Những món quà vặt Hà thành không thể bỏ qua vào ngày se lạnh
Dạo qua các con phố Hà Nội trong ngày mưa tháng 10 để tìm hàng ăn vặt ấm lòng, hợp vị nhé.
Hà Nội tháng 10 cũng là lúc thu về rõ nhất, gió đã lạnh hơn và mưa lâm thâm cũng buốt hơn. Trong tiết trời như vậy, sẽ chẳng gì thích hơn ngoài việc cứ xâm xẩm tối, ghé quán nhỏ nào đó dọc đường cùng bạn bè và ăn một món gì nóng nóng, bên những câu chuyện chẳng bao giờ dứt.
Nếu như ngày xưa, thu Hà Nội gắn liền với trái hồng đỏ, cốm xanh non thì bây giờ, giới trẻ đã có thêm nhiều món quà để cùng nhau nhẩn nha thưởng thức trong cái gió se sắt của ngày thu. Phố phường Hà Nội nhộn nhịp, đặt chân xuống phố mà không biết mình cần đến đâu rất dễ khiến bạn rơi vào sự hụt hẫng, hãy luôn có trong đầu rằng mình sẽ ăn gì, sẽ đến đâu để tận hưởng trọn những cái thú nhỏ trong gió thu. Và nếu bạn chưa biết? Vậy thì, hãy cùng chúng mình đi vòng vòng vài con phố Hà Nội để tìm ra một vài địa chỉ đáng thử trong những ngày này nhé.
1. Chân gà/Cánh gà Hàng Thùng
Phố Hàng Thùng nhỏ hẹp, nhưng chẳng lúc nào thôi nhộn nhịp vì những hàng ăn mọc lên san sát. Ở địa chỉ 14 Hàng Thùng, có một hàng chân/cánh gà mới mở, rất được các bạn trẻ yêu thích. Ở đây có đủ các “bộ phận” của con gà chứ chẳng riêng gì chân, cánh, lại thêm có món mực, món sụn,… Nhưng cách chế biến thì tuyệt nhiên chỉ có rang muối. Miếng chân gà lớn, chắc nịch được phủ một lớp vỏ vàng ruộm, lấm tấm màu trắng ngà của hạt muối. Cắn vào thấy đầu tiên là cái giòn rụm của vỏ, rồi đến lượt cái dai dai của da và chạm đến phần thịt thì mềm, sụn thì sậm sựt vui miệng, chấm thêm chút nước chấm chua cay đặc chế của quán nữa là hoàn hảo.
Video đang HOT
Giá của một chiếc chân gà ở đây là 10k, 20k đối với cánh gà. Ngoài chân và cánh là 2 món hot, cửa hàng này còn có thêm sụn, cổ gà và các loại cháo để ăn cho no bụng sau khi đã thỏa thuê nhâm nhi các món rang muối.
2. Bún ốc
Trời mưa lâm thâm, lành lạnh thế này, chẳng gì hơn là ngồi bên bát bún nóng hổi, khói bốc nghi ngút. Nhất là bún ốc ấy! Bún ốc vừa có cái chua của dấm bỗng, cái cay nhè nhẹ của chút ớt trưng gia giảm thêm vào bát, rồi thì cái mùi chua dìu dịu của những dong cà chua màu cam đỏ mỡ màng, lại thêm cái thanh thanh của những con ốc bóng bẩy trong bát, tất cả tạo nên một tổng thể giản đơn mà hòa hợp chẳng thể trật đi một nốt, nhất là khi thưởng thức chúng vào mùa lạnh. Cái cay nhẹ giúp bạn ấm, rồi cái thanh giúp giải nhiệt cho cái cay, có lẽ là vì vây mà khi tiết trời chuyển lạnh, người ta chỉ thèm ăn bún ốc mà thôi.
Bún ốc ngon ở Hà Nội không thiếu, những lần trước chúng mình từng giới thiệu các bạn đi ăn bún ốc ngõ Đồng Xuân, bún ốc Hòe Nhai thì lần này, hãy thử ra mạn Triệu Việt Vương, số nhà 149 ăn bún ốc kèm rau muống chẻ, hay tối muộn thì về giữa phố Lò Đúc, đoạn từ 23-27 ăn bún ốc với nước dùng thanh nhẹ đúng điệu xem sao nhé.
3. Cháo
Cháo Hà Nội thì quá nổi tiếng rồi, nhất là mạn Lý Quốc Sư, biết bao nhiêu hàng cháo ngon. Thế mà dạo này nhiều người bắt đầu chê cháo Lý Quốc Sư đắt hơn, ít hơn mà chất lượng chẳng bằng ngày trước. Vậy thì bạn thử đi vào ngõ Thọ Xương xem sao. Trong này có một hàng cháo, chỉ bán đến 4h-4h30 là hết sạch rồi, lại toàn bán cho người trong ngõ, trong khu này, giá cũng chẳng đắt mà một bát cháo cũng đầy, quan trọng hơn cả là ngon. Cháo nhuyễn mịn, trắng muốt, lẫn những miếng thịt sườn hồng nhạt. Ăn vào thấy thơm mùi gạo mới, ngọt vị xương ninh, lại thêm cái quẩy cắt nhỏ ăn giòn giòn, ấm bụng biết mấy!
4. Ghẹ mi nhon
Nhắc đến cua, ghẹ là nhiều bạn trẻ đã vội nhăn mặt rồi, cua/ghẹ hay hải sản đều là món ăn vặt kiểu… sang mà, ăn mà không khéo là “méo mặt” khi trả tiền ngay. Nhưng mà trên phố Đường Thành, số nhà 39, có hàng ghẹ nổi tiếng bao nhiêu năm nay vì món ghẹ ngon rẻ rồi, thế nên các tín đồ của cua/ghẹ chẳng phải lo nhiều mỗi khi thèm mà chẳng may… rỗng túi nhé.
Ghẹ mi nhon nên cũng bé bằng lòng bàn tay thôi, nhưng ăn ghẹ trứng thì đầy trứng, ghẹ thịt thì căng thịt. Lại được thêm cái ghẹ tươi, nhỏ nên thịt lúc nào cũng ngọt. Tiếc cái là quán nhỏ, nếu bạn định đi đông người thì hãy đến sớm chút kẻo chẳng còn chỗ ngồi, mà buồn hơn là chẳng còn ghẹ để ăn. Giá một con ghẹ ở đây, sau 3-4 lần tăng giá cũng thành hơn 50k rồi, và ngoài ghẹ ra thì còn ốc, ngao nữa nhưng thú thật thì mấy món này chẳng mấy đặc sắc so với “vơ đét” ghẹ mi nhon đâu.
Theo Tapchiamthuc
Lường phảnh Hội An - món quà vặt dân dã
Đến Hội An bạn không khó để tìm những gánh hàng rong bán món lường phảnh.
Lường phảnh là một trong những món quà vặt dân dã, rẻ tiền, không kén chọn theo mùa hay độ tuổi. Đây là món ăn khá quen thuộc với nhiều người Hội An, chỉ cần đi lang thang trong khu phố cổ, bạn sẽ không khó gì để tìm những gánh hàng rong trong đó có món lường phảnh. Thế nên, khi đến với Hội An thăm những ngôi nhà cổ, ăn cao lầu, cơm gà, hến trộn... nhưng chưa thưởng thức món lường phảnh thì du khách như chưa cảm nhận hết cái hồn của phố cổ.
Nguyên liệu chính làm nên món này là cây lường phảnh - một loại cây giống như rau dền phơi khô. Bên cạnh cây lường phảnh, các phụ liệu kèm theo cũng không kém phần quan trọng. Người ta thường cho thêm vào một số vị thuốc bắc như đương quy, thục địa, để tạo nên hương vị đặc trưng.
Lường phảnh có thể ăn liền hoặc để trong ngăn lạnh dùng dần. Khi ăn thường cắt ra từng khối nhỏ hình chữ nhật hay hình vuông
Từng công đoạn làm lường phảnh khá tỉ mẩn. Trước tiên, cây được rửa sạch, cho vào nồi nấu rồi sau đó cho thêm các vị thuốc bắc vào. Sau cùng cho nước tro tàu đã lọc vào nồi với tỷ lệ vừa phải. Nếu không quen tay, cho nước tro tàu nhiều hay ít quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của mẻ lường phảnh. Khi nấu, phải canh cho nồi lường phảnh vừa chín tới, không được rục quá, sau đó tắt bếp, dùng bao vải lọc lấy nước. Độ vài giờ sau, chất nước ấy đông đặc lại thành khối có màu đen lóng lánh là có thể đem ra dùng.
Lường phảnh ngon hay không phần nhiều phụ thuộc vào nước đường chan ăn cùng. Người có kinh nghiệm thường chọn loại đường bát ở xứ Quảng để nấu. Đường bát chặt nhỏ cho nước vào thắng sao cho có độ keo, ngọt lịm nhưng không bị khét. Trong nồi nước đường bao giờ cũng có thêm một ít gừng cho có vị cay, tăng thêm phần ý vị.
Lường phảnh có thể ăn liền hoặc để trong ngăn lạnh dùng dần. Khi ăn thường cắt ra từng khối nhỏ hình chữ nhật hay hình vuông. Thi thoảng người ta còn cho thêm một vài miếng xu xoa cùng một ít hạt é rồi mới chan nước đường.
Ai lần đầu thưởng thức cũng không khỏi ngạc nhiên trước một chén lường phảnh khá bắt mắt với màu đen bóng xen lẫn màu hổ phách của nước đường. Vậy là không thể chần chừ hơn nữa, từng khối lường phảnh sừn sựt nơi đầu lưỡi, hương vị ngọt ngào của đường, cay cay của gừng pha lẫn hương thanh nhẹ của các vị thuốc bắc còn đọng mãi trong lòng thực khách...
Theo Phan Thị Thanh Ly (Saigonamthuc)
Chuối nếp nướng trên phố Sài Gòn Vị ngọt thanh của chuối chín xen lẫn cái bùi béo của gạo nếp và nước cốt dừa đem lại cho người ăn sự ngon miệng. Chuối và những món ngon không thể bỏ Chuối nếp nướng là món quà vặt quen thuộc ở miền Tây, nhất là vùng Châu Đốc (An Giang). Theo chân những người con xứ miệt vườn lên Sài...