Những ngã rẽ của chàng trai Hà Tĩnh bị kỳ thị vùng miền
Phá sản ngay từ ngày đầu lập nghiệp, tôi gần như bị dồn tới đường cùng khi không thể tìm việc bởi là người Hà Tĩnh. Nhờ sự giúp đỡ từ hai người xa lạ, tôi đã lấy lại được niềm tin.
Gánh nặng phá sản đầu đời
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Cuộc sống gia đình cũng không có gì là quá khó khăn và tôi được ăn học tử tế. Chính vì tôi được sinh ra ở mảnh đất cha ông ngày xưa vẫn nói “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nên chẳng ai tin có thể làm giàu được trên chính mảnh đất này.
Tôi lập nghiệp ở Hà Nội bằng cách góp vốn làm ăn chung với những người gọi là “Hà Nội gốc”. Ngày tôi quyết định đi làm, mẹ ngăn cản vì sợ tôi bị lừa. Những năm tháng sau đó, mọi sự nghi ngờ của mẹ tôi đều bị đánh bại hoàn toàn bởi tôi gặp những người hợp tuổi, hợp cả ý chí và cách làm ăn. Thế nhưng ở thời buổi nền kinh tế khó khăn, chúng tôi đã không thể trụ vững và phá sản. Nợ nần chồng chất đã ảnh hưởng đến cả gia đình tôi.
Tôi kể qua một chút về quá khứ đó để các bạn có thể hình dung. Đầu năm 2014, tôi tận mắt chứng kiến, có những trải nghiệm về sự cay đắng và tủi hổ của bản thân mà có trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được. Khi tôi phá sản, tôi mất tất cả. Tôi gọi điện bạn bè không nghe máy vì sợ mượn tiền. Tôi nhắn tin qua facebook, họ “block” (khóa) dù trước đó chúng tôi rất thân thiết.
Sự thất bại của tôi khiến bố mẹ phải ly tán. Mẹ tôi đi giúp việc cho gia đình người ta để xoay tiền trả lãi giùm tôi dù bà đã rất già và là một công chức về hưu. Ám ảnh với những gì mình gây ra cộng với sự đòi nợ gắt gao của một số người thân thiết, tôi bắt xe vào Sài Gòn với hy vọng có thể xin làm công nhân bình thường và làm lại từ từ.
“Tôi vào Sài Gòn với tâm thế, nơi đây không thiếu việc để làm”
Đường cùng do bị từ chối chỉ vì là người Hà Tĩnh
Ngày tôi đi, tôi chỉ nghĩ, Sài Gòn hoa lệ là thành phố phát triển nhất nước, cộng với tấm bằng đại học trên tay tôi chẳng khó khăn để có thể xin một công việc ổn định cuộc sống, làm lại từ đầu.
Tôi đã nhầm, một tháng ròng rã ở Sài Gòn, tôi không xin được một công việc nào dù chỉ là phục vụ bàn hoặc là phụ hồ, chưa nói đến bằng cấp. Tôi đã có thời gian rơi vào sự tuyệt vọng đến tồi tệ.
Tôi từng vượt qua vòng thi tay nghề ở một khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến vòng cuối cùng, vòng phỏng vấn, tôi được ngồi trước mặt 2 chuyên gia người Nhật và phiên dịch viên thì tôi không tin vào câu nói mà chị phiên dịch: “Cảm ơn em, công ty chị không thể nhận người có hộ khẩu Hà Tĩnh”. Tôi như chết lặng, cố gắng xin xỏ, cố gắng trình bày về việc mình thực sự ngoan ngoãn và có chí cầu tiến nhưng mọi việc đều vô ích.
Video đang HOT
Không chỉ một công ty từ chối tôi, đa phần là như thế. 10 ngày tôi ở Bình Dương và xin việc ở mọi công ty với mong muốn chỉ mong được vào làm, dù tôi chỉ là công nhân. Có lúc, tôi thậm chí còn không dám để tấm bằng đại học vào hồ sơ để lộ quê quán của mình, nhưng kết quả cũng chỉ là con số không tròn trĩnh. Nhiều công ty dán sẵn bảng thông báo ở cổng bảo vệ là “không tuyển lao động Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa”. Tôi gần như sống trong tuyệt vọng, số tiền trong người nhờ bán chiếc điện thoại để vào Nam lập nghiệp cũng gần hết. Nhiều lúc tôi muốn chết quách cho xong chuyện, nhưng lại nghĩ tới bố mẹ nên phải cố gắng làm lại.
Bình Dương không xin được việc, tôi hạ quyết tâm lên Sài Gòn. Đầu tiên, tôi xin làm phục vụ bàn, nhiều người cầm hồ sơ và tỏ ra nghi ngại, sau đó là một câu từ chối khéo. Họ bảo tôi rằng, nhìn tôi tử tế nhưng đa phần dân ngoài đó đều thích đánh đập. Họ hiểu hoàn cảnh của tôi nhưng sợ nhận tôi vào sau này xảy ra chuyện dẫn đến việc làm ăn của họ đổ bể.
Tôi hiểu điều đó và cố gắng kiếm công việc tay chân như phụ hồ để tạm sống qua ngày, chờ cơ hội xin việc để có thể sống để tồn tại ở đất Sài Gòn. Một chuyện nực cười là tôi đã đến đường cùng, tôi cố gắng đi mấy công trình xin nhưng chủ thầu chỉ vừa nghe giọng nói “trọ trẹ” miền Trung của tôi, họ đã từ chối. Họ sợ tôi vào đó sẽ trộm cắp bởi vì những người đi trước để lại ấn tượng xấu cho người miền Nam là người miền Trung không tử tế.
Dòng thông báo không nhận nhân viên là người Thanh Hóa, Nghệ An tại các công ty ở Bình Dương.
Tình người trong khó khăn
Thất vọng, buồn bã và tiền đã hết thì tôi lại vô tình nhận được sự cứu giúp của một người chị mà mình chưa quen biết.
Tôi viết bài gửi cho báo để hy vọng có tiền nhuận bút sống qua ngày, nhưng bài bị từ chối. Cực chẳng đã, tôi viết thẳng email cho người đã trao đổi về bài vở với tôi nhờ giúp đỡ. Qua vài email lý giải tình cảnh khó khăn, bất ngờ thay, chị đồng ý cho tôi mượn một số tiền để cầm cự đến ngày được nhận công việc mới. Điều đáng nói là chị chưa từng gặp mặt tôi, chỉ có trong tay một cái tên, một địa chỉ email và một số điện thoại hết sức mơ hồ. Chị nói, nghe giọng tôi là người Hà Tĩnh, chị muốn giữ lòng tin trong cuộc sống vẫn còn những người trẻ biết giữ lời hứa, biết tôn trọng danh dự của mình, vì vậy, chị đã giúp tôi. Trong xã hội đầy rẫy những trò lừa đảo, việc tin một người xa lạ đó có giá rất đắt nhưng chị vẫn nhiệt tình giúp đỡ.
Cũng trong thời gian này, tôi được sự giúp đỡ của một chú là người “Sài Gòn gốc”. Vô tình, tôi kể câu chuyện cho chú nghe. Chú đã nhiệt tình giúp tôi và vận dụng mọi quan hệ có được để xin cho tôi vào làm một công ty về viễn thông bậc nhất TP.HCM. Chú đứng ra bảo lãnh, lo mọi vấn đề về việc phỏng vấn hay là sự kỳ thị lao động cho tôi.
Những người dân miền Trung hiền lành, tử tế hy vọng sự kỳ thị sẽ được gỡ bỏ.
Qua chuyện này, tôi chợt có ý nghĩ, hai con người gần như xa lạ với tôi đã có thể đặt niềm tin vào tôi, vậy tại sao mọi người không mở lòng để thử đặt niềm tin vào những người xứ Nghệ, Thanh một lần nữa. Tôi không dám đảm bảo sẽ không có trường hợp gây thất vọng, nhưng tôi kỳ vọng khi sự kỳ thị dần được gỡ bỏ, mọi người sẽ gặp gỡ và hiểu hơn được nhiều về người Thanh, Nghệ chúng tôi.
Tôi cũng muốn gửi gắm đến các bạn cùng cảnh ngộ bị phân biệt đối xử giống như tôi hãy vững lên mà sống. Các bạn phải sống tốt, sống đàng hoàng để sau này con cái, em út của các bạn khi vào đây xin việc, làm ăn không bị đối xử một cách tồi tệ mà nhiều lúc như là tiệt đường sống. Người ta thường bảo “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, nhưng chính chúng ta phải thay đổi cái định kiến đó, để mọi người nhìn chúng ta một cách tôn trọng.
Theo Zing
Hiện tượng kỳ thị dân tỉnh lẻ bao giờ mới kết thúc?
Không ít học sinh lên lớp mang theo mình một nỗi mặc cảm khôn nguôi về cái gọi là "hộ khẩu" và cảm thấy buồn khi bị bạn bè phân biệt vùng miền một cách thô lỗ.
Nhiều người không khỏi buồn lòng khi chứng kiến thói quen kì thị giữa những người có hộ khẩu thành phố và dân tỉnh lẻ. Chỉ cần một cú nhấp chuột chúng ta có thể tìm thấy các diễn đàn, nhóm được lập ra nhằm mục đích phân biệt vùng miền trên cả nước. Với giới trẻ, trang mạng chủ yếu là facebook cũng không ít những bài báo, những câu nói miệt thị dân nhà quê, dân tỉnh lẻ.
Phân biệt vùng miền đang ở mức báo động
Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện không ít lời nói phân biệt vùng miền khiến dân mạng dậy sóng. Phần lớn, những người phân biệt vùng miền đều tự nhận mình xuất thân từ thành phố. Họ cảm thấy tự hào khi mình có một "hộ khẩu" chính danh người thành phố và tự cho mình quyền coi thường, miệt thị dân tỉnh lẻ.
Nhiều người không khỏi buồn lòng khi nghĩ về hai chữ "hộ khẩu" bởi nhiều lúc hộ khẩu chính là tấm vé thông hành giúp họ thuận lợi trong cuộc sống. Những người này chia sẻ, sự quản lý dựa trên hộ khẩu đã tạo ra cả một lĩnh vực dịch vụ giấy tờ tư pháp trong đó người ta phải chi cả chục triệu đồng cho các "cò" chỉ để đổi lấy tư cách công dân của một thành phố lớn. Chưa kể những người này, đã tham gia đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của thành phố ấy, họ đã làm vai trò của một công dân tốt hơn rất nhiều người vốn có hộ khẩu khác.
Mới đây người ta thi nhau kể về một vụ tai nạn xảy ra, giữa thanh niên đi xe máy, biển số Phú Thọ, lấn sang làn đường ô tô và làm cho một chiếc Lexus LX570 rất đắt tiền móp đầu. Người qua đường chụp ảnh, đưa lên facebook, và nhanh chóng gây được sự chú ý. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, nhưng mang kịch tính lớn, bởi vết móp trên chiếc xe Lexus có thể trị giá cả mấy cái xe máy mà người thanh niên kia đang đi. Nhưng rồi rất nhanh, một vài người chú ý đến cái biển số xe 19 và bắt đầu một cuộc dèm pha, chì chiết, với luận điệu khó nghe như: "đi lại như đường làng", "bọn trẻ trâu", "bọn tỉnh lẻ", "đáng đời cho bọn tỉnh lẻ không hiểu giao thông", "thật đáng đời cho bọn tỉnh lẻ",...
Chỉ vì biển số xe 19 mà chàng trai bị ném đá không thương tiếc.
Có lẽ nhiều bạn trẻ vẫn chưa quên những lời nói của một cô gái tên Mi Mi khi buông những lời cay nghiệt khi chê bai dân Thanh Hóa, Nghệ An. Cô nàng này không ngớt chê dân Nghệ An, Thanh Hóa là "nhà quê", "không đáng làm bạn". Chưa dừng lại ở đó, cô gái còn khuyên bạn bè hãy tránh xa, "nói không" với dân Nghệ An Thanh Hóa. Sự việc khiến không ít bạn trẻ bức xúc. Họ cho rằng cô gái này đang cố tình phân biệt vùng miền và cô là người thành phố Huế.
Cô gái Huế kêu gọi mọi người nói không với dân Nghệ An, Thanh Hóa.
Và có lẽ, vùng đất bị dân mạng "ném đá" nhiều nhất chính là Thanh Hóa. "Ở vùng miền nào chả có người tốt và người xấu, khi nào các bạn nói về một nguồn gốc nào đó thì các bạn nên tôn trọng nguồn gốc của họ...", ca sĩ Phương Thanh (một người con Thanh Hóa) từng chia sẻ chân thành trên một diễn đàn.
Nhưng đó chỉ là lời nói, thực tế không ít sinh viên Thanh Hóa theo học tại các thành phố lớn đều bị bạn bè khinh miệt thậm chí là tẩy chay. Đơn giản vì họ có hộ khẩu mang tên Thanh Hóa. Một bạn trẻ kể với bố mẹ rằng "Lớp con có 13 đứa dân Hoa Thanh Quế bố à, lớp con ghét bọn này lắm". Người bố ngạc nhiên hỏi con: "Vì sao thế con". Cậu con trai hồn nhiên trả lời: "Đơn giản mà bố, Hoa Thanh Quế là Quê Thanh Hóa, mà đã là người Thanh Hóa thì ghét tất bố ạ". Người bố nghe xong không khỏi buồn lòng và thuyết giáo cho cậu con một bài học về tôn trọng nơi chôn rau cắt rốn của người khác.
Hay cơ sự đến từ mảnh đất cảng Hải Phòng. Vào những năm trở lại đây, thành tích của ngành công an cả nước phải kể đến Hải Phòng. Vì số lượng các băng nhóm, đối tượng "giang hồ" bị bắt giữ dẫn đầu nước ta. Nên vô hình chung, mọi người cứ quy chụm lại, đất cảng là nơi "máu lửa" nhất của tội phạm ở Việt Nam. Kẻ kể, người nói, cứ thế không ai bảo ai, một số người tự vạch ra tâm lý ngại tiếp xúc với người Hải Phòng với lý do đơn giản là sợ.
Vì đâu nên nỗi phân biệt vùng miền?
Thực tế, câu chuyện phân biệt vùng miền chưa có hồi kết trong giới trẻ cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Mà có lẽ, đó là do tâm lý chung của người Việt. Tâm lý có hộ khẩu thành phố để dễ bề làm ăn, hay hãnh diện với bạn bè khi mình là người thành phố,...
Nhiều người thở dài khi nghĩ tới sự phân biệt này biết bao giờ mới có hồi kết? Họ chỉ biết rằng sự chia rẽ miệt thị vẫn đang diễn ra khắp nơi trên phố, trong công ty, hay là trong mỗi ngôi nhà, nơi một anh trai "ngoại tỉnh" đến gặp gia đình người yêu ở Hà Nội, hay có hộ khẩu con mới được theo học trường công.
Câu chuyện của em Đỗ Hồng Sơn (lớp 11A5, Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị buộc thôi học, đã phải viết tâm thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vì không có hộ khẩu Hà Nội là một minh chứng cho nỗi lo của các bậc làm cha, làm mẹ.
Một bộ phận vẫn muốn có được biển số xe Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh nên việc ồ ạt nhập cư vào các thành phố lớn này là điều đang diễn ra từng ngày. Việc "phân biệt hộ khẩu" vẫn hàng ngày diễn ra trên mỗi phố xá, một cộng đồng nào đó.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về vấn đề hộ khẩu và cơ chế vùng miền. Có như thế chúng ta mới tạo nên được một đất nước đoàn kết và cùng nhau phát triển. Việc xóa bỏ kỳ thị và phân biệt không khó, chỉ cần mỗi người ý thức được chúng ta là người Việt Nam, là con Lạc cháu Hồng. Vì sao chúng ta phải kì thị nhau khi có chung một nguồn gốc?
Theo ĐSPL
Báo nước ngoài khen ngợi Việt Nam trong tìm kiếm MH370 Người dân Malaysia rất vui mừng và cảm động trước sự giúp đỡ nhiệt tình của Việt Nam trong việc tìm kiếm máy bay MH370" - nhiều phóng viên Malaysia nói với chúng tôi Báo news.com.au của Úc viết: "Việt Nam đã rất nhanh chóng đóng góp các nguồn lực cho nỗ lực tìm kiếm và còn nhanh hơn trong việc công khai...