Những ngành học “mới tinh” mùa tuyển sinh 2017
Nhiều ngành học mới lạ, độc đáo và có tiềm năng vừa được các trường ĐH bổ sung trong mùa tuyển sinh năm nay.
Kỹ thuật không gian
Đây là ngành học lần đầu tiên xuất hiện tại trường ĐH Quốc tế TP. Hồ Chí Minh. Theo thạc sĩ Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng Đào tạo trường cho biết, khảo sát sơ bộ, giai đoạn 2015 – 2020, lĩnh vực này cùng các ứng dụng liên quan như viễn thám, thông tin liên lạc, khai thác hình ảnh vệ tinh để dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên… cần khoảng 2.000 lao động trình độ cao. Riêng Trung tâm vệ tinh quốc gia cần ít nhất 350 kỹ sư, trong khi trường chỉ đáp ứng được 43% (150 kỹ sư). Chính vì vậy, năm nay trường bắt đầu chiêu sinh ngành học này với 40 chỉ tiêu khối A và A1.
Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật không gian có thể làm tại nhiều cơ quan xử lý dữ liệu vệ tinh (ảnh: IT)
Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước có xử lý dữ liệu vệ tinh giám sát, quản lý tài nguyên rừng, đất đai, lãnh thổ, biển đảo; làm việc trong các tổ chức kinh doanh sử dụng dữ liệu vệ tinh và các ứng dụng liên quan, các viện và trung tâm lớn của quốc gia như: trung tâm vệ tinh quốc gia, viện công nghệ vũ trụ, cục và trung tâm viễn thám….
Quản trị khởi nghiệp
Năm 2017, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là trường đầu tiên tuyển sinh chuyên ngành quản trị khởi nghiệp, nằm trong ngành quản trị kinh doanh.
Phong trào khởi nghiệp đang được các bạn trẻ rất hứng thú và nhận được sự quan tâm của Nhà nước. Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, bạn trẻ cần có những kiến thức và kỹ năng nhất định về vấn đề này. Những kiến thức đó sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy tại trường ĐH.
Khởi nghiệp là xu hướng được nhiều bạn trẻ lựa chọn (ảnh minh họa: IT)
Theo ông Nguyễn Hùng Phong – Giám đốc trung tâm Phát triển khởi nghiệp – ĐH Kinh tế Tp Hồ Chí Minh, sinh viên ra trường có thể bắt đầu khởi nghiệp theo nhiều hướng: có thể mở công ty; khởi nghiệp bằng hình thức nhượng quyền kinh doanh; hoặc tham gia vào các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp tại các tỉnh thành. Ngoài ra, nếu có kiến thức kỹ năng về khởi nghiệp cử nhân có thể trở thành chuyên viên trong các cơ quan nhà nước để thực hiện vai trò điều phối viên, xúc tiến khởi nghiệp, đào tạo tư vấn viên…
Năm 2017, trường này bắt đầu tuyển sinh với 50 chỉ tiêu cho ngành quản trị khởi nghiệp.
Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng
Video đang HOT
Đây là ngành học mới của trường ĐH Bách khoa thuộc – ĐH Quốc gia TP.HCM. Chỉ tiêu tuyển sinh trong năm đầu của ngành này là 40 sinh viên.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, hiện tại nhu cầu nhân lực ngành Logistics khá lớn do tốc độ phát triển của ngành này nhanh. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo ngành này còn hạn chế. Sinh viên học ngành Quản trị logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có thể làm việc trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, dịch vụ giao nhận hàng hóa, dịch vụ đóng gói hàng hóa, dịch vụ khai báo hải quan,…
Ngoài ra, ngành này cũng được hai trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (70 chỉ tiêu) và ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM (140 chỉ tiêu) tuyển sinh.
Quản trị bệnh viện
Ngành học này được trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đưa vào tuyển sinh và giảng dạy bắt đầu từ năm 2017. Năm nay trường tuyển sinh 50 chỉ tiêu với ba tổ hợp xét tuyển gồm khối A0 (toán, lý, hóa), A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), D1 (ngữ văn, toán, tiếng Anh).
Sinh viên ngành quản trị bệnh viện ra trường có thể đảm nhận vai trò của các nhà quản trị, điều hành tại các tổ chức chăm sóc sức khỏe… (ảnh minh họa: IT)
Theo lãnh đạo trường này cho biết, ngành học được thiết kế bởi hai trường ĐH Kinh tế TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Chương trình đào tạo của ngành này bao gồm cung cấp các kiến thức lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực quản trị điều trị và chăm sóc sức khỏe. Đào tạo năng lực nghề nghiệp giúp cho sinh viên có khả năng đảm nhận vai trò của nhà quản trị điều hành tại các tổ chức chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, phòng khám. Phát triển năng lực tư duy phân tích, giải quyết vấn đề cũng như gia tăng kỹ năng truyền thông…
Học ngành này ra trường, sinh viên có thể làm nhà quản trị phụ trách các chức năng như tài chính, nhân sự, quan hệ công chúng, quản trị cung ứng, chất lượng dịch vụ, vận hành hệ thống điều trị và chăm sóc sức khỏe…
Quản lý tài nguyên rừng
Đây là ngành mới phát triển từ chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chính thức tuyển sinh năm nay với 85 chỉ tiêu. Có bốn tổ hợp để xét tuyển vào ngành này gồm: toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, hóa, sinh; toán, sinh, tiếng Anh.
Theo phân tích từ các chuyên gia, nhiều năm mặt hàng nông nghiệp trong đó có gỗ xuất khẩu luôn giữ ổn định trong tốp 5 của 10 mặt hàng tỉ USD từ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với việc quản lý tài nguyên và đảm bảo nguyên liệu gỗ chế biến ổn định. Trong khi đó, nhân lực có chuyên môn trong ngành này lại khá ít.
Đây là ngành học mới của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong mùa tuyển sinh năm 2017. Trường này bắt đầu xét tuyển với 100 chỉ tiêu. Các tổ hợp xét tuyển gồm toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh; toán, lý, tiếng Anh. Kỹ thuật y sinh
Sinh viên học ngành này ra trường có thể làm việc ở các bệnh viện, công ty kinh doanh thiết bị y tế, phòng khám… Ngành này cũng được một số trường ĐH tuyển sinh trong năm nay.
Theo Danviet
Ngành học triển vọng nhất năm 2017 ở Mỹ
Với mức lương cao, môi trường làm việc đa dạng, linh hoạt, cơ hội việc làm lớn, Kỹ thuật y sinh được đánh giá là ngành học triển vọng nhất năm 2017 ở Mỹ.
Bằng sự kết hợp giữa khoa học kỹ thuật với y sinh học và thực hành lâm sàng, Kỹ thuật y sinh là ngành học đang phát triển nhanh ở Mỹ.
Theo Top Universities, người tốt nghiệp đại học được hưởng mức lương từ 62.700 - 104.000 USD. 75% chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này hài lòng với công việc của họ.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, Kỹ thuật y sinh được dự báo tăng khoảng 72% nhu cầu việc làm vào năm 2018. Điều này không gây ngạc nhiên bởi số lượng nghiên cứu, bằng sáng chế và ứng dụng thương mại trong lĩnh vực này ngày càng tăng.
Công việc của kỹ sư y sinh là gì?
Nhiệm vụ của các kỹ sư y sinh là kết hợp các nguyên tắc kỹ thuật với y học và sinh học để thiết kế và tạo ra thiết bị, hệ thống máy tính và phần mềm được sử dụng trong y tế.
Kỹ thuật y sinh là ngành học được đánh giá triển vọng nhất năm 2017 ở Mỹ. Ảnh: Emaze.
Chẳng hạn, chuyên gia lĩnh vực này sẽ tạo ra các bộ phận cơ thể người nhân tạo như hông, đầu gối, khớp hoặc nội tạng... nhằm thay thế cơ quan bị hỏng, phát triển máy móc để chuẩn đoán các vấn đề về y tế.
Trong một số trường hợp, họ phát triển cả những vật liệu cần thiết để làm các bộ phận cơ thể thay thế, hoặc thậm chí thiết kế thiết bị tập thể dục phục hồi chức năng.
Bên cạnh đó, họ còn phải biết cài đặt, điều chỉnh, sửa chữa hoặc hỗ trợ kỹ thuật thiết bị y sinh, đánh giá sự an toàn và hiệu quả của máy móc.
Kỹ sư ngành này cũng kiêm luôn cả nhiệm vụ đào tạo các nhân viên khác cách sử dụng thiết bị sao cho đúng. Họ phải làm việc với nhiều nhà khoa học sự sống, nhà hóa học và khoa học y tế để nghiên cứu các hệ thống sinh học thuộc về con người và động vật. Sau đó, họ chuẩn bị thủ tục, viết báo cáo, xuất bản tài liệu và đưa ra kiến nghị dựa trên nghiên cứu của mình.
Công việc của kỹ sư y sinh liên quan nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Mặc dù chuyên môn chính dựa trên kỹ thuật và sinh học, các kỹ sư vẫn thường thiết kế phần mềm máy tính để chạy công cụ phức tạp, chẳng hạn như máy X-quang 3 chiều.
Ngoài ra, nhiều kỹ sư sử dụng kiến thức về hóa học và sinh học để phát triển thuốc điều trị mới. Một số khác vận dụng kiến thức toán học và thống kê để xây dựng mô hình nhằm hiểu tín hiệu truyền từ não hoặc tim.
Môi trường làm việc
Theo trang College Grad, trong năm 2014, ngành học này có khoảng 22.100 việc làm. Môi trường làm việc đa dạng bao gồm bệnh viện, trung tâm trị liệu, trong phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu hoặc làm trong môi trường sản xuất - nơi thiết kế và tạo ra các sản phẩm kỹ thuật phục vụ y tế. Tuy nhiên, không ít người làm trong các văn phòng thương mại, nơi họ thực hiện hoặc hỗ trợ các quyết định kinh doanh.
Kỹ sư y sinh thường làm việc theo nhóm với các nhà khoa học, nhân viên y tế hoặc kỹ sư ngành khác. Việc làm ở đâu và làm thế nào phụ thuộc từng dự án.
Một kỹ sư y sinh cần hiểu biết và vận dụng chuyên môn của nhiều lĩnh vực khác nhau trong công việc. Ảnh: Acoa-apeca.qc.ca.
Ví dụ, một kỹ sư y sinh phát triển thiết bị mới nhằm giúp người khuyết tật chân có thể đi lại được. Họ có thể mất hàng giờ trong bệnh viện để xem thiết bị có hoạt động theo đúng kế hoạch hay không. Nếu phát hiện vấn đề, họ sẽ phải mang về sửa chữa hoặc cải thiện thiết kế.
Kỹ sư y sinh làm toàn thời gian. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề kỹ thuật, họ phải làm việc thêm giờ để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, kịp thời hạn từ nhà quản lý, đồng nghiệp và khách hàng.
Tiền lương
Mức lương trung bình hàng năm dành cho các kỹ sư y sinh là 86.950 USD (tháng 5/2014). Dưới 10% chuyên gia thuộc ngành này có thu nhập ít hơn 52.680 USD và 10% những người thu nhập cao nhất kiếm được 139.350 USD/năm.
Triển vọng của nghề trong thời gian tới
Việc làm ngành Kỹ thuật y sinh dự kiến sẽ tăng 23% trong giai đoạn từ 2014-2024, nhanh hơn nhiều so với mức trung bình của tất cả ngành học.
Riêng đối với những người thuộc lĩnh vực này, họ có thể có cơ hội nhiều hơn nhờ sự phát triển của công nghệ và ứng dụng của nó vào thiết bị, máy móc y tế.
Khi thế hệ baby boom (chỉ những người sinh ra vào thời gian bùng nổ trẻ sơ sinh từ 1946-1964) già đi và lão hóa, nhu cầu thay thế các bộ phận nhân tạo như hông và đầu gối sẽ tăng nhanh.
Ngoài ra, khi ý thức hơn về những tiến bộ của y học kỹ thuật, nhiều người sẽ tìm đến các giải pháp y học để cải thiện vấn đề sức khỏe của họ.
Theo Zing
Trường đại học đua nhau mở ngành mới Sau 3 năm được thực hiện thí điểm giao quyền tự chủ đại học, một số trường "tiện tay" mở thêm loạt ngành mới mà không cần phải thông qua sự phê chuẩn của Bộ GD&ĐT. Nghị quyết 77 của Chính phủ về giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công...