, tôi được chứng kiến cảnh nhà cửa, lối đi bị “băng bó” chằng chéo, nhưng “vết thương” của phố phường không đau đớn bằng mất mát khủng khiếp về con người. Tôi bị ám ảnh bởi tiếng gào khóc thống thiết của Hiền Lương, cô sinh viên năm nhất ở trọ cùng với mẹ đẻ trong một con hẻm “đỏ” tại quận 8, TP Hồ Chí Minh. Mẹ con Lương phát hiện bị nhiễm COVID -19 trong cùng một ngày, nhưng trước đó, người mẹ đã có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi. Chiếc xe cấp cứu còn chưa kịp hú còi thì người mẹ đã lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của con gái.
Không ai dám tới gần, kể cả tôi. Mọi người đứng thật xa, chỉ dám hé mắt qua cánh cửa rồi thảng thốt vừa thương xót lại vừa sợ hãi nghĩ trong đầu “bao giờ thì tới lượt mình”. Hiền Lương ngồi ôm xác mẹ mấy tiếng đồng hồ, cô bé đã không còn sức lực để khóc nữa. Khi đội mai táng miễn phí tới mang mẹ đi, Hiền Lương co rúm, run rẩy, ngây dại ngồi bệt xuống đất, ánh mắt thất thần nhìn theo hình hài mẹ được gói gém cẩn thận trong mớ nilon trắng toát. Đám tang không kèn trống, không hương hoa, nhang đèn, cũng không có bất cứ một nghi lễ nào. Tác nghiệp giữa “chảo lửa” tâm dịch, câu chuyện của Hiền Lương không phải duy nhất tôi từng chứng kiến. Có những hoàn cảnh, tôi đã không dám giơ máy lên chụp một tấm hình, vì tôi sợ sự ám ảnh.
Cũng trong những ngày tháng 7 tàn khốc, tôi gặp 4 anh em Tình, Nguyện, Ý, Như. Những cái tên thật đẹp mà tuổi thơ bất hạnh, bi đát cùng cực. 5 cha con dắt díu nhau lên TP Hồ Chí Minh làm thuê làm mướn. Cơn lốc COVID -19 quét qua, cả 5 cha con bị nhiễm, những đứa con trẻ khỏe vượt qua được, riêng người cha sức khỏe yếu đã không chống chọi nổi. Tôi tới thăm anh em nhà Tình, trong phòng trọ chỉ có chiếc bàn thờ không di ảnh của cha, mọi thứ đều trống trơn, lạnh lẽo.
Bốn anh em co cụm trong nhà, lầm lũi nhìn ra ngoài xóm trọ điêu tàn, vắng tanh không một bóng người. Anh em Tình sống bằng tình thương của hàng xóm, của các nhóm từ thiện và chính quyền sở tại, lây lắt qua ngày chờ mong thành phố mở cửa để đi kiếm việc làm. Mỗi lần ghé thăm, tôi đều góp nhặt mì tôm, gạo, chai dầu, bịch muối và dúi cho một chút tiền, nhưng không thấm tháp vào đâu so với sức ăn của những đứa trẻ đang tuổi lớn.
Tình thường nhắn tin cho tôi lúc trong phòng trọ cạn kiệt gạo. Và tôi không có lý do gì từ chối lời tâm sự mặn đắng nước mắt của lũ nhỏ. Sau bài báo “mồ côi giữa đại dịch” của tôi, Nguyễn Chí Nguyện, em trai Tình được một gia đình neo đơn ở Tiền Giang ngỏ ý xin về chăm sóc nuôi dưỡng, cho ăn học. Tình vui mừng thông báo cho tôi nhưng em lại thoáng buồn, vì từ nay anh em phải chia cắt. Tôi động viên Tình, nếu phải chia cắt mà em Nguyện được sống trong môi trường tốt hơn, được đi học, đi chữa bệnh thì cũng nên để em đi, sau này anh em vẫn có cơ hội gặp nhau.
Video đang HOT
Phóng viên Báo CAND tham gia tiếp tế lương thực cho bà con “vùng đỏ”.
2. Những ngày Sài Gòn tổn thương đến kiệt quệ vì COVID -19, có người ổn nhưng cũng có người không ổn, có nụ cười may mắn và có cả nụ cười xộc xệch méo mó. Rồi khi thành phố thực hiện chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó”, chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự im lặng đến nghẹt thở như những ngày này. Ngoài phố, chỉ còn tiếng còi hụ cứu thương và lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát giấy đi đường. Tôi ra đường với tấm giấy thông hành đặc biệt, nhìn ai, gặp ai cũng kín bưng, trắng toát như nhà du hành vũ trụ. Tôi phỏng vấn nhân vật qua ánh mắt, cử chỉ, nếu muốn nói nhiều thì gọi điện thoại bởi khoảng cách là điều bắt buộc đầu tiên. Tôi mang theo một chút gạo ghé thăm cô bé Hiền Lương mới chuyển về nhà trọ trên đường Phạm Hùng, quận 8. Xóm trọ dây giăng ngang lối, không ai ra khỏi nhà, không ai nói cười một câu. Tôi đứng ở đầu hẻm, tuồn hàng cứu trợ qua tấm thép gai, nhờ mấy anh dân phòng chuyển tới phòng trọ. Tôi hỏi chuyện bà con qua hai lớp khẩu trang và tấm áo bảo hộ, bên kia cứ rướn cổ lên gào thật to, tôi thì nghe câu được câu chăng. Họ không quan tâm tôi là ai, tôi đến từ đâu, mà chỉ muốn mì tôm, gạo, rau xanh và thuốc chữa bệnh. Tôi không làm được điều đó vì tôi quá nhỏ bé và bình thường. Hiền Lương nhắn tin cho tôi, bảo có cách nào đưa mấy em nhỏ về quê không, chúng ở đây sẽ chết mất, có hai đứa trong xóm trọ mất cha rồi. Tôi lắc đầu bất lực. Tôi thấy rõ ánh mắt tuyệt vọng của cô bé đã từng trải qua nỗi đau mất mẹ.
Trong hơn 4 tháng thành phố “phong thành” chống dịch, tôi đi vào các xóm trọ, thực hiện những bài viết về dân nghèo chống chọi với đại dịch, về những đứa trẻ mồ côi, về hoạt động thiện nguyện và công cuộc chạy đua cứu người của lực lượng y tế tuyến đầu. Nhiều y, bác sĩ tôi từng phỏng vấn đã nhiễm bệnh, những người bạn tuyến đầu của tôi bị lây chéo và tôi cũng không tránh khỏi cơn lốc COVID -19 đang hoành hành khắp nơi trong thành phố. Tôi nhập bệnh viện dã chiến số 8 vào ngày 2/9.
Những ngày điều trị tại bệnh viện dã chiến, tôi cảm nhận trọn vẹn nỗi sợ hãi của căn bệnh, sự sống và cái chết chỉ như màn sương mong manh. Những bệnh nhân quanh tôi giành giật từng hơi thở, mới mỉm cười đây thôi mà phút chốc đã lịm đi rồi ra đi. “Cuộc chiến” với dịch bệnh quá tàn khốc, sự “thanh trừng” của COVID -19 không chừa một ai. Thật may mắn, vì sau tất cả, tôi được trở về đón ánh bình minh của ngày đầu tiên thành phố mở cửa.
Mở cửa giữ trẻ sớm không đảm bảo phòng dịch, 2 cơ sở mầm non bị đình chỉ
Hai cơ sở giáo dục mầm non tư thục nằm trên địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12 đã bị đình chỉ hoạt động, do giữ trẻ sớm hơn thời gian mà thành phố quy định.
Theo kế hoạch dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành ngày 24/1/2022, từ ngày 14/2/2022, học sinh ở bậc học mầm non, tiểu học và lớp 6 của thành phố mới đến trường học trực tiếp.
Giai đoạn từ ngày 7 đến ngày 12/2/2022, các trường, cơ sở giáo dục sẽ chuẩn bị cho công tác đón học sinh trở lại trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tập huấn cho giáo viên, học sinh...
Quy định là vậy, nhưng thực tế vì vẫn có một số cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã mở cửa hoạt động, nhận giữ trẻ bắt đầu từ ngày 7/2. Đáng nói, theo phản ánh, người dân lo ngại các cơ sở này không đảm bảo các quy định phòng dịch của cơ quan chức năng.
Vô tư nhận giữ trẻ sớm hơn quy định
Ngày 8/2/2022, từ nguồn tin cung cấp của người dân tại phường Thạnh Lộc, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam biết, trên địa bàn phường có hai cơ sở mầm non tư thục đã nhận giữ trẻ hoạt động lại từ 7/2.
Từ nguồn thông tin này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến những cơ sở mẫu giáo tư thục này để tìm hiểu.
Tại lớp mẫu giáo Mai Khôi (đường TL18, phường Thạnh Lộc, quận 12), trong vai là phụ huynh đi tìm chỗ gửi con, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã được một người phụ nữ nói tên là Vân, xưng là quản lý cơ sở nói đã mở cửa hoạt động, có thể giữ trẻ từ ngày 7/2.
Người phụ nữ tên Vân nói rằng, theo đúng văn bản quy định của thành phố là từ 14/2 mới có thể cho trẻ đến trường, nhưng có những phụ huynh bận đi làm đầu năm, nên muốn gửi con từ ngày 7/2, và trường cũng có nhận.
Hình ảnh ghi nhận tại lớp mẫu giáo Mai Khôi, quận 12 vào trưa ngày 8/2 (ảnh: P.L)
Trước khi mở cửa nhận trẻ trở lại (từ 7/2), lớp mẫu giáo Mai Khôi cũng đã tổ chức phun khử khuẩn. Các cô giáo cũng đã thực hiện việc dọn dẹp, tổng vệ sinh, rửa sạch sẽ đồ chơi của trẻ...
Cùng lúc, cô Vân cũng đã giới thiệu về mức học phí các độ tuổi của trẻ tại trường, các chương trình ưu đãi, các quy định về học phí, các khoản thu khi nhập học.
Tại thời điểm phóng viên đến, bên trong trường có giữ hàng chục trẻ với nhiều độ tuổi khác nhau.
Lớp mẫu giáo Mai Khôi này còn có một cơ sở khác đặt tại phường Hiệp Thành, quận 12.
Lớp mẫu giáo Minh Thiện ở đường TL15, phường Thạnh Lộc, quận 12 (ảnh: P.L)
Ở lớp mẫu giáo Minh Thiện (đường TL15, phường Thạnh Lộc, quận 12), người phụ nữ tên là Nga xưng là chủ trường cho biết, đã giữ trẻ từ ngày 7/2, do phụ huynh quen gửi các cô giữ trên tinh thần tự nguyện, có giấy cam kết của phụ huynh.
Bên trong cơ sở này vào trưa ngày 8/2, có một số trẻ đã ăn trưa xong, đang ngủ trưa cùng với các giáo viên.
Đình chỉ, trả trẻ về cho phụ huynh chậm nhất là cuối giờ chiều ngày 8/2
Ngay sau khi nhận được thông tin, và đến thực tế tại các cơ sở mầm non nói trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thấy việc đảm bảo phòng chống dịch theo quy định của Thành phố chưa đảm bảo. Phóng viên đã cung cấp thông tin cho lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 2, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 cho biết, đây là các lớp mẫu giáo tư thục, đều có phép hoạt động do phường Thạnh Lộc cấp.
Tuy nhiên, việc mở cửa nhận trẻ vào thời điểm này là sai, sớm hơn thời gian do thành phố quy định. Các văn bản hướng dẫn việc đi học lại của học sinh các bậc học do quận 12 ban hành đều có ghi rất rõ các mốc thời gian, theo đúng yêu cầu của lãnh đạo thành phố ban hành.
Ngay trong chiều 8/2, theo đề nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, Ủy ban nhân dân phường Thạnh Lộc đã tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất tại hai cơ sở giáo dục mầm non nói trên.
Tại thời điểm lúc 14h20, khi đoàn kiểm tra có mặt tại lớp mẫu giáo Mai Khôi kiểm tra thì nhận thấy có giữ 20 trẻ khi chưa có văn bản cho phép bậc mầm non hoạt động trở lại. Lớp mẫu giáo chưa đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Đoàn kiểm tra đề nghị cơ sở trả trẻ về cho phụ huynh, chậm nhất là 17h chiều ngày 8/2, đình chỉ hoạt động cho đến khi Ủy ban nhân dân phường cho phép cơ sở hoạt động trở lại.
Còn với lớp mẫu giáo Minh Thiện, tại thời điểm (15h ngày 8/2) khi đoàn kiểm tra của phường có mặt, cơ sở mẫu giáo này đã tự ý giữ 6 trẻ. Phường cũng đề nghị cơ sở phải trả toàn bộ trẻ này về cho phụ huynh, chậm nhất đến 17h cùng ngày, và chỉ được hoạt động trở lại khi phường Thạnh Lộc cho phép.
Bà Lương Thị Hồng Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ngoài việc trả trẻ về cho phụ huynh, đình chỉ hoạt động cơ sở cho đến khi được phép hoạt động trở lại, Sở sẽ đề nghị Phòng Giáo dục quận 12 phối hợp với địa phương (phường Thạnh Lộc) căn cứ vào các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cần xử phạt hai lớp mẫu giáo này để tăng tính nghiêm minh, răn đe những nơi khác không vi phạm nữa.
Công bố kết quả đo lường hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của công an Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030, diễn ra ngày 29/10, Bộ Công an đã công bố kết quả xác định kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ lực lượng công an nhân dân các địa phương năm...