Những mùa Tết rẫy
Những mùa Tết rẫy luôn đong đầy tình thương mến. Dẫu giản dị đơn sơ mà thương nhớ đến nao lòng.
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở miền sông nước nhưng cuộc đời lại đẩy đưa lên miền Đông lập nghiệp sau khi lấy chồng. Khi lên đây tôi đã năm tuổi nên vùng đất này là cả quãng thời gian ấu thơ tươi đẹp của tôi. Cho đến tận bây giờ khi đã công tác ở thành phố, tôi cũng đã có hơn hai mươi năm gắn bó với vùng đất đỏ bazan Bình Phước.
Mâm cơm ngày tết gia đình cũng có bánh tét, khổ qua, thịt kho hột vịt và món tôi thích nhất mà năm nào về mẹ cũng làm đó là cơm lam ăn kèm gà nướng. Ảnh: Internet
Trong lòng tôi luôn thầm cảm ơn mảnh đất này đã bao dung cho tôi được chọn làm quê hương thứ hai, nơi tôi luôn đau đáu nhớ về. Nhất là trong những dịp tết đến xuân về. Bởi vậy mà quãng đường hơn hai trăm cây số dường như ngắn lại khi lòng tôi luôn nôn nao được đặt chân về nhà. Ngày tết xe đông, đường đông nhưng hình như ai cũng mang cùng một tâm trạng, đó là mong ước đoàn viên sum họp bên gia đình.
Chiếc xe đò đưa tôi về miền đất đỏ khi ánh nắng xuân vàng ươm rọi qua những cung đường. Con đường nhỏ dẫn vào nhà tôi đã được tráng nhựa nên thuận tiện đi lại. Dưới những tán điều xanh um, căn nhà ba mẹ tôi bình yên nép mình.
Mẹ ôm tôi vào lòng, mùi mồ hôi nồng lên làn tóc rối. Đôi bàn tay thô ráp vuốt nhẹ mái tóc tôi hỏi thăm chuyện đường đi, xe cộ. Ba pha cho tôi một li cà phê vì biết tôi mỗi lần về nhà đều phải uống bằng được hương vị cà phê nâu nồng nàn. Nhấp một ngụm cà phê, nghe trong từng giọt nâu hương nắng gió vùng đất đỏ quyện hoà vào đắng đầu lưỡi nhưng sau đó vịt ngọt dịu dần lan toả.
Mùa xuân ở xóm tôi cũng khá bình yên và không nhộn nhịp như nơi thị thành. Mùa này cao su vào thời kì thay lá, từng hàng cây vươn những nhành cây trơ trọi lên bầu trời, ấp ủ dòng nhựa trong thân để chuẩn bị cho mùa ra lá xanh um. Những vườn điều bắt đầu đơm trái. Tôi nhớ mấy năm trước vụ điều đến sớm, nhà tôi chỉ nghỉ ngày mùng 1 sau đó đều ăn tết trong rẫy. Mùa điều rộ, hầu như gia đình có rẫy rộng cũng cất tạm một lán nhỏ để nghỉ trưa lại hoặc buổi tối ngủ để trông vườn. Cả nhà vừa nhặt điều vừa trò chuyện vui vẻ, thường chỉ một buổi rồi về nghỉ ngơi.
Video đang HOT
Mâm cơm ngày tết gia đình cũng có bánh tét, khổ qua, thịt kho hột vịt và món tôi thích nhất mà năm nào về mẹ cũng làm đó là cơm lam ăn kèm gà nướng. Gà thả đồi thịt săn chắc được mẹ ướp khéo để khi nướng vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên của gà. Em trai tôi hì hục chọn những ống nứa nho nhỏ, rửa sạch rồi làm một bếp lò dã chiến ngoài vườn để gác ống nướng cơm lam. Món này thằng nhóc rất thạo và làm nhiều lần nên rất ngon, cơm chín dẻo thơm mùi ống nứa ăn kèm gà nướng đậm đà làm cho bữa cơm ngày tết của gia đình tôi luôn nghe tiếng xuýt xoa khen ngon.
Một chuyện tôi ấn tượng nhất nơi này vào ngày tết chính là đốt lửa lồ ô đêm giao thừa. Nhà nào ngày ba mươi cũng chuẩn bị sẵn một đống củi ở giữa sân hoặc trước cửa nhà được chất từ lồ ô, một loại cây mọc rất nhiều ở vùng này.
Khi đồng hồ nhích dần về thời khắc giao thừa cũng là lúc mọi người tập trung ra trước sân nhà. Chuông đồng hồ điểm không giờ cũng là lúcnhững tiếng “bụp” rất to từ cây lồ ô cháy vang lên giòn giã khắp xóm. Mọi người quan niệm ánh sáng và âm thanh đó sẽ xua tan những xấu xa, bóng tôi và đón một năm mới an lành.
Tôi không biết điều đó đúng không nhưng đối với tôi hình ảnh đống củi cháy to, văng những tia lửa hình hoa nho nhỏ và tiếng nổ giòn giã giữa cái lạnh vùng đồi núi đã mang mọi người đến gần nhau hơn. Bên ánh lửa, ba mẹ chúc hai chị em tôi năm mới hạnh phúc và an lành, chúng tôi chúc ba mẹ nhiều sức khoẻ và những vụ mùa bội thu, trúng giá.
Những mùa xuân nơi miền Đông nắng gió,tôi cảm giác được thư thả sau những ngày sống và làm việc với nhịp sống hối hả ở phố. Nơi đây có những con đường đất đỏ thân thương đã ghi dấu kỉ niệm ngày thơ, có những mùa phê ngạt ngào hoa. Có mái gia đình yên ấm mà tôi luôn nhớ và luôn mong ngóng tôi trở về. Những mùa Tết rẫy vì thế luôn đong đầy những thân tình thương mến. Dẫu giản dị đơn sơ mà thương nhớ đến nao lòng.
Theo NLD
Mâm cơm mùng 1 Tết Canh Tý mong một năm ấm êm no đủ của các gia đình Việt
Mâm cơm mùng 1 Tết của các gia đình Việt có đầy đủ những món ăn truyền thống, được trình bày đẹp mắt với mong ước một năm Canh Tý hạnh phúc, ấm êm.
Theo phong tục đón Tết truyền thống, vào sáng sớm ngày mùng 1 Tết, các gia đình thường đi chùa cầu an, cầu mong một năm mới thuận hòa, sung túc. Sau đó, mọi người trở về nhà, quây quần bên nhau trong giây phút đầu xuân năm mới, những lời chúc tốt đẹp, những phong bao lì xì may mắn được trao gửi tới nhau.
Tiếp theo, các thành viên trong gia đình cùng chuẩn bị làm cỗ cúng mùng 1 Tết. Đây là mâm cơm đầu năm mới nên rất được coi trọng. Sau khi dâng lên cúng gia tiên, con cháu sẽ tạ lễ và thụ lộc. Theo tục lệ, ngày mùng 1 là ngày dành cho gia đình. Anh em, người thân, họ hàng sẽ sum vầy bên mâm cơm, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống và chuyện trò vui vẻ. Với nhiều gia đình, mâm cơm ngày mùng 1 Tết có ý nghĩa quan trọng, bởi đó là dịp họp mặt đông đủ của các thành viên, có khi một năm chỉ diễn ra một lần.
Không đơn thuần chỉ là mâm cơm cúng, người Việt còn gửi gắm vào đó nhiều mong muốn về một năm mới hạnh phúc, ấm êm, no đủ, sung túc. Về cơ bản, các món ăn vẫn gồm các món truyền thống như bánh chưng, gà luộc, nem rán, canh măng, giò lụa. Cũng có một số gia đình chế biến nhiều món đa dạng và lạ miệng hơn. Dưới đây là một số mâm cơm ngày Tết Canh Tý 2020 của các gia đình Việt.
Một mâm cơm ngày mùng 1 Tết với các món truyền thống như nem rán, gà luộc, canh măng. (Ảnh: Lâm Mỗ)
Mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc thường có món dưa hành chống ngán, ăn kèm bánh chưng. Xôi gấc, giò lụa, thịt đông cũng là những món không thể thiếu. (Ảnh: Quỳnh Trang Nguyễn)
Canh măng thường được nấu kèm miến. Một số gia đình còn nấu xôi ngũ sắc cho mâm cơm thêm đẹp mắt. Ngoài ra, chuẩn bị vài ba món lạ miệng như khoai lang kén. (Ảnh: Quỳnh Trang)
Một mâm cơm được trình bày rất đẹp mắt với một số món lạ miệng như giò ngũ sắc trứng muối, bò sốt tiêu đen và bánh bao chiên. (Ảnh: Dat Beo)
Với người Việt, ngày mùng 1 Tết là ngày dành cho gia đình, khi mọi người quây quần bên nhau bên mâm cơm ngày Tết. (Ảnh: Châu Anh)
Nem rán là món ăn xuất hiện trong mọi mâm cỗ Tết, dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam. (Ảnh: Huong Tran)
Một măm cơm thắp hương mùng 1 Tết không có gà luộc, mà thay vào đó là món cá mú đỏ hấp. Ngoài ra còn có món nộm hoa chuối và bắp bò ngâm. (Ảnh: Lại Kim Chi)
Ngày nay, nhiều gia đình hiện đại rất chịu khó bày biện, trang trí món ăn cho mâm cơm ngày đầu năm mới đẹp mắt. (Ảnh: Lê An Na)
Mâm cơm ngày Tết của người miền Nam thường có canh khổ qua và thịt kho tàu. (Ảnh: Ngô Đoàn Quỳnh Hương)
Và có bánh tét thay vì bánh chưng. (Ảnh: Ngô Đoàn Quỳnh Hương)
Theo Thoidai.
Độc đáo ẩm thực ngày Tết của các dân tộc vùng cao Nghệ An Mỗi dân tộc ở vùng cao Nghệ An như Thái, Mông, Khơ mú đều có những nét độc đáo riêng trong văn hóa ẩm thực. Tết đến Xuân về, họ đều chuẩn bị cho gia đình những món ăn đặc trưng để vừa cúng tổ tiên vừa tiếp khách quý. Mỗi dân tộc ít người ở miền Tây Nghệ An đều có một...